Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ 2021 - 2025 (Nghị định số 28) đã giúp cho người dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, cất nên những “căn nhà mơ ước”, trong đó có người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến.
Từ chính sách đến cuộc sống
Theo chân cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, đến với hộ gia đình ông Nịnh Văn Thủy (dân tộc Cao Lan, cư trú tại xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), chúng tôi đã thấy niềm vui của người dân dân tộc thiểu số và miền núi khi được ở trong “căn nhà mơ ước” của mình. Với niềm vui còn đọng lại trên gương mặt, ông Thủy chia sẻ, đến gần hết đời người, gia đình ông mới được ở trong ngôi nhà kiên cố; gia đình ông đã được vay 40 triệu đồng để làm nhà ở theo Nghị định số 28 với lãi suất 3%/năm trong 15 năm và 05 năm đầu gia đình chưa phải trả nợ gốc. Gia đình ông xin cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi để có ngôi nhà khang trang, yên tâm lao động sản xuất.
NHCSXH huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang xét duyệt hồ sơ cho vay đối với đồng bào tại điểm giao dịch xã Phúc Yên
Niềm vui của ông Thủy cũng là niềm vui của bà Triệu Thị Mai (dân tộc Tày, xã Minh Khương, huyện Hàm Yên), của bà La Thị Lứu (dân tộc Tày, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình) và hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có được ngôi nhà mơ ước nhờ Nghị định số 28. Theo NHCSXH tỉnh Tuyên Quang, ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 28, NHCSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh nhằm tổ chức thực hiện nhanh, có hiệu quả trên địa bàn. Theo đó, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã chủ động làm công tác truyền thông chính sách đến người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tham gia rà soát chi tiết đối tượng thụ hưởng, tham mưu NHCSXH, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp giao nguồn vốn kịp thời, chỉ đạo NHCSXH cấp huyện hướng dẫn, thẩm định, giải ngân tiền vay ngay sau khi có đề nghị từ người dân và phân bổ chỉ tiêu nguồn vốn từ cơ quan có thẩm quyền.
Sau hơn 01 năm triển khai Nghị định số 28, đến ngày 30/11/2023, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang chủ động tham mưu UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Văn bản số 1481/UBND-TH ngày 04/5/2022 về triển khai Nghị định số 28, Văn bản số 3346/UBND-KT ngày 21/8/2022 về việc thực hiện Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 01/7/20022 về giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025; chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi cho trên 10 lớp tại các cụm xã trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền cho các bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại diện ban công tác mặt trận, tổ chức đoàn thể thôn, bản; người dân tộc thiểu số tại huyện Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa... Về kết quả cho vay, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận, thẩm định, giải ngân nguồn vốn hỗ trợ làm nhà ở theo Nghị định số 28 là 1.115 hộ gia đình với số tiền 44.535 triệu đồng; 100% hộ gia đình có đề nghị vay vốn đều được NHCSXH tỉnh Tuyên Quang giải ngân tiền vay kịp thời, đầy đủ.
Bên cạnh việc triển khai Nghị định số 28, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đang triển khai đồng thời 23 chương trình tín dụng chính sách xã hội nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng chính sách của người dân trên địa bàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 4.987 hộ gia đình nghèo, 4.558 người lao động vay vốn tạo việc làm, 4.251 hộ gia đình vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 1.843 hộ gia đình cận nghèo, 1.719 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, 778 hộ gia đình mới thoát nghèo, 743 hộ gia đình thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,… vay vốn tín dụng ưu đãi phục vụ các nhu cầu đời sống với số tiền giải ngân mới lên đến 1.031 tỉ đồng; đến ngày 30/11/2023, tổng dư nợ của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt 4.147 tỉ đồng, hoàn thành 99,9% kế hoạch năm được NHCSXH giao.
Xây tiếp những “căn nhà mơ ước”
Xác định rõ “an cư mới lập nghiệp”, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả chính sách tín dụng về nhà ở theo Nghị định số 28 nói riêng và các chính sách tín dụng chính sách xã hội nói chung. NHCSXH tỉnh đã đề ra mục tiêu “100% người nghèo, người dân tộc thiểu số và miền núi cùng các đối tượng chính sách khác thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, có nhu cầu vay vốn, đáp ứng được các điều kiện vay vốn sẽ được tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội kịp thời, đầy đủ” và đã đề ra các biện pháp trọng tâm sau nhằm đạt được mục tiêu nên trên:
Một là, với phương châm “tuyên truyền phải đi trước một bước”, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua các biện pháp, hình thức phù hợp, thiết thực truyền thông đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi đối với người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là người dân cư trú ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… để người dân nắm bắt đầy đủ, cụ thể, chính xác các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Hai là, chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên rà soát kịp thời, đầy đủ các đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của Đảng, Nhà nước theo từng thời kì; thường xuyên rà soát bổ sung, rà soát lại để bổ sung mới vào danh sách và đưa ra khỏi danh sách các đối tượng thụ hưởng theo quy định.
Ba là, trên cơ sở danh sách đối tượng thụ hưởng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, kết quả rà soát, xác định nhu cầu vay vốn của từng người dân, từng địa bàn thôn, địa bàn xã, địa bàn huyện; kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất NHCSXH, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp bố trí, phân bổ ngay nguồn vốn; chỉ đạo NHCSXH cấp huyện giải ngân ngay khi người dân cung cấp đủ hồ sơ vay vốn và được cấp có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn cho vay bảo đảm kịp thời, hiệu quả, người dân có nguồn vốn để phục vụ các nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với việc huy động nguồn vốn từ NHCSXH, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số và miền núi…; ban hành thêm các chính sách tín dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là chính sách đối với nhóm người dân không được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của Chính phủ nhưng còn khó khăn, khó đáp ứng các điều kiện vay vốn, khó chi trả lãi vay từ các ngân hàng thương mại.
Bốn là, thường xuyên thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn sau giải ngân, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, kịp thời phát hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống./.
Tú Minh