Dữ liệu thống kê trong phục vụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/02/2024 3.248 lượt xem
Tóm tắt: Trải qua hơn 10 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, công tác thống kê tiền tệ phục vụ điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều bước tiến đáng kể. Thông tin, số liệu báo cáo thống kê đã góp phần đáp ứng tốt cho công tác chỉ đạo điều hành, giám sát an toàn hoạt động các tổ chức tín dụng (TCTD), cùng với đó, phương pháp thống kê tiền tệ của NHNN dần được hoàn thiện theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Trong những năm gần đây, điều kiện thị trường tiền tệ ngày càng phát triển về quy mô, cấu trúc và tính đa dạng, đồng thời, có khả năng diễn biến nhanh chóng do chịu sự tác động đa chiều của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng thông tin báo cáo, đảm bảo tính kịp thời, chính xác luôn là mục tiêu quan trọng đối với dữ liệu thống kê của NHNN. Bài viết cung cấp một số đánh giá về hoạt động sử dụng dữ liệu phục vụ điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN và các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu phục vụ điều hành CSTT. 
 
Từ khóa: Chính sách tiền tệ, dữ liệu, thống kê, ngân hàng trung ương.
 
THE STATISTICS DATA FOR THE STATE BANK OF VIETNAM ’S MONETARY POLICY MANAGEMENT

Abstract: After more than 10 years of restructuring the banking system, monetary data to support the State Bank of Vietnam’s (SBV) monetary policy management have achieved great strides. Information and statistical reporting have helped credit institutions react successfully to the job of guiding, conducting, and carefully overseeing their activities. In addition, the State Bank of Vietnam’s monetary statistics approach has been continuously upgraded in a proper manner, in compliance with international norms. Money market circumstances have grown in structure and variety in recent years, and they are expected to alter quickly due to the multifaceted effect of various internal and external factors in the context of extensive international economic integration. As a result, enhancing the quality of reporting information while maintaining timeliness and accuracy is always a priority for the SBV’s statistics data. This article assesses the SBV’s use of data to conduct monetary policy, thereby, proposing solutions for enhancing the effectiveness of the statistics data for the monetary policy management.
 
Keywords: Monetary policy, data, statistics, central bank.
 
1. Các nguồn dữ liệu thống kê trong điều hành CSTT của NHNN
 
1.1. Vai trò của dữ liệu thống kê đối với điều hành CSTT
 
Thực tiễn cho chúng ta thấy rằng, trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và đặc biệt là trong lĩnh vực hoạch định và thực thi CSTT của NHNN, các thông tin, số liệu, dữ liệu thống kê đóng vai trò vô cùng quan trọng, làm căn cứ để phân tích, đánh giá tình hình, dự báo xu hướng trong thời gian tới, ra quyết định đến thực thi quyết định và trở thành yếu tố không thể thiếu đối với các nhà hoạch định chính sách. Các thông tin, dữ liệu, số liệu thống kê chi tiết, cập nhật sẽ hỗ trợ việc đưa ra quyết sách nhanh chóng, kịp thời, qua đó phát huy tối đa hiệu quả của CSTT. Các thông tin, dữ liệu, số liệu thống kê được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, cụ thể: 
 
Giúp theo dõi sát diễn biến tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu điều hành CSTT của NHNN: Đây là những nguồn thông tin hết sức quan trọng đối với các nhà hoạch định CSTT, là cơ sở để NHNN xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về CSTT, tín dụng, lãi suất, tỉ giá… phù hợp với diễn biến thị trường, cũng như có các phân tích, đánh giá, dự báo về hoạt động kinh tế, ngân hàng và điều chỉnh chính sách thích hợp cho từng thời kì.
 
Yếu tố đầu vào cho việc xây dựng các mô hình phân tích và dự báo kinh tế, tiền tệ: Bên cạnh việc xem xét các số liệu lịch sử, các nhà hoạch định chính sách còn cần phải phân tích, dự báo được xu hướng vận động của thị trường và nền kinh tế. Đối với hoạch định CSTT, việc phân tích, dự báo xu hướng vận động của kinh tế vĩ mô, diễn biến của thị trường tiền tệ, sự tương tác giữa các khu vực trong nền kinh tế… là hết sức quan trọng, từ đó đảm bảo hoạch định được các kịch bản điều hành CSTT đúng hướng, hiệu quả. Hiện nay, NHNN đang rất chú trọng đến việc thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế vĩ mô, tiền tệ làm đầu vào để xây dựng các mô hình phân tích, dự báo phù hợp.
 
