Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp do sự xuất hiện của các biến thể của virus SARS-CoV-2, gây ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Tình hình sản xuất, thu mua lúa vụ Hè Thu 2021 khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và xuất khẩu gạo của Việt Nam
Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp do sự xuất hiện của các biến thể của virus SARS-CoV-2, gây ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trước diễn biến phức tạp, sự lây lan nhanh của dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam, ngày 17/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương. Theo đó, Thủ tướng đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 (Chỉ thị 16) đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Kể từ ngày 19/7/2021, việc 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ chuỗi cung ứng, vận chuyển các mặt hàng nông sản của khu vực ĐBSCL; trong đó, có chuỗi cung ứng, thu mua lúa gạo, đặc biệt là chuỗi thu mua lúa Hè Thu khi vào vụ thu hoạch rộ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được 820.000 ha lúa Hè Thu với năng suất đạt 56,7 tạ/ha, sản lượng 4,645 triệu tấn. Ước tính cả vụ Hè Thu sản xuất khoảng 1,51 triệu ha, sản lượng đạt khoảng 8,6 triệu tấn. Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới 20/8/2021, các tỉnh ĐBSCL hiện còn 690.000 ha lúa Hè Thu, thu hoạch từ nay đến giữa tháng 9/2021. Công tác thu hoạch lúa, nhất là đối với lúa Hè Thu không thể nào để chậm trễ được vì đang mùa mưa, hạt lúa sẽ nảy mầm trên bông, hư hỏng.
Tuy nhiên, theo Tập đoàn Lộc Trời - một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến chuỗi logistics, nên việc bán hàng chậm hơn kế hoạch đề ra. Là một trong những doanh nghiệp vừa sản xuất vừa kinh doanh gạo đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hiện Tập đoàn Lộc Trời đang gặp khó khi các nhà máy phải giảm nhân lực, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất để đảm bảo thực hiện “3 tại chỗ” dẫn đến việc giảm năng suất của các nhà máy. Bên cạnh đó, các phương tiện vận chuyển hàng hóa cũng có những khó khăn nhất định trong lưu thông ảnh hưởng đến tiến độ đưa hàng hóa ra cảng. Cụ thể, một số cảng biển dừng hoạt động dẫn đến quá tải cho các cảng còn lại, đặc biệt là việc hàng hóa bị ứ đọng tại cảng Cát Lái; các container không đóng được hàng, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí (do bị hãng tàu phạt, bị khiếu nại từ người mua…). Thêm vào đó, các biện pháp kiểm soát dịch tễ của các địa phương, các dịch vụ như giám định, khử khuẩn... tại nhà máy cũng như tại cảng được tiến hành chậm, cũng ảnh hưởng đến tiến độ đóng hàng của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo uy tín thương hiệu, Lộc Trời buộc phải đàm phán với khách hàng để điều chỉnh thời gian giao hàng và hoãn ký kết các hợp đồng mới. Với những nguyên nhân trên, việc thu mua lúa vụ Hè Thu tại khu vực ĐBSCL của các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo có phần chậm lại. Khó khăn về thị trường tiêu thụ cũng làm cho giá thu mua lúa giảm mạnh và gây bất lợi cho nông dân.
Lũy kế hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất khẩu được gần 3,5 triệu tấn gạo, trị giá 1,88 tỷ USD
(Ảnh minh họa)
Về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam, năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,1 triệu tấn, doanh thu đạt 3,07 tỷ USD; lũy kế hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất khẩu được gần 3,5 triệu tấn gạo, trị giá 1,88 tỷ USD. Giá bình quân 540,68 USD/tấn. Xuất khẩu sụt giảm cả về số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,0 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỷ USD. Bộ Công Thương nhận định, hiện nay, hầu như các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Bên cạnh đó, biên độ chênh lệch giá thời điểm chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn khiến các thương nhân và cả khách hàng đều gặp rủi ro lớn. Bộ Công Thương cho rằng, nếu tình trạng này tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch ngành và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia và các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.
Những chính sách hỗ trợ tín dụng đối với ngành lúa gạo hiện nay
Nhận thức được tầm quan trọng của ngành Nông nghiệp và lĩnh vực lúa gạo tại ĐBSCL, ngành Ngân hàng luôn xác định đây là một trong các lĩnh vực trọng tâm để giải quyết đồng thời với mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Hiện nay, một số chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã và đang thực hiện như sau:
- Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.
- Các chương trình tín dụng đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ; Cho vay để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 18/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ (chính sách kết thúc giải ngân ngày 31/12/2020, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định để tiếp tục triển khai chính sách này).
