Trong những năm gần đây, Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)Việt Nam chú trọng tuyên truyền chính sách BHTG đến người gửi tiền tại khu vực nông thôn - nơi có các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động.
Nhờ đó, chính sách BHTG được triển khai có hiệu quả, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm cho hệ thống QTDND phát triển an toàn, bền vững giúp cho người dân ngày càng hiểu hơn về chính sách BHTG cũng như hoạt động của BHTG Việt Nam. Đây là một trong những chủ trương đúng đắn của BHTG Việt Nam và đã được triển khai một cách có hiệu quả.
Đa dạng hóa kênh truyền thông cho người gửi tiền
Người gửi tiền tại QTDND - nhóm công chúng được BHTG Việt Nam dành sự ưu tiên đặc biệt trong các hoạt động truyền thông xuyên suốt của tổ chức những năm qua. Bởi đây là nhóm công chúng ít có điều kiện tiếp cận với thông tin, kiến thức về lĩnh vực tài chính - ngân hàng nên rất dễ bị tổn thương trước các thông tin trái chiều. Do đó, đối với các kênh truyền thông được sử dụng, BHTG Việt Nam đều hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của họ vào các QTDND nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, từ đó góp phần gìn giữ sự an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Trước hết, có thể kể tới website BHTG Việt Nam - kênh thông tin thể hiện tiếng nói chính thức của BHTG Việt Nam, truyền tải các nội dung chính sách tới đông đảo công chúng với trung bình khoảng hơn 1 triệu lượt truy cập mỗi năm, trong đó có chuyên mục “Người gửi tiền nên biết” được thiết kế riêng cho người gửi tiền. Đây là chuyên mục với những thông tin gắn bó trực tiếp tới quyền, lợi ích của người gửi tiền, được cập nhật liên tục theo những chủ đề mới, được người gửi tiền quan tâm. Nhiều tin, bài trong chuyên mục này đã đáp ứng trực tiếp nhu cầu thông tin của người gửi tiền tại các QTDND, đồng thời tuyên truyền chính sách BHTG một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất.
Bản tin BHTG được xuất bản hàng quý được gửi tới tất cả các tổ chức tham gia BHTG, trong đó có 1.181 QTDND, qua đó cung cấp thông tin tới những lãnh đạo và cán bộ giao dịch tại các đơn vị này, nhằm đảm bảo họ có kiến thức, hiểu biết về BHTG để tuyên truyền, giải thích cho người gửi tiền ở mức độ cơ bản nhất khi cần thiết.
Bên cạnh đó, cuốn Cẩm nang BHTG dành cho người gửi tiền là tài liệu quan trọng, với nội dung bao quát các vấn đề cơ bản của chính sách BHTG nhìn từ góc độ người gửi tiền. Cẩm nang đã được sử dụng để phát cho người gửi tiền tham gia các sự kiện tuyên truyền do BHTG Việt Nam tổ chức và phối hợp tổ chức. Đồng thời, với việc biên soạn nội dung cụ thể, trực tiếp theo từng câu hỏi, từng vấn đề, diễn giải dễ hiểu, có căn cứ và logic, Cẩm nang chính là cơ sở cho việc tuyên truyền, giải thích về chính sách BHTG, đặc biệt là đối với người gửi tiền tại khu vực nông thôn.
Để đảm bảo độ bao phủ về thông tin chính sách BHTG trên phạm vi cả nước, BHTG Việt Nam phối hợp cùng các báo, tạp chí có lượng độc giả lớn, đặc biệt là các báo hướng tới đối tượng người lao động, người làm nông nghiệp để triển khai tuyên truyền. Các bài viết được đăng tải đồng thời trên báo điện tử và phiên bản báo giấy nhằm tiếp cận được đối tượng độc giả đa dạng. Nội dung các bài viết xoay quanh các vấn đề cốt lõi của chính sách BHTG, hoạt động của BHTG Việt Nam, hỏi - đáp về chính sách. Trong đó, BHTG Việt Nam thiết kế những nội dung phù hợp với nhu cầu thông tin của nhóm công chúng tại khu vực nông thôn, đặc biệt là với những vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền lợi người gửi tiền như: Hạn mức BHTG, tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền được bảo vệ như thế nào...