Căn cứ để xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trong điều hành CSTT, hoạt động ngân hàng và các chính sách kinh tế vĩ mô khác: Các số liệu thống kê giúp NHNN nắm được tình hình hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và nền kinh tế; từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp điều hành CSTT, cũng như đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Đảng, Quốc hội thực hiện các giải pháp, chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách sát thực và đúng đắn, giúp cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.
 
Giúp nâng cao hiệu quả truyền thông về điều hành CSTT: Thông tin, truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và CSTT, hoạt động ngân hàng nói riêng. Việc sử dụng số liệu thống kê một cách phù hợp sẽ giúp cho người dân, doanh nghiệp và thị trường hiểu đúng về các giải pháp, kết quả thực hiện cũng như định hướng điều hành CSTT, hoạt động ngân hàng, từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều hành CSTT của NHNN.   
 
Trên cơ sở các quy định pháp lí chung về điều hành CSTT, NHNN liên tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về thống kê, là cơ sở bảo đảm thu thập thông tin đáp ứng đầy đủ, kịp thời công tác lập, tổng hợp các chỉ tiêu báo cáo thuộc trách nhiệm của NHNN trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và thông tin phục vụ công tác quản lí, điều hành của NHNN (như Thông tư số 31/2013/TT-NHNN ngày 13/12/2013 của Thống đốc NHNN quy định báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 35/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Thống đốc NHNN quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 11/2018/TT-NHNN ngày 17/4/2018 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2015/TT-NHNN; Thông tư số 26/2018/TT-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 16/11/2018 quy định về điều tra thống kê tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia thay thế Thông tư số 06/2021/TT-NHNN ngày 23/3/2011 quy định về điều tra thống kê tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; Thông tư số 09/2019/TT-NHNN ngày 31/7/2019 của Thống đốc NHNN quy định về chế độ báo cáo định kì của NHNN, Thông tư số 15/2023/TT-NHNN ngày 05/12/2023 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN...).  Trong đó, Thông tư số 35/2015/TT-NHNN được xây dựng theo hướng tập trung các yêu cầu báo cáo đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm cơ sở cho việc phân tích, dự báo, phục vụ NHNN, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát an toàn hoạt động TCTD và xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển ngành Ngân hàng được tích hợp trong một chế độ báo cáo duy nhất; nhằm tạo điều kiện xây dựng kho dữ liệu tập trung, thống nhất, có khả năng tích hợp với các hệ thống thông tin khác của NHNN. Đồng thời, Thông tư số 35/2015/TT-NHNN cũng là cơ sở pháp lí quan trọng để NHNN triển khai Hợp đồng SG4 “Quản trị dữ liệu, kho dữ liệu và các ứng dụng liên quan cho NHNN” thuộc khuôn khổ Dự án Hệ thống thông tin quản lí và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS), ứng dụng công nghệ tin học tiên tiến, hiện đại trong khai thác, tổng hợp báo cáo.
 
1.2. Các nguồn dữ liệu phục vụ điều hành CSTT
 
Hiện nay, NHNN tập trung sử dụng các loại dữ liệu trong điều hành CSTT như sau:
 
Dữ liệu quốc tế: Tăng trưởng GDP, lạm phát thế giới, khu vực và một số quốc gia; thị trường hàng hóa cơ bản thế giới (năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu …); lãi suất quốc tế (lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương chủ chốt, lợi suất trái phiếu chính phủ ở một số quốc gia); tỉ giá một số đồng tiền trên thế giới (USD, EUR, CNY...); thương mại toàn cầu... Đây là các nguồn dữ liệu được thu thập từ các cơ sở dữ liệu chính thức của các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB)…), cơ quan thống kê các quốc gia, các nguồn dữ liệu thị trường tài chính (Reuters, Bloomberg…) và các nguồn dữ liệu đáng tin cậy khác.
 
