Nhằm tăng cường an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng dịch vụ thanh toán, ví điện tử để thực hiện các mục đích bất hợp pháp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện về pháp lí, theo đó sẽ quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng; dự kiến bổ sung quy định yêu cầu sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để mở tài khoản thanh toán, ví điện tử, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử. Đồng thời, cơ quan quản lí dự kiến bổ sung quy định cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng xác thực sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền vượt hạn mức giao dịch nhất định nhằm đảm bảo định danh chính chủ khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo thống kê của NHNN, đến hết tháng 9/2023, có 51 tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT đang hoạt động trên thị trường, trong đó có 49 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Cùng với sự phát triển của các hình thức thanh toán mới qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến (Internet Banking, Mobile Banking); Mobile-Money; qua thẻ; xu hướng thanh toán bằng ví điện tử đang ngày càng phổ biến... qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, gần đây, cơ quan công an cũng cảnh báo tình trạng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ đang bị các đối tượng tội phạm lợi dụng trong tổ chức các đường dây đánh bạc, lừa đảo. Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang đã hoàn tất điều tra và đề nghị truy tố một số bị can trong đường dây cờ bạc sử dụng mã giao dịch của một ví điện tử với số tiền trong các giao dịch gần 3.000 tỉ đồng. Một thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là các đối tượng tội phạm dựa vào mã giao dịch chuyển tiền của ví điện tử để đánh bạc... Trước đó, trong thời gian diễn ra Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2022 còn xuất hiện tình trạng mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác để mở, mua bán và cho thuê ví điện tử để tham gia đánh bạc, cá độ bóng đá.
Một số tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử đã tăng cường truyền thông cảnh báo tới khách hàng, đồng thời thay đổi quy trình nghiệp vụ, nâng cấp ứng dụng để hiển thị mã giao dịch cho người gửi trước khi họ thực hiện giao dịch, thay vì hiển thị sau như trước đây. Một số ví điện tử đã mua bản quyền và tích hợp công nghệ của V-key - một công ty phần mềm bảo mật nổi tiếng thế giới vào hệ thống để ngăn chặn các đối tượng cờ bạc sử dụng thiết bị giả lập để truy cập vào ứng dụng và quét mã giao dịch tự động nhằm mục đích cá cược.
Ngăn chặn tội phạm lợi dụng hoạt động thanh toán cho mục đích bất hợp pháp
Thời gian qua, trước tình trạng tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, NHNN đã triển khai, chỉ đạo triển khai một số giải pháp nhằm góp phần ngăn ngừa, hạn chế rủi ro tội phạm lợi dụng hoạt động thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp.
Theo đó, NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tham mưu các cấp liên quan sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán và cung ứng dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử như: Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ bằng phương thức điện tử, bảo lãnh điện tử, cho vay bằng phương thức điện tử...; nghị định hướng dẫn giao dịch điện tử trong ngành Ngân hàng; các thông tư hướng dẫn quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử và hiện NHNN đang rà soát để sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản hướng dẫn phù hợp.
Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo các TCTD về vấn đề này. Đối với các văn bản khuyến nghị, cảnh báo toàn Ngành về tăng cường phòng, chống, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán, trong đó có các quy định về mở tài khoản thanh toán, ví điện tử: Yêu cầu thực hiện kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ và phù hợp, khớp đúng của giấy tờ tùy thân với khách hàng mở tài khoản thanh toán, ví điện tử; xem xét sử dụng dụng thiết bị chuyên dụng đọc thông tin CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VneID) để đối chiếu, xác minh chính xác khách hàng mở tài khoản thanh toán/thẻ ngân hàng; việc mở tài khoản thanh toán, ví điện tử, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử ưu tiên sử dụng CCCD gắn chíp. Trong việc sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ ví điện tử có biện pháp kiểm tra, đối chiếu đảm bảo việc sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử được thực hiện bởi chính chủ tài khoản thanh toán, ví điện tử hoặc người được ủy quyền hợp pháp; nghiên cứu triển khai các giải pháp xác thực khách hàng đa thành tố đối với các giao dịch thanh toán, chuyển tiền có giá trị lớn, giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ hoặc khách hàng, giao dịch có mức độ rủi ro cao…
Đối với các văn bản chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng, trong đó có nội dung xây dựng kế hoạch làm sạch dữ liệu khách hàng cá nhân thông qua đối chiếu, xác thực dữ liệu khách hàng với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC), dữ liệu CCCD và triển khai các giải pháp rà soát, đối chiếu thông tin CCCD với chứng minh nhân dân của khách hàng để cập nhật, đồng nhất thông tin khách hàng góp phần rà soát đối tượng nghị ngờ giả mạo giấy tờ tùy thân để mở tài khoản thanh toán.
Trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán, NHNN thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trao đổi, cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm liên quan đến lĩnh vực thanh toán, thông tin phục vụ công tác điều tra, xử lí vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán; chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch làm sạch dữ liệu khách hàng cá nhân.
Ngày 24/4/2023, NHNN và Bộ Công an đã thống nhất ban hành Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), sau đây gọi là Kế hoạch số 01. Trên cơ sở nội dung Kế hoạch số 01, để mở rộng triển khai kết nối, khai thác, ứng dụng CSDLQDvDC, CCCD gắn chíp điện tử, NHNN đã làm việc với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an để trao đổi về việc triển khai thực hiện ứng dụng CSDLQGvDC, CCCD gắn chíp điện tử phục vụ cho việc làm sạch dữ liệu định danh, xác thực khách hàng mở, sử dụng ví điện tử tại các tổ chức TGTT. Trên cơ sở đó, NHNN đã tổ chức họp với các tổ chức TGTT để phổ biến, chỉ đạo các tổ chức TGTT nghiên cứu, triển khai.
Tính đến ngày 10/11/2023, có 19/51 tổ chức TGTT đã và đang liên hệ với C06 và các đơn vị được C06 cấp Giấy phép để nghiên cứu, triển khai giải pháp xác thực khách hàng bằng CCCD gắn chíp; 01 tổ chức TGTT (Công ty EPAY) đã hợp tác với C06 - Bộ Công an để triển khai ứng dụng VNeID.
Đồng thời, NHNN cũng phối hợp kiểm tra thực tế hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, TGTT tại một số ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức TGTT nhằm kịp thời phát hiện và có khuyến nghị với các ngân hàng, tổ chức TGTT về việc thực hiện một số giải pháp, biện pháp để tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và hạn chế rủi ro trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán, TGTT.
Các đơn vị NHNN đã làm việc với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, có sự tham gia của một số NHTM về các giải pháp phối hợp ngăn chặn tình trạng mở, sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ, sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật; rà soát, xác định các dấu hiệu khách hàng nghi ngờ liên quan đến gian lận, lừa đảo và việc phối hợp trao đổi thông tin về các trường hợp nghi ngờ liên quan đến tội phạm.
Ngoài các giải pháp trên, ngành Ngân hàng cũng thường xuyên triển khai, tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm giúp cho người sử dụng; triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính, góp phần phổ biến kiến thức, kĩ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán cho người dân như: Chương trình “Tay hòm chìa khóa”, “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”... góp phần phổ biến kiến thức, kĩ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng an toàn, bảo mật.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, xu hướng gia tăng của các tội phạm công nghệ, tội phạm trên không gian mạng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc này đặt ra các khó khăn, thách thức cho việc đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ, duy trì hoạt động thanh toán được thực hiện liên tục, an toàn; đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro tội phạm lợi dụng sử dụng dịch vụ thanh toán cho các hành vi gian lận, lừa đảo, mục đích bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, thói quen, tâm lí sử dụng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cùng với tâm lí e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử, trực tuyến. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu thông tin, chưa ý thức được đầy đủ sự quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân, hậu quả của hành vi cho thuê, cho mượn, mua bán thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng... dẫn đến tội phạm lợi dụng cho mục đích gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp.
Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán và dịch vụ ví điện tử
Về phía NHNN: Trong thời gian tới, bám sát các chủ trương, định hướng của Chính phủ nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời đảm bảo an toàn trong động thanh toán và dịch vụ ví điện tử, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lí đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, trong đó: (i) Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử trong đó quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng; bổ sung yêu cầu định kì xác thực lại khách hàng, liên kết lại ví điện tử với tài khoản thanh toán đã được làm sạch; dự kiến bổ sung quy định yêu cầu sử dụng CCCD gắn chíp để mở tài khoản thanh toán, ví điện tử, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử; (ii) Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 630/QĐ-NHNN theo hướng bổ sung quy định cho phép TCTD áp dụng xác thực sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền vượt hạn mức giao dịch nhất định...
Thứ hai, đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán. Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng, tăng cường khả năng kết nối liên thông và tích hợp dịch vụ giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, mở rộng hệ sinh thái số để gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Trong đó, ưu tiên kết nối, khai thác CSDLQGvDC theo Kế hoạch số 01 phối hợp giữa NHNN và Bộ Công an để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm, phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp; thực hiện công tác kiểm tra về hoạt động thanh toán và thường xuyên có cảnh báo, chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT nghiêm túc chấp hành các quy định của NHNN và pháp luật liên quan, đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán, an toàn tài sản cho khách hàng.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết những phương thức, thủ đoạn lừa đảo, gian lận; phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch thanh toán trên môi trường điện tử.
Về phía các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử: Để tăng cường an ninh, an toàn trong việc cung ứng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, trong định danh, xác thực khách hàng cần nghiên cứu xây dựng và áp dụng biện pháp kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ tùy thân của khách hàng và đối chiếu đảm bảo sự khớp đúng, phù hợp của các thông tin trên giấy tờ tùy thân với khách hàng mở ví điện tử; nghiên cứu biện pháp ngăn chặn các trường hợp thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử để lợi dụng thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp; áp dụng biện pháp xác minh khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch trên ví điện tử là chính chủ; ngăn chặn khách hàng tự ý sử dụng phương thức xử lí tự động giao dịch ví điện tử; nghiên cứu và đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an và TCTD trong việc áp dụng giải pháp ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Thứ hai, đối với việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ ví điện tử, cần thường xuyên thông báo, hướng dẫn và cảnh báo khách hàng về các hành vi bị cấm, hành vi không được thực hiện trong quá trình mở, sử dụng ví điện tử bằng các hình thức như: Công bố đăng tải trên website, ứng dụng di động, các phương tiện thông tin đại chúng... Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, ngăn ngừa, phát hiện, phòng, chống hành vi lợi dụng ví điện tử cho các hoạt động bất hợp pháp. Giám sát các giao dịch ví điện tử (về số lượng, tần suất, mục đích, loại giao dịch), đặc biệt là các ví điện tử có giao dịch giá trị lớn, đảm bảo phù hợp với phân nhóm/phân loại ví điện tử (cá nhân/đơn vị chấp nhận thanh toán) và đảm bảo các giao dịch mà khách hàng đang tiến hành phù hợp với thông tin khách hàng trong hồ sơ hiện có. Kịp thời phát hiện các giao dịch ví điện tử có dấu hiệu sử dụng cho các hoạt động gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật để điều tra, xử lí và chấm dứt việc cung ứng ví điện tử theo quy định pháp luật nếu có vi phạm. Rà soát thông tin từ các cơ quan chức năng có liên quan, thông tin trên các trang mạng xã hội, diễn đàn… để nghiên cứu phương thức, thủ đoạn lợi dụng ví điện tử cho các hoạt động gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp và kịp thời đưa ra các giải pháp, biện pháp phòng, chống phù hợp theo quy định pháp luật.
Đồng thời, các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử lưu ý: Không kết nối thanh toán cho các website, ứng dụng cung cấp trò chơi điện tử chưa được cấp phép phát hành tại Việt Nam; rà soát, nghiên cứu giải pháp nhằm ngăn chặn việc thanh toán cho các trò chơi điện tử chưa được cấp phép trên kho ứng dụng (AppStore, Google Play…), trường hợp không có biện pháp phân biệt các trò chơi điện tử hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam để thanh toán thì chấm dứt việc kết nối thanh toán trên các kho ứng dụng.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo để khách hàng không thực hiện các hành vi bị cấm như: mua, bán, thuê, cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; mua, bán, thuê, cho thuê thẻ ngân hàng hoặc thông tin thẻ ngân hàng, mở hộ thẻ ngân hàng...; sử dụng hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá và các mục đích bất hợp pháp khác.
Về phía khách hàng: Không cài ứng dụng lạ lên điện thoại; không chia sẻ mã OTP; không dùng chung tài khoản ví điện tử; nên bật các tính năng bảo mật vân tay/khuôn mặt; chỉ sử dụng các ví điện tử uy tín; thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản; lưu ý các hành vi bị cấm trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử.
Tài liệu tham khảo:
1. https:sbv.gov.vn
2. https://bocongan.gov.vn
Trang Nhung (NHNN)