Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DNNVV hiện chiếm tỷ trọng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Tuy vậy, dư nợ tín dụng của mô hình doanh nghiệp này ở mức 22 - 25%, nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Việt Nam hiện có hơn 600.000 doanh nghiệp, bao gồm gần 500.000 doanh nghiệp tư nhân. Trong số đó, hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% là doanh nghiệp lớn. Những DNNVV khá linh hoạt và năng động trong kinh doanh, góp phần thu hút lượng lớn lao động, đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập quốc gia. Nhưng cũng chính vì nhỏ và hạn chế về kinh nghiệm vận hành nên các doanh nghiệp này còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính, chủ yếu là thông qua các kênh huy động ngân hàng, tín dụng hoặc từ các nguồn vốn từ xã hội (nhà đầu tư thiên thần). Các khoản vay thông qua ngân hàng thường là các khoản vay ngắn hạn trong khi các doanh nghiệp lại có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn để phục vụ cho việc duy trì hoạt động của mình.
Để thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST) nói riêng, ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó có giải pháp về “Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”. Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) với mục tiêu “Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”. Để triển khai Đề án 844, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1128/TTg-ĐMDN ngày 31/8/2018 về việc thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ áp dụng thí điểm mô hình nền tảng gọi vốn cộng đồng và nền tảng giao dịch cổ phần của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cụ thể. Bên cạnh đó, để hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ các DNNVV, Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2017 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đã được Chính phủ ban hành vào ngày 11/3/2018.
Thực trạng tiếp cận vốn của DNNVV từ thị trường chứng khoán
Thời gian qua, các DNNVV linh hoạt huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau như: các quỹ đầu tư, các công ty tài chính, phát hành trái phiếu, cổ phiếu... Trong bối cảnh nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, công ty tài chính ngày càng bị thắt chặt, việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các DNNVV trở thành một kênh hút vốn hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít DNNVV tiếp cận kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán (TTCK), mặc dù hiện nay các quy định về phát hành trái phiếu, cổ phiếu riêng lẻ khá cởi mở. Một trong những nguyên nhân được cho là do lãi suất huy động của kênh này thường cao hơn lãi suất vay ngân hàng, dao động từ 10% đến 12% nên nguồn vốn này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, tài sản nhiều. Đó là chưa kể, ngay cả khi doanh nghiệp phát hành được chứng khoán thì cũng gặp khó khăn trong việc tìm người mua và phải tốn kém các chi phí để thực hiện các tiêu chuẩn về minh bạch thông tin tài chính, về báo cáo kiểm toán... Do vậy, không phải DNNVV nào cũng có thể thực hiện thành công các hình thức huy động vốn trên TTCK.
Mặt khác, thực hiện vay vốn thông qua các sàn cho vay ngang hàng (P2P lending platform) cũng là một trong những hình thức được một số DNNVV lựa chọn mặc dù các sàn này đang hoạt động độc lập và chưa được quản lý dưới bất kỳ một cơ sở pháp lý nào. Sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội của một loại hình dịch vụ sáng tạo, P2P dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người cho vay với người cần vay mà không thông qua trung gian tài chính, chi phí dịch vụ thấp, thủ tục nhanh gọn, đơn giản, tuy nhiên rủi ro tiềm ẩn của các nền tảng cho vay ngang hàng này là rất lớn. Thứ nhất, các nền tảng này không có sự bảo hộ cho bên cho vay trong trường hợp bên đi vay bị mất khả năng thanh toán. Thứ hai, trong trường hợp xảy ra tranh chấp, kiện tụng giữa hai bên thì hiện chưa có bất kỳ văn bản pháp lý nào được ban hành để giải quyết vấn đề này. Thứ ba, lãi suất cho vay giữa các bên được thực hiện theo hình thức thỏa thuận và đây cũng là một trong những yếu tố khiến bên đi vay trong trường hợp là các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc cân đối doanh thu và trả lãi hàng tháng.
Kinh nghiệm quốc tế về các biện pháp hỗ trợ phát triển DNNVV trên thị trường chứng khoán
Hỗ trợ các DNNVV huy động vốn qua TTCK là một trong những mục tiêu được đề ra tại các nước trong khu vực châu Á nhằm giải quyết bài toán vay vốn trung - dài hạn, một số nước như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... đang đi đầu trong việc tạo lập thị trường dành riêng cho các DNNVV, đồng thời đưa ra những quy định, chính sách hỗ trợ cụ thể để hỗ trợ các DNNVV này dần phát triển qua đó có đủ điều kiện niêm yết trên TTCK truyền thống.
