Có 2 vấn đề cần được tháo gỡ để thị trường chứng khoán được FTSE Russell nâng hạng, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài.
Báo cáo gần đây của BSC Research cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể thu hút thêm khoảng 3,5 - 4 tỷ USD nếu được tổ chức FTSE Russell, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trong 10 năm qua (2014 - 2023), TTCK đã thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 380 nghìn tỷ đồng (15,4 tỷ USD), tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.
Nhận định về khả năng thu hút vốn sau khi thị trường được nâng hạng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, ước tính thị trường sẽ có thêm 5 - 7 tỷ USD mỗi năm. Việc nâng hạng thể hiện mức độ hội nhập sâu rộng hơn của kinh tế, sự tiến bộ và uy tín được nâng cao của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này giúp cải thiện năng lực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư gián tiếp từ nước ngoài.
Thị trường chứng khoán sẽ có thêm nhiều bước chuyển tích cực, mạnh mẽ, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đây sẽ là kênh thu hút vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Việc trở thành thị trường mới nổi cũng sẽ là tác nhân rất tích cực cho việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM, ông Lực cho biết.
Ông Sam Van, cựu Giám đốc Niêm yết quốc tế tại Sở Giao dịch chứng khoán New York, hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Deltec Investment Advisors Limited, đơn vị chuyên tư vấn niếm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán Mỹ, cũng dự báo sẽ có một nguồn vốn lớn đổ vào TTCK Việt Nam sau khi được FTSE Russell nâng hạng.
"Việc được nâng hạng phản ánh niềm tin mạnh mẽ của giới đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sẽ rất lý tưởng nếu FTSE Russell nâng hạng cho Việt Nam trong năm 2024, vì điều này sẽ thuận lợi cho kế hoạch phân bổ vốn của các quỹ đầu tư toàn cầu vào năm 2025," vị chuyên gia tài chính gốc Việt đã giúp hơn 60 công ty châu Á lên sàn chứng khoán New York nhận định.
Theo ông Sam Van, con số ước tính của BSC Research có thể sẽ thấp hơn nhiều so với thực tế, vì Việt Nam đang là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, tham gia nhiều hiệp định thương mại lớn, là đối tác chiến lược toàn diện của các nền kinh tế lớn trên thế giới và được nhiều tổ chức uy tín đánh giá cao.
Các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Theo các chuyên gia, có hai vấn đề cần được tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài, ông Sam Van cho biết.
Trao quyền cho các công ty chứng khoán
Theo TS. Cấn Văn Lực, đối với vấn đề sở hữu nước ngoài, Chính phủ và các bộ ngành cần rà soát lại danh mục những lĩnh vực, ngành nghề để xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước nên nắm chi phối và ngành nghề nào nên thoái vốn mạnh mẽ hơn nữa để xác định rõ những lĩnh vực cần cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài. Công tác rà soát này cần gắn với đề án cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
"Đối với quy định ký quỹ, rủi ro xảy ra khi nhà đầu tư không ký quỹ không lớn lắm. Trên thế giới việc này khoảng 2%, nhưng nếu có xảy ra rủi ro thì thiệt hại vài tỷ USD," ông Lực khuyến nghị cho các công ty chứng khoán ký quỹ thay nhà đầu tư. Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính đang nghiên cứu giải pháp cho câu chuyện này, ông Lực cho hay.
"Hoặc chúng ta không cần yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ nữa, chúng ta yêu cầu các công ty chứng khoán nâng cao năng lực đánh giá rủi ro và cho phép các công ty chứng khoán có quỹ dự phòng rủi ro để giải quyết khi có sự cố xảy ra".
Mới đây, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán. Các cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí quan trọng do các tổ chức xếp hạng quốc tế đề ra.
Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi của FTSE nên trong tương lai gần thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp, tuy vẫn chưa có trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI, ông Sam Van cho biết.
Chỉ số VN-Index có thể tăng 20-25% trong năm 2024?
Cũng theo vị chuyên gia này, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh và đang trở nên hấp dẫn trong mắt giới đầu tư. Các nhà quản lý quỹ đầu tư toàn cầu tìm kiếm lợi nhuận cao hơn đang có xu hướng phân bổ vốn cho các thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam. Điều này chủ yếu được thực hiện thông qua đầu tư vốn cổ phần vào các công ty tư nhân hoặc công ty niêm yết.
Vị chuyên gia này cho rằng các chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong năm vừa qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khi quan hệ ngoại giao giữa các đối tác quan trọng được cải thiện. Sau những chuyến thăm này, mối quan tâm và hoạt động đầu tư tại Việt Nam được gia tăng.
Hoạt động sản xuất đang phục hồi sau một năm 2023 đầy khó khăn và chỉ số VN-Index được ghi nhận ở mức 1.225,7 trong phiên giao dịch ngày 19/2, tương đương với mức cao nhất ghi nhận vào ngày 5/9 năm 2023.
Việc kiểm soát lạm phát tốt cũng là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn trong mắt giới đầu tư. "Khi so sánh với các nền kinh tế lớn khác, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 được kiểm soát ở mức 3,25%, tỉ lệ thất nghiệp tương đối thấp ở mức 2,26% và lãi suất vẫn ở mức khoảng 4,5%", ông Sam Van chỉ ra những yếu tố tích cực của thị trường Việt Nam.
Vị chuyên gia đến từ New York nhận định các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ghi nhận lợi nhuận ngày càng tăng nhờ điều kiện kinh doanh ngày càng thuận lợi và tình hình sản xuất bắt đầu phục hồi từ tháng 1/2024.
"Năm 2024, chỉ số VN-Index có khả năng tăng trưởng 20%-25%. Năm 2025 có thể là một năm tuyệt vời của thị trường, nếu GDP vẫn ở mức dương. Và nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng vào tháng 9 năm 2024, nền kinh tế sẽ đón nhận nhiều tác động tích cực", ông Sam Van chia sẻ.
Theo Thành Đạt/baochinhphu.vn