1. Đặt vấn đề
Trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước không chỉ đóng vai trò bảo vệ cho nền kinh tế mà còn phải tham gia vào quá trình điều tiết các ngành và lĩnh vực để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, quy mô, mạng lưới hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã không ngừng được củng cố và phát triển, nhiều giải pháp đã được triển khai hiệu quả trong công tác quản trị, điều hành, chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đang tác động tới mọi mặt của nền kinh tế cũng như toàn xã hội, trong đó có ngành Ngân hàng nói chung, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng. Điều này đặt ra yêu cầu về công tác quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, ngân hàng cần được tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD và góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình (Nguồn ảnh: Internet)
2. Hệ thống ngân hàng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Những năm qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là những yếu tố bất lợi của thị trường, doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng. Song, với sự cố gắng, nỗ lực toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình có sự phục hồi, tăng trưởng tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 67.743 tỉ đồng, tăng 7,53% so với năm 2022, trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,2%; công nghiệp, xây dựng tăng 12,2%; dịch vụ tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 202.526 tỉ đồng, tăng 6,3% so với năm 2022. Trong đó, có sự đóng góp tích cực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình gồm có 26 chi nhánh ngân hàng, 85 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động. Các TCTD đã thành lập 08 chi nhánh cấp huyện và thành phố, 91 phòng giao dịch, 44 QTDND mở rộng địa bàn sang 61 xã và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại các xã, phường, thị trấn; đến cuối năm 2023 đã bổ sung thêm 02 chi nhánh ngân hàng và 01 tổ chức tài chính vi mô, mở thêm 03 phòng giao dịch góp phần đáp ứng nhu cầu dịch vụ, tiện ích ngân hàng cho nền kinh tế và Nhân dân trên địa bàn.
Giai đoạn 2016 - 2021, tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân đạt 19,3%/năm. Đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 94.241 tỉ đồng, tăng 2,9 lần so với ngày 31/12/2015.
Giai đoạn 2016 - 2021, tổng doanh số cho vay phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 792.856 tỉ đồng, bình quân đạt 132 nghìn tỉ đồng/năm. Tổng dư nợ cho vay phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến ngày 31/12/2021 đạt 75.162 tỉ đồng, tăng 2,4 lần so với ngày 31/12/2015; tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân giai đoạn 2016 - 2021 đạt 15,9%/năm.
Đến ngày 31/12/2021, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ đạt 28.390 tỉ đồng, chiếm 37,8% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn, với gần 109 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay 05 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao) đạt 1.560 tỉ đồng; dư nợ cho vay các chương trình nước sạch nông thôn đạt 1.289 tỉ đồng; dư nợ tín dụng chính sách (cho vay người nghèo, cận nghèo, tín dụng đầu tư...) đạt 5.316 tỉ đồng. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ; tỉ lệ nợ xấu chiếm 0,65% trên tổng dư nợ.
Hoạt động thanh toán có mức tăng trưởng mạnh, việc hiện đại hóa công nghệ ngân hàng phát triển nhanh. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, thân thiện, tiện lợi được ứng dụng như QR Code, thanh toán không tiếp xúc, Internet Banking, Mobile Banking, thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ công... đáp ứng nhu cầu, mang lại trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng. Doanh số thanh toán qua ngân hàng giai đoạn 2016 - 2021 đạt 6.310,3 nghìn tỉ đồng, bình quân đạt 885,1 nghìn tỉ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 23,6%/năm, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong tổng các phương tiện thanh toán chiếm 73,8%, góp phần quan trọng trong việc giảm thời gian thanh toán, tăng chu chuyển vốn trong nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Hoạt động ngoại hối có nhiều đổi mới và phát triển, tạo thuận lợi trong hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu của các tổ chức kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2021, doanh số mua bán ngoại tệ đạt 9,92 tỉ USD, bình quân đạt 1,7 tỉ USD/năm; doanh số thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng đạt 7,6 tỉ USD, bình quân đạt 1,3 tỉ USD/năm; lượng vốn kiều hối chuyển về tỉnh qua hệ thống ngân hàng đạt 495 triệu USD, bình quân đạt 82,5 triệu USD/năm.
Từ năm 2022 đến nay, mạng lưới hoạt động các TCTD trên địa bàn tỉnh Thái Bình tiếp tục được củng cố và phát triển.
Đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 119.195 tỉ đồng, tăng 14% so với ngày 31/12/2022; tổng dư nợ cho vay của các TCTD ước đạt 94.821 tỉ đồng, tăng 10% so với ngày 31/12/2022.
Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ ước đạt 34.980 tỉ đồng, tăng 8% so với ngày 31/12/2022, chiếm 36,9% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn, với trên 104 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay 05 lĩnh vực ưu tiên đạt 816 tỉ đồng; dư nợ cho vay các chương trình nước sạch nông thôn đạt 1.636 tỉ đồng; dư nợ tín dụng chính sách (cho vay người nghèo, cận nghèo, tín dụng đầu tư...) đạt 5.850 tỉ đồng, chiếm 6,2% tổng dư nợ. Tỉ lệ nợ xấu đến ngày 31/12/2023 ước chiếm 0,85% trên tổng dư nợ (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Huy động vốn và dư nợ cho vay nền kinh tế
của hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2023
Nguồn: NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình và tác giả tổng hợp
Doanh số thanh toán qua ngân hàng giai đoạn 2021 - 2023 đạt 4.730 nghìn tỉ đồng, bình quân đạt 1.577 nghìn tỉ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,6%/năm, tỉ lệ TTKDTM trong tổng các phương tiện thanh toán đến cuối năm 2023 chiếm 78,7% (Biểu đồ 2).
Biểu đồ 2: Doanh số thanh toán của hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 - 2023
Đơn vị: Tỉ đồng
Nguồn: NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình và tác giả tổng hợp
Về hoạt động tiền tệ và công tác an toàn kho quỹ, tổng thu tiền mặt đạt 1.434,2 nghìn tỉ đồng, bình quân đạt 478,1 nghìn tỉ đồng/năm; tổng chi tiền mặt đạt 1.401,7 nghìn tỉ đồng, bình quân đạt 467,2 nghìn tỉ đồng/năm. Doanh số mua bán ngoại tệ đạt 6,84 tỉ USD, bình quân đạt 2,28 tỉ USD/năm; doanh số thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng đạt 4,92 tỉ USD, bình quân đạt 1,64 tỉ USD/năm; lượng vốn kiều hối chuyển về tỉnh qua hệ thống ngân hàng đạt 252 triệu USD, bình quân đạt 84 triệu USD/năm.
3. Thực trạng công tác quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Thái Bình đối với các TCTD trên địa bàn
3.1. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các TCTD giai đoạn 2016 - 2021
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, trong giai đoạn 2016 - 2021, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã nghiêm túc triển khai có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của ngành, của tỉnh Thái Bình liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng tới các TCTD, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân trên địa bàn. Chi nhánh thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hóa cơ chế, chính sách về tiền tệ hoạt động ngân hàng phù hợp với điều kiện địa phương, như chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; các đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã thường xuyên ban hành các kế hoạch hoạt động, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cụ thể hóa cơ chế, chính sách, yêu cầu các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các hoạt động kinh doanh tiền tệ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh những tồn tại của các TCTD; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, làm việc với các sở, ngành và các huyện, thành phố để nắm bắt, chia sẻ thông tin, giải đáp các vướng mắc nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Thông qua đó, nhiều ý kiến, vướng mắc của doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất các TCTD được tháo gỡ, xử lý, tạo môi trường thuận lợi cho các TCTD phát triển dịch vụ, hoạt động an toàn, hiệu quả.
NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thực hiện ký kết các quy chế, kế hoạch phối hợp công tác như: Quy chế phối hợp công tác với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Bảo hiểm tiền gửi Khu vực Đông Bắc Bộ... Qua đó, đã tạo ra các kênh trao đổi và nắm bắt thông tin để xây dựng cơ chế, chính sách, xử lý/tham mưu xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động ngân hàng trên địa bàn; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của NHNN Chi nhánh tỉnh.
Công tác thanh tra, giám sát các TCTD trên địa bàn được NHNN Chi nhánh tỉnh luôn chú trọng, thực hiện nghiêm túc. Việc công khai kết luận thanh tra được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua các cuộc thanh tra, 4.108 kiến nghị đã được đưa ra để yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại, QTDND chỉnh sửa, khắc phục những vi phạm, thiếu sót ở tất cả các mặt nghiệp vụ; truy thu hơn 02 tỉ đồng do QTDND chi tiêu sai chế độ, yêu cầu cán bộ, nhân viên QTDND bồi hoàn cho quỹ gần 1,6 tỉ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 33 trường hợp, tổng số tiền xử phạt 430 triệu đồng. Các công cụ, phương pháp giám sát mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống tiêu chí giám sát được triển khai, từng bước chuyển dần từ giám sát tuân thủ sang kết hợp giữa giám sát tuân thủ và giám sát trên cơ sở rủi ro, nâng cao khả năng cảnh báo sớm của NHNN đối với những tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngân hàng của các TCTD; góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động và đảm bảo an toàn cho các TCTD, đặc biệt là hệ thống QTDND.
Triển khai Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020", NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 05/9/2017 chỉ đạo các TCTD cùng các đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện Đề án; chủ trì tổ chức hội nghị tại một số huyện để triển khai các chính sách, quy định của pháp luật, diễn biến tiền tệ, hoạt động ngân hàng và cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong toàn xã hội; chỉ đạo, giám sát các TCTD có nợ xấu cao xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu và các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh, thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, bảo đảm phản ánh đúng chất lượng khoản vay.
Thực hiện Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành Đề án “Đẩy mạnh TTKDTM trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020”; phối hợp các sở, ngành triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp thúc đẩy TTKDTM, đặc biệt là thanh toán điện tử; chỉ đạo các ngân hàng trong việc chi trả dịch vụ an sinh xã hội, thanh toán tiền điện, nước... qua phương tiện TTKDTM. Thường xuyên phối hợp với cơ quan công an và chỉ đạo các TCTD tích cực phối hợp nắm bắt tình hình tội phạm về hoạt động thanh toán, nâng cao khả năng phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Tổng giá trị thanh toán từng lần chuyển đi qua tài khoản tiền gửi tại NHNN giai đoạn 2016 - 2021 đạt 215.510 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân 12,1%/năm. Năm 2021, toàn tỉnh đã lắp đặt được 191 ATM và 838 máy POS, số thẻ ATM đã phát hành là 1.532.625 thẻ, số lao động được trả lương qua tài khoản 171.444 người. Doanh số thanh toán qua mạng Internet, E-mobile Banking tăng trưởng nhanh qua các năm, năm 2021 đạt 240.842 tỉ đồng, gấp 9,4 lần so với năm 2016, chiếm 24,5% tổng doanh số TTKDTM, bình quân giai đoạn 2016 - 2021 tăng 58,7%/năm.
Các mặt công tác khác như: Công tác quản lý nhà nước về tiền tệ kho quỹ được đảm bảo an toàn; công tác cải cách hành chính được NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình tích cực triển khai...
3.2. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các TCTD từ năm 2022 đến nay
Trong 02 năm 2022 - 2023, sau đại dịch Covid-19, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã tiếp tục chỉ đạo sát sao các TCTD trên địa bàn triển khai nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo của NHNN nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai, thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN; hỗ trợ lãi suất nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; phối hợp với các sở, ngành trong việc triển khai các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn liên quan đến tiền tệ, ngân hàng; chỉ đạo các TCTD tăng cường đầu tư vốn tín dụng thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và khách hàng vay vốn.
Đến tháng 12/2023, các TCTD đã cho vay 10 khách hàng (09 doanh nghiệp, 01 hộ kinh doanh) thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải kho bãi và nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 601 tỉ đồng, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 1,4 tỉ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ gần 2,6 tỉ đồng. Có 130 khách hàng (20 doanh nghiệp, 110 cá nhân) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 750 tỉ đồng; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 700 tỉ đồng; dư nợ phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng là 290 tỉ đồng; dư nợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh là 410 tỉ đồng.
Đến ngày 31/12/2023, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 34.980 tỉ đồng, tăng 8% so với ngày 31/12/2022, chiếm 36,9% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn với trên 104 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay 05 lĩnh vực ưu tiên ước đạt 816 tỉ đồng, chiếm 0,86% tổng dư nợ, trong đó: Dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 80,9%; dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,4%; dư nợ cho vay xuất khẩu chiếm 0,6%; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 0,1% tổng dư nợ cho vay 05 lĩnh vực ưu tiên; dư nợ cho vay các chương trình nước sạch nông thôn đạt 1.636 tỉ đồng; dư nợ tín dụng chính sách (cho vay người nghèo, cận nghèo; học sinh, sinh viên...) của NHCSXH ước đạt 4.050 tỉ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, dư nợ đạt 4.000 tỉ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Về công tác chuyển đổi số, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn phát triển nhanh các dịch vụ thanh toán, tiền tệ phục vụ nền kinh tế. Tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng năm 2023 ước đạt 1,7 triệu tỉ đồng, tăng gấp 4,4 lần so với năm 2015; trong đó, TTKDTM chiếm khoảng 78,7% tổng doanh số thanh toán; các TCTD trên địa bàn lắp đặt 205 ATM, 1.170 thiết bị chấp nhận thẻ POS, mở trên 1,6 triệu tài khoản, phát hành gần 02 triệu thẻ thanh toán các loại; thực hiện trả lương qua tài khoản cho gần 2.050 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp, với gần 181 nghìn lao động nhận lương qua tài khoản. Chỉ đạo các TCTD, doanh nghiệp trên địa bàn chấp hành nghiêm túc quy định của Nhà nước về quản lý ngoại hối, kinh doanh vàng. Doanh số mua, bán ngoại tệ năm 2023 ước đạt 2,4 tỉ USD, tương đương năm 2022, tăng 2,5 lần so với năm 2015; doanh số thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng ước đạt 1,85 tỉ USD, giảm 6,6% so với năm 2022, tăng 3,3 lần so với năm 2015; trong 02 năm 2022 - 2023, NHNN Chi nhánh tỉnh xác nhận đăng ký 16 khoản vay nước ngoài cho 09 doanh nghiệp, giá trị vay vốn 26,2 triệu USD, tương đương 647,8 tỉ đồng, 13 hồ sơ thay đổi nội dung khoản vay nước ngoài cho 09 doanh nghiệp, chấp thuận gia hạn đăng ký đại lý chi trả ngoại tệ nước ngoài cho 06 QTDND.