Thông qua kênh phát thanh, truyền hình, BHTG Việt Nam cũng xây dựng nhiều nội dung phóng sự, phim tài liệu, tiểu phẩm tuyên truyền chính sách BHTG để phát tại các sự kiện tuyên truyền cũng như các kênh phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương. Thực tế cho thấy, việc sử dụng tiểu phẩm, clip để truyền tải nội dung chính sách sẽ giúp những nội dung này trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận đối với phần đông công chúng và thu hút được sự quan tâm cao.
Song song đó, BHTG Việt Nam phối hợp với các cấp chính quyền tại địa phương cùng các nhóm, hội, hiệp hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hiệp hội ngành, nghề... để lồng ghép tuyên truyền chính sách qua nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng một cách dễ hiểu, dễ ghi nhớ. Ngoài ra, việc phối hợp tuyên truyền tại những sự kiện thường niên của QTDND để chia sẻ thông tin cho người gửi tiền đã và đang đem lại hiệu quả tích cực về nhận thức của người dân đối với chính sách BHTG…
Tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG, đặc biệt là tới người gửi tiền tại các QTDND, một số khó khăn, hạn chế và giải pháp có thể kể ra là:
- Luật BHTG chỉ quy định BHTG Việt Nam có nhiệm vụ tuyên truyền chính sách BHTG mà không quy định tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm phối hợp với BHTG Việt Nam trong việc tuyên truyền. Hiện tại, các tổ chức tham gia BHTG tham gia tuyên truyền chính sách BHTG chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, song không có ràng buộc pháp lý, trong khi đây cũng là đối tượng được thụ hưởng từ chính sách, đồng thời cũng là đầu mối trực tiếp giao dịch, tiếp xúc với người gửi tiền, có sự thuận lợi trong việc tuyên truyền chính sách BHTG. Do đó, trong quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nên có nội dung theo hướng: Quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức tham gia BHTG là phối hợp với BHTG Việt Nam tuyên truyền chính sách BHTG. Cụ thể, các tổ chức tham gia BHTG ngoài việc niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG còn cần niêm yết công khai thông tin về chính sách BHTG tại quầy giao dịch, có trách nhiệm phối hợp truyền thông cùng BHTG Việt Nam.
- Hiện nay, sự hiện diện của chính sách BHTG trong hoạt động ngân hàng liên quan đến tiền gửi còn thấp, do đó chưa đạt được độ tiếp cận đối với người gửi tiền. Để đảm bảo đồng bộ, cơ quan quản lý ngành Ngân hàng nên có chủ trương chỉ đạo các tổ chức tham gia BHTG thực hiện in ấn, hiển thị logo BHTG Việt Nam và thông tin về hạn mức BHTG trên thẻ tiết kiệm, các giao diện người dùng có liên quan tới tiền gửi để người gửi tiền tiếp cận chính sách BHTG một cách thường xuyên, liên tục hơn.
- Chính sách BHTG là một bộ phận không thể tách rời của chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, và ngược lại, những diễn biến của hoạt động ngân hàng cũng có thể tác động tới người gửi tiền, dẫn đến tác động tới tổ chức BHTG và chính sách BHTG. Người gửi tiền tại các QTDND lại là đối tượng dễ bị tổn thương do thiếu thông tin, kiến thức về tài chính - ngân hàng - BHTG. Do đó, cần tiếp tục mở rộng phạm vi tuyên truyền của BHTG Việt Nam không chỉ khu biệt về chính sách BHTG, mà còn là thông tin hoạt động ngân hàng, chủ trương, chính sách tiền tệ nói chung, đặc biệt là những nội dung có liên quan đến người gửi tiền.
- Khu vực nông thôn, miền núi là địa bàn có sự phân bố với mật độ cao của các QTDND, dân cư ở đây cũng thường là khách hàng của các QTDND. Trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (giai đoạn 2), BHTG Việt Nam đã được giao nhiệm vụ tham gia sâu hơn vào hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tham gia BHTG quy mô nhỏ, trong đó có QTDND. Do đó, việc tuyên truyền chính sách tới người gửi tiền ở các quỹ này không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ thông thường, mà còn là trọng tâm cần được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới.
- Thực tiễn triển khai hoạt động truyền thông những năm qua cho thấy, sự phối hợp, tạo điều kiện của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố và của chính quyền địa phương là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, tại địa bàn hoạt động của các QTDND, tiếng nói của các cơ quan chính quyền là rất quan trọng, có tác dụng trấn an người dân khi tổ chức tín dụng gặp vấn đề. Do đó, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan nêu trên nhằm tạo cơ sở cho công tác tuyên truyền được hiệu quả.
Phạm Tuấn (Hà Nội)