Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt thì việc tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo là cần thiết cho phát triển bền vững. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF - World Economic Forum), Đài Loan xếp thứ 15 toàn cầu và thứ 4 châu Á (năm 2018) về phát triển năng lượng tái tạo, đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường.
1. Vài nét về phát triển năng lượng tái tạo Đài Loan
Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Đài Loan là nhằm tách khỏi sự phụ thuộc của Đài Loan vào các nguồn năng lượng có hạn, góp phần giảm lượng khí thải carbon dioxide và ngăn chặn những thảm họa do sự nóng lên toàn cầu gây ra. Đài Loan sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh quốc gia nếu phát triển năng lượng tái tạo.
Năm 2005, Đài Loan đã ban hành Đạo luật Phát triển Năng lượng tái tạo (REDA - Recycle Energy Development Act). Việc ban hành Luật Năng lượng tái tạo được xem là giải pháp có tính then chốt, tiên quyết cho việc phát triển năng lượng tái tạo của Đài Loan. Nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã tích cực đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong số này nổi bật là 3 công ty Sun Rise E&T Corporation, Swancor Renewable Energy (SRE) và Sysgration Ltd.
Công ty Sun Rise E&T Corporation chuyên lắp đặt các tấm pin mặt trời trên các hồ và đập, có thể nâng cao hiệu quả của phát điện mặt trời. Hệ thống tấm pin mặt trời của Sun Rise E&T Corporation sử dụng nhựa HDPE-PE100 đúc đùn và ép phun với độ bền vật liệu cao. Hiện hệ thống tấm pin mặt trời đã được triển khai rộng rãi tại các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.
Công ty Swancor Renewable Energy chủ động khai thác lợi thế địa lý của Đài Loan để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của vùng lãnh thổ Đài Loan. Ngoài việc tham gia xây dựng các khu vực điện gió ngoài khơi như Dự án Formosa 1, Formosa 2, Swancor Renewable Energy chủ động đầu tư vào các dự án Formosa 4-1, Formosa 4-2 và Formosa 4-3.
Công ty Sysgration Ltd tối đa hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo với bộ lưu trữ điện thông minh cung cấp 3 chức năng quan trọng: Chức năng lưu trữ năng lượng, chức năng làm mượt mà đầu ra và chức năng điều phối năng lượng. Ba chức năng này sẽ không chỉ cho phép các nhà cung cấp năng lượng tái tạo ổn định sản lượng điện, mà còn thực hiện chuyển dịch thời gian bằng cách dự trữ năng lượng tái tạo để cung cấp cho lưới điện vào các khoảng thời gian cao điểm nhằm tối đa hóa việc sử dụng năng lượng, hỗ trợ Công ty Điện lực Đài Loan (Taipower) và các hộ tiêu dùng trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Kết hợp công nghệ quang điện vào nuôi trồng thủy sản ở Đài Loan
Các công trình sản xuất điện từ những nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt) và những nguồn năng lượng khác chiếm khoảng 43% tổng số các công trình được xây dựng trong giai đoạn 2007 - 2012 ở Đài Loan, trong khi các công trình than đốt chỉ chiếm 38%, công trình năng lượng hóa thạch và khí gas tự nhiên chiếm 18%, công trình năng lượng nguyên tử chiếm 1%1. Năng lượng tái tạo chiếm chưa đầy 9% công suất lắp đặt (năm 2015) ở Đài Loan và đã tăng lên 14% (năm 2019). Nhà máy Hsinta của Công ty Điện lực Đài Loan (TPC - Taiwan Power Company) ở Cao Hùng cùng với nhà máy ở Đài Trung là hai nhà máy thuộc ngành năng lượng mặt trời và điện gió đang phát triển nhanh nhất. Đài Loan đã gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nhiều lĩnh vực năng lượng tái tạo khác.
Năng lượng mặt trời. Đài Loan nghiên cứu và sản xuất các hệ thống pin năng lượng mặt trời đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (với hơn 12% sản lượng). Bên cạnh đó, Công ty Speedtech Energy co.Ltd còn sản xuất những sản phẩm ứng dụng năng lượng mặt trời như: Đèn đường năng lượng mặt trời, máy bơm năng lượng mặt trời và đèn LED năng lượng mặt trời có ưu điểm cung cấp ánh sáng tự nhiên, giúp tiết kiệm chi phí điện năng, giảm lượng khí thải carbon và có thể tái chế từ 95% trở lên. Đặc biệt, sản phẩm hệ thống lưới điện vi mô kết hợp pin lưu trữ đang được ứng dụng hiệu quả ở các nước Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản… Lưới điện vi mô kết hợp năng lượng mặt trời, năng lượng gió được tích hợp cùng pin nhiên liệu (hoặc sản phẩm pin tích trữ thông thường) có thể hoạt động độc lập, cung cấp nguồn điện xanh ổn định cho các khu vực nông thôn và hải đảo xa bờ, nơi khó phủ sóng lưới điện hoặc điện không ổn định.
Nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất Đài Loan được vận hành ở phía Nam thành phố Cao Hùng tháng 10/2011. Chi phí xây dựng nhà máy khoảng 640 triệu Tân Đài tệ (tương đương 20,9 triệu USD) và được trang bị hơn 16 nghìn tấm pin mặt trời. Nhà máy sản xuất được 5,92 MW điện/năm (tương đương với mức tiêu thụ của 1.600 hộ gia đình) và giảm lượng khí thải carbon 3.623 tấn/năm.
Nhà máy hoạt động dưới sự quản lý của công ty Điện lực Đài Loan.
Hiện nay, có khoảng 20% tấm pin mặt trời trên thế giới được xuất khẩu từ Đài Loan, đưa Đài Loan trở thành nhà cung cấp tấm pin mặt trời lớn thứ hai toàn cầu. Chính phủ Đài Loan có kế hoạch sử dụng năng lượng mặt trời cho các tiện ích công cộng và đưa năng lượng xanh vào cuộc sống hàng ngày. Đài Bắc đã xây dựng 3.216 tấm pin mặt trời để biến khu đất hoang thành ngôi nhà điện. Phía nam Đài Nam - nơi có đủ ánh nắng mặt trời với 5.288 tòa nhà được trang bị các tấm pin mặt trời tạo ra 7 MW, gấp khoảng 3,2 lần lượng thủy điện do đập địa phương sản xuất. Thậm chí, những tấm pin mặt trời ở trên Quần đảo Penghu có thể tạo ra 83.000 kWh/năm.
Công ty Chung-Hsin Electric and Machinery Manufacturing Corp (CHEM) phát triển các sản phẩm ứng dụng năng lượng mặt trời với 4.000 bộ pin nhiên liệu chủ yếu phát điện từ khí thiên nhiên LNG và khí hydro được bán ra trên toàn thế giới. Sản phẩm pin nhiên liệu của CHEM được tiêu dùng ở một số thị trường như: Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản… Một trong những tập đoàn uy tín sản xuất năng lượng mặt trời của Đài Loan là Tập đoàn NEO Solar Power Corporation (NSP), được thành lập năm 2005. Năm 2013, NSP đã trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới các tấm pin năng lượng mặt trời. Tập đoàn mở rộng các hoạt động với mục tiêu trở thành nhà cung cấp các dịch vụ trọn gói về năng lượng mặt trời có quy mô toàn cầu. Tập đoàn NSP chú trọng nghiên cứu các công nghệ cũng như cách thức để các tấm pin năng lượng mặt trời đạt hiệu quả phát điện cao nhất. Năm 2017, công ty chuyên sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời Green Energy Technology thuộc tập đoàn GINTUNG của Đài Loan được xếp trong danh sách Top 5.000 các doanh nghiệp lớn ở Đài Loan. Công ty Speedtech Energy Co., Ltd. là nhà cung cấp giải pháp năng lượng mặt trời tổng thể, chuyên thiết kế, phát triển và sản xuất những sản phẩm ứng dụng năng lượng mặt trời như: Đèn đường năng lượng mặt trời, máy bơm năng lượng mặt trời và đèn LED năng lượng mặt trời... Năm 2019, doanh thu của công ty Speedtech Energy Co.Ltd đạt 5,25 triệu USD2.
