Theo quy định hiện hành, nhiều địa phương có trên 12 Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách, trong đó đa số được hình thành từ 3 nguồn chủ yếu: Ngân sách tỉnh, thành phố cấp, điều phối từ trung ương (ở một số Quỹ); và từ kết quả hoạt động, huy động đóng góp các tổ chức, cá nhân.
Hoàn thiện khung pháp lý thống nhất quản lý và sử dụng Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách
sẽ tạo thành tổng nguồn lực mạnh giúp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế kinh doanh, hoạt động hiệu quả
Một số Quỹ nhiều nội dung tương đồng trong cơ cấu tổ chức, nguyên tắc, phương thức, đối tượng hoạt động; Quỹ hình thành ban đầu từ Ngân sách địa phương đều thực hiện hỗ trợ, cho vay, đầu tư, bảo lãnh nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng, những lĩnh vực doanh nghiệp không “mặn mà” do đầu tư có tính mạo hiểm, phục vụ công cộng, lợi nhuận không cao; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức kinh tế; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo chủ trương của địa phương. Tuy nhiên, mỗi Quỹ tổ chức và hoạt động theo Nghị định, văn bản quy phạm khác nhau, có điều lệ mẫu riêng; chức năng nhiệm vụ có nội dung khác nhau. Do vậy, nhiều nơi thành lập các Quỹ này theo nhiều mô hình khác nhau, đã làm phân tán nguồn lực của địa phương giúp doanh nghiệp. Đòi hỏi rất cần có tổng kết, cơ cấu lại hệ thống Quỹ để nguồn lực được phát huy.
Nhiều địa phương có trên 12 Quỹ tài chính nhà nước ngoài Ngân sách được thành lập và tổ chức hoạt động theo luật, nghị định của Chính phủ, các thông tư của bộ, ngành có liên quan, do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập và quy định điều lệ, quy chế hoạt động. Trong đó, có đến 9 Quỹ do Ngân sách địa phương cấp để thành lập và hoạt động; với 6 Quỹ cấp theo hình thức vốn điều lệ gồm: Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ hỗ trợ hợp tác xã, Quỹ khoa học và công nghệ, Quỹ phát triển đất, và một loại “có nơi lập Quỹ” Ngân sách cấp do HĐND cấp tỉnh giao tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương có chức năng đầu tư tài chính thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Các Quỹ này và 3 Quỹ: hỗ trợ nông dân, tài năng trẻ, giải quyết việc làm hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; cơ bản không vì mục tiêu lợi nhuận, tự chủ tài chính; bộ máy hoạt động chuyên trách Ngân sách không cấp kinh phí; các hoạt động tài chính, kế toán, kiểm toán và báo cáo nhiều nội dung tương đồng từ lập kế hoạch, quản lý, sử dụng vốn, phân phối kết quả tài chính; và có cùng mục tiêu hỗ trợ, cho vay, đầu tư để các tổ chức sản xuất kinh doanh hoạt động theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương định ra. Cơ chế hoạt động nhìn chung là hỗ trợ lãi suất vay vốn để các tổ chức sản xuất kinh doanh có vốn; có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thực hiện ý tưởng hay, sáng tạo hoặc đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mà các loại hình doanh nghiệp ít quan tâm (do tính rủi ro cao) như kết cấu hạ tầng công cộng, bảo vệ môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, bảo tồn tài nguyên sinh học... nhằm thực hiện mục tiêu, định hướng của địa phương trong giai đoạn nhất định (5 năm, 10 năm); đồng thời còn giúp các tổ chức kinh tế đã, đang khó khăn có điều kiện tiếp cận tổ chức thương mại tín dụng để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đối tượng của các Quỹ này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ chức kinh tế trên địa bàn.
Theo luật định: Doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch được đăng ký thành lập theo quy định để kinh doanh, có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng, có số lao động tham gia Bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, ít nhất có 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. Với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập năm sau cao hơn năm trước, đa số theo loại hình nhỏ và vừa, có tài sản nhưng nhỏ, có ý tưởng, phương án sản xuất kinh doanh, nhu cầu đầu tư lớn. Nên rất cần sự vào cuộc của các Quỹ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hoạt động.
Thực tế, ở các tỉnh, thành phố, mô hình tổ chức các Quỹ này rất khác nhau: có nơi gộp Quỹ Đầu tư phát triển với Quỹ bảo lãnh, hoặc Quỹ phát triển đất, hoặc Quỹ khoa học công nghệ, hoặc một số Quỹ khác có hoạt động tương đồng. Có nơi, Quỹ Đầu tư phát triển nhận ủy thác; một số nơi đang triển khai thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đã và đang thực hiện theo hai mô hình (Sáp nhập một số Quỹ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; và ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển ở địa phương).
Qua khảo sát ở địa phương, các Quỹ tài chính nhà nước ngoài Ngân sách đang hoạt động độc lập cho thấy: nhiều Quỹ được thành lập nhưng vốn điều lệ thấp, có những Quỹ chưa cấp đủ vốn theo Quyết định thành lập. Mặc dù nguồn Ngân sách ở các địa phương những năm gần đây năm sau cao hơn năm trước, song nhu cầu chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển lại rất lớn. Nên ngân sách dành cho Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách ở địa phương không cao, lại phân bổ cho số lượng các Quỹ nhiều (trên 10 Quỹ), nên nguồn vốn hoạt động của mỗi Quỹ bé, vốn chủ sở hữu thấp. Ngân sách cấp cho các Quỹ bị phân tán. Địa phương nào tỉnh quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sâu sát, gắn với chức năng nhiệm vụ như: định hướng rõ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế được hỗ trợ, đầu tư từ Quỹ; làm rõ chức năng nhiệm vụ của Quỹ gắn với thực tiễn ở địa phương, chỉ đạo về đầu tư, hỗ trợ trực tiếp dự án hoặc vay đầu tư hoặc cấp đủ vốn thì hiệu quả hoạt động của Quỹ đó được nổi bật.
Tuy nhiên, đã bộc lộ một số hạn chế: một số Quỹ có mục tiêu, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ trùng lặp như: Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ hợp tác xã, Quỹ phát triển tài năng trẻ; hay giữa Quỹ Đầu tư phát triển với Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ khoa học công nghệ, Quỹ đầu tư phát triển đất (liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu đất chuyển đổi mục đích sử dụng)… Có nơi Quỹ sử dụng vốn đạt thấp (dưới 50% vốn chủ sở hữu); số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến với Quỹ vay và sử dụng nguồn vốn không nhiều do đối tượng phục vụ bị bó hẹp; nguồn vốn không đủ lớn để đảm bảo tỷ lệ mức vốn đáp ứng cho doanh nghiệp.
Mỗi Quỹ có một hệ thống tổ chức hoạt động độc lập gồm: Hội đồng quản lý, Ban điều hành, Ban kiểm soát (có Quỹ tổ chức bộ máy hoạt động kiêm nhiệm, có Quỹ, có nơi tổ chức chuyên trách). Trong khi đó, cơ chế, quy trình thủ tục mỗi Quỹ có những nội dung khác nhau song cơ bản đều do Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn theo nguyên tắc chung thống nhất. Trong khi đó, số lượng khách hàng của mỗi Quỹ trong một tháng, năm không nhiều nên năng suất lao động của một số bộ phận ở một số Quỹ không cao, chưa phát huy được tối đa và hiệu quả lực lượng cán bộ, nhân viên hiện có.
Một số Quỹ vốn chủ sở hữu thấp, định mức cho một khách hàng sử dụng vốn nhỏ. Lĩnh vực hoạt động của Quỹ bị bó hẹp; nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, công trình khoa học ứng dụng do đơn vị sự nghiệp, chính quyền các cấp làm chủ đầu tư (chính quyền không được vay vốn làm kinh tế) Dự án đúng đối tượng nhưng không thể dùng được vốn từ Quỹ. Nên Quỹ đã hạn hẹp đối tượng lại càng khó khăn trong hoạt động. Một số khách hàng đúng đối tượng, đảm bảo điều kiện nhưng số vốn Quỹ thấp, không đáp ứng được khách hàng.
Trong số các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách, có nơi, có lúc, có Quỹ sử dụng hết vốn chủ sở hữu, rất cần bổ sung. Có Quỹ thời gian dài sử dụng dưới 50% vốn. Theo cơ chế, có thể một khách hàng sử dụng vốn ở nhiều Quỹ nhưng hồ sơ thủ tục (nhất là tài sản đảm bảo) bị vướng mắc nên có Quỹ tồn vốn, có Quỹ sử dụng hết.
Các Quỹ này bản chất không phải là tổ chức tín dụng thương mại, có nguồn tài chính đa số là từ ngân sách địa phương dành ra để tạo cơ chế, hỗ trợ giúp các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nghiệp vụ chuyên môn theo hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan theo từng lĩnh vực. Mô hình hoạt động lưỡng tính vừa thuộc doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn, vừa theo mô hình ngân hàng chính sách. Nên Quỹ hoạt động với cơ chế hỗ trợ, “mồi” để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh theo định hướng của tỉnh mạnh dạn đầu tư. Trong quá trình hoạt động còn có vướng mắc chưa được quy định rõ như: chế độ bảo mật; quy trình thủ tục cho vay, hỗ trợ, góp vốn thành lập doanh nghiệp, xử lý nợ đọng để áp dụng thống nhất.
Để các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách hoạt động có hiệu quả đáp ứng chủ trương của Đảng, một cơ quan thực hiện nhiều việc có chức năng nhiệm vụ tương đồng, một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính, rất cần tổ chức có giải pháp khắc phục hạn chế, cụ thể:
Một là, các địa phương cần tổ chức tổng kết đánh giá kết quả hoạt động của các Quỹ từ khi thành lập đến nay; làm rõ những mặt hạn chế; đồng thời rà soát, kiểm tra toàn bộ các Quỹ để có hướng xử lý những tồn tại và có cơ sở chọn ra mô hình tổ chức và hoạt động cho phù hợp với thực tế ở địa phương.
Hai là, trên cơ sở tổng kết đánh giá, kiến nghị đề xuất của các địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan rà soát hệ thống các văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của các Quỹ, trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý thống nhất quản lý và sử dụng Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách theo hướng gắn kết các Quỹ thành một nguồn tài chính Nhà nước ở địa phương ngoài Ngân sách để phục vụ nhiệm vụ hỗ trợ, cho vay, đầu tư, bảo lãnh cho các tổ chức thực hiện sản xuất kinh doanh theo từng lĩnh vực theo các Quỹ hiện nay đang hoạt động độc lập. Đây là một phần Ngân sách địa phương đưa ra phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nên cũng cần phải được phản ánh trong hoạt động kinh tế - xã hội, tài chính Ngân sách để cơ quan có thẩm quyền, nhân dân theo dõi, giám sát.
Ba là, với bản chất các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách là hỗ trợ, khuyến khích cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hoạt động theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ nguồn Ngân sách địa phương là chính. Do vậy những Quỹ có chung mục tiêu, nhiệm vụ tương đồng với các đối tượng trùng lặp nên gộp, giao một cơ quan có chức năng quản lý, điều hành để giảm chi phí quản lý, tạo nguồn lực tổng hợp từ vốn đến đội ngũ cán bộ nhân viên và quy trình thủ tục, hồ sơ, hoạt động thẩm định, giải ngân, giám sát, kiểm tra, thu hồi vốn.
Bốn là, mô hình tổ chức bộ máy của các Quỹ theo hướng hoạt động kiêm nhiệm. Hội đồng quản lý của Quỹ gồm Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND tỉnh là Chủ tịch; Giám đốc Quỹ là Phó chủ tịch Hội đồng, các thành viên là lãnh đạo các Sở, Ngành có liên quan đến hoạt động của các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài Ngân sách. Ban điều hành gồm Giám đốc, 2 - 3 Phó Giám đốc phụ trách các lĩnh vực của các Quỹ. Các phòng chuyên môn theo hướng: phòng Hành chính tổng hợp, phòng Kế hoạch - Tài chính, các phòng nghiệp vụ chuyên môn đảm nhận các chức năng, nhiệm vụ ở các Quỹ có chức năng nhiệm vụ tương đồng. Ban Kiểm soát gồm Trưởng ban và các thành viên hoạt động chuyên trách nhưng kiểm soát hoạt động của các Quỹ. Được như vậy, bộ máy tinh giản, mỗi Quỹ vẫn có bộ máy tổ chức quản lý, điều hành mang tính độc lập (Quỹ có cán bộ, nhân viên hoạt động mang tính chuyên môn hóa). Nguồn tài chính của các quỹ được sử dụng linh hoạt và có hiệu quả hơn.
Năm là, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính... nên có các quy định về quy trình, thủ tục hoạt động của các quỹ, về chế độ bảo mật thông tin, cung cấp thông tin... để Quỹ hoạt động đồng bộ, thống nhất. Trong đó, quy định rõ Bộ, Ngành hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn; UBND cấp tỉnh quy định tổ chức và hoạt động và quản lý quỹ trên địa bàn.
Thực hiện được như vậy, tin rằng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài Ngân sách sẽ tạo thành tổng nguồn lực mạnh giúp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế kinh doanh, hoạt động hiệu quả.
Văn Đức Sơn
Nguồn: TCNH - Số CĐ ĐB 2019