Keywords: Stock market, Vietnam, Covid-19 epidemic, policies and laws.
1. Đặt vấn đề
Trước bối cảnh đại dịch Covid-19, hầu hết các lĩnh vực đầu tư kinh tế đều bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư phải tìm kiếm những hướng đi mới. Chứng khoán là một trong những lĩnh vực hiếm hoi duy trì được trạng thái ổn định, thậm chí có những bước tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài và chưa thể đánh giá hết tác động sau này. Mặc dù Nhà nước ta đã có những chính sách, pháp luật can thiệp tích cực nhằm ổn định thị trường chứng khoán, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại một số thách thức cần được tiếp tục hoàn thiện để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ, trở thành lĩnh vực đầu tư an toàn, hiệu quả, thu hút nhà đầu tư trước bối cảnh nền kinh tế biến động. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ ổn định thị trường chứng khoán trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là điều rất quan trọng và cần thiết.
2. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020 và cho đến hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Dù Nhà nước ta đã sử dụng rất nhiều biện pháp cứng rắn nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để sự lây lan của dịch bệnh. Dưới tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam có những biến động rất khó lường, tuy nhiên dịch bệnh càng bùng phát thì lượng tiền đổ vào chứng khoán ngày càng nhiều1.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trở nên đầy biến động trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Cụ thể, tháng 01/2021, khi dịch có chiều hướng dần ổn định, có thể kiểm soát được là thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đang diễn biến tiêu cực, đồng thời cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, dừng phiên sáng ngày 28/01/2021, VN-Index giảm 40,42 điểm (3,47%) còn 1.125,63 điểm, HNX-Index giảm 5,94 điểm (2,56%) xuống 225,90 điểm, UPCoM-Index giảm 1,64 điểm (2,12%) còn 75,77 điểm2. Sang tháng 3/2021, thị trường chứng khoán phái sinh giảm mạnh so với tháng trước, nhưng tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 3/2021 tiếp tục tăng so với tháng 2/2021. Tuy nhiên, ngay khi bước vào tháng 4/2021, nhờ vào các chính sách kiểm soát dịch tốt hơn nên số đông người dân đều thử đầu tư vào thị trường chứng khoán. Đồng thời, cũng một phần nhờ vào các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã giúp cho thị trường chứng khoán có những bước khởi sắc. Dẫn chứng là vào gần cuối tháng 4/2021 đã xảy ra một phiên tăng điểm mạnh nhất từ tính từ đầu năm 2001. Cụ thể, vào ngày 20/4/2021, chỉ số VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử sau 20 năm ở mức 1.268,28 điểm với giá trị giao dịch trong ngày cao đạt 22.464 tỷ đồng3, đánh dấu một bước ngoặt mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Kể từ đầu tháng 4/2021 đến nay, thị trường chứng khoán luôn có những phiên tăng điểm tích cực.
Với tình hình thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng như hiện nay, cùng với mặt bằng lãi suất thấp đã khiến thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với tiền gửi, tạo ra sự thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, các cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư vào thị trường chứng khoán. Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2021, số tài khoản đăng ký mở mới đã đạt kỷ lục từ trước tới nay. Có thể thấy rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường chứng khoán có sức chống chịu và phục hồi tốt trước đại dịch Covid-19.
3. Chính sách, pháp luật về ổn định thị trường chứng khoán trước tác động của dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức nguy hiểm và khó lường, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giữ vững được đà tăng trưởng và đạt được nhiều thành công ấn tượng là nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước thông qua việc ban hành các chính sách, pháp luật nhằm ổn định thị trường chứng khoán.
Về phía Bộ Tài chính đã có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, về giải pháp ngắn hạn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xây dựng các kịch bản điều hành thị trường trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, trong đó có kịch bản duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của hệ thống giao dịch, hệ thống lưu ký và thanh toán chứng khoán kể cả trong trường hợp các Sở giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam bị phong tỏa do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin cho báo chí để dư luận nắm bắt, hiểu đúng tình hình, không bị tác động về tâm lý. Về giải pháp trung và dài hạn, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế về ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào đầu năm 2021, tập trung xây dựng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán. Để góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021, khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán được giảm 50% mức thu phí, lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư số 272/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán. Đối với lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (chứng chỉ) hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán được áp dụng mức thu lệ phí quy định tại điểm 20 Mục I Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư số 272/2016/TT-BTC. Đối với phí giám sát hoạt động chứng khoán được áp dụng mức thu phí quy định tại điểm 2 Mục II Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư số 272/2016/TT-BTC. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, Thông tư số 14/2020/TT-BTC đã quy định giảm giá từ 10 - 50% đối với 9 loại giá dịch vụ và miễn hoàn toàn không thu đối với 6 loại giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, qua đó đã trực tiếp hỗ trợ nguồn vốn cho tổ chức kinh doanh chứng khoán, nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới, dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán cũng tăng khá mạnh. Gần đây nhất, Thông tư số 30/2021/TT-BTC vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 quy định kéo dài hiệu lực thi hành của Thông tư số 14/2020/TT-BTC đến hết ngày 31/12/2021. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tập trung đẩy mạnh, cơ cấu lại thị trường chứng khoán để phát triển hiệu quả và năng động hơn theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về phía UBCKNN, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính, UBCKNN đã rất nỗ lực, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. UBCKNN đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính cho phép điều chỉnh một số loại giá dịch vụ liên quan đến thị trường chứng khoán. Việc giảm giá dịch vụ trong bối cảnh hiện nay là hợp lý và cần thiết để hỗ trợ thị trường, góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong nỗ lực hỗ trợ thị trường, UBCKNN cũng đã công bố cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 7 ngày xuống còn 24 giờ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại cổ đông và tình hình tài chính, kết quả đã có 26 doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu quỹ (từ ngày 16/3/2021 đến ngày 15/4/2021) với tổng số tiền đăng ký mua khoảng 3.123 tỷ đồng4; tăng cường giám sát chặt chẽ thị trường bao gồm giao dịch của nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài cũng như giám sát hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán, dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán... Điều này đã làm cho thị trường chứng khoán hoạt động một cách ổn định, an toàn và minh bạch dù cho dịch bệnh Covid-19 vẫn đang bùng phát mạnh. UBCKNN luôn sát sao trong công tác giám sát thị trường chứng khoán, trong nửa đầu năm 2021, UBCKNN đã triển khai 07 đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch của nhà đầu tư đối với bảy mã cổ phiếu, cũng như đã ban hành tổng cộng 190 quyết định xử phạt hành chính đối với 156 cá nhân và 34 tổ chức có hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt là 5,66 tỷ đồng5. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh tác động rất mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, Chủ tịch UBCKNN cũng đã có thông điệp chính thức trên các phương tiện truyền thông về nguyên tắc điều hành thị trường chứng khoán, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, điều này giúp ổn định tâm lý thị trường.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội Việt Nam, các ngành kinh tế nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng hầu hết đã và đang trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, UBCKNN đã rất nỗ lực, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Trước những nỗ lực của cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán đã duy trì hoạt động ổn định, thanh khoản trên thị trường ngày càng được cải thiện, các công ty chứng khoán đã tận dụng tối đa giao dịch từ xa và có phương án chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống các thành phố lớn bị phong tỏa trên diện rộng. Về cơ bản, các chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã giúp cho thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn đứng vững trong thời gian qua.
4. Một số thách thức đặt ra trong việc ổn định thị trường chứng khoán trước tác động của đại dịch Covid-19
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang đối diện với một số thách thức nhất định, điều này phần nào gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán trong bối cảnh hiện nay.
Một là, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa khá chậm, ngoài yếu tố do thị trường chứng khoán hồi phục chậm còn có yếu tố quan ngại, sợ rủi ro pháp lý liên quan đến bán tài sản nhà nước. Qua đó, làm chậm quá trình đưa doanh nghiệp lên sàn niêm yết để tạo sự minh bạch và huy động vốn phát triển.
Hai là, về phía cầu, hệ thống nhà đầu tư là tổ chức trong nước còn thiếu, nhà đầu tư cá nhân chiếm phần lớn giá trị giao dịch trên thị trường cổ phiếu. Theo thống kê do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam công bố, tháng 8/2021, nhà đầu tư trong nước mở mới 120.506 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 19.000 tài khoản so với tháng trước đó. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 120.379 tài khoản và 127 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức6. Nguyên nhân vì mà các nhà đầu tư cá nhân đua nhau đầu tư vào chứng khoán bắt nguồn từ lúc xuất hiện dịch Covid-19, do các chính sách phong tỏa và hạn chế đi lại để kiểm soát đại dịch khiến nhiều người tìm đến chứng khoán với hy vọng có thể bù đắp cho thu nhập bị suy giảm hoặc lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng không cao.
Ba là, về phía cung của thị trường chứng khoán còn thiếu cân bằng, đa dạng, chất lượng một số hàng hóa chưa thực sự đảm bảo. Trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), có 23 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, chủ yếu thuộc nhóm tài chính, ngân hàng và bất động sản, tổng vốn hóa của các doanh nghiệp này chiếm gần 80% tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE7. Trong khi đó, lĩnh vực hàng không, du lịch… còn hiếm sẽ là lực cản cho tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thêm vào đó, việc khối ngoại bán ròng cũng như số liệu thống kê các ngành nghề dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể có những đột phá trong ngắn hạn.
Bốn là, Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực đầu năm 2021 có nhiều điểm mới mang tính đột phá được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm thị trường chứng khoán. Tuy nhiên việc đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn còn chưa được thực hiện hiệu quả. Các thành viên thị trường còn chưa nắm rõ quy định của Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn.
Năm là, hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường chứng khoán còn có những trở ngại nhất định cho sự tăng trưởng của thị trường. Đặc biệt là vấn đề nghẽn lệnh giao dịch, chậm đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống mới. Điều đó xảy ra thường xuyên ở các công ty chứng khoán lớn trong nước, nguyên nhân do hiện nay lượng khách hàng đông đảo, số lượng lệnh giao dịch được gửi tới tăng đột biến tại một thời điểm nhất định càng cao làm cho bị nghẽn lệnh giao dịch khiến cho các công ty chứng khoán lớn gặp khó khăn trong việc vận hành hệ thống và thực hiện các phiên giao dịch. Bản thân công ty chứng khoán cũng là đối tượng chịu thiệt hại trước những sự cố hệ thống, cả về hoạt động kinh doanh lẫn hình ảnh, thương hiệu.
Sáu là, việc giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động thị trường, tuân thủ các quy định của pháp luật vẫn chưa được thực hiện sát sao, nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, hiện nay các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi hơn nên rất khó nắm bắt và xử lý triệt để. Điều đó làm cho thị trường chứng khoán bị thao túng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành thị trường, cũng như ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán.
5. Một số đề xuất, kiến nghị
Như đã phân tích, về cơ bản, các chính sách, pháp luật hiện nay về chứng khoán đã phần nào giúp cho thị trường chứng khoán trong thời gian qua đạt được những thành công nhất định dù trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để giữ cho thị trường chứng khoán có thể tiếp tục đứng vững, duy trì và phát triển thì cần có những giải pháp, chính sách hiệu quả, kịp thời nhằm ổn định thị trường chứng khoán một cách lâu dài, giúp thị trường chứng khoán đủ sức chống chọi và đương đầu với bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan một cách mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay. Dưới đây là một số kiến nghị, gợi mở nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về ổn định thị trường chứng khoán trước bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam:
Một là, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô chất lượng hàng hóa, tăng tính thanh khoản và nguồn cung cho thị trường. Về mặt tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020", trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan, tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm; tích cực nghiên cứu ứng dụng, đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho dịch vụ. Về công tác giám sát, kiểm tra, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hằng năm; bổ sung danh mục thanh tra đối với các doanh nghiệp chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Định kỳ công bố công khai thông tin về tiến độ và kết quả thực hiện về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó nêu rõ tên đơn vị hoàn thành, tên đơn vị còn chậm tiến độ... làm cơ sở để đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Khi các vấn đề này được đảm bảo thực hiện hiệu quả sẽ góp phần rất lớn vào việc ổn định và phát triển bền vững thị trường chứng khoán.
Hai là, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây không ít khó khăn cho các cá nhân, tổ chức, công ty kinh doanh chứng khoán, do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021, theo đó, giảm một số phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán cho các đối tượng này. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường và chưa có hồi kết, vì vậy, cần tiếp tục tăng thêm thời gian có hiệu lực của Thông tư số 47/2021/TT-BTC so với thời gian có hiệu lực giới hạn như hiện nay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh vào thị trường chứng khoán.
Ba là, cần tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư và các thành viên thị trường chứng khoán. Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân chiếm số lượng chủ yếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, do đó, nếu không có chính sách hỗ trợ họ trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì dưới tác động của tâm lý sẽ dễ tạo nên xu hướng bán tháo, rời bỏ thị trường, tác động trực tiếp tới các công ty niêm yết cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán. Mặc dù Chính phủ đã có các quy định giảm mức phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, tuy nhiên, Chính phủ cũng nên cân nhắc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thuế giao dịch chứng khoán hiện nay là 0,1%/giá trị giao dịch từng lần và thuế 5% đánh vào phần cổ tức nhận được bằng tiền mặt. Việc miễn, giảm thuế này nên được áp dụng cho đến khi thị trường ổn định trở lại nhằm góp phần kích thích nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, để có sự cân bằng, đa dạng về phía cung của thị trường chứng khoán, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp hỗ trợ hiệu quả, kịp thời để các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hàng không, du lịch… có thể vực dậy hoạt động trước đại dịch Covid-19, tăng giá trị vốn hóa của doanh nghiệp, tạo sự đa dạng về phía cung của thị trường chứng khoán.