Năng lượng gió. Bên cạnh năng lượng mặt trời, Đài Loan cũng phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Năng lượng gió là hình thức gián tiếp của năng lượng mặt trời. Năm 2000, Đài Loan đã có 347 hệ thống điện gió được xây dựng, mang lại tổng cộng 684,4 MW lưu trữ trên toàn quốc. Phát triển năng lượng gió ngoài khơi Đài Loan được đầu tư bởi các công ty nổi tiếng thế giới như Công ty năng lượng Northland (Northland Power Inc) của New Zealand và đối tác cơ sở hạ tầng Copenhagen của Đan Mạch. Nhà máy điện gió đầu tiên ở Đài Loan là nhà máy điện gió Mailiao của công ty công nghiệp nặng Taishuo. Năm 2012, Đài Loan khuyến khích thử nghiệm hệ thống sản xuất điện gió ngoài khơi nhằm phát triển năng lượng gió. Năm 2017, trạm phát điện điện gió Trúc Nam Phong Ocean của công ty phát điện điện gió Hải Dương chính thức hoạt động tại Đài Loan.
Năm 2019, cánh đồng gió ngoài khơi đầu tiên của Đài Loan chính thức được chuyển giao thương mại. Việc chuyển giao thương mại cánh đồng gió của Đài Loan đã thu hút đội ngũ Nhật Bản và Hàn Quốc đến học hỏi mô hình thành công của Đài Loan. Điều này chứng tỏ sự phát triển điện gió ngoài khơi của Đài Loan đang hướng tới trở thành trung tâm năng lượng xanh châu Á. Mục tiêu chuyển đổi mô hình năng lượng của Đài Loan là tăng tỷ lệ phát điện năng lượng xanh lên 20% và công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi hướng đến mục tiêu 5,7 GW năm 2025.
Theo dự báo của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi sẽ tăng 700% giai đoạn 2021 - 2030 so với 20 năm trước đó. Khu vực châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là các nước và vùng lãnh thổ có tiềm năng nhất.
Đài Loan là thị trường gió ngoài khơi ở châu Á nhờ có bốn yếu tố thuận lợi: Thứ nhất, quy mô thị trường tăng trưởng cho ngành công nghiệp gió ngoài khơi Đài Loan đang bùng nổ; thứ hai, hầu hết các thị trường gió ngoài khơi mở đều ở Đông Á3; thứ ba, Đài Loan mong muốn được thực hiện cải cách năng lượng để thúc đẩy Thỏa thuận Mua bán điện doanh nghiệp (PPA - Power Purchase Agreement); thứ tư, các dự án tài chính của Đài Loan ít thách thức hơn so với các nước châu Á khác. Với những yếu tố thuận lợi này, Đài Loan là thị trường năng lượng gió nước ngoài hấp dẫn nhất ở Đông Á.
Năng lượng địa nhiệt. Cùng với nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường đang được hơn 50 nước trên thế giới sử dụng để sản xuất điện năng. Địa nhiệt là nguồn nhiệt năng có sẵn trong lòng đất, là dạng năng lượng sạch và bền vững. So với các dạng năng lượng tái tạo khác như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt không phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết và khí hậu. Do đó, địa nhiệt có hệ số công suất rất cao.
Sự hình thành núi lửa cung cấp cho Đài Loan nguồn địa nhiệt tài nguyên phong phú. Năm 2015, Cục Năng lượng và Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp đã ký hợp đồng với thành phố New Taipei nhằm thúc đẩy năng lượng địa nhiệt 10 MW. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Taitung (Đài Loan) cũng nghiên cứu sử dụng suối nước nóng trong khu vực để sản xuất năng lượng địa nhiệt. Công ty Điện lực Đài Loan đã khởi xướng kế hoạch thử nghiệm máy phát điện địa nhiệt ở Đảo Xanh bằng cách đào hai giếng địa nhiệt thử nghiệm tại suối nước nóng Jhaorih và thiết lập một máy phát điện 200 KWE. Mục tiêu đạt 11 giếng nhiệt sẽ được hoàn thành năm 2025 tại Yilan Lizuh và cung cấp 8 tỷ KWH mỗi năm.
