Nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán (TKTT), thẻ ngân hàng, ví điện tử, trong đó quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng; bổ sung yêu cầu định kì xác thực lại khách hàng, liên kết lại ví điện tử với TKTT đã được làm sạch; bổ sung quy định yêu cầu sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để mở TKTT, ví điện tử, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử; cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng xác thực sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền vượt hạn mức giao dịch nhất định...
|
Tại Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt quy định: “Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) tạo lập trên vật mang tin (như chíp điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỉ lệ 1:1”.
Hiểu một cách đơn giản, ví điện tử là một loại tài khoản điện tử dùng để thanh toán các giao dịch trực tuyến, giúp người dùng thanh toán các loại phí trên Internet như: Hóa đơn tiền điện, tiền nước, cước phí Internet, cước truyền hình, mua vé máy bay, thanh toán vay tiêu dùng, chuyển tiền, mua sắm online...
Các loại ví điện tử được sử dụng phổ biến hiện nay như: Ví Momo, Zalopay, Viettel Money, ShoppePay, Moca...
Theo NHNN, đến cuối năm 2023, có 51 tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT đang hoạt động trên thị trường, trong đó có 49 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Đến ngày 31/12/2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động1 là gần 32,77 triệu ví (chiếm 57,32% trong tổng số gần 57,17 triệu ví điện tử đã được kích hoạt)2 với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 4,34 nghìn tỉ đồng.
Hoàn thiện pháp lí trong cung ứng và sử dụng dịch vụ ví điện tử
Thời gian qua, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp tăng cường an ninh, bảo mật thông tin của khách hàng khi mở và sử dụng TKTT, ví điện tử nhằm ngăn ngừa các hành vi lợi dụng TKTT, ví điện tử cho các mục đích bất hợp pháp thông qua nhiều giải pháp đồng bộ.
NHNN đã hoàn thiện hành lang pháp lí, cơ chế, chính sách về lĩnh vực thanh toán, trong đó có nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến mở và sử dụng TKTT (Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn mở và sử dụng TKTT tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán), mở ví điện tử theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng mở và sử dụng TKTT, ví điện tử và bảo vệ thông tin khách hàng.
Đối với quy định về mở ví điện tử, tại Điều 9 Thông tư số 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT có hiệu lực từ ngày 07/01/2020, trong đó quy định người dùng ví điện tử phải cung cấp một số thông tin cá nhân cho tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT.
Cụ thể, hồ sơ bao gồm các thông tin:
Đối với ví điện tử của cá nhân cần cung cấp họ tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số điện thoại; số CCCD. Ngoài ra, người dùng còn cần xuất trình CCCD/chứng minh nhân dân/hộ chiếu (bản chính hoặc bản sao hoặc bản scan).
Đối với ví điện tử của tổ chức sử dụng phải xác thực tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; mã số doanh nghiệp và mã số thuế (nếu tổ chức có mã số thuế khác mã số doanh nghiệp); địa chỉ đặt trụ sở chính; địa chỉ giao dịch; số điện thoại. Thông tin về người đại diện hợp pháp của tổ chức mở ví điện tử xác thực tương tự như cá nhân mở ví.
Đối với người dùng đã đăng kí ví điện tử trước ngày 07/01/2020 nhưng chưa hoàn thiện thông tin, trong vòng 06 tháng kể từ ngày 07/01/2020, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phải thu thập, bổ sung thông tin khách hàng.
Về xác thực thông tin khách hàng mở ví điện tử, tại khoản 4 Điều 9 Thông tư số 23/2019/TT-NHNN quy định: (i) Chủ ví điện tử phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở ví điện tử cho tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp; (ii) Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ mở ví điện tử của khách hàng là đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 9.
Về việc liên kết ví điện tử với TKTT hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) tại ngân hàng liên kết, khoản 5 Điều 9 Thông tư số 23/2019/TT-NHNN quy định:
(i) Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết ví điện tử với TKTT hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết trước khi khách hàng sử dụng ví điện tử.
(ii) Ví điện tử phải được liên kết với TKTT bằng đồng Việt Nam hoặc thẻ ghi nợ (có gắn với TKTT bằng đồng Việt Nam) của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết.
