1. Đặt vấn đề
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng. Số hóa đang thay đổi nhanh chóng phong cách sống hằng ngày của người dân cũng như thay đổi cách thiết kế tổ chức, quy trình tuyển dụng và quản lí nhân viên. Nền tảng số cho phép ngân hàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua các thiết bị kết nối Internet như điện thoại di động, máy tính... Bởi vậy khách hàng có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, kể cả những ngày nghỉ, ngày lễ mà không cần phải trực tiếp đến ngân hàng. Điều này dẫn tới câu hỏi về vấn đề việc làm trong tương lai đối với một số vị trí ngân hàng như giao dịch viên, kế toán viên, nhân viên kho quỹ... Khi công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo được áp dụng rộng rãi, những hoạt động thường ngày của ngân hàng liên quan đến chứng từ, kế toán, tổng hợp sổ cái thực hiện bằng số hóa thì nhân lực cho những vị trí đó sẽ không còn cần thiết nữa. Bởi vậy, nhân sự hiện tại của ngân hàng một mặt cần am hiểu lĩnh vực công nghệ, kĩ thuật, dữ liệu... để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số; mặt khác phải được đào tạo thêm kĩ năng để sẵn sàng đảm nhiệm những công việc mới trong tương lai.
Trong thời gian qua, nền kinh tế trải qua nhiều khó khăn, ngành Ngân hàng chịu nhiều ảnh hưởng. Theo Financial Times, năm 2023, 20 ngân hàng lớn nhất thế giới đã cắt giảm hơn 60.000 việc làm. Có nhiều nguyên nhân đằng sau việc cắt giảm nhân sự và một trong những lí do quan trọng là ứng phó với áp lực cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Số hóa là định hướng chính giúp ngân hàng vượt qua những khó khăn đó. Tự động hóa giúp giảm khối lượng công việc truyền thống của nhân viên ngân hàng như xử lí giao dịch, kiểm toán, tuân thủ. Nhờ đó, số lượng nhân viên giao dịch tại quầy chỉ cần duy trì ở mức tối thiểu. Nhân viên giờ đây sẽ tập trung nhiều thời gian hơn vào công tác tư vấn, chăm sóc khách hàng và bán chéo sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, một số vai trò mới trong ngân hàng cũng được ra đời như chuyên gia an ninh mạng, phân tích tín dụng... (Bảng 1)
Bảng 1. Một số công việc mới tại ngân hàng
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bên cạnh những công việc mới, xu hướng công nghệ số kéo theo sự thay đổi về các kĩ năng cốt lõi của nhân viên ngân hàng. Theo Moro và cộng sự (2015), nhân viên là một trong những lực lượng chính thực hiện quá trình chuyển đổi số trong các ngân hàng. Moro và cộng sự cũng nhấn mạnh thêm rằng, để hỗ trợ chuyển đổi số, ngành Ngân hàng nên tập trung phát triển các kĩ năng kĩ thuật số và nâng cao chuyên môn kĩ thuật công nghệ tài chính của nhân viên. Nhiều nghiên cứu đều cho rằng, kĩ năng kĩ thuật số là cần thiết bao gồm mô hình hóa, phân tích dữ liệu lớn, thống kê và lập trình (Santoso và cộng sự, 2021) hay quản trị tinh gọn, phân tích dữ liệu, mô hình kinh doanh kĩ thuật số, giao tiếp kĩ thuật số, công nghệ kĩ thuật số, tư duy hành trình, kiểm soát rủi ro (Sia và cộng sự, 2021). Theo Radovi-Markovi và cộng sự (2019), năng lực công nghệ thông tin là kĩ năng số cần có. Nghiên cứu của Mazurchenko và cộng sự (2022) chỉ ra các kĩ năng giải quyết vấn đề trong môi trường kĩ thuật số, phân tích và toán học nâng cao, quản trị cơ sở dữ liệu, phát triển phần mềm là cần thiết với mỗi nhân viên ngân hàng trong xã hội mới.
Có thể thấy, để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của công việc, nhân viên ngân hàng cần có những kĩ năng quan trọng để làm việc với kĩ thuật số như khả năng nhận thức, quản lí nguồn lực, xử lí và giải quyết vấn đề. Những kĩ năng này ngày càng trở nên cần thiết ở nhiều vị trí công việc, giúp nhân viên làm việc với dữ liệu và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, từ đó thích ứng tốt với nhiều vị trí công việc mới.