2. Chính sách phát triển năng lượng tái tạo Đài Loan
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt thì phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững. Với mục tiêu hướng tới nền kinh tế carbon thấp, Đài Loan rất chú trọng các chính sách phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm:
Thứ nhất, chính sách khuyến khích trợ cấp lắp đặt. Nhằm thúc đẩy lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo vốn vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả do thời gian hoàn vốn quá lâu, quá trình áp dụng tốn thời gian và hiệu quả truyền tải điện chưa cao, Chính phủ Đài Loan cung cấp ngân sách và trợ cấp cho các mô hình hệ thống khác nhau của năng lượng tái tạo. Nhờ vậy, các cơ quan Chính phủ ở ngoài khơi hoặc ở vùng sâu, vùng xa, các trường đại học đã có những kết quả mô hình tốt trong việc lắp đặt hệ thống. Kinh nghiệm cho thấy, phát triển năng lượng tái tạo phải gắn với hỗ trợ về vốn, về giá. Phải có chính sách khuyến khích trợ cấp lắp đặt, miễn thuế nhập khẩu thiết bị, ưu đãi giá cao nhất.
Năm 2017, Đài Loan sửa đổi Đạo luật Kinh doanh Điện để tự do hóa thị trường điện và thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo. Những sửa đổi chính trong Đạo luật kinh doanh Điện bao gồm tách hoạt động kinh doanh phát điện của Công ty năng lượng Đài Loan thuộc sở hữu Nhà nước ra khỏi hoạt động kinh doanh truyền tải và phân phối vào năm 2026 và cho phép năng lượng tái tạo được bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng.
Năm 2019, Đài Loan tiếp tục sửa đổi đối với Đạo luật Phát triển Năng lượng Tái tạo để tiếp tục chiến lược tự do hóa thị trường. Cùng với việc thiết lập mục tiêu năng lượng tái tạo “27 GW năm 2025”4, các thủ tục đăng ký cho các cơ sở tái tạo có công suất dưới 2 MW đã được đơn giản hóa và các máy phát điện được phép lựa chọn bán điện thông qua cung cấp trực tiếp, bán buôn, bán lẻ cho Công ty năng lượng Đài Loan. Ngoài ra, người sử dụng điện phải có nghĩa vụ mua một phần nguồn cung cấp năng lượng nhất định từ các nguồn tái tạo hoặc trả một khoản riêng dành cho phát triển năng lượng tái tạo.
Thứ hai, chính sách tín dụng và ưu đãi về thuế. Bên cạnh việc trợ cấp giá và trợ cấp lắp đặt, Đài Loan còn đưa ra chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo. Giảm thuế để khuyến khích đầu tư, chuyển tiền hoặc tăng tốc độ khấu hao. Các ưu đãi chính được đưa ra trong “Quy chế thúc đẩy nâng cấp các ngành công nghiệp”. Chính phủ hỗ trợ đến 13% cơ sở vật chất, được khấu trừ thuế cho tất cả các khoản thuế từ lợi nhuận trong kinh doanh, nhận tín dụng thuế từ 10 - 20% chi phí đầu tư vào thị trường chứng khoán của ngành, kéo dài tốc độ khấu hao 2 năm, được vay với lãi suất thấp. Trong quy chế thúc đẩy nâng cấp các ngành công nghiệp quy định “nhập khẩu miễn thuế cho các thiết bị không sản xuất trong nước và chỉ giới hạn cho các thiết bị sử dụng trong công nghiệp năng lượng tái tạo”. Trong Đạo luật Phát triển Năng lượng tái tạo qui định, các doanh nghiệp, xí nghiệp nhập khẩu các nguồn cung cho ngành công nghiệp để xây dựng hoặc vận hành các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo phải được miễn thuế.
Thứ ba, chính sách cung cấp mức trợ giá, sử dụng mức hỗ trợ cố định, không liên quan đến giá điện. Đài Loan sử dụng mức hỗ trợ cố định thay vì sử dụng phương pháp giá điện cộng thêm mức hỗ trợ để giảm rủi ro biến động giá điện cho nhà đầu tư. Bởi mức giá điện FiT (Feed in Tariff)5 quá cao hoặc quá thấp đều không có lợi. Nếu quá cao thì sẽ dẫn đến lạm phát giá điện ở Đài Loan, còn nếu quá thấp thì sẽ không khuyến khích được người dân tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo. Khi xác định giá điện, điều quan trọng là phải xem xét tất cả các yếu tố để tránh bị hủy kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ. Và việc xây dựng giá điện phù hợp chính là yếu tố để giảm hiệu ứng nhà kính và cũng là cơ hội để ổn định nguồn cung năng lượng trong nước. Bên cạnh đó, áp dụng cơ chế FiT để hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo rồi dần chuyển sang cơ chế đấu thầu dự án nhằm giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh hiệu quả. Cơ chế FiT xác định mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện.
Năm 2003, Công ty Điện lực năng lượng tái tạo Đài Loan cung cấp mức trợ giá năng lượng tái tạo (FiT) đối với điện năng lượng tái tạo là 2 Đài tệ (TWD) cho mỗi KW điện và đặt giới hạn ít nhất trên 600 MW vào tổng công suất năng lượng tái tạo, trừ lò đốt thải và hệ thống thủy điện tạo ra trên 20 MW. Đài Loan thành lập Ủy ban Đánh giá phí và kiểm tra lại giá năng lượng tái tạo. Giá mới không được thấp hơn chi phí trung bình của nhiên liệu hóa thạch tạo ra điện năng ở thị trường trong nước. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngành năng lượng tái tạo có được không gian hợp lý, việc thiết lập một hệ thống đo sáng như ở Mỹ cũng là một bước để kích thích sự tham gia của người dân.
Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo. Đài Loan thúc đẩy thiết lập các hệ thống năng lượng tái tạo thông qua các dự án xây dựng công cộng có sự tham gia của các doanh nghiệp. Thành lập “thành phố quang điện”, thành phố giải trí quang điện, xây dựng trần năng lượng mặt trời với công suất 1 MW... Chính phủ soạn thảo “Các quy định để đảm bảo năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí CO2 thông qua kiến trúc” như một khung tham chiếu cho các công trình công cộng sử dụng năng lượng tái tạo trong tương lai.
Đài Loan hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị, công khai danh mục các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Thành lập Quỹ nghiên cứu Phát triển năng lượng bền vững sử dụng nguồn vốn từ ngân sách, nguồn thu từ phí môi trường với nhiên liệu hóa thạch, các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho hoạt động khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn quốc. Có thể dùng nguồn vốn của Quỹ để hỗ trợ cộng đồng phát triển mô hình sử dụng năng lượng tái tạo, thực hiện thí điểm, tiến tới nhân rộng các mô hình nhà xanh, tòa nhà xanh, đô thị xanh và nông thôn xanh. Ngoài những chính sách kinh tế, Đài Loan áp dụng chính sách phi kinh tế:
Một là, tập trung nghiên cứu khoa học, công nghệ để phát huy nguồn năng lượng tái tạo, bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về năng lượng tái tạo.
Chính phủ Đài Loan rất tích cực đầu tư vào nghiên cứu khoa học và công nghệ năng lượng tái tạo. Tham chiếu pháp lý sớm nhất về nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo ở Đài Loan trong Luật Quản lý năng lượng, Luật quy định: Ủy ban Trung ương cùng với các quy định của Luật Ngân sách thành lập Quỹ nghiên cứu Phát triển năng lượng, xây dựng kế hoạch, tăng cường nghiên cứu liên quan đến năng lượng tái tạo. Phần lớn nguồn kinh phí cho Quỹ nghiên cứu Phát triển năng lượng là để nghiên cứu ngành công nghiệp điện hoặc dầu mỏ có doanh thu cao hơn (điện và dầu khí phải đầu tư 0,5% tổng thu nhập vào nghiên cứu và phát triển).
Đài Loan xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm về năng lượng tái tạo, hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện làm việc tốt cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm trọng điểm này sẽ là nơi thích hợp cho việc tập hợp các nhà nghiên cứu trong nước cùng làm việc cũng như trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài.
Hai là, chính sách tuyên truyền giáo dục. Đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức đến với người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình phát triển bền vững là cần thiết, giúp người dân có những hành động thiết thực đóng góp cho phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời giáo dục ý thức tiết kiệm sử dụng nguồn năng lượng sạch của người dân.
Năm 1996, thúc đẩy tuyên truyền giáo dục được đưa vào chính sách năng lượng của Đài Loan. Cục Năng lượng thuộc Bộ Kinh tế Đài Loan thực hiện tuyên truyền giáo dục về năng lượng nhằm vào khu đông dân cư và ký túc xá của các trường đại học. Đồng thời đưa vào chương trình giáo dục năng lượng ở các trường tiểu học, giáo dục về hiệu quả của việc sử dụng quang điện. Đài Loan lựa chọn một số trường tiểu học và trung học để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời làm điểm trình diễn cho giáo dục năng lượng tái tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo Đài Loan cũng soạn thảo bộ các chỉ số “Đại học xanh” nhằm tăng cường các cơ sở trường đại học có chính sách bảo vệ môi trường, giúp các trường bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Phát triển năng lượng xanh và năng lượng tái tạo được xem là một trong những ngành công nghiệp chiến lược cốt lõi của Đài Loan giai đoạn 2021 - 2025. Năng lượng tái tạo đã có bước phát triển nhảy vọt, Đài Loan đã trở thành điểm nóng về đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế. Với mục tiêu năng lượng xanh chiếm 25% tổng năng lượng vào năm 2025, Đài Loan sẽ trở thành trung tâm năng lượng xanh châu Á - Thái Bình Dương.
3. Vài nét về phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam và bài học kinh nghiệm
Với đường biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy điện, năng lượng đại dương, năng lượng sinh khối và năng lượng địa nhiệt) rất lớn. Việt Nam thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Nhờ đó, trong giai đoạn 2013 - 2019, nguồn điện năng lượng tái tạo tăng với tốc độ 31,9%, đặc biệt là điện mặt trời, công suất điện mặt trời đã gấp trên 51 lần, từ 86 MW lên đến trên 4.400 MW giai đoạn 2018 - 6/2019. Tỷ lệ công suất điện từ năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) đã chiếm tới 15,4% công suất lắp đặt toàn hệ thống. Những ngành năng lượng tái tạo phát triển nổi bật của Việt Nam là:
Năng lượng mặt trời. Với vị trí địa lý nằm ở khu vực cận xích đạo, Việt Nam có nhiều tiềm năng tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời. Việt Nam dẫn đầu ASEAN về phát triển điện mặt trời và điện gió. Chỉ trong giai đoạn 2019 - 2020, điện mặt trời của Việt Nam đã tăng lên được trên 10 GW với hơn 100 nghìn dự án (trong đó điện mặt trời mặt đất là khoảng 8,6 GW, điện mặt trời mái nhà là 9,4 GW và hơn một trăm MW điện mặt trời nổi trên hồ). Năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Năm 2020, tổng công suất điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW được đặt ra và thậm chí đang tiến gần đến mục tiêu đạt được năm 2030 là 18.600 MW6. Sản xuất năng lượng điện mặt trời ở Việt Nam tăng nhanh là do: Thứ nhất, do cơ chế giá bán điện cố định FiT hấp dẫn cùng với sự khuyến khích ưu đãi phát triển dự án điện mặt trời của Chính phủ; thứ hai, do giá công nghệ của điện mặt trời giảm mạnh (tới 80%) trong 10 năm (2010 - 2020) nên giá thành sản xuất điện mặt trời rất hấp dẫn; thứ ba, việc huy động vốn cho các dự án điện mặt trời thuận lợi hơn do dễ dàng được vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
Năng lượng gió. Với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Các khu vực đang được khai thác điện gió và có nhiều tiềm năng tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu,… và các đảo.
Chỉ tính riêng các vùng biển quanh đảo Phú Quý, đảo Bạch Long Vĩ thì tiềm năng công suất lắp đặt lên đến 38 GW mỗi vùng. Hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65 m là 7 - 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW. Với những ưu đãi về điều kiện tự nhiên như vậy, Việt Nam đặt ra lộ trình đạt mục tiêu đạt 2.000 MW điện gió năm 2025 và 6.000 MW điện gió năm 2030.
Năng lượng thủy điện. Việt Nam có nguồn tài nguyên thủy năng tương đối lớn do điều kiện địa hình và khí hậu Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều. Sở hữu gần 3 nghìn sông ngòi lớn, nhỏ trên khắp lãnh thổ với hai hệ thống sông lớn nhất là sông Cửu Long (Nam Bộ) và sông Hồng (Bắc Bộ). Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Việt Nam hiện có trên 120.000 trạm thủy điện, tổng công suất ước tính đạt khoảng 300 MW. Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc phân bổ trên khắp cả nước nên có tiềm năng lớn trong phát triển thủy điện nhỏ. Công nghệ thủy điện nhỏ đã được phát triển, hoàn thiện nên có mức độ khả thi về mặt kinh tế cao. Đặc biệt ở các nước đang phát triển vì thủy điện nhỏ có vai trò hết sức quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và gia tăng chỉ số tiếp cận điện năng. Theo đánh giá, tiềm năng thủy điện nhỏ của Việt Nam vào khoảng 4.000 MW, trong đó, loại nguồn có công suất từ 100 KW đến 30MW chiếm khoảng 93% - 95%, loại nguồn có công suất dưới 100 KW chỉ chiếm khoảng 5% - 7%, và phần còn lại có tổng công suất trên 200 MW.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn chậm. Năm 2019, có 9 dự án điện gió và 82 dự án điện mặt trời được đưa vào hoạt động.