(iii) Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải thỏa thuận với ngân hàng liên kết hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử về quy trình, cách thức liên kết ví điện tử với TKTT hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng.
d) Khách hàng được liên kết ví điện tử với một hoặc nhiều TKTT hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) mở tại các ngân hàng liên kết.
Về sử dụng ví điện tử, khoản 6 Điều 9 Thông tư số 23/2019/TT-NHNN quy định:
Việc nạp tiền vào ví điện tử phải thực hiện: (i) Từ TKTT hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) tại ngân hàng; (ii) Nhận tiền từ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở.
Khách hàng được sử dụng ví điện tử để: (i) Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; (ii) Chuyển tiền cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở; (iii) Rút tiền ra khỏi ví điện tử về TKTT hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) tại ngân hàng.
Tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở) tối đa là 100 triệu đồng trong một tháng.
Nghiêm cấm việc sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử.
Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kì hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào ví điện tử.
Đối với vấn đề bảo mật thông tin khách hàng, Điều 23 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến chủ tài khoản. Nếu tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT cung cấp, tiết lộ thông tin khách hàng không đúng quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cụ thể:
"3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Cung cấp, tiết lộ thông tin khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT không đúng quy định của pháp luật.
b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử từ 01 ví điện tử đến dưới 10 ví điện tử".
Ngoài ra, người dùng cũng có thể khởi kiện tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT để đòi bồi thường thiệt hại do bị rò rỉ thông tin (Điều 18 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP).
Ngoài việc ban hành các văn bản trên, năm 2024, NHNN đã ban hành văn bản chỉ đạo toàn Ngành như: (i) Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 15/01/2024 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, trong đó có chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT quản lí chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trong quá trình mở, sử dụng TKTT, ví điện tử, áp dụng các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ lợi dụng, TKTT, dịch vụ TGTT cho các mục đích bất hợp pháp theo quy định của pháp luật; (ii) Công văn chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT tăng cường công tác định danh, xác thực khách hàng trong mở và sử dụng TKTT, ví điện tử nhằm ngăn ngừa việc sử dụng giấy tờ giả, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn TKTT, ví điện tử; mua, bán thông tin TKTT, ví điện tử; triển khai các giải pháp giám sát, kiểm soát, phát hiện các giao dịch đáng ngờ nhằm ngăn chặn sử dụng TKTT, ví điện tử để chuyển tiền, thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp; rà soát việc tổ chức, triển khai các chỉ đạo của NHNN trong bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng; tăng cường truyền thông tới khách hàng về các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, tránh rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân khi thực hiện giao dịch trực tuyến; (iii) Chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT tích cực, chủ động phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lí hành chính về trật tự và xã hội (C06) - Bộ Công an để kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử, ứng dụng tài khoản định danh, xác thực điện tử (VNeID) để làm sạch dữ liệu khách hàng và xác minh thông tin nhận biết khách hàng mở, sử dụng TKTT, ví điện tử.
Bên cạnh đó, NHNN cũng thường xuyên phối hợp với Bộ Công an trao đổi, cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm liên quan đến lĩnh vực thanh toán, thông tin phục vụ công tác điều tra, xử lí vi phạm pháp luật trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, TGTT; kiểm tra về hoạt động thanh toán, cung ứng dịch vụ TGTT để phát hiện xử lí các vi phạm, cảnh báo, chấn chỉnh các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, TGTT nghiêm túc chấp hành các quy định của NHNN và pháp luật liên quan.
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kĩ năng giao dịch tài chính an toàn; kịp thời cảnh báo rủi ro trên các kênh thông tin liên quan nhằm giúp khách hàng nâng cao kiến thức, nhận thức trước những thủ đoạn tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản, thông tin TKTT, ví điện tử của khách hàng.
Tuy nhiên, thực tế, xu hướng gia tăng của các tội phạm công nghệ, tội phạm trên không gian mạng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc này đặt ra các khó khăn, thách thức cho việc đảm bảo an toàn bảo mật hệ thống thống công nghệ, duy trì hoạt động thanh toán được thực hiện liên tục, an toàn; đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro tội phạm lợi dụng sử dụng dịch vụ thanh toán (trong đó có dịch vụ ví điện tử) cho các hành vi gian lận, lừa đảo, mục đích bất hợp pháp...