Dữ liệu trong nước: 
 
- Dữ liệu từ cơ quan thống kê và tổ chức trong nước: Tăng trưởng GDP, lạm phát, xuất nhập khẩu, ngân sách nhà nước, các số liệu kinh tế vĩ mô khác (như Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), Chỉ số quản lí thu mua (PMI), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội...), thông tin thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa, thị trường lao động… 
 
 - Dữ liệu khai thác từ hệ thống báo cáo thống kê và số liệu tổng hợp của NHNN: Lãi suất, tiền tệ - tín dụng, tỉ giá, thanh khoản hệ thống các TCTD...
 
- Dữ liệu khảo sát: Thông tin kết quả các cuộc điều tra thống kê về kì vọng lạm phát, dự báo tăng trưởng GDP trong nước, kì vọng xu hướng kinh doanh, xu hướng tín dụng được NHNN thực hiện định kì (tháng, quý) đối với các TCTD và các chuyên gia kinh tế. (Bảng 1)
 
Bảng 1: Mô tả về các nguồn thông tin, dữ liệu phục vụ 
công tác điều hành CSTT của NHNN


Nguồn: Vụ CSTT, NHNN
 
2. Đánh giá về nguồn dữ liệu sử dụng trong điều hành CSTT 

2.1. Kết quả đạt được
 
Trong những năm qua, công tác thống kê hoạt động ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Lãnh đạo NHNN và đã đạt được nhiều tiến bộ, thành tựu đáng ghi nhận. Đặc biệt, các thông tin, số liệu thống kê ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạch định, điều hành CSTT của NHNN. Nhìn chung, hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, số liệu thống kê của NHNN đã đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu về số liệu phục vụ công tác điều hành CSTT.
 
Bên cạnh đó, với việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, công nghệ và cải tiến không ngừng hệ thống thông tin, chế độ báo cáo thống kê tập trung (theo dự án FSMIMS) của NHNN trong những năm qua đã giúp quá trình tiếp cận, khai thác thông tin, số liệu dễ dàng hơn, nhanh hơn, giảm tải thời gian, công sức của cán bộ. Qua đó, đã kịp thời cung cấp những thông tin, nhận định phù hợp với diễn biến thị trường cũng như định hướng của NHNN đề ra; góp phần nâng cao hiệu quả công tác hoạch định và điều hành CSTT nói riêng và chính sách kinh tế vĩ mô nói chung. Cụ thể là:
 
Đối với các báo cáo tiền tệ và hoạt động của thị trường liên ngân hàng:
 
 - Về các chỉ tiêu tiền tệ, trước đây thường có độ trễ 01 tuần, tuy nhiên đến nay, nhờ sự cải tiến của công tác thông tin số liệu thống kê, độ trễ đã được rút xuống 04 ngày và đến nay còn khoảng 02 ngày, đảm bảo cập nhật thông tin số liệu đầy đủ, kịp thời để theo dõi sát và đánh giá diễn biến thị trường, nhằm đề xuất kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành.
 
- Về thống kê số dư tiền gửi của các TCTD: Nếu như trước đây số liệu này thường có độ trễ từ 02 đến 03 ngày thì đến nay, các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện báo cáo đầy đủ và đúng hạn, về cơ bản đảm bảo đến ngày hôm sau có đầy đủ số liệu của hệ thống các TCTD, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin số liệu để tính toán vốn khả dụng của hệ thống các TCTD, tạo cơ sở để NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở hiệu quả.
 
- Về số liệu doanh số, lãi suất thị trường liên ngân hàng: Trước đây, NHNN theo dõi số liệu về thị trường liên ngân hàng qua hệ thống báo cáo thống kê 477, 1747 và qua tổng hợp báo cáo nhanh của các TCTD, tuy nhiên, các nguồn số liệu nêu trên còn chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Từ khi NHNN triển khai hệ thống báo cáo thống kê theo Thông tư số 21/2010/TT-NHNN ngày 08/10/2010 của Thống đốc NHNN quy định báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Thông tư số 31/2013/TT-NHNN và nay là Thông tư số 35/2015/TT-NHNN, số liệu về thị trường liên ngân hàng đã được báo cáo về NHNN kịp thời, đầy đủ, rút ngắn độ trễ của thông tin, số liệu xuống còn 02 ngày để đăng tải lên website NHNN cho các thành viên thị trường cũng như giúp NHNN nắm bắt được thông tin về cung, cầu vốn trên thị trường liên ngân hàng.
 