2. Thực trạng nhân lực ngành Ngân hàng ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
2.1. Tình hình nhân sự tại các ngân hàng
Theo báo cáo của Navigos Group, hầu hết vị trí việc làm mới sẽ xuất hiện là các vị trí liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) trong các ngành, nghề (bao gồm lĩnh vực ngân hàng), cụ thể là vị trí về xử lí dữ liệu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra một số kĩ năng người lao động cần tập trung phát triển để tăng cạnh tranh cho bản thân trên thị trường lao động như ngoại ngữ, tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả… Như vậy, kết quả nghiên cứu có nhiều điểm tương đồng với những yếu tố mà doanh nghiệp nói chung và NHTM nói riêng ưu tiên khi tuyển dụng hiện nay. Mặc dù nhân sự thường có sự biến động, các ngân hàng vẫn luôn cần các ứng viên có những tiêu chuẩn và kĩ năng nhất định để đáp ứng yêu cầu công việc. Năm 2023, nhân sự ngành Ngân hàng có nhiều sự thay đổi. Một số ngân hàng tăng tuyển dụng trong khi nhiều ngân hàng lại cắt giảm hàng trăm người. Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ra thông báo tuyển dụng tập trung nhân sự đợt II/2023 với số lượng tuyển dụng lên tới 1.139 chỉ tiêu trên toàn quốc ở các vị trí: tín dụng, kế toán, thanh toán quốc tế, pháp chế, thủ quỹ, kiểm ngân. Ngân hàng yêu cầu các ứng viên phải tốt nghiệp đại học chính quy, có chuyên ngành phù hợp với vị trí dự tuyển, ưu tiên các ứng viên có kinh nghiệm tại các vị trí liên quan và tại các ngân hàng lớn. Cùng với Agribank, một số ngân hàng lớn khác cũng mở các đợt tuyển dụng quy mô lớn nhiều vị trí khác nhau như NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với số lượng 148 chỉ tiêu, NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tuyển dụng 350 chỉ tiêu... Đối với nhóm NHTM cổ phần tư nhân, quy mô nhân sự năm 2023 của nhiều ngân hàng có sự sụt giảm. Việc nhân sự ngành Ngân hàng có xu hướng nghỉ việc hay chuyển đổi vị trí gia tăng những năm gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân như chế độ lương, thưởng, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến... Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất đến từ áp lực công việc ngày càng lớn của một số ngân hàng. Dưới sức ép cạnh tranh trong Ngành, nhân viên một số ngân hàng bên cạnh khối lượng công việc lớn hàng ngày phụ trách còn phải tích cực bán chéo nhiều sản phẩm, dịch vụ khác như thẻ, bảo hiểm, trái phiếu... “Guồng quay” công việc lớn và liên tục đã khiến nhiều nhân viên, đặc biệt là những nhân viên trẻ cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Chuyển đổi công việc như là một cách để tìm hướng đi khác phù hợp với bản thân hoặc môi trường làm việc tốt hơn. Chính bởi vậy, xu hướng tuyển dụng của nhiều ngân hàng ở Việt Nam mới đang dừng ở việc đáp ứng đủ số lượng các vị trí truyền thống để bù đắp thiếu hụt nhân sự chuyển đi và phục vụ hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng. Còn về chất lượng, rất ít các ứng viên có kinh nghiệm để triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Để giành lợi thế trong cuộc chiến nhân sự phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số, bên cạnh việc nâng cao chất lượng trong cách thức tuyển dụng, các ngân hàng cần chú trọng đến xây dựng môi trường làm việc, đảm bảo cho nhân viên yên tâm cống hiến. Nhờ đó, các ngân hàng không chỉ giữ được người tài ở lại mà còn ghi điểm với ứng viên tiềm năng.
2.2. Phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số
Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh việc “chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng và của hội nhập kinh tế quốc tế”; “xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng, có trình độ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại”. Như vậy, có thể thấy Nhà nước rất chú trọng vào phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số. Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng Việt Nam đang có những hướng đi cụ thể nhằm xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự chất lượng.
Trong những năm gần đây, các ngân hàng đang ngày càng chú trọng vào công tác đào tạo nội bộ để đem lại cơ hội học hỏi và hoàn thiện bản thân trong quá trình làm việc cho mỗi nhân viên. Các trường đào tạo được trang bị không gian thiết bị công nghệ cao kết hợp với thư viện và các phòng chức năng hiện đại nhằm tạo động lực theo đuổi học tập lâu dài của mỗi nhân viên ngân hàng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn phát triển hệ thống học tập trực tuyến E-Learning nhằm giúp cán bộ nhân viên học tập mọi lúc, mọi nơi như NHTM cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) với hệ thống quản trị học tập VIB Learning dựa trên nền tảng SaaS với nguồn tư liệu nghiên cứu đa dạng và uy tín của các tổ chức trên thế giới.
