Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, dân số khoảng 1,5 triệu dân, mật độ dân số gần gấp 5 lần mật độ dân số bình quân của toàn quốc, cao thứ ba chỉ sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê, tỉnh Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp tập trung, 26 cụm công nghiệp, số lao động ở khu công nghiệp hơn 450.000 người.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, Bắc Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi số ca mắc nhiều với đa nguồn lây, cả ở cộng đồng dân cư và khu công nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của chính quyền các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Bắc Ninh đã kiểm soát thành công đợt dịch, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Phóng viên Tạp chí Ngân hàng đã phỏng vấn ông Đàm Lê Văn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bắc Ninh về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
PV: Xin ông cho biết, trong thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH Bắc Ninh đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong đại dịch?
Ông Đàm Lê Văn: Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường,gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cả nước nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng, trong đó có nhiều khách hàng đang vay vốn tại Chi nhánh NHCSXH Bắc Ninh. Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho khách hàng vay vốn, Chi nhánh NHCSXH Bắc Ninh đã thực hiện những giải pháp tháo gỡ trong xử lý nợ như: Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay lại.
Chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương, tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát, nắm bắt kịp thời những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hướng dẫn khách hàng bị rủi ro do dịch Covid-19 đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xử lý theo quy định. Đến ngày 20/8/2021, Chi nhánh đã thực hiện tháo gỡ khó khăn cho 92 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số tiền 29,5 tỷ đồng; trong đó, đã thực hiện gia hạn nợ cho 34 khách hàng với số tiền 14,2 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 65 khách hàng với số tiền 12,4 tỷ đồng, 03 khách hàng vay lại với số tiền 2,9 tỷ đồng…
Chi nhánh đã tập trung tổ chức giải ngân kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt đối với các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo điều kiện để hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để đầu tư, khôi phục nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh… Từ khi dịch bùng phát đến nay, Chi nhánh đã thực hiện giải ngân 272.633 triệu đồng cho 5.968 khách hàng vay vốn.
PV: Việc triển khai chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Bắc Ninh diễn ra như thế nào, thưa ông?
Ông Đàm Lê Văn: Với phương châm chủ động, quyết liệt, kịp thời, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Chi nhánh NHCSXH Bắc Ninh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời điểm hiện nay. Ngay sau khi Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản Hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng Giám đốc NHCSXH được ban hành, NHCSXH tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và các sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban Nhân dân (UBND)tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trong đó có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; tổ chức tập huấn trực tuyến đến 100% cán bộ chuyên môn nghiệp vụ để hướng dẫn cách thức triển khai thực hiện.
Qua đó, Chi nhánh đã công khai được các chính sách đến các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, tuyên truyền rộng rãi chính sách đến các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm triển khai nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người sử dụng lao động nhanh chóng được vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, nhằm đảm bảo chính sách nhanh, sớm đi vào cuộc sống, góp phần khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để chính sách đến đúng với đối tượng thụ hưởng, ngoài việc công khai chính sách, thì mỗi cán bộ NHCSXH là một tuyên truyền viên để chính sách đến được với người sử dụng lao động. Do vậy, Chi nhánh đã chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện chủ động báo cáo, tham mưu với UBND, trưởng ban đại diện hội đồng quản trị cùng cấp để triển khai và tháo gỡ các khó khăn khi thực hiện chính sách; phối hợp với các cơ quan có liên quan làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và giám sát quá trình triển khai thực hiện.
Với tinh thần triển khai các chính sách một cách nhanh chóng, quyết liệt và hiệu quả, công tác hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Chỉ sau 20 ngày Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành, Chi nhánh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện giải ngân cho hai doanh nghiệp với số tiền là 16,135 tỷ đồng để kịp thời chi trả lương tháng 7/2021 cho 4.116 lao động. Đây là hai doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh và cũng là những doanh nghiệp đầu tiên của cả nước được tiếp cận chương trình tín dụng này. Đến nay, Chi nhánh đã nhận được 21 hồ sơ vay vốn để trả lương cho 12.059 lao động.Đối với các hồ sơ đã hoàn thiện và đủ điều kiện vay vốn, Chi nhánh đã thực hiện giải ngân cho 15 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 11.422 lao động với số tiền 44.650 triệu đồng, số hồ sơ còn lại sẽ được giải ngân trong tháng 9/2021. Hiện tại, Chi nhánh là đơn vị đã giải ngân được số tiền lớn thứ hai toàn quốc, sau Bắc Giang.
PV: Quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợcho doanh nghiệp và người dân có vướng mắc, khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Đàm Lê Văn: Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, Chi nhánh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp tỉnh, huyện; sự phối hợp chặt chẽ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan, tuy nhiên, bên cạnh đó Chi nhánh cũng gặp một số khó khăn:
Thứ nhất, đa số người sử dụng lao động phải dừng hoạt động do dịch Covid-19 nhưng không có quyết định hoặc văn bản của cấp có thẩm quyền về việc tạm dừng hoạt động cụ thể cho từng người sử dụng lao động, chỉ có văn bản chỉ đạo chung yêu cầu thực hiện dừng các hoạt động không thiết yếu hoặc chỉ có biên bản làm việc giữa UBND/Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương và người sử dụng lao động về việc phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy,chưa đáp ứng đủ yêu cầu về hồ sơ theo Quyết định số 23/QĐ-TTg. Vấn đề này Chi nhánh đã phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng tháo gỡ, hiện nay doanh nghiệp đã tiếp cận và được vay vốn.
Thứ hai,tại điểm b khoản 2 Điều 38 Chương X Quyết định số 23/QĐ-TTg, quy định điều kiện vay vốn “Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh” phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Tuy nhiên, người sử dụng lao động thuộc 5 nhóm đối tượng trên đều thực hiện tự khai, tự nộp thuế; khi cơ quan thuế chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra thì sẽ không xác nhận việc quyết toán thuế cho doanh nghiệp. Vì vậy,người sử dụng lao động không đủ điều kiện để được hỗ trợ vay vốn. Vướng mắc này Chi nhánh đã báo cáo UBND tỉnh, NHCSXH và NHCSXH cũng đã báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tháo gỡ.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm do dịch nên phát sinh nợ xấu, theo quy định thì những doanh nghiệp này không được vay vốn. Vấn đề này cũng đã được báo cáo Ngân hàng Nhà nước, các ngành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
PV: Trong thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH Bắc Ninh có những giải pháp gì để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân?
Ông Đàm Lê Văn: Để tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng, nhất là khách hàng ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chi nhánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhanh chóng tiếp cận với vốn vay để góp phần duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh - xã hội.
Chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu UBND các cấp bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
NHCSXH tỉnh, Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã tiếp tục đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, nguồn vốn tín dụng tiếp tục được thực hiện thông suốt trong đại dịch, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn. NHCSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ dân phố (thôn) nắm bắt tình hình thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra và đánh giá mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng để thực hiện các biện pháp điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ, cho vay bổ sung theo đúng quy định, đặc biệt là thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn, có vốn đầu tư phục hồi sản xuất sau đại dịch, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
PV:Theo ông, các doanh nghiệp và người dân cần phải làm gì để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 trong thời gian tới?
Ông Đàm Lê Văn: Để ứng phó với đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh thì công tác phòng, chống dịch phải được ưu tiên hàng đầu. Người dân và các doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quán triệt thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, cần thực hiện đúng yêu cầu phòng, chống dịch của các cấp có thẩm quyền, tuân thủ nghiêm ngặt quy định “5K” tại nhà máy cũng như các quy định khác của tỉnh. Cần phát huy tốt việc sản xuất phải an toàn và an toàn để sản xuất tốt, giữ vững sao cho mỗi doanh nghiệp như một pháo đài chống dịch, mỗi công nhân, người lao động như một chiến sĩ trong công tác phòng, chống dịch.
Để vượt qua những khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, thì bản thân các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa,phát huy nội lực, chuyển đổi phương thức hoạt động, đổi mới kinh doanhđể thích nghi với môi trường hiện nay; cần duy trì sản lượng, bảo đảm tiến độ các đơn hàng, không để ngưng trệ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.
PV