Bốn là, UBCKNN cần triển khai đồng bộ các giải pháp để có thể đảm bảo thị trường hoạt động ổn định trong thời gian tới. Trong đó, UBCKNN cần tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Để đưa Luật Chứng khoán 2019 vào thực tiễn một cách hiệu quả, đầu tiên cần tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các thành viên thị trường về Luật Chứng khoán 2019 cùng với các văn bản hướng dẫn, đồng thời cũng phải nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần gấp rút hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn về dài hạn. Ngoài ra, cần tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
Năm là, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng bị nghẽn lệnh giao dịch. Hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới, nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC); thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng các giải pháp dự phòng khi tình trạng nghẽn lệnh giao dịch xảy ra… Tất cả các công việc này cần được tiến hành một cách khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình để giúp cho hệ thống giao dịch được hoạt động một cách trơn tru, tạo tiền đề phát triển thị trường chứng khoán hiện đại, an toàn và nhanh chóng.
Sáu là, để theo dõi sát các biến động của thị trường chứng khoán, trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, cải thiện nền tảng giao dịch, thanh toán bù trừ; cần phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài; chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính và thị trường chứng khoán; hiện đại hóa các công cụ, hình thức thanh tra, giám sát; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bằng cách thực thi chế tài nghiêm minh. Cụ thể, UBCKNN nên yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và HOSE cũng như Trung tâm Thông tin chứng khoán tăng cường công tác giám sát; phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi trục lợi và tung tin đồn, yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện báo cáo hằng ngày, đặc biệt là tình hình giao dịch quỹ, ký quỹ, tuân thủ nghiêm các quy định về giao dịch.
6. Kết luận
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp, khó có thể khống chế được nhanh chóng, bên cạnh những cơ hội, tạo đà cho thị trường chứng khoán tăng trưởng thì cũng còn không ít khó khăn, thách thức mà thị trường chứng khoán đang phải đối mặt. Do đó, việc nhận diện những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thi hành các chính sách, pháp luật để đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp, kịp thời sẽ giúp mở ra “vận hội phát triển mới” cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những nước có chỉ số tăng trưởng cao trên thế giới, đồng thời góp phần khôi phục và phát triển nền kinh tế Việt Nam.
1 Minh Hà (2021), “Tình huống hi hữu, sàn tiền nóng Việt Nam đóng cửa vì quá nhiều tiền”, https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tien-do-vao-lon-chua-tung-co-dong-cua-nua-ngay-van-giao-dich-ty-usd-741927.html, truy cập ngày 05/11/2021.
2VOH (2021), “Thị trường chứng khoán 28/01/2021: Hơn 500 cổ phiếu giảm sàn, VN – Index giảm sâu nhất lịch sử”, https://voh.com.vn/thi-truong/thi-truong-chung-khoan-28-1-2021-hon-500-co-phieu-giam-san-vn-index-giam-sau-nhat-lich-su-392363.html, truy cập ngày 05/11/2021.
3PV (2021), “Tháng 4/2021, VN-Index thiết lập đỉnh mới sau hai thập kỷ”, https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/thang-42021-vnindex-thiet-lap-dinh-moi-sau-hai-thap-ky-333683.html, truy cập ngày 05/11/2021.
4Duy Thái (2020), “Bộ Tài chính đề xuất tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán”, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-05-06/bo-tai-chinh-de-xuat-tang-han-muc-tin-dung-cho-nganh-chung-khoan-86371.aspx, truy cập ngày 05/11/2021.
5UBCKNN (2021), “Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm 2021 và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2021”, https://ssc.gov.vn/ubck/faces/vi/vilinks/videtail/vichitiettintuc/vidstincongbo/vichitiet102; truy cập ngày 05/11/2021.
6Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Tháng 8/2021, số tài khoản chứng khoán mở lớn thứ hai trong lịch sử thị trường Việt Nam”, https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/thang-8-2021-so-tai-khoan-chung-khoan-mo-lon-thu-hai-trong-lich-su-thi-truong-viet-nam-590799.html, truy cập ngày 05/11/2021.
7Chí Tín (2020), “Quy mô vốn hóa trên sàn chứng khoán: Ngân hàng, bất động sản dẫn đầu”, https://tinnhanhchungkhoan.vn/quy-mo-von-hoa-tren-san-chung-khoan-ngan-hang-bat-dong-san-dan-dau-post245707.html, truy cập ngày 05/11/2021.