Nhà đầu tư không nên chủ quan với những dự báo về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ năm 2024 mà cần ưu tiên quản trị rủi ro, theo ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Dragon Capital.
Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Đầu Tư Dragon Capital Việt Nam.
Chia sẻ về kinh nghiệm "buồn" do chủ quan, tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023), ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Dragon Capital cho biết, cuối năm 2022, cũng giống như những nhà đầu tư tổ chức, cá nhân khác, Dragon Capital bị sụt giảm tới 30% vốn đầu tư.
Nguyên nhân là Công ty đã chủ quan khi dự báo không chính xác những biến động trong lạm phát, tỷ giá, lãi suất, không có sự đánh giá và chuẩn bị cho những diễn biến trong nước, đặc biệt trước tác động của chiến sự Nga – Ukraine.
“Đối với các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán năm 2022, đây là năm khá buồn. Đặc biệt ở giai đoạn cuối năm ngoái, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất khó khăn”, ông Dominic Scriven cho biết.
Bước sang năm 2023, trong 6 tháng đầu năm, chính sách tiền tệ của các quốc gia có phần cởi mở hơn. Như tại Mỹ, dù lãi suất tăng, nhưng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) luôn đưa thông điệp tăng dần qua mỗi tháng. Các thị trường tài chính trên thế giới trong các tháng gần đây phản ánh khá tích cực. Hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới đã tăng 15 - 28% trong năm nay, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, tỷ giá ổn định. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tài chính Việt Nam. Nhờ đó, đến giờ, nhà đầu tư đã khắc phục được một phần khoản lỗ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Dragon Capital, việc nhận định về khả năng phục hồi lớn trong năm sau, như phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như của một số công ty chứng khoán phân tích tình hình kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ phục hồi trong cuối năm và bật tăng mạnh mẽ từ năm 2024 là có phần “chủ quan”. Nhất là khi nhiều đầu tàu chính trên nền kinh tế thế giới đều có vấn đề như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản… Vì vậy, thay vì “chủ quan”, nhà đầu tư luôn phải ưu tiên đặt quản trị rủi ro lên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh, đầu tư của mình.
Thực tế, ngay cả các tổ chức lớn trên thế giới như WB, IMF hay Fitch Ratings đều đang có những dự báo đối lập nhau về sự phục hồi kinh tế trong năm 2024. “Điều này cho thấy, chúng ta đang lúng túng khi cố gắng phân tích các “vòng xoáy” tác động lên các biến số vĩ mô”, ông Dominic nhận định.
Trong bối cảnh còn nhiều "lúng túng" trong việc nhận định vòng xoáy, theo ông Dominic Scriven, quản trị rủi ro là yếu tố quan trọng nhất. Vì khi đầu tư, nhà đầu tư chỉ nhìn vào lợi nhuận, nhưng đấy là lợi nhuận kỳ vọng. Chỉ khi có quản trị rủi ro tốt, nhà đầu tư mới có lợi nhuận đích thực trong danh mục đầu tư của mình.
Tiếp đến là sự đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với vai trò của một cố vấn tài chính, ông Dominic cho biết, cần phải đánh giá được rủi ro để thiết lập một danh mục đầu tư gồm nhiều kênh khác nhau như: tiền gửi, vàng, trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản...
Và cuối cùng là nhà đầu tư phải đánh giá được khẩu vị rủi ro của mình. Sẽ không có một lời khuyên nào đúng cho tất cả mọi người, vì mỗi người có một khẩu vị rủi ro khác nhau. Do đó, nhà đầu tư xác định được khẩu vị rủi ro của mình hoặc nhờ một cố vấn tài chính, để từ đó xây dựng danh mục đầu tư phù hợp.
“Cần quản trị rủi ro tốt, nắm bắt được khẩu vị rủi ro của mình để tránh trường hợp như ông Warrent Buffet nói khi thủy triều xuống mới biết ai bơi mà không mặc quần bơi”, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ.
Theo Minh Lâm/https://tapchitaichinh.vn