Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, ngày 18/3/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Bộ Tư pháp đã kí kết Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP về phối hợp giữa hai ngành trong công tác thi hành án dân sự (Quy chế 01) nhằm tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Ngay sau khi Quy chế 01 được ban hành, NHNN và Bộ Tư pháp đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện.
NHNN đã ban hành các văn bản số 2203/NHNN-PC, 2204/NHNN-PC, 5058/NHNN-PC chỉ đạo NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai ngay các công việc cụ thể như:(i) Tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung Quy chế phối hợp trên địa bàn (tỉnh, thành phố) đặc biệt các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các Chi nhánh NHNN; (ii) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn xây dựng, triển khai kế hoạch thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự các cấp; (iii) Chủ động tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để phối hợp với cơ quan thi hành án trên địa bàn xử lí kịp thời theo thẩm quyền hoặc báo cáo NHNN và Bộ Tư pháp để xử lí theo thẩm quyền...
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng (bên phải) và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị Nguyễn Tài Ba điều hành Hội nghị Sơ kết Quy chế phối hợp 1648
Ngày 29/11/2016, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị và NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã kí kết Quy chế phối hợp số 1648/QCPH/CTHADSQT-NHNNQT (Quy chế phối hợp 1648) về công tác thi hành án dân sự trong hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sau hơn 7 năm kí kết, việc thực hiện Quy chế phối hợp 1648 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
1. Những kết quả đạt được
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị và NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các các văn bản liên quan đến thi hành án dân sự trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Việc phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, xác minh tài khoản, khấu trừ tiền thi hành án được các cơ quan thi hành án, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn quan tâm, phối hợp thực hiện mang lại hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự.
Các cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện tốt Quy chế phối hợp 1648 trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án. Thông tin cung cấp trong các vụ việc thi hành án cơ bản đầy đủ, chính xác, kịp thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin và quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Quán triệt một số nội dung về công tác thi hành án, yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh và các vụ việc phải thi hành án, thực hiện tốt công tác thẩm định giá, tăng cường quản lí rủi ro đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm liên quan đến bất động sản, động sản; đồng thời, thực hiện tốt công tác cung cấp thông tin, phối hợp tốt với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tăng cường xử lí nợ xấu.
Việc thi hành kịp thời các bản án liên quan đã tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn. Tăng trưởng tín dụng qua các năm khá cao, tương ứng từ năm 2017 đến năm 2022 là 20,81%, 19,75%, 14,46%, 2,1%, 19,25%, 16%. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt 50.700 triệu đồng, góp phần tích cực vào việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng cụ thể như sau: Tổng thụ lí 362 vụ việc, tương ứng với số tiền phải thi hành án là 564.818 triệu đồng. Trong đó, đã giải quyết xong 184 vụ việc có điều kiện thi hành, với số tiền là 170.533 triệu đồng; số vụ việc/tiền chuyển sang năm 2024 là 178 vụ việc, tương ứng số tiền là 394.285 triệu đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là 60 vụ việc, tương ứng với số tiền 176.835 triệu đồng.
Việc thi hành kịp thời các bản án liên quan đã tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, góp phần tích cực vào việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị - Nguồn ảnh: Internet)
2. Những khó khăn, vướng mắc
Một là, số vụ việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng ngày càng tăng, số tiền phải thi hành có giá trị lớn, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, khó thi hành; một số quy định pháp luật còn chồng chéo; tài sản bảo đảm có sự tranh chấp trên thực tế, không đúng theo hiện trạng đăng kí nên chưa thể xử lí được; việc bán đấu giá tài sản lần 01 không thành khá phổ biến, dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án bị kéo dài; ý thức chấp hành pháp luật của công dân, tổ chức chưa cao.
Hai là, một số vụ việc, giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn số tiền phải thi hành án, nên không có điều kiện thi hành án, dẫn đến số lượng vụ án tồn đọng, chưa có điều kiện thi hành hằng năm cũng tăng, gây ra nhiều áp lực đối với cơ quan thi hành án và tăng tỉ lệ nợ khó thu hồi cho ngân hàng.
Ba là, một số trường hợp tài sản bảo đảm nằm ở nhiều nơi và chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật khác nhau, khó khăn trong việc thi hành bán phát mại tài sản bảo đảm.
Bốn là, đa số các trường hợp người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ phải xử lí tài sản để thi hành án, bởi vậy cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách, cản trở cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án, cản trở việc cưỡng chế, kê biên, thậm chí đưa tài sản là động sản (phương tiện giao thông) đi khỏi địa phương, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án trong việc truy tìm tài sản.
Năm là, trên thực tế, tài sản thế chấp có sự chênh lệch, chồng lấn, tranh chấp so với giấy chứng nhận được cấp. Có nhiều trường hợp khi xác định, thẩm định tài sản thế chấp để cho vay, các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa kiểm tra đầy đủ, làm rõ hiện trạng tài sản thực tế và giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có tài sản. Về tính pháp lí của tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm, đặc biệt đối với quyền sử dụng đất, có nhiều vụ việc sai lệch liên quan đến đặc điểm, kích thước, diện tích… giữa hợp đồng thế chấp, bản án và kết quả xác minh thực tế của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Đây là một thực trạng khá phổ biến làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và hiệu quả giải quyết vụ việc, nhiều trường hợp không thể xử lí được hoặc khi xử lí được thì người mua tài sản lại ngại mua do có chênh lệch, tranh chấp.
Nhiều vụ việc không thể xử lí được do không tìm thấy tài sản thế chấp; tại thời điểm kê biên, bán đấu giá, tài sản đã xuống cấp, hư hỏng, giá trị còn lại rất thấp; tài sản bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua; người được ủy quyền thứ ba (thường là cán bộ nghiệp vụ) của các tổ chức tín dụng tham gia giải quyết những công việc liên quan đến quá trình thi hành án không đủ thẩm quyền để quyết định, giải quyết những công việc liên quan, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án.
3. Đề xuất, kiến nghị
Việc kí kết Quy chế phối hợp 1648 trong thời gian qua đã tạo cơ chế phối hợp công tác giữa hai ngành, giữa cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Quy chế phối hợp số 1648 đã có tác động rất tích cực đối với công tác xử lí nợ xấu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Để công tác phối hợp phát huy hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, một số đề xuất, kiến nghị đối với NHNN, cơ quan thi hành án dân sự các cấp và các tổ chức tín dụng nói chung, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng như sau:
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị và NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản liên quan đến thi hành án dân sự và lĩnh vực tín dụng, ngân hàng; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp số 1648, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình xử lí, giải quyết việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng; qua đó, góp phần tích cực trong công tác tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Đối với tổ chức tín dụng, khi lập hồ sơ cho vay vốn, hồ sơ bảo đảm khoản cấp tín dụng cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động hiện trạng cũng như giá trị của tài sản bảo đảm. Trong quá trình cấp tín dụng, tổ chức tín dụng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản bảo đảm, kịp thời có biện pháp xử lí khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo việc thi hành bản án, quyết định có tính khả thi (nhất là đối với các loại việc công nhận hòa giải thành công). Trong quá trình tổ chức thi hành án, tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết thi hành án, cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu liên quan đến tài sản thi hành án; đẩy mạnh phối hợp trong công tác xác minh, thông báo thi hành án, kê biên và thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Trường hợp tài sản không bán được,tổ chức tín dụng xem xét lựa chọn phương án nhận tài sản bảo đảm thay cho nghĩa vụ trả nợ đối với các tài sản phù hợp.
Đối với cơ quan thi hành án các cấp, cần tăng cường công tác chỉ đạo hoạt động tổ chức cưỡng chế thi hành án, tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến án tín dụng ngân hàng có tính chất phức tạp, kéo dài; tập trung tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định có điều kiện thi hành; có biện pháp chấn chỉnh các trường hợp chấp hành viên thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác thi hành án làm ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức thi hành án; có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực của các chấp hành viên, bổ sung đủ số lượng chấp hành viên đảm bảo đủ nhân sự công tác; tiếp tục tích cực phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị, các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát từng vụ việc thi hành án để xử lí kịp thời các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị và NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị cần trao đổi, thống nhất, báo cáo Bộ Tư pháp, NHNN để xử lí kịp thời khi phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 1648 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự nói chung,cũng như thi hành án cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng.
Nguyễn Xuân Hòa
NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị