76 năm qua, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã lập nên những chiến công hiển hách trong đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nhà nước ta, với tư cách là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân đã phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng làm bùng lên khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.
Cùng với chặng đường phát triển của đất nước,ngành Ngân hàng luôn phát huy truyền thống vẻ vang, đồng hành và đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất, đổi mới, phát triển và hội nhập đất nước.
Ngày 2/9/1945 mở ra một trang sử mới của dân tộc Việt Nam
Cách đây tròn 76 năm, sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; mở ra một trang sử mới, chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Từ mốc son chói lọi này, đất nước ta bước sang trang mới. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ.
76 năm qua, với tư cách người chủ thực sự của đất nước, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã lập nên những chiến công hiển hách trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhà nước ta, với tư cách là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân đã phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, đưa đất nước từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu; kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển; dân chủ được mở rộng; đời sống tinh thần và vật chất của Nhân dân ngày càng được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện một cách sinh động ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo về công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng làm bùng lên khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 25/7/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã biên soạn, ban hành chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn khóa: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Theo đó, việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và người dân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn lịch sử.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của ngành Ngân hàng để góp phần xây dựng đất nước trong giai đoạn phát triển mới
Sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam vào ngày 6/5/1951 là một bước ngoặt lịch sử, là kết quả nối tiếp của quá trình đấu tranh, xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, thay đổi về bản chất trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng ở nước ta.
Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, các hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã góp phần rất quan trọng củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của đất nước, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, để huy động toàn bộ sức người, sức của cho kháng chiến, thời gian này đã có những “ngân hàng không khóa” và những “kho tiền nằm trong Nhân dân”. Có lẽ chỉ Việt Nam mới có được những ngân hàng và kho tiền độc đáo và rất an toàn như thế, thể hiện ý chí và tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn của Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tập trung vào việc góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Ngày 21/01/1960, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Năm 1968 đã có 452 cán bộ ngân hàng lên đường chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ (B68) khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong giai đoạn 1968 - 1975, đã có 68 cán bộ ngân hàng sang giúp đỡ nước bạn Lào anh em. Các cán bộ ngân hàng kiên trung đã không quản ngại gian khổ và cả mất mát, hy sinh, vừa tham gia đánh địch trên mặt trận kinh tế, tài chính tiền tệ; vừa trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các lực lượng vũ trang đấu tranh, giải phóng đất nước. Thời kỳ ấy, cùng những chiến sĩ ngân hàng kể cả ngoài Bắc và trong Nam hoạt động bí mật và bằng mưu trí dũng cảm, sáng tạo đã tạo nên “Con đường tiền tệ” huyền thoại và lập nhiều chiến công, kỳ tích, tuy thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng, chi viện nguồn lực tài chính cho chiến trường miền Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.
Sau khi đất nước thống nhất, trong giai đoạn khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1975-1985), NHNN Việt Nam đã thực hiện thanh lý hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, thành lập bộ máy hoạt động thống nhất trên toàn quốc; thu hồi tiền cũ ở cả hai miền Nam - Bắc và phát hành tiền mới nhằm thống nhất tiền tệ trong cả nước. Trong giai đoạn này, hệ thống ngân hàng đã tập trung huy động vốn, cung ứng tín dụng, tiền mặt và phương tiện thanh toán để nhanh chóng khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục nền kinh tế. Trong hoạt động tiền tệ và chu chuyển dòng vốn lúc này cũng đã cho thấy rất cần vốn cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Cũng trong giai đoạn này, mặc dù gặp vô vàn khó khăn, gian khổ, thiếu cán bộ ngân hàng chi viện cho các tỉnh phía Nam, nhưng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, hơn 500 cán bộ ngân hàng đã lên đường sang giúp nước bạn Campuchia (1979-1989) để khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh.
Bước sang thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để kinh tế đất nước từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 của Đảng đến nay, ngành Ngân hàng đã từng bước đổi mới và hoàn thiện về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động cũng như công tác quản lý và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng. Từ năm1986 đến năm 1990, NHNN đã thí điểm từng bước và tháng 3/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 53-HĐBT thực hiện tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng, chuyển hoạt động ngân hàng sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa và hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp.
Tháng 5/1990, hai pháp lệnh Ngân hàng là Pháp lệnh NHNN Việt Nam, Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ra đời đã xác định rõ hành lang pháp lý cho hoạt động của NHNN và các loại hình ngân hàng chuyên doanh và sau này là các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng. Từ đó đến nay, ngành Ngân hàng đã khởi xướng, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn phát triển của đất nước, nhờ đó đã góp phần quan trọng đẩy lùi và kiềm chế lạm phát, từng bước ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, huy động và cung ứng chủ yếu nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển nền kinh tế; phát triển dịch vụ thanh toán, ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, ngành Ngân hàng mở rộng hợp tác song và đa phương trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.Chặng đường hơn 70 năm qua, ngành Ngân hàng luôn đồng hành và đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất, đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới và chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới tạo nền móng và là động lực, cơ hội cho sự phát triển đi lên của đất nước, trong đó có ngành Ngân hàng. Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó trong giai đoạn phát triển mới, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành, khơi dậy khát vọng, ý chí phấn đấu để tạo ra các bước phát triển đột phá mới gắn với thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển của đất nước đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra. Chương trình hành động số 01-CTr/BCSĐ ngày 30/6/2021 của Ban cán sự Đảng NHNN thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ mục tiêu quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra cho ngành Ngân hàng về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, 06 nhiệm vụ trọng tâm và 03 nội dung đột phá chiến lược của nhiệm kỳ Đại hội XIII gắn với thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, chú trọng chỉ đạo triển khai, thực hiện những nội dung, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng về hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa NHNN nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, phù hợp với cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần ổn định kinhtế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an toàn, lành mạnh hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được giao cho NHNN; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong bối cảnh đất nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi và diễn biến nhanh chóng, phức tạp với nhiều thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, tác động sâu rộng tới toàn bộnền kinh tế và đời sống của Nhân dân,để tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ ngành Ngân hàng trong suốt hơn 70 năm qua, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng hôm nay nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động số 01-CTr/BCSĐ ngày 30/6/2021 của Ban cán sự Đảng NHNN, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, từ đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, nỗ lực phấn đấu nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ, vượt qua những khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và của ngành Ngân hàng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Ngành và của đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật- 2021.
2. Tạp chí Ngân hàng, số chuyên đề đặc biệt “Tự hào Ngân hàng Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển” năm 2021.
3. Chương trình hành động số 01-CTr/BCSĐ ngày 30/6/2021 của Ban cán sự Đảng NHNN thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
4. Một số website: tuyengiao.vn; xaydungdang.org.vn; thoibaonganhang.vn.
Việt Bảo