Tiết kiệm được thời gian, chi phí xã hội, giảm tình trạng quá tải tại bệnh viện là những cái lợi trước tiên nếu thanh toán viện phí qua ngân hàng. Đến nay, mặc dù ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, trong đó có băn khoăn về chi phí từ phía một số bệnh viện và thói quen sử dụng tiền mặt còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Do đó, để có thể đạt mục tiêu tại Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, rất cần sự đồng thuận phối hợp triển khai quyết liệt giữa các Bộ, ngành và vai trò của truyền thông.
Tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP yêu cầu 100% trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) hoàn thành trước tháng 12/2019. Ngày 31/8/2019, Văn phòng Chính phủ cũng có Công văn số 7846/VPCP-KTTH nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về các giao dịch cần đẩy mạnh TTKDTM trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Nhiều chính sách khuyến khích thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng
Thời gian qua, TTKDTM trong khu vực công không ngừng được thúc đẩy và mở rộng. NHNN tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018) và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công với các yêu cầu triển khai cụ thể như: xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chương trình phần mềm phục vụ thanh toán điện tử; nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán trong thời gian đầu để khuyến khích và tạo lập thói quen cho khách hàng TTKDTM đối với dịch vụ công...
Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, giáo dục, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các TCTD đẩy mạnh phối hợp với các trường học, bệnh viện triển khai các giải pháp như: Thông báo số tài khoản mở tại ngân hàng để tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán dịch vụ công (qua Mobile, Internet,...); Lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng mã QR cho phép phụ huynh, học sinh, người bệnh sử dụng các thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán; Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép ghi nhận hóa đơn học phí/viện phí để người sử dụng truy cập các ứng dụng trên Internet, Mobile và thực hiện trả tiền học phí, viện phí thông qua các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng (thanh toán thẻ, ví điện tử, thanh toán hóa đơn, thanh toán qua mã QR,..); Nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi về phí;...
Nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tăng cường kết nối với các cơ quan cung cấp dịch vụ công như Thuế, Hải quan, Kho bạc, điện lực, viễn thông, bảo hiểm xã hội, bệnh viện, trường học… cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán linh hoạt, phù hợp.
Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của Bộ Y tế, đến nay nhiều ngân hàng đã hoàn thành triển khai kết nối để cung ứng dịch vụ thanh toán viện phí điện tử. Theo Vụ Thanh toán (NHNN), đến nay, đã có hơn 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử.
Đối với các dịch vụ công khác, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã kết nối với 64 Kho bạc Nhà nước và tất cả các TCTD trên cả nước; xử lý hơn 500 nghìn giao dịch/ngày và gần 300 nghìn tỷ đồng/ngày. Đến nay, có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu ngân sách, trong đó 95% số thu Hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực trong việc thúc đẩy TTKDTM đối với các dịch vụ công nhưng quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong những nguyên nhân là nhiều bệnh viện, trường học chưa có chuẩn kỹ thuật, phần mềm và dữ liệu tập trung, chuẩn hóa nên các bệnh viện, trường học khó kết nối với ngân hàng để thanh toán điện tử. Một số bộ phận trong bệnh viện chưa sẵn sàng áp dụng thanh toán viện phí KDTM thậm chí còn cho rằng chi phí tốn kém vì phải chi thêm mức phí chấp nhận thanh toán (Merchant discount rate - MDR) nên các ngân hàng khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai. Ngoài ra còn do thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân.
Về mức phí dịch vụ thanh toán thẻ đối với bệnh viện
Theo thống kê của Vụ Thanh toán, NHNN, hiện nay, mức phí MDR ngân hàng áp dụng đối với bệnh viện khoảng 0,2% giá trị giao dịch áp dụng đối với thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa và 0,8% áp dụng đối với thanh toán qua mã QR (chưa bao gồm VAT). Tương quan chung, mức phí này thấp hơn so với các ngành, lĩnh vực cũng như hình thức thanh toán khác tại Việt Nam cũng như các nước có mức độ phát triển thanh toán thẻ tương đồng Việt Nam, cụ thể:
Tại Việt Nam: đối với thẻ quốc tế (không phân biệt thẻ ghi nợ hay thẻ tín dụng) mức phí là từ 1,5% - 2% giá trị giao dịch đối với giao dịch tại quầy (giao dịch POS) và 2,2% - 2,5% đối với giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến; đối với thẻ ghi nợ nội địa, mức phí dao động từ 0,2% - 0,5% giá trị giao dịch.
Tại các nước khác trên thế giới: phí MDR có sự phân biệt giữa thẻ ghi nợ với thẻ tín dụng và có sự khác biệt trên cơ sở mức độ phát triển của thị trường. Tại một số nước có mức độ phát triển thị trường thẻ tương đồng Việt Nam, mức phí MDR dao động từ 0,5%- 1,5% đối với thẻ ghi nợ. Cụ thể: Argentina, Luật số 26.010 quy định phí MDR không vượt quá 3% đối với thẻ tín dụng và 1,5% đối với thẻ ghi nợ; Hàn Quốc, Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC) quy định mức phí MDR cho các đại lý thanh toán thẻ nhỏ và vừa là 2,5% đối với thẻ tín dụng và 0,5% đối với thẻ nội địa. Ấn Độ, mức phí do NHTW quy định không vượt quá 0,4% - 0,9% đối với giao dịch tại POS, thanh toán trực tuyến và không vượt quá 0,3 - 0,8% đối với giao dịch thanh toán qua QR; Thái Lan, mức phí MDR đối với các khoản thanh toán Chính phủ không vượt quá 0,55%; Malaysia, phí MDR đối với thẻ ghi nợ nội địa từ 1% - 1,2%, đối với thẻ ghi nợ quốc tế là 1,8% - 2%;...
Về chính sách hỗ trợ phí đối với bệnh viện, thời gian qua, triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, có chính sách ưu đãi, miễn/giảm phí đối với thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Qua theo dõi, nắm bắt thông tin cho thấy một số ngân hàng, trung gian thanh toán đã có chính sách ưu đãi phí đối với thanh toán dịch vụ công (trong đó có lĩnh vực y tế) như: Vietcombank đang triển khai chương trình miễn giảm phí thanh toán đến năm 2020 đối với thanh toán dịch vụ công, trong đó có lĩnh vực y tế; Napas đã nhiều lần giảm phí chuyển mạch, bù trừ thẻ trong đó đối với dịch vụ công Napas không hưởng phí.
Có thể thấy, khi triển khai TTKDTM đối với các dịch vụ công như trong lĩnh vực y tế thì cần xem xét, đánh giá tòa diện về những lợi ích lớn hơn thay vì cho rằng bệnh viện tốn kém thêm chi phí khi triển khai TTKDTM. Bởi TTKDTM sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho bệnh viện và bệnh nhân khi triển khai thu viện phí không dùng tiền mặt như: tiết kiệm thời gian, nhân lực (giảm chi phí nhân sự kiểm đếm, giao nhận tiền mặt, kiểm soát, đối chiếu,...), thuận tiện cho công tác quản lý, giảm rủi ro thu tiền mặt (thừa thiếu, mất mát,..) và đơn giản hóa quy trình, tăng hiệu suất phục vụ và sự hài lòng của người bệnh. Thực tế cho thấy, một số bệnh viện tư nhân (tự cân đối thu chi) hoặc các ngành lĩnh vực khác (điện, viễn thông, nước,...) đã chủ động triển khai TTKDTM và cũng đã có sự ghi nhận, đánh giá về lợi ích, hiệu quả tổng thể hơn sau khi chuyển đổi thanh toán từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt.