Từ nghiên cứu chính sách phát triển năng lượng tái tạo Đài Loan, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:
Thứ nhất, có chính sách xây dựng Luật Năng lượng tái tạo rõ ràng để phát triển năng lượng sạch. Nghiên cứu và ban hành Luật Năng lượng tái tạo để tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý phát triển năng lượng tái tạo. Phân loại chi tiết ngành năng lượng tái tạo như điện mặt trời (công nghiệp, mái nhà, nổi…) phân ngành điện gió (trên bờ, móng cố định biển nông gần bờ, móng cố định ngoài khơi, nổi ngoài khơi...); điện sóng, điện hải lưu, điện sinh khối, tích hợp các loại nguồn khác.
Việt Nam hiện có Luật Điện lực, Luật Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Trên cơ sở đó, xem xét xây dựng luật riêng cho năng lượng tái tạo. Từ kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, xây dựng Luật Năng lượng tái tạo sẽ là giải pháp có tính then chốt, tiên quyết cho việc phát triển năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, thành lập Quỹ Phát triển năng lượng bền vững sử dụng nguồn vốn từ ngân sách, nguồn thu từ phí môi trường với nhiên liệu hóa thạch, từ các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hỗ trợ tài chính cho hoạt động khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. Dùng nguồn vốn của Quỹ để hỗ trợ cộng đồng phát triển mô hình sử dụng năng lượng tái tạo, tiến tới nhân rộng các mô hình nhà xanh, tòa nhà xanh, đô thị xanh và nông thôn xanh.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ để phát huy được nguồn năng lượng tái tạo, bảo hộ quyền tác giả cho các phát minh, cải tiến kỹ thuật về năng lượng tái tạo. Cần tập trung phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng. Nghiên cứu triển khai về năng lượng tái tạo là nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên cần được đầu tư mạnh mẽ, thông qua các chương trình khoa học công nghệ quốc gia về phát triển các phân ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt quan tâm công nghệ thu gom, xử lý tái chế các tấm pin mặt trời, tua bin gió; cơ chế tài chính xanh, carbon xanh cho phát triển năng lượng tái tạo.
Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm về năng lượng tái tạo, hoạt động theo cơ chế mở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm trọng điểm sẽ là nơi thích hợp cho việc tập hợp các nhà nghiên cứu trong nước cùng làm việc cũng như trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài.
Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp và khu vực tư nhân tham gia phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Để tháo gỡ khó khăn và khuyến khích đầu tư, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần có thêm nhiều ưu đãi và hỗ trợ cho doanh nghiệp, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành và liên ngành. Mở rộng đầu tư lưới điện có kiểm soát theo hình thức đối tác công tư (PPP-Public Private Partnership) thông qua đấu thầu cạnh tranh. Vốn dành cho ngành Điện còn nhiều, mỗi năm cần gần 13 tỷ USD để đầu tư, nếu không đẩy mạnh phát triển lưới điện theo mô hình PPP, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân và kết nối nhanh, giảm bớt thủ tục hơn nữa, tình trạng thiếu điện khó được cải thiện.
Khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững. Ưu tiên phát triển mô hình xây dựng - cho thuê - chuyển giao BLT (Build - Lease - Transfer) tại Việt Nam. Mô hình BLT giúp doanh nghiệp sử dụng điện sạch với chi phí thấp mà không cần bỏ vốn đầu tư, chỉ tận dụng phần mái nhà xưởng đang nhàn rỗi. Mô hình BLT đặc biệt phù hợp khi doanh nghiệp muốn thúc đẩy quá trình xanh hóa sản xuất trong khi đang cần tận dụng tối đa nguồn vốn để đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất hoặc tập trung nghiên cứu, phát triển.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa các loại thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo; ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, công nghệ mới, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị; công khai danh mục các dự án đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Thứ tư, thu hút mạnh vốn nước ngoài để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam có môi trường đầu tư khá thuận lợi cho các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, do hạn chế vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo cũng như thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp, thiếu cơ chế bền vững cung cấp tài trợ nên phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam cần khuyến khích đầu tư tư nhân và thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài. Khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo. Ưu tiên phân bổ vốn tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn ODA và vốn vay theo hiệp định song phương cho đầu tư vào các dự án thăm dò, phát triển năng lượng tái tạo.