Đối với các báo cáo liên quan đến hoạt động tín dụng:
 
- Chỉ tiêu dư nợ tín dụng theo phương thức bảo đảm đã được chuyển từ báo cáo theo tháng (tại Thông tư số 21/2010/TT-NHNN) sang theo quý (Thông tư số 31/2013/TT-NHNN và Thông tư số 35/2015/TT-NHNN) để phù hợp với mục tiêu kiểm soát của NHNN và giảm gánh nặng cho TCTD trong việc báo cáo.
 
- Đối với một số mẫu biểu báo cáo (báo cáo cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và báo cáo cho vay phục vụ nhu cầu đời sống), trước đây, các TCTD phải báo cáo bằng văn bản nên việc cập nhật số liệu thường chậm so với kì báo cáo; tuy nhiên, từ khi triển khai chế độ báo cáo tập trung theo các Thông tư số 21/2010/TT-NHNN, Thông tư số 31/2013/TT-NHNN và Thông tư số 35/2015/TT-NHNN, số liệu cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống được cập nhật kịp thời, đáp ứng được mục tiêu kiểm soát chặt chẽ của NHNN, tránh tăng trưởng nóng đối với các lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc chỉnh sửa, bổ sung mẫu biểu báo cáo mới (mẫu biểu báo cáo tình hình mua trái phiếu doanh nghiệp tại cuối tháng báo cáo và tình hình mua trái phiếu doanh nghiệp phát sinh trong tháng báo cáo) kịp thời đã đáp ứng được mục tiêu kiểm soát hoạt động tín dụng của từng TCTD đối với việc mua trái phiếu doanh nghiệp.
 
Đối với các báo cáo liên quan đến lãi suất:
 
Thông tin số liệu về lãi suất khai thác qua Biểu 047-CSTT (lãi suất đối với nền kinh tế) và Biểu 046-CSTT (báo cáo lãi suất huy động và cho vay bình quân) theo định kì tháng đã góp phần quan trọng giúp NHNN nắm bắt được tình hình diễn biến lãi suất thị trường, từ đó đề ra các giải pháp chính sách chính xác, hiệu quả.
 
Đối với các báo cáo liên quan đến hoạt động ngoại hối:
 
NHNN theo dõi doanh số mua/bán ngoại tệ và trạng thái ngoại tệ của cả hệ thống các TCTD (Biểu RP_077-083-CSTT-S.3) trên Thông tư số 35/2015/TT-NHNN nhằm nắm bắt tình hình mua, bán ngoại tệ giữa TCTD và khách hàng, qua đó đánh giá cung cầu ngoại tệ và xu hướng nắm giữ ngoại tệ của toàn hệ thống. Nhìn chung, thông tin số liệu thống kê đã giúp NHNN thu thập tương đối đầy đủ các thông tin về hoạt động ngoại hối của cả hệ thống TCTD, phục vụ hiệu quả công tác điều hành tỉ giá và thị trường ngoại tệ.
 
2.2. Một số vấn đề còn tồn tại
 
Quá trình khai thác, thu thập, tổng hợp số liệu thống kê phục vụ công tác điều hành CSTT vẫn gặp phải một số khó khăn, hạn 
chế như:
 
Một số dữ liệu thu thập từ các tổ chức bên ngoài NHNN có độ dài chuỗi dữ liệu ngắn, tần suất công bố đôi khi không được liên tục, có độ trễ dài khiến dữ liệu, thông tin thiếu tính cập nhật, kịp thời (thông tin về luồng vốn ra, vào các thị trường mới nổi, thông tin kinh tế Trung Quốc…). Bên cạnh đó, một số dữ liệu đôi khi có sự thay đổi phạm vi thống kê hoặc điều chỉnh dữ liệu quá khứ gây khó khăn trong quá trình thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu. 
 
Các dữ liệu về dự báo kinh tế vĩ mô thế giới và các đối tác quan trọng (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…) là những đầu vào rất quan trọng trong việc dự báo tình hình kinh tế thế giới nói chung và đánh giá tác động tới kinh tế trong nước. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một cơ chế khai thác hiệu quả các dữ liệu dự báo này. Một số vấn đề cụ thể gồm: 
 
- Số liệu kinh tế thế giới nói chung từ các tổ chức tài chính thế giới như IMF, WB, ADB… Các số liệu này chỉ được công bố 02 lần/năm với độ trễ lớn khiến giá trị sử dụng không thật sự cao. Ví dụ như báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF công bố vào tháng 4 và tháng 10 hằng năm nhưng dữ liệu đầu vào được tổng hợp cách đó khá xa khiến các dự báo chỉ có tính chất tham khảo, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động nhanh chóng như thời gian gần đây. 
 
- Số liệu dự báo kinh tế các quốc gia: Những dữ liệu này được khai thác từ các ngân hàng trung ương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức dự báo độc lập… Tuy nhiên, kết quả dự báo của các bên đôi khi có chênh lệch rất lớn. Bên cạnh đó, phương pháp dự báo và phạm vi thống kê của các dự báo cũng khác nhau khiến việc tổng hợp, so sánh và lựa chọn là rất khó khăn. 
 
- Số liệu dự báo tỉ giá chéo giữa các đồng tiền thường có sự biến động liên tục và chênh lệch lớn giữa các nguồn. Ngoài ra, một số tổ chức đưa ra dự báo dựa trên tính toán bình quân sự đóng góp của các thành viên khiến chất lượng dự báo không cao. 
 
Trong quá trình thu thập dữ liệu từ các TCTD, còn tình trạng các TCTD thay đổi nhân sự thực hiện việc báo cáo dữ liệu, thay đổi hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) dẫn tới có hiện tượng gửi sai, gửi muộn dữ liệu so với quy định của NHNN. Điều này dẫn tới việc dữ liệu toàn hệ thống phản ánh không đầy đủ, không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần và có thể không được sử dụng kịp thời trong công tác hoạch định và điều hành CSTT. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng hệ thống công nghệ thông tin của NHNN gặp lỗi khiến quá trình báo cáo dữ liệu của các TCTD gặp khó khăn. 
 
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu trong điều hành CSTT
 
Để nâng cao hiệu quả sử dụng những nguồn số liệu phục vụ công tác điều hành CSTT của NHNN, một số giải pháp cần được xem xét như sau: 
 
Thứ nhất, việc thu thập các dữ liệu thế giới cần được thực hiện theo một lịch trình được xây dựng phù hợp với lịch công bố số liệu ở từng quốc gia, trong đó phân biệt rõ ràng số liệu sử dụng là số liệu ước tính hay số hoàn chỉnh và tiến hành cập nhật, chỉnh sửa khi cần đối với các số liệu ước tính đã sử dụng. 
 
Thứ hai, xem xét tiếp cận thêm những nguồn dữ liệu uy tín về phân tích, đánh giá kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính và các động thái điều hành CSTT của các quốc gia trên thế giới như Bloomberg Terminal, The Economist hay Centralbanking.com. Dù các nguồn dữ liệu này phải trả phí sử dụng nhưng đổi lại chất lượng dữ liệu (cả định tính và định lượng) là rất cao, đảm bảo cho việc sử dụng sẽ có đóng góp tích cực tới công tác điều hành CSTT trong nước. 
 
Thứ ba, cần xây dựng mạng lưới và tận dụng mối quan hệ với các đơn vị dự báo của các TCTD và các cơ quan khác để có thể bồi đắp thêm những dữ liệu quốc tế cần thiết vào cơ sở dữ liệu (ví dụ như số liệu kinh tế vĩ mô Trung Quốc, số liệu về luồng vốn đầu tư nước ngoài ra, vào các quốc gia, số liệu xuất, nhập khẩu một số mặt hàng...) trong quá trình điều hành CSTT. Đặc biệt, có thể xây dựng mạng lưới kết nối với các trung tâm nghiên cứu, phân tích kinh tế của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước để hình thành cơ chế chia sẻ thông tin.
 
Thứ tư, NHNN cần có giải pháp nâng cao chất lượng công tác báo cáo số liệu từ các TCTD như tổ chức tập huấn về công tác thống kê, báo cáo dữ liệu cho các cán bộ đầu mối thực hiện nghiệp vụ tại các TCTD; thường xuyên trao đổi các khó khăn trong quy trình để kịp thời tháo gỡ, điều chỉnh; liên tục rà soát các nhu cầu về số liệu của các đơn vị chức năng để hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ điều hành CSTT nhưng không làm tăng gánh nặng báo cáo trùng lắp của các TCTD.
 
Thứ năm, NHNN cần tăng cường phạm vi các dữ liệu được thu thập một cách tự động từ các TCTD để hạn chế sự tương tác, can thiệp của con người trong các khâu thu thập và truyền dữ liệu, hạn chế sai sót. NHNN và các TCTD cần tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng quản lí, khai thác và thu thập dữ liệu cũng như hệ thống truyền dữ liệu nhanh chóng, chính xác, đảm bảo an toàn, bảo mật.
 
Thứ sáu, NHNN cần nghiên cứu các kinh nghiệm và thực tế triển khai của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong việc tìm kiếm và lưu trữ các nguồn dữ liệu mới, đặc biệt là các dữ liệu vi mô, thông qua ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo và lưu trữ đám mây. 
 
4. Kết luận

Trong những năm gần đây, việc điều hành CSTT tại Việt Nam liên tục đứng trước rất nhiều thách thức khi bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước liên tục xoay chiều, tác động nhanh, mạnh, trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô trong nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn dữ liệu phục vụ việc điều hành CSTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng bên cạnh việc cải tiến khuôn khổ điều hành theo hướng hiện đại hơn và tăng dần tính độc lập trong hoạt động của ngân hàng trung ương. Điều này góp phần đảm bảo các quyết sách của NHNN trong lĩnh vực tiền tệ đúng và trúng mục tiêu, bám sát diễn biến của thị trường, bắt kịp xu hướng điều hành CSTT của thế giới.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Bernanke, B. S., & Boivin, J. (2003). Monetary policy in a data-rich environment. Journal of monetary economics, 50(3), pages 525-546.
2. Bindseil, U., Corsi, M., Nicoloso, P., Rodríguez, F. and Segura, I. (2016). Micro data for monetary policy implementation - recent experience in the ECB. Paper prepared for the 8th ECB Statistics Conference: “Central Bank Statistics: moving beyond the aggregates”.
3. Borgioli, S. (2021). Making the most of Big Data and advanced analytics in macro-prudential analysis. 
4. Irving Fisher Committee on Central Bank Statistics (IFC) (2021). Use of big data sources and applications at central banks. IFC Report No 13, Bank for International Settlements.
5. Lê Văn Luyện và cộng sự, (2023). Đề tài khoa học cấp ngành “Nghiên cứu nguồn dữ liệu mới phục vụ điều hành chính sách tiền tệ”, NHNN. 
6. Phạm Mạnh Hùng (2023). Tổng quan về ứng dụng dữ liệu lớn trong dự báo kinh tế, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 252.
7. Tô Huy Vũ (2016). Dữ liệu thống kê tiền tệ chi tiết trong hoạch định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương, Tạp chí Ngân hàng số 20.
8. Wibisono, O., Ari, H.D., Widjanarti, A., Zulen, A.A. & Tissot, B. (2019). The use of big data analytics and artificial intelligence in central banking. IFC Bulletins, Bank for International Settlements.

ThS. Đào Minh Thắng (Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN)
PGS., TS. Phạm Mạnh Hùng (Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng)
 
 
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Bàn về một số điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
Bàn về một số điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
25/04/2024 266 lượt xem
Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024. Nội dung Luật có nhiều điểm mới tích cực, được đánh giá sẽ góp phần đảm bảo hoạt động tài chính của các TCTD phát triển lành mạnh, ổn định.
Nhận diện một số thách thức pháp lý trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
Nhận diện một số thách thức pháp lý trong chuyển đổi số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam
22/04/2024 367 lượt xem
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động ngân hàng cũng không nằm ngoài sự chuyển đổi đó. Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngành Ngân hàng luôn là một trong những ngành có tỉ lệ chuyển đổi số nhanh nhất.
Hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài
17/04/2024 692 lượt xem
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật để thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, hình ảnh của nước ta trên trường quốc tế.
Tác động của tài chính toàn diện đến ổn định tài chính -  Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Tác động của tài chính toàn diện đến ổn định tài chính - Một số khuyến nghị cho Việt Nam
12/04/2024 1.141 lượt xem
Tài chính toàn diện có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia, góp phần thúc đẩy và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính của dân số, qua đó khuyến khích tiết kiệm và đầu tư đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, tạo cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, mở rộng khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và thu nhập, góp phần hạn chế rủi ro và gia tăng lợi nhuận đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính.
Tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
16/03/2024 3.687 lượt xem
Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, mặt bằng lãi suất còn cao, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng, lạm phát có dấu hiệu chậm lại nhưng vẫn cao…; ở trong nước, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do bối cảnh cầu thế giới, thương mại quốc tế chậm phục hồi, bảo hộ thương mại gia tăng; sản xuất, kinh doanh tiếp tục khó khăn, mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn tương đối thấp; những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn chưa được xử lý căn cơ, đòi hỏi các cấp, bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tổng thể hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Triển khai Nghị định số 78/2023/NĐ-CP: Những chuyển động bước đầu và hướng đi trong thời gian tới
Triển khai Nghị định số 78/2023/NĐ-CP: Những chuyển động bước đầu và hướng đi trong thời gian tới
15/03/2024 3.176 lượt xem
Ngày 07/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023.
Điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao từ năm 2022 đến nay - Một số khuyến nghị chính sách
Điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao từ năm 2022 đến nay - Một số khuyến nghị chính sách
14/03/2024 6.673 lượt xem
Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, NHNN đã điều hành tỷ giá tương đối ổn định, đặc biệt là tỷ giá với các ngoại tệ như Đô la Mỹ, Euro và các ngoại tệ khác tại các quốc gia có quan hệ giao thương đáng kể với Việt Nam nhằm duy trì ổn định vĩ mô trong nước, hỗ trợ đầu tư, sản xuất phát triển.
Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam
Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam
13/03/2024 3.213 lượt xem
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
Nâng cao kĩ năng cho người dân khu vực nông thôn trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử
Nâng cao kĩ năng cho người dân khu vực nông thôn trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử
06/03/2024 3.287 lượt xem
Một trong những sứ mệnh của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục, y tế, ngân hàng để hướng tới người dân. Ngành Ngân hàng luôn phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, trong đó có hướng đến phổ cập tài chính tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Những điểm mới, nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
Những điểm mới, nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
05/03/2024 9.162 lượt xem
Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 với 15 chương, 210 điều. Luật Các TCTD năm 2024 đã bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung làm rõ những điểm mới, nổi bật của Luật này.
Nhận định tác động của chính sách tiền tệ toàn cầu năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị
Nhận định tác động của chính sách tiền tệ toàn cầu năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị
24/02/2024 4.429 lượt xem
Năm 2023 vừa qua đã chứng kiến những biến động mạnh mẽ trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trên thế giới, nổi bật là việc các ngân hàng trung ương (NHTW) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
13/02/2024 3.206 lượt xem
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước đã thừa nhận sự cần thiết của chính sách an toàn vĩ mô (ATVM) trong ổn định tài chính và đặt chính sách ATVM vào vị trí trung tâm của sự tương tác giữa các chính sách kinh tế vĩ mô với chính sách an toàn vi mô.
Chính sách tài khóa năm 2023 góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô
Chính sách tài khóa năm 2023 góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô
11/02/2024 4.082 lượt xem
Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Căng thẳng địa chính trị, tranh chấp giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột giữa Nga - Ukraine và Israel - Hamas diễn biến bất ngờ, lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao khiến đà phục hồi của kinh tế thế giới chậm lại.
Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen
Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen
07/02/2024 3.568 lượt xem
Thời gian qua, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, từng bước góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức; hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Bài toán tín dụng năm 2023 và lời giải cho năm 2024
Bài toán tín dụng năm 2023 và lời giải cho năm 2024
31/01/2024 3.862 lượt xem
Năm 2023 đã đi qua với nhiều câu chuyện kinh tế nổi bật và một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm rất lớn trong hoạt động của ngành Ngân hàng là vấn đề tăng trưởng tín dụng.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?