Tại Singapore, các DNNVV thường được định nghĩa là các công ty có doanh thu hàng năm ít hơn 100 triệu đô la Singapore hoặc sử dụng ít hơn 200 công nhân đóng góp 48% GDP, sử dụng khoảng 65% lực lượng lao động và chiếm 99% tổng số doanh nghiệp và là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế, mặc dù các doanh nghiệp này có tính chất rủi ro cao. Không chỉ hỗ trợ các DNNVV này phát triển tập trung khu vực trong nước mà Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý tại Singapore còn đặt mục tiêu đưa các doanh nghiệp này vươn đến các nước trong khu vực châu Á. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Singapore đã dự kiến thay đổi một số chính sách về ngân sách nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, cụ thể các khoản cho vay lưu động (SME Working Capital Loan) thường không thu hút được các tổ chức tài chính vì xu hướng đầu tư của các tổ chức này thường tập trung vào các loại hình ít rủi ro. Vì lý do đó, Chính phủ Singapore đã quyết định chia sẻ rủi ro với các tổ chức này thông qua việc cung cấp Gói hỗ trợ tự động hóa (Automation Support Package) nhằm giảm bớt gánh nặng cho các tổ chức tài chính yên tâm đầu tư vào các DNNVV.
Thái Lan cũng là một trong những nước quan tâm đến các hoạt động hỗ trợ phát triển dành cho DNNVV. Trong năm 2017, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một loạt các cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy xuất khẩu của các DNNVV, hỗ trợ phát triển kinh doanh kỹ thuật số và thương mại điện tử, và tăng khả năng tiếp cận tài chính tại các ngân hàng thương mại. Những nỗ lực này đã giúp các DNNVV tăng cường hoạt động trong nước và mở rộng sự hiện diện trong khu vực, thúc đẩy sự phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô, và tiếp tục phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Vào tháng 7 năm 2016, Ngân hàng Krung Thai (KTB), ngân hàng thương mại lớn thứ ba của Thái Lan, đã tuyên bố ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 2,3 tỷ Bạt Thái (64,8 triệu đô la). Quỹ ủy thác cổ phần tư nhân của SME, được ra mắt với sự hợp tác của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) và Cơ quan Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NSTDA), nhằm mục đích giúp các DNNVV khởi nghiệp mở rộng kinh doanh. Quỹ sẽ được quản lý bởi Krung Thai Asset Management, một công ty con của KTB và One Asset Management, với KTB để góp 2 tỷ Bạt Thái (56,3 triệu đô la) trong tổng số và SET cung cấp thêm vốn 200 triệu Bạt Thái (5,6 triệu đô la). Quỹ nhắm mục tiêu đầu tư vào các loại hình DNNVV khởi nghiệp tăng trưởng cao, DNNVV dựa trên công nghệ, với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp tăng trưởng dài hạn và cho phép các doanh nghiệp huy động vốn từ TTCK. Ban đầu khi quỹ đi vào hoạt động đã hỗ trợ khoảng 100 doanh nghiệp, đồng thời đóng vai trò như một đối tác tại một số DNNVV. Khoản tài trợ của các quỹ được đặt ở mức giữa 20 triệu Bạt Thái (563.000 đô la) và 150 triệu Bạt Thái (4,2 triệu đô la) cho mỗi doanh nghiệp, trong đó ưu tiên dành cho các DNNVV với doanh thu hàng năm từ 400 triệu Bạt Thái (11,3 triệu đô la) đến 600 triệu Bạt Thái (16,9 triệu đô la). Các DNNVV sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư và quản lý niêm yết trước cho các công ty dự định niêm yết trên TTCK, trong khi NSTDA có những chính sách ưu đãi về thuế nhất định dành cho các DNNVV thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển hoặc các doanh nghiệp phát triển dựa trên công nghệ.
Huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu
của các DNNVV đang trở thành một kênh hút vốn hiệu quả
Tại Trung Quốc, bốn cơ quan được giao nhiệm vụ giám sát các DNNVV bao gồm: Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, Trung tâm điều phối hợp tác của các DNNVV với nước ngoài, Hiệp hội các DNNVV tại các tỉnh của Trung Quốc. Mục tiêu của các cơ quan quản lý này là phát triển chính sách và kế hoạch quản lý các DNNVV. Có nhiều cách khác nhau để chính phủ hỗ trợ các DNNVV. Đầu tiên, Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành vào năm 2003, đặt nền tảng cho sự ủng hộ của Chính phủ đối với DNNVV. Theo luật này, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ các DNNVV, ngoài ra cũng sẽ đứng ra bảo vệ các nhà đầu tư khi mua cổ phiếu của các doanh nghiệp này. Các cơ quan hành chính nhà nước bảo vệ các quyền hợp pháp của các DNNVV, gồm quyền cạnh tranh công bằng trong thương mại. Nhà nước cũng xác định các lĩnh vực ưu tiên cho DNNVV phát triển. Thứ hai, vào năm 2005, chính phủ đã ban hành một tài liệu có tiêu đề Khuyến nghị của Hội đồng Nhà nước về việc hỗ trợ và hướng dẫn phát triển các nền kinh tế tư nhân và không thuộc sở hữu công khác (bao gồm 36 bài viết về các nền kinh tế không thuộc sở hữu công), giúp giảm bớt các điều kiện tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp tư nhân. Thứ ba, chính phủ đã công bố Đề án tăng trưởng dành cho DNNVV trong năm 2006, các mục tiêu bao gồm:
- Thúc đẩy xây dựng hệ thống chính sách và quy định cho DNNVV;
- Xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội của DNNVV;
- Để tạo điều kiện cho điều chỉnh cơ cấu DNNVV;
- Để duy trì cải cách DNNVV;
- Tăng cường đào tạo DNNVV;
- Cải thiện khả năng sáng tạo;
- Giải quyết các khó khăn tài chính ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ;
- Khuyến khích các DNNVV mở rộng ra nước ngoài thông qua việc cung cấp các ưu đãi FDI.
Ấn Độ cũng đã phát triển các sàn giao dịch chứng khoán dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ. Sở giao dịch chứng khoán Bombay (BSE) đã ra mắt Sở giao dịch DNNVV vào tháng 3 năm 2012 và có 41 DNNVV được niêm yết vào ngày 19 tháng 11 năm 2013. Sở giao dịch chứng khoán quốc gia (NSE) cũng đã ra mắt nền tảng SME có tên Emerge, với 3 DNNVV được niêm yết.
Tại Hàn Quốc, KOSDAQ là thị trường có quy mô lớn nhất dành cho các DNNVV và được điều hành bởi Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX). Tuy nhiên, KOSDAQ đã dần trở thành kênh huy động dành cho các doanh nghiệp lớn, một thị trường mới được thiết kế cho các DNNVV có tên KONEX được ra mắt dưới sự quản lý của KRX vào tháng 7 năm 2013.
Nâng cao khả năng tiếp cận vốn thông qua đa dạng hóa các kênh cung cấp vốn cho DNNVV trên thị trường chứng khoán
Nắm bắt được tình hình khó khăn của các DNNVV, Chính phủ đã ban hành các chính sách thu hút các DNNVV tham gia TTCK, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST), cụ thể như đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 (Đề án 844), Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017. Để triển khai Đề án 844, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1128/TTg-ĐMDN ngày 31/8/2018 về việc thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ áp dụng thí điểm mô hình nền tảng gọi vốn cộng đồng và nền tảng giao dịch cổ phần của các DNKNST trong phạm vi cụ thể.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiến hành nghiên cứu để triển khai thí điểm mô hình nền tảng gọi vốn cộng đồng (crowdfunding). Đây là một trong các giải pháp được áp dụng nhiều nhất trên các thị trường phát triển, thông qua nền tảng gọi vốn cộng đồng, DNNVV có thể thực hiện huy động vốn thông qua nhiều phương thức trong đó bao gồm cả việc phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp). Tại một số nước trong khu vực châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh nghiệp khi có nhu cầu tham gia gọi vốn thông qua nền tảng gọi vốn cộng đồng thường tương đối dễ dàng, thủ tục và hồ sơ đăng ký thường được xử lý thông qua chính website của công ty vận hành nền tảng gọi vốn cộng đồng. Ngoài ra, các nền tảng này thường chịu sự giám sát và tuân thủ quy định của pháp luật về chứng khoán.
Bộ Tài chính cũng đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ áp dụng thí điểm mô hình nền tảng giao dịch cổ phần của các DNKNST trong phạm vi cụ thể để nâng cao thanh khoản của các chứng khoán được phát hành thông qua nền tảng gọi vốn cộng đồng. UBCKNN sẽ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất xây dựng mô hình cụ thể cho Việt Nam. Theo đánh giá chung, một khi hai nền tảng này được đi vào hoạt động thì sẽ trở thành kênh huy động vốn thu hút được nhiều sự tham gia của DNNVV.
Các văn bản pháp lý cũng đã được chuẩn bị nhằm hỗ trợ cho các nền tảng huy động vốn cộng đồng dành cho DNKNST ra đời, cụ thể là dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) hiện đang trình Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2019 đã có nội dung giao Chính phủ quy định về “chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” và tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán của DNKNST. Luật Chứng khoán (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019 và có hiệu lực vào năm 2020. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho các kế hoạch dài hạn để hỗ trợ các DNNVV huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh qua TTCK trong thời gian tới.
TS. Tạ Thanh Bình
Nguồn: TCNH số chuyên đề đặc biệt 2019