Chính phủ ban hành các khuôn khổ pháp lý xây dựng thị trường điện cạnh tranh, thu hút đầu tư xã hội vào ngành năng lượng. Cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời: Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg
ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg ngày 05/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam; Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam; Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Nhiều dự án nhà máy điện tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, hoạt động đầu tư nước ngoài vào các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT đã làm giảm áp lực vốn cho Chính phủ trong những dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, cần vốn lớn, công nghệ phức tạp như các dự án nguồn điện, góp phần quan trọng vào việc cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, trong bối cảnh các tập đoàn điện lực nhà nước đang khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện. Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định FiT là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Thực tế đã chứng minh, cơ chế giá FiT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với những thị trường mới như Việt Nam.
Theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo thì cần tập trung vào các chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Vì vậy, cần chuyển sang cơ chế đấu thầu để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư được chọn lựa để phát triển sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức đến với mọi người dân về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình phát triển bền vững. Từ đó, có những hành động thiết thực đóng góp cho việc phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Giáo dục ý thức tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng sạch cho người dân.
Tóm lại, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 đã tạo tiền đề phát triển thị trường điện Việt Nam, với đóng góp ngày càng lớn của nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió, giúp đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện lưới của Việt Nam.
1 Thanh Thảo (2013), Đài Loan có rất nhiều năng lượng tái tạo, (vneec.gov.vn).
2 Tâm Hương (2020), Công nghiệp năng lượng và môi trường Đài Loan: Hướng tới tương lai xanh bền vững (nangluongsachvietnam.vn).
3 Mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi của Trung Quốc từ 9 GW lên 50 GW giai đoạn 2020 - 2030, của Hàn Quốc từ 0,145 GW lên 12 GW, của Nhật Bản từ 0,62 GW lên 10 GW.
4 Shuai Shang Huang (2021), Development of Energy Law in Taiwan, China Busines Law Journal, 4th Sep 2021.
5 FiT là cơ chế chính sách được đưa ra nh/m khuyến khích phát triển các nguồn năng lượ/ng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống.
6 Chuyên gia quốc tế: Việt Nam là hình mẫu phát triển năng lượng tái tạo cho các nước ASEAN (moit.gov.vn).
Tài liệu tham khảo:
1. Chris Chang (2020), Taiwan to boost renewable energy to 20% by 2025, introduce trillion-dollar investment, Taiwan News, 2020/02/27, 15:02:00.
2. Dan Murtaugh, Miaojung Lin, and Samson Ellis, “Nuclear Ghost Town Reveals Power Risk for Taiwan’s Energy Shift,” Bloomberg, August 5, 2018, https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-08-05/nuclear-ghost-town-reveals-power-risk-for-taiwan-s-energy-shift.
3. Duncan DeAeth (2018), “Taiwan’s CPC Corp. Signs US$25 Billion LNG Deal With US Firm Cheniere Energy,” Taiwan News, August 18, 2018, https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3509642.
4. Taiwan: pursuing a new green energy revolution in the East, Heidi Vella, https://www.power-technology.com/features/taiwan-pursuing-new-green-energy-revolution-east/
5. REN 21 (Renewable Energy Policy Network for the 21st century); GSR2017_Highlights_Vietnamese.pdf (ren21.net).
6. Shuai Shang Huang (2021), Development of Energy Law in Taiwan, China Busines Law Journal ,4th Sep 2021.
7. Hoàng Xuân Lâm (2020), Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, nhìn từ kinh nghiệm Đài Loan (doanhnghieptiepthi.vn).
8. Thu Phương (2020), Đài Loan đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tai tạo và Kinh nghiệm đối với Việt Nam, Tạp chí Môi trường, số 11/2020.
ThS. Vũ Nhật Quang (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)