Trong 02 năm 2022 - 2023, NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện 52 cuộc thanh tra các TCTD và 95 cuộc kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra đưa ra gần 900 kiến nghị; kiến nghị, truy thu tổng số tiền 123 triệu đồng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 62 triệu đồng. Công tác giám sát từ xa tiếp tục được tăng cường, chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, giúp các TCTD phòng ngừa rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động...
Tiếp tục thực hiện triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã tham mưu, trình UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo đối với các chi nhánh ngân hàng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, xử lý nợ xấu theo phương án và chỉ đạo của hội sở chính; tập trung củng cố hoạt động của hệ thống QTDND và xử lý các QTDND yếu kém; theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND trên địa bàn; định kỳ thực hiện đánh giá, xếp loại đối với hệ thống QTDND; tham mưu cho Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 21/8/2023 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hệ thống QTDND trên địa bàn nhằm đảm bảo hoạt động an toàn và vững chắc.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban, ngành trong hoạt động ngân hàng như: Thực hiện ký kết công tác phối hợp với Công an tỉnh trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; ký Quy chế phối hợp công tác với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX) Chi nhánh Thái Bình, Bảo hiểm tiền gửi Đông Bắc Bộ kiểm tra một số QTDND… Các hoạt động thông tin, truyền thông đã góp phần quảng bá hoạt động ngân hàng, tạo được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, hộ sản xuất và Nhân dân đối với hoạt động ngân hàng.
3.3. Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý nhà nước đối với các TCTD trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Cụ thể: (i) Công tác tổ chức, chỉ đạo triển khai cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng có thời điểm chưa kịp thời; công tác kiểm tra việc triển khai cơ chế, chính sách, thực hiện chỉ đạo của NHNN đối với các TCTD chưa được thường xuyên, ảnh hưởng đến vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn; (ii) Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng còn hạn chế. Hoạt động thanh tra tại chỗ chưa có trọng điểm nên việc thanh tra tại chỗ còn dàn trải, đôi khi kém hiệu quả và tốn kém chi phí cũng như thời gian; (iii) Việc xử lý tồn tại đối với một số QTDND yếu kém tiến độ còn chậm, hiệu quả chưa cao; việc xử lý, giải quyết, thực hiện các biện pháp hỗ trợ bảo đảm khả năng thanh khoản cho QTDND trong trường hợp phát sinh tình trạng rút tiền ồ ạt tại QTDND còn nhiều khó khăn; (iv) Hoạt động TTKDTM trên địa bàn phạm vi tham gia còn bó hẹp ở một số đối tượng nhất định; ngoài phương thức thanh toán chủ yếu được thực hiện tại trụ sở ngân hàng, các phương thức thanh toán khác kết quả còn hạn chế; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, thanh toán tại điểm bán còn thấp, các hình thức giao dịch từ xa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin phát triển nhưng chưa phổ biến, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn; (v) Công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, kho quỹ đối với các TCTD, nhất là các QTDND còn một số hạn chế, một số nội dung về an toàn kho quỹ chưa đảm bảo theo quy định; (vi) Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số gặp khó khăn do thiếu nhân lực...
4. Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, đồng thời nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các TCTD trên địa bàn trong thời gian tới, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Đối với Quốc hội, Chính phủ: (i) Đề nghị thường xuyên nghiên cứu, rà soát chính sách pháp luật, kịp thời ban hành, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo quản lý hiệu quả lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho hệ thống ngân hàng cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng phát triển bền vững; (ii) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho hoạt động TTKDTM phát triển theo hướng: Tăng cường an ninh, an toàn, phòng, chống rửa tiền, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh toán điện tử và thanh toán trực tuyến; yêu cầu cao hơn về chất lượng, tính an toàn, bảo mật của dịch vụ TTKDTM. Nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách để khuyến khích TTKDTM trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính...
Đối với NHNN: (i) Thường xuyên định hướng, cung cấp các thông tin, tình hình hoạt động của ngành cho các đơn vị trực thuộc phục vụ công tác truyền thông; tập huấn, hướng dẫn đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông tại NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, thực hiện tốt công tác truyền thông tại địa bàn; (ii) Chỉ đạo NHHTX, Hiệp hội QTDND thường xuyên mở các lớp đào tạo cho cán bộ QTDND về kỹ năng tiếp cận phát triển các sản phẩm nghiệp vụ mới; vận hành thực hiện các nghiệp vụ trên nền tảng số... Nghiên cứu, xây dựng, ban hành quy chế cho phép NHHTX chi nhánh được cho vay hỗ trợ khó khăn trong thời điểm QTDND khó khăn thanh khoản tạm thời; có quy chế cho phép các QTDND trong phạm vi một huyện hoặc một tỉnh được phép gửi tiền hoặc cho vay đối với QTDND khó khăn thanh khoản tạm thời; (iii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến TTKDTM tại các văn bản luật hiện hành, qua đó đảm bảo tính bao quát, thống nhất và quản lý toàn diện các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế phù hợp với thực tế Việt Nam dựa trên chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Đối với NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình: (i) Đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách, chỉ đạo, quản lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước thông qua triển khai cơ chế, chính sách, tăng cường công tác nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn hoạt động ngân hàng trên địa bàn; tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ngân hàng; phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể hóa cơ chế, chính sách về tiền tệ hoạt động ngân hàng phù hợp với điều kiện địa phương, tạo hành lang, môi trường thuận lợi cho hoạt động ngân hàng phát triển. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong chỉ đạo, quản lý hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp thông qua các quy chế, kế hoạch phối hợp công tác đã ký kết để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng; (ii) Tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; (iii) Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của hội sở chính về thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt; (iv) Chỉ đạo các TCTD thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh TTKDTM, đảm bảo an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán.
Đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình cần ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo khả thi, phù hợp thực tế địa phương, tạo điều kiện cho NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn triển khai hiệu quả; cử đại diện NHNN Chi nhánh tỉnh tham gia đầy đủ các ban chỉ đạo, tổ công tác liên quan đến các ngành nghề, lĩnh vực, chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần đánh giá, xác định đúng vị trí, vai trò của ngành Ngân hàng, của NHNN Chi nhánh tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong triển khai cơ chế, chính sách, trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn; thực hiện đúng chức năng, vị trí trong quản lý, chỉ đạo hoạt động của các TCTD trên địa bàn.
Đề nghị các cấp ủy đảng, ban, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.
Đối với các TCTD trên địa bàn: (i) Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh của từng đơn vị; tích cực tham gia xây dựng, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, quy định trong hoạt động ngân hàng; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tại các đơn vị, xử lý, khắc phục tồn tại, hạn chế, phát sinh, đảm bảo thực hiện nghiêm túc công tác triển khai, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo quy định; (ii) Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, các quy chế và cơ chế trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu về an toàn trong hoạt động; coi trọng việc kiểm tra, giám sát, qua đó ngăn chặn sớm các sự cố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình; (iii) Tích cực thực hiện công tác truyền thông theo định hướng, chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh, hội sở chính và thực tế tại đơn vị; thực hiện nghiêm túc các nội dung truyền thông theo các nội dung chuyên đề do NHNN Chi nhánh tỉnh xây dựng; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương, địa phương để xử lý các thông tin, vụ việc liên quan đến hoạt động của đơn vị.
Tài liệu tham khảo:
1. Đề tài khoa học cấp tỉnh, mã số TB-CT/XH05/23: Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2030.
2. Báo cáo sơ kết, tổng kết quý, 6 tháng, năm của NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình (2016 - 2023).
3. Báo cáo sơ kết, tổng kết quý, 6 tháng, năm ngành Ngân hàng tỉnh Thái Bình (2016 - 2023).
4. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tháng, quý, 6 tháng, năm của các TCTD trên địa bàn tỉnh Thái Bình (2016 - 2023).
Hứa Phi Yến (Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình)
và nhóm tác giả (NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình)