Keywords: Stock listing, securities, State-owned commercial banks.
1. Thuận lợi khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán quốc tế
Niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán quốc tế có thể giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, thương hiệu và tiềm năng phát triển. Các lợi ích này có thể được đánh giá qua một số khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, niêm yết trên sàn giao dịch cho phép các ngân hàng huy động vốn quốc tế bằng cách phát hành cổ phiếu ra công chúng. Nguồn vốn này có thể được sử dụng để mở rộng hoạt động kinh doanh, cải tiến công nghệ hoặc nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, việc niêm yết quốc tế tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp cận nhà đầu tư nhiều hơn, bao gồm cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trên thị trường quốc tế, từ đó có thể giảm chi phí vốn. Ngoài ra, các ngân hàng niêm yết công khai có thể đạt được lợi thế cạnh tranh nhờ tính minh bạch cao và chi phí vay thấp hơn, qua đó nâng cao sự tin tưởng của khách hàng, mở rộng cơ hội kinh doanh.
Thứ hai, niêm yết quốc tế giúp nâng cao tính thanh khoản cho cổ phiếu của ngân hàng, giúp các cổ đông, nhà đầu tư dễ dàng mua, bán cổ phiếu hơn.
Thứ ba, giá trị thị trường của ngân hàng niêm yết được định giá chính xác, chuyên nghiệp, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Việc này có thể đóng vai trò như một chỉ số chuẩn để đánh giá hiệu suất, tính hữu ích cho việc hoạch định chiến lược và sáp nhập của ngân hàng.
Thứ tư, việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán quốc tế lớn sẽ thúc đẩy gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu, nâng cao uy tín, danh tiếng của ngân hàng với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác kinh doanh.
Thứ năm, việc tuân thủ các tiêu chuẩn của một sàn giao dịch chứng khoán quốc tế lớn là động lực cho các ngân hàng để cải thiện hiệu quả quản trị doanh nghiệp, củng cố phát triển chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
2. Khó khăn khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán quốc tế
Niêm yết thành công tại thị trường quốc tế là chiến lược huy động vốn lâu dài, hiệu quả, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược với nguồn vốn dồi dào, bề dày kinh nghiệm quản lý. Đây cũng là cơ hội để các NHTM nhà nước quảng bá thương hiệu, tạo được sự ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức tài chính. Tuy nhiên, quy trình niêm yết tại thị trường chứng khoán quốc tế rất khắt khe, buộc các NHTM nhà nước phải đầu tư về cả thời gian, nguồn lực tài chính. Để được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế lớn, ngân hàng phải chi trả nhiều loại chi phí, chấp nhận gánh nặng tuân thủ và có nguy cơ đối mặt một số bất lợi, rủi ro có thể phát sinh đi kèm với việc niêm yết. Tác giả xin nêu ra một số vấn đề cần cân nhắc:
Một là, những chi phí chủ yếu
- Chi phí phát hành thứ cấp: Bao gồm phí bảo lãnh phát hành, phí pháp lý, phí kế toán và chi phí marketing. Ngoài ra, chưa tính đến chi phí thuê tư vấn quốc tế có kinh nghiệm để hỗ trợ triển khai.
- Phí niêm yết: Bao gồm phí niêm yết ban đầu và hằng năm phải trả cho sàn giao dịch chứng khoán, dựa trên vốn hóa thị trường của ngân hàng và các yếu tố khác. Ví dụ, một doanh nghiệp muốn niêm yết trên SGX phải chi trả nhiều khoản chi phí liên quan đến niêm yết ban đầu, niêm yết bổ sung; bên cạnh đó, doanh nghiệp phải trả phí niêm yết hằng năm và phí xử lý liên quan đến thông tin tài liệu… (Bảng 1)
Bảng 1: Một số chi phí dự kiến khi niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế2
- Chi phí tuân thủ quy định: Ngân hàng phải đáp ứng thêm nhiều yêu cầu tuân thủ và các yêu cầu tuân thủ cũng khắt khe hơn so với thị trường Việt Nam. Ví dụ: Khi tổ chức đại hội đồng cổ đông, các NHTM nhà nước có thể sẽ vi phạm thời hạn cung cấp tài liệu họp theo quy định của pháp luật do nhiều nội dung phải xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước trước khi trình đại hội đồng cổ đông. Trên SGX, việc vi phạm các quy định về công bố thông tin như vậy sẽ đi liền với các án phạt nghiêm khắc, bao gồm cả việc hủy niêm yết.
- Chi phí hành chính, chi phí bảo hiểm, chi phí pháp lý…: Niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế đòi hỏi nhiều chi phí hành chính liên quan đến quản lý thông tin liên lạc với cổ đông, thành lập và vận hành các bộ phận phụ trách quản trị và giám sát tuân thủ; chi phí bảo hiểm và pháp lý của ngân hàng sẽ tăng lên do mức độ giám sát cao và khả năng kiện tụng từ phía cổ đông nước ngoài. Trường hợp cần thiết, ngân hàng có thể phải tổ chức một bộ phận riêng biệt gồm các nhân sự có trình độ cao để theo dõi, quản lý, phục vụ các hoạt động có liên quan tới việc niêm yết quốc tế.
Hai là, một số bất lợi và rủi ro khi niêm yết quốc tế
Bên cạnh gia tăng chi phí, việc niêm yết quốc tế có thể khiến ngân hàng phải đối mặt với một số bất lợi và rủi ro đáng kể, cần được cân nhắc nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của ngân hàng hoặc phát sinh chi phí cao để khắc phục hậu quả.
- Tăng áp lực giám sát và nguy cơ kiện tụng: Ngân hàng niêm yết công khai chịu sự giám sát liên tục từ các nhà phân tích, nhà đầu tư và cơ quan quản lý quốc tế. Người điều hành đôi khi buộc phải tập trung vào kết quả ngắn hạn thay vì mục tiêu chiến lược dài hạn do yêu cầu của thị trường chứng khoán và nhà đầu tư. Ngoài ra, hoạt động trên thị trường quốc tế, với luật lệ và hệ thống pháp lý phức tạp, cách thức tổ chức thực hiện, điều hành có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam có thể làm tăng nguy cơ kiện tụng, tranh chấp pháp lý giữa ngân hàng với đối tác, cổ đông.
Cùng với việc có thêm nhiều bên liên quan, quy trình ra quyết định có thể trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian, làm chậm sự đổi mới, tính linh hoạt và khả năng phản ứng của ngân hàng.
- Giảm tính bảo mật: Khi niêm yết trên thị trường quốc tế, ngân hàng có thể sẽ phải công bố bổ sung một lượng thông tin đáng kể theo yêu cầu của cơ quan quản lý nước sở tại. Điều này có thể dẫn đến giảm tính bảo mật liên quan đến hoạt động, hiệu suất tài chính và kế hoạch chiến lược của ngân hàng.
Đây là vấn đề trọng yếu không chỉ của các NHTM nhà nước mà còn liên quan tới an ninh tài chính tiền tệ quốc gia do các ngân hàng này có vai trò chủ đạo, chủ lực trong việc thực hiện các chính sách tiền tệ quốc gia (lãi suất, tỉ giá, thanh khoản…).
- Biến động thị trường: Giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng bởi các xu hướng thị trường rộng lớn hơn, vượt ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng, gây ra sự bất ổn đối với tình hình kinh doanh và khả năng quản trị rủi ro. Ví dụ, niêm yết trên SGX giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng bởi những biến động của thị trường tài chính tiền tệ của Singapore, trong đó có biến động của đồng đô la Singapore. Đối với thị trường chứng khoán Hồng Kông, rủi ro từ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung có thể gây ra những xáo trộn trên thị trường, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
3. Điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế
Để được chấp thuận niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế, các NHTM nhà nước phải đáp ứng các điều kiện về yêu cầu tài chính, quản trị doanh nghiệp, chuẩn mực kế toán và công bố thông tin theo yêu cầu của thị trường đó. Các NHTM nhà nước cơ bản đáp ứng các yêu cầu về tài chính (quy mô tổng tài sản, lợi nhuận, vốn hóa…), nhưng khó có khả năng đáp ứng các yêu cầu về quản trị doanh nghiệp, chuẩn mực kế toán và công bố thông tin. Ví dụ, SGX yêu cầu nhà phát hành nước ngoài phải có ít nhất 2 thành viên hội đồng quản trị độc lập, cư trú tại Singapore; yêu cầu mỗi công ty niêm yết phải thành lập 3 ủy ban vào thời điểm niêm yết, trong đó, mỗi ủy ban gồm ít nhất 3 thành viên, phần lớn trong số này, bao gồm cả chủ tịch mỗi ủy ban, phải là thành viên độc lập. Trong khi đó, các NHTM nhà nước hiện tại đều chỉ có 1 thành viên hội đồng quản trị độc lập, cư trú tại Việt Nam. Đồng thời, SGX yêu cầu báo cáo tài chính phải được lập theo SFRS(I) (tiêu chuẩn báo cáo tài chính của Singapore), IFRS hoặc US GAAP. Hiện tại, các báo cáo tài chính của phần lớn các NHTM nhà nước đều được lập theo các chuẩn mực kế toán Việt Nam. (Bảng 2)
Bảng 2: Một số điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế5
4. Giải pháp để các NHTM nhà nước sớm niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế
Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế đòi hỏi một số điều kiện mà hiện nay các NHTM nhà nước chưa thể đáp ứng hoặc khó đáp ứng. Đồng thời, ngân hàng sẽ phát sinh nhiều khoản chi phí liên quan tới việc phát hành, duy trì trạng thái niêm yết, thực hiện các yêu cầu tuân thủ của sở giao dịch chứng khoán quốc tế và hệ thống luật pháp của nước sở tại; ngân hàng cũng có khả năng đối mặt với một số bất lợi và rủi ro về áp lực giám sát, nguy cơ kiện tụng, bảo mật, biến động thị trường. Trong khi đó, lợi ích của việc niêm yết quốc tế trong ngắn hạn là chưa thật sự rõ nét. Cụ thể:
- Các NHTM nhà nước đã và đang thực hiện tốt việc huy động vốn từ thị trường trong nước và cả quốc tế thông qua các kênh truyền thống. Chi phí huy động vốn bằng ngoại tệ của các NHTM nhà nước luôn ở mức tương đối thấp và trong mấy năm gần đây cũng như hiện nay, chi phí huy động vốn từ thị trường vốn quốc tế không thật sự hấp dẫn.
- Cổ phiếu các NHTM nhà nước đang được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh có thanh khoản tốt, ổn định.
- Trên thị trường, các NHTM nhà nước được đánh giá là thương hiệu mạnh, uy tín; quy trình quản trị điều hành chuyên nghiệp, hiệu quả. Các ngân hàng này cũng đã chủ động triển khai nhiều dự án nâng cao năng lực quản trị tiệm cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đề cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Nhìn từ thời điểm hiện nay, có thể khẳng định các NHTM nhà nước đều khó có thể thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế vào năm 2025 như mục tiêu đã xác định.
Trong giai đoạn tới, để khai thác tối đa lợi ích và hạn chế rủi ro cho các NHTM nhà nước khi niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế, cần xem xét một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về phía các cơ quan quản lý nhà nước: Cần có cơ chế thí điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM nhà nước niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế như định hướng thị trường, hợp tác chia sẻ thông tin, hướng dẫn thủ tục; giảm thời gian phê duyệt; cho phép tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hoặc bơm thêm vốn từ cổ đông Nhà nước để đối ứng với phần vốn huy động từ nước ngoài; tạo điều kiện cho các NHTM nhà nước tăng tính độc lập trong quản trị doanh nghiệp, tăng số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập, bố trí thành viên hội đồng quản trị độc lập giữ vị trí chủ tịch các ủy ban kiểm toán, nhân sự của hội đồng quản trị...
Thứ hai, về phía các NHTM nhà nước: Cần nâng cao hơn nữa tính minh bạch và tuân thủ trong hoạt động quản trị, hướng đến thực hành theo chuẩn quốc tế, cải thiện cơ hội đáp ứng các yêu cầu niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế như: Xây dựng báo cáo theo chuẩn mực IFRS, tăng tính tuân thủ trong công bố thông tin, thiết lập bộ máy quản trị nội bộ đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường mục tiêu…
Niêm yết trên thị trường quốc tế dẫu chưa thực sự là mục tiêu khả thi trong ngắn hạn nhưng là định hướng đúng đắn đối với các NHTM nhà nước. Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ thời điểm này thì mục tiêu đó hoàn toàn có thể được hiện thực hóa trong giai đoạn tiếp theo, góp phần khẳng định vị thế của các ngân hàng Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
1 Căn cứ Nghị quyết đại hội đồng cổ đông, Báo cáo thường niên của NHTM Công thương Việt Nam (Vietinbank), NHTM Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
VietinBank: Nghị quyết số 20/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/4/2019 đề ra mục tiêu “Phấn đấu trở thành 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế”.
BIDV: Báo cáo thường niên từ năm 2019 đã thông tin về hoạt động “nghiên cứu các thủ tục, điều kiện để xây dựng kế hoạch phát hành và niêm yết cổ phiếu của BIDV trên thị trường chứng khoán quốc tế uy tín”.
Vietcombank: Báo cáo thường niên năm 2023 đã thông tin về mục tiêu chiến lược “Nghiên cứu, phấn đấu phát hành cổ phiếu và niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế”.
2 Căn cứ theo thông tin tại Báo cáo hướng dẫn niêm yết xuyên biên giới tại Website của Hãng Luật BakerMcKenzie.
3 Công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC: Special-purpose acquisition company) là một loại công ty vỏ bọc chuyên mua lại hoặc sáp nhập với một công ty khác, với mục đích chính là đưa công ty đó lên sàn giao dịch chứng khoán.
4 ADR issuer: Nhà phát hành chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (American Depositary Receipt).
5 Căn cứ theo thông tin tại Báo cáo hướng dẫn niêm yết xuyên biên giới tại Website của Hãng Luật BakerMcKenzie.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghị quyết đại hội đồng cổ đông, báo cáo thường niên của các NHTM nhà nước các năm 2019 - 2023.
2. Báo cáo Hướng dẫn niêm yết xuyên biên giới - Baker Mckenzie.
3. Website của SGX, HKSE, LSE…
ThS. Lê Hoàng Tùng và Ban Chiến lược Thư ký HĐQT Vietcombank
Vietcombank