2.3. Một số vấn đề tồn tại đối với việc phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số
Do yêu cầu chuyển đổi số, các ngân hàng Việt Nam đang chịu nhiều áp lực trong việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là các vị trí phát triển công nghệ, ứng dụng; quản trị và phân tích dữ liệu; marketing và kinh doanh trên nền tảng số. Những cán bộ ngân hàng có bằng cấp và năng lực khoa học - công nghệ chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ và chủ yếu làm việc tại hội sở trong một số mảng nghiệp vụ nhất định nên nhóm nhân sự này tại các ngân hàng hiện nay đang thiếu khá nhiều. Không phải là những vị trí nghiệp vụ truyền thống mà các chuyên gia dữ liệu, kĩ sư tài chính hay lập trình viên máy tính là nhân sự được các ngân hàng tìm kiếm nhiều nhất. Hiện tại chuyên viên công nghệ thông tin ngân hàng có mức lương trung bình là 40,5 triệu đồng/tháng ở 02 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Báo cáo lương IT 2023 - 2024). Với những người có kinh nghiệm làm việc và trình độ chuyên môn tốt, mức lương thậm chí có thể cao hơn. Đây là mức thu nhập rất cao so với mặt bằng chung của xã hội và của ngành Ngân hàng. Tuy đã đưa ra mức đãi ngộ, lương, thưởng hấp dẫn để thu hút nhưng nguồn ứng viên trong nước chưa được đào tạo và có trình độ như kì vọng nên vẫn rất khó để ngân hàng tuyển dụng.
Ngoài ra, xu hướng công nghệ số đặt ra sự thay đổi quan trọng với bộ kĩ năng nền tảng của ngành Ngân hàng. Một nhân viên ngân hàng cần phải có kĩ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề tốt; khả năng đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu; hiểu biết về pháp lí và kĩ năng số... Bởi vậy, song song với việc sụt giảm nhu cầu nhân sự ở các công việc thủ công được thay thế bởi ứng dụng số hóa thì chuyển đổi số cũng đặt ra nhu cầu nhân lực có khả năng thích ứng cho các vị trí công việc mới. Đó là nhân sự nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ mang tính cá nhân hóa và nâng cao trải nghiệm khách hàng, nhân sự giỏi trong lĩnh vực AI, dữ liệu lớn, chuyên gia an ninh mạng, lập trình viên robot, kiến trúc sư chuỗi khối... Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi sang nền tảng số của các ngân hàng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các chuyên gia, tập đoàn công nghệ trong nước và trên thế giới như MB hợp tác chiến lược với Tập đoàn IBM, NHTM cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) hợp tác với Tập đoàn Thought Machine, Vietcombank hợp tác toàn diện với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel... Hướng đi thuê ngoài phát triển công nghệ sẽ giúp ngân hàng nhanh chóng tiếp cận công nghệ tiên tiến. Mặc dù vậy, nếu chọn hướng tự phát triển công nghệ sẽ giúp ngân hàng làm chủ được công nghệ và không cần lo lắng về bảo mật dữ liệu hoặc rủi ro thay đổi đối tác cung cấp dịch vụ.
3. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số
3.1. Đối với người lao động
Mỗi nhân viên ngân hàng cần không ngừng trau dồi kiến thức, kĩ năng và thái độ làm việc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công việc. Họ không chỉ học về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về cách ứng xử, phục vụ chu đáo, tận tình với khách hàng, học từ trường lớp, đồng nghiệp, từ sách, báo và từ chính công việc thực tế hằng ngày. Đó là cơ sở để tăng thêm mối quan hệ khăng khít giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng đối với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ngân hàng.
3.2. Đối với ngân hàng
Thứ nhất, các ngân hàng cần xây dựng các cơ chế và chính sách phù hợp để giữ chân những nhân viên, chuyên viên giỏi và các chuyên gia. Chẳng hạn như thay đổi cách ghi nhận sự cống hiến, thu nhập hay phúc lợi cho từng nhóm chuyên gia công nghệ thông tin, từng nhóm chuyên gia cao cấp trong từng lĩnh vực cụ thể.
Thứ hai, việc tuyển dụng và sắp xếp nhân sự cần được các ngân hàng thực hiện hợp lí, phù hợp với năng lực và phát huy khả năng của mỗi nhân viên. Các ngân hàng cần đặc biệt chú trọng đến việc tuyển dụng đội ngũ nhân viên chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học máy tính để phục vụ mục tiêu chuyển đổi số đã đặt ra.
Thứ ba, ngân hàng cần không ngừng tăng cường đào tạo, tái đào tạo để tạo điều kiện cho nhân viên liên tục trau dồi kiến thức, chuyên môn và kĩ năng của bản thân thông qua các đợt thi nghiệp vụ ngân hàng, các khóa học nâng cao nghiệp vụ, kĩ năng quản trị, điều hành... Điều này sẽ giúp cho các nhân viên luôn được cập nhật các kiến thức, công nghệ mới thường xuyên trong bối cảnh chuyển đổi số, qua đó sẽ cảm thấy tự tin và phục vụ khách vụ khách hàng tốt hơn.
3.3. Đối với các trường đại học, cao đẳng
Thứ nhất, các trường đại học, cao đẳng cần có chương trình đào tạo phù hợp với sinh viên trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt các trường có ngành/chuyên ngành đào tạo về tài chính - ngân hàng cần có sự cập nhật và thay đổi để đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi sinh viên ra trường. Cụ thể, cần giảm bớt những nội dung lí thuyết trong chương trình học mà tiếp cận theo hướng thực tế với hoạt động của NHTM nói riêng và ngành tài chính - ngân hàng nói chung, chú trọng kiến thức về khách hàng, thị trường, công nghệ thông tin. Các trường có thể đầu tư môi trường kinh doanh giả lập với những tình huống phát sinh thực tế để sinh viên có cơ hội thực hành hằng ngày.
Thứ hai, các trường đại học, cao đẳng cần liên kết với các NHTM để tạo điều kiện cho các sinh viên được thường xuyên thực tập và trải nghiệm trong môi trường làm việc thực tế, giúp các sinh viên hạn chế những bỡ ngỡ và sớm bắt nhịp với công việc khi ra trường.
3.4. Đối với Nhà nước
Thứ nhất, Nhà nước cần đổi mới căn bản nền giáo dục, quan điểm và cách tiếp cận đối với chuyển đổi số; nâng cao nhận thức của người lao động để đáp ứng kiến thức và kĩ năng trong tình hình mới. Các lĩnh vực giáo dục phổ thông cần được chú trọng nhiều hơn với người học về các kiến thức toán học, kĩ thuật, khoa học - công nghệ... Các ý tưởng, sáng kiến về công nghệ cần được khuyến khích và triển khai nếu phù hợp.
Thứ hai, Nhà nước có những cải cách về tiền lương, thưởng để tạo động lực và thu hút nhân tài cống hiến và làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Thứ ba, tăng cường vai trò quản lí Nhà nước trong việc thúc đẩy và bồi dưỡng nhân tài, có những chính sách hỗ trợ đặc biệt với các ngân hàng để bồi dưỡng nhân sự chất lượng cao; thường xuyên tổ chức các khóa học, hội thảo, diễn đàn... trong nước và quốc tế để các ngân hàng thường xuyên trao đổi, học tập về kiến thức và công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng.
4. Kết luận
Nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực ngành Ngân hàng cần tiếp tục được quan tâm nhằm đáp ứng bài toán nhân sự “vừa thừa, vừa thiếu” của Ngành. Mặc dù sẽ có những vị trí công việc có tính lặp lại, dần bị thay thế bởi robot và hệ thống tự động hóa nhưng những nhân lực có kiến thức giỏi về công nghệ thông tin và kĩ năng bán hàng vẫn luôn cần thiết và ưu tiên tuyển dụng nhằm đáp ứng công cuộc số hóa ngành Ngân hàng trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Harsh Vardhan, (2023). Global banks eliminated more than 60,000 jobs in 2023. https://invezz.com/news/2023/12/26/global-banks-eliminated-more-than-60000-jobs-in-2023/
2. Itviec Blog, (2023). Báo cáo lương IT năm 2023 - 2024. https://itviec.com/blog/luong-it-o-viet-nam-theo-nganh-nghe-loai-hinh/
3. Mazurchenko, A., Zelenka, M., & Maríková, K, (2022). Demand for employees’ digital skills in the context of banking 4.0. E+M: Ekonomie a Management. 25(2), pages 41 - 58.
4. Moro, S., Cortez, P., & Rita, P, (2015). Business intelligence in banking: A literature analysis from 2002 to 2013 using text mining and latent Dirichlet allocation. Expert Systems with Applications. 42(3), pages 1314 - 1324
5. Navigos, (2023). Báo cáo lương và thị trường lao động năm 2024. https://www.navigosgroup.com/navigos-group-talent-guide-salary-survey-labor-market-outlook-2024-n79.html
6. Radovi-Markovi, M., Toma-Miskin, S., & Markovi, D, (2019). Digitalization and agility of enterprises and banks: It competencies of managers and virtual team members. International Journal of Entrepreneurship. 23(4).
7. Santoso, W., Sitorus, P. M., Batunanggar, S., Krisanti, F. T., Anggadwita, G., & Alamsyah, A, (2021). Talent mapping: a strategic approach toward digitalization initiatives in the banking and financial technology (FinTech) industry in Indonesia. Journal of Science and Technology Policy Management. 12(3), pages 399 - 420.
8. Sia, S. K., Weill, P., & Zhang, N, (2021). Designing a Future-Ready Enterprise: The Digital Transformation of DBS Bank. California Management Review. 63(3), pages 35 - 57.
ThS. Nguyễn Anh Tuấn