Bên cạnh đó, vẫn còn thói quen, tâm lí sử dụng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cùng với tâm lí e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh, an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử, trực tuyến. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu thông tin, chưa ý thức được đầy đủ sự quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân, hậu quả của hành vi cho thuê, cho mượn, mua bán thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng... dẫn đến tội phạm lợi dụng cho mục đích gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp.
Phối hợp các giải pháp đảm bảo an toàn trong mở và sử dụng dịch vụ thanh toán, ví điện tử
Trong thời gian tới, bám sát các chủ trương, định hướng của Chính phủ nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nhưng vẫn đảm bảo an toàn và ổn định nền kinh tế, trong đó có việc cung cấp và sử dụng dịch vụ ví điện tử, qua đó đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho khách hàng, NHNN tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lí đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, trong đó: (i) Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan mở và sử dụng TKTT, thẻ ngân hàng, ví điện tử trong đó quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng; bổ sung yêu cầu định kì xác thực lại khách hàng, liên kết lại ví điện tử với TKTT đã được làm sạch; bổ sung quy định yêu cầu sử dụng CCCD gắn chíp để mở TKTT, ví điện tử, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử; (ii) Cho phép TCTD áp dụng xác thực sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền vượt hạn mức giao dịch nhất định...
Ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về việc triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản. Theo đó, từ ngày 01/7/2024, khách hàng chuyển tiền bằng phương thức điện tử trên 10 triệu đồng/giao dịch là phải xác thực khuôn mặt. Chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần thì xác thực bằng mã OTP. Mục đích là đảm bảo đúng là chính chủ đang thực hiện chuyển tiền. Đồng thời, NHNN quy định tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày là phải xác thực bằng sinh trắc học.
Thứ hai, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng và tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Trong đó, ưu tiên kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNN phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm, phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp; thực hiện công tác kiểm tra về hoạt động thanh toán và thường xuyên có cảnh báo, chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT nghiêm túc chấp hành các quy định của NHNN và pháp luật liên quan, đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán, an toàn tài sản cho khách hàng.
Thứ tư, ngành Ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết những phương thức, thủ đoạn lừa đảo, gian lận... để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch thanh toán trên môi trường điện tử.
Về phía người sử dụng dịch vụ ví điện tử, cần lưu ý các khuyến cáo của ngành Ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT.
Theo đó, người dùng không chia sẻ tài khoản ví điện tử cho người khác, không nên chia sẻ với bất cứ hình thức nào nhất là trên các trang mạng xã hội, hoặc các phương tiện truyền thông nhằm tránh rủi ro người lạ truy cập để thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Bên cạnh đó, không để lộ mật mã OTP, kể cả với người quen. Mã OTP là lớp bảo vệ thứ hai sau mật khẩu của ví điện tử được nhiều ví lớn áp dụng. Điều này góp phần ngăn chặn những rủi ro cho chủ ví nhằm hạn chế tình trạng kẻ gian xâm nhập để lấy thông tin hoặc tiền trong tài khoản. Mã OTP giống như chìa khóa két sắt cá nhân, còn mật khẩu vào ví điện tử là chìa khóa nhà. Đây là hai chìa khóa quan trọng và tuyệt đối không để cho người khác biết.
Bên cạnh đó, người dùng nên cài đặt một số chương trình phòng, chống virus và đánh cắp dữ liệu. Việc lộ thông tin của ví điện tử là hoàn toàn có thể xảy ra nếu người dùng để virus xâm nhập vào hệ thống máy tính hoặc điện thoại thông qua việc truy cập vào những trang web lạ hay tải những ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Đồng thời, người dùng cần thay đổi mật khẩu ít nhất 2 lần/tháng. Các ví điện tử được phát hành hiện nay thường chỉ đặt 1 mật khẩu để có thể mở khóa ví và thực hiện các giao dịch thanh toán. Một số ví điện tử khác có thêm bảo mật OTP để có thể mở được khóa ví. Do đó, mật khẩu là thông tin rất quan trọng cần được bảo mật. Mật khẩu nên có cả số, chữ và những kí tự (nếu có), tránh lựa chọn những mật khẩu quá dễ nhớ hoặc liên quan đến lí lịch cá nhân (như ngày sinh, số điện thoại...).
Người dùng nên chọn sử dụng ví điện tử uy tín, an toàn, bảo mật cao. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại ví điện tử, người dùng có thể chọn lựa trong số này nhưng chú ý các điểm sau để đảm bảo được an toàn khi sử dụng. Trước tiên, ví điện tử đó phải được chứng nhận bởi các tổ chức có uy tín trên thế giới về độ an toàn bảo mật. Ví dụ như chứng nhận PCI DSS - chứng nhận đảm bảo các công nghệ bảo mật của ví hoạt động hiệu quả theo các tiêu chuẩn cao nhất của ngành tài chính - ngân hàng quốc tế3. PCI DSS là một tập hợp 12 yêu cầu dựa trên 06 nguyên tắc cơ bản gồm: Xây dựng và duy trì hệ thống mạng bảo mật; bảo vệ dữ liệu thẻ thanh toán; xây dựng và duy trì tình trạng đảm bảo an ninh mạng; xây dựng hệ thống kiểm soát xâm nhập; theo dõi và đánh giá hệ thống thường xuyên; chính sách bảo vệ thông tin.
Để được cấp chứng chỉ này, nhà cung cấp dịch vụ phải kiểm tra mạng lưới hạ tầng hằng tháng, Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật tới kiểm tra bảo mật hằng năm nhằm đảm bảo đáp ứng và tuân thủ các nguyên tắc vàng về bảo mật. Ngoài ra, người dùng nên chọn sử dụng ví điện tử có uy tín được nhiều người tin dùng và được sử dụng phổ biến.
Hiện tại, một số ví điện tử chiếm thị phần lớn, tiềm lực mạnh như Moca, MoMo hay ZaloPay đều đã đạt chứng nhận bảo mật quốc tế PCI DSS. Việc đạt chứng nhận góp phần mang đến trải nghiệm giao dịch an toàn, nhanh chóng. Các ví điện tử còn ứng dụng công nghệ bảo mật cao cấp, tiên tiến như xác thực hai lớp; xác thực bằng vân tay hay nhận diện khuôn mặt; tự động khóa ứng dụng khi quá thời hạn sử dụng; bảo vệ đường truyền chuẩn SSL/TLS hay tính năng mã hóa số thẻ quốc tế (Tokenization). Các công nghệ này đảm bảo ví của người dùng không thể bị xâm nhập nếu như không được chính chủ cung cấp các thông tin cá nhân và thông tin đăng nhập OTP, mật khẩu...
Khi khách hàng phát hiện tên truy cập, mật khẩu và/hoặc các yếu tố định danh khác bị mất, đánh cắp, bị lộ, hoặc nghi ngờ bị lộ do thiết bị cài đặt ứng dụng ví điện tử của khách hàng bị lạc mất, hư hỏng, nghi ngờ bị tin tặc tấn công hoặc do khách hàng bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị lừa đảo..., khách hàng nên lập tức thông báo cho tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử qua số hotline, đồng thời thực hiện các thủ tục cần thiết để được hỗ trợ tạm ngừng/tạm khóa tài khoản ví điện tử; liên hệ ngay với các ngân hàng mà khách hàng mở tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử để khóa thẻ/tài khoản (nếu cần); nên khóa chức năng thanh toán trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng điện tử (nếu không sử dụng).
1 Ví điện tử đang hoạt động là ví có ít nhất một giao dịch phát sinh giá trị tiền tệ (nạp tiền, rút tiền, thanh toán, chuyển tiền) trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm báo cáo.
2 Ví điện tử đã kích hoạt là ví đã được xác thực định danh khách hàng và đã hoàn thành liên kết với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng để sẵn sàng thực hiện giao dịch.
3 PCI DSS là tiêu chuẩn bảo mật xác lập bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật (PCI Security Standards Council) gồm các thành viên: Visa, MasterCard, American Express, Discover Financial Services và JCB International.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP.
3. Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng TKTT tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
4. Thông tư số 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ TGTT.
Kim Anh (NHNN)