Thúc đẩy TTKDTM trong lĩnh vực y tế, giáo dục - Chỉ ngân hàng thôi chưa đủ
Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan và chỉ đạo kịp thời các ngân hàng đẩy mạnh TTKDTM đối với các dịch vụ công. Cơ quan quản lý cũng sẽ vận động các ngân hàng thương mại giảm phí thanh toán, đặc biệt là phí thanh toán trong lĩnh vực y tế giáo dục; đồng thời tiếp tục có văn bản yêu cầu các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng chính sách miễn, giảm phí đối với dịch vụ công để hỗ trợ các bệnh viện trong thời gian đầu triển khai.
Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, việc quy định các mức phí trao đổi, chia sẻ giữa các bên trong cung ứng dịch vụ thẻ (phí MDR, phí trao đổi,...) là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy TTKDTM. Do đó, theo một số chuyên gia, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần cân nhắc sự cần thiết quy định cơ chế thu, trả phí liên ngân hàng giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đơn vị chấp nhận thanh toán. Từ đó có chính sách áp dụng mức phí trần, là căn cứ để cơ quan quản lý ban hành quy định về các mức phí thanh toán, trong đó có thể điều tiết chính sách phí ưu đãi đối với các dịch vụ công (trong đó có lĩnh vực y tế, giáo dục).
Đối với vấn đề thanh toán viện phí có tính xã hội cao và việc kết nối thanh toán viện phí đang trong bước đầu triển khai dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và triển khai của Bộ Y tế nên để việc triển khai được thuận lợi, cần tạo được sự đồng thuận giữa các bên. Đồng thời, các Bộ, ngành cũng đẩy mạnh truyền thông về những lợi ích của thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, trong đó có lĩnh vực y tế, giáo dục, nâng cao kiến thức cho người dân trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, thúc đẩy thanh toán điện tử.
Bên cạnh đó, dịch vụ thu hộ được coi là một trong những gói giải pháp linh hoạt từ các ngân hàng giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng tính an toàn sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động TTKDTM trong ngành giáo dục theo chủ trương của Chính phủ.
Dịch vụ thu hộ là dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, theo đó1, dịch vụ thu hộ là việc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện ủy nhiệm của bên thụ hưởng thu tiền của bên trả tiền trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và bên thụ hưởng.
Trong lĩnh vực giáo dục, các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã phối hợp với trường học để thu học phí bằng phương thức TTKDTM với nhiều gói giải pháp thanh toán linh hoạt cho khách hàng, phù hợp với đặc thù, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin của các trường học. Cụ thể như: (i) với các trường mà điều kiện kỹ thuật đã cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu giữa trường học với ngân hàng thì ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn trực tuyến để nộp học phí qua ứng dụng Mobile banking, Internet banking..., việc đối chiếu, xác nhận thanh toán hoàn toàn được xử lý tự động, nhanh chóng, chính xác, phụ huynh chỉ được thanh toán một lần đối với một khoản học phí phát sinh (tương tự như việc thanh toán hóa đơn điện, nước ...hiện nay); (ii) với các trường mà điều kiện kỹ thuật chưa cho phép, ngân hàng có thể cung cấp các gói giải pháp thu hộ dựa trên nền tảng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng như phụ huynh sử dụng kênh thanh toán trực tuyến của ngân hàng (Mobile banking, Internet banking, Smart banking...) để chuyển khoản đến tài khoản của trường học2 hoặc sử dụng các thiết bị chấp nhận thẻ (POS) để nộp học phí.
Bởi những ưu điểm như giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng tính an toàn, hoạt động thanh toán điện tử trong ngành giáo dục với những gói giải pháp linh hoạt như trên sẽ góp phần đẩy mạnh TTKDTM theo chủ trương của Chính phủ.
________
1 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư 46/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
2 Theo cú pháp được ngân hàng hướng dẫn để thuận tiện cho việc đối chiếu, tra soát. Ví dụ: họ tên học sinh, lớp, tháng đóng học phí.
Phương Anh
(TCNH chuyên đề Tin học Ngân hàng số 8/2019)