- Về chính sách lãi suất: NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bao gồm ngành lúa gạo) thấp hơn so với lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng (hiện nay là 4,5%/năm).
- Về chính sách cho vay ngoại tệ: Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng trong việc giảm chi phí vay vốn, NHNN đã ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 08/12/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú theo hướng: (1) Tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; (2) Bỏ quy định về giới hạn thời gian cho vay đối với nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
- Ngành Ngân hàng đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đặc biệt tháng 02/2019, NHNN đã tổ chức Hội nghị của ngành Ngân hàng cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Cần Thơ nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất, kinh doanh lúa gạo do giá giảm mạnh trong vụ Đông Xuân 2019. Sau Hội nghị, NHNN đã ban hành Công văn số 1289/NHNN-TD ngày 04/3/2019 chỉ đạo các TCTD: (i) Ưu tiên tập trung bố trí đủ vốn cho vay trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp để có thêm nguồn vốn kịp thời thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2019; (ii) Thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; (iii) Trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa, gạo.
- Ngoài ra, các TCTD đã kịp thời thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền và khả năng tài chính để hỗ trợ cho một số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tăng hạn mức tín dụng, tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khả năng tài chính và tín nhiệm của khách hàng.
- Ngày 15/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Triển khai Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ, NHNN đã ban hành Công văn số 7378/NHNN-TD ngày 01/10/2018 chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để cho vay kịp thời các nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa; đồng thời, áp dụng biện pháp cụ thể theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHNN để điều tiết thị trường trong trường hợp giá thóc, gạo hàng hóa giảm quá thấp bất hợp lý.
Các chính sách tín dụng mà Chính phủ, NHNN ban hành trong thời gian qua cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo. Về kết quả đầu tư tín dụng đối với ngành lúa gạo tại ĐBSCL, theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo tại ĐBSCL đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45%, chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Từ đầu năm 2021 tới nay, các TCTD tại ĐBSCL đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo, đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp.
Ngành Ngân hàng vào cuộc góp phần tháo gỡ nút thắt vận hành chuỗi thu mua lúa gạo
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc và làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, để đảm bảo vận hành tốt chuỗi thu mua lúa gạo vụ Hè Thu tại khu vực ĐBSCL cần một nguồn vốn rất lớn, đặc biệt là thu mua trong cùng thời điểm thu hoạch rộ, tránh thất thoát do thu hoạch trễ, ảnh hưởng của thời tiết. Do đó, NHNN đã ban hành Công văn số 5747/NHNN-TD ngày 10/8/2021 yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để doanh nghiệp có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại khu vực ĐBSCL. Các ngân hàng cũng phải đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng… Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo của các NHTM trên địa bàn và kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Thống đốc NHNN các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Đối với các TCTD, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, 16 NHTM có quy mô lớn thống nhất đồng thuận cam kết giảm thêm khoảng 20.300 tỷ đồng lãi suất cho vay. Gần đây nhất, thực hiện vai trò chủ đạo, 4 NHTM gồm VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank mỗi ngân hàng đã cam kết và sẵn sàng dành thêm 1.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, cũng như các tỉnh, thành phải thực hiện Chỉ thị 16. Hiện tại, Vietcombank, BIDV là những ngân hàng tiên phong cho đợt giảm lãi suất cho vay tiếp theo cho các khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tại các tỉnh, thành phía Nam. NHNN yêu cầu, việc triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ cần đảm bảo thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể. Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện giảm lãi suất, phí, NHNN sẽ xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022. NHNN cho biết, sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hằng tháng; đồng thời, sẽ tăng cường công tác giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống NHTM và từng chi nhánh NHTM tại các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, để có thêm nguồn lực cho các NHTM thực hiện các chương trình hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh Covid-19, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua lúa gạo, NHNN đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021), để đảm bảo phù hợp với diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu kể từ ngày 27/4/2021 với phạm vi ảnh hưởng rộng hơn và có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các đợt dịch trước. Trên cơ sở Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, để đảm bảo tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh; đồng thời, giúp các TCTD, chi nhánh ngân hàng chủ động trong kế hoạch hỗ trợ khách hàng, theo đó, quan điểm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN nhằm tiếp tục tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch Covid-19, xem xét cho khách hàng vay vốn mới để phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc và làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, ngày 26/8/2021, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo khu vực ĐBSCL”. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện một số vụ, cục chức năng của NHNN, đại diện các NHTM và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Tại Hội nghị này, sau khi lắng nghe các đại biểu trình bày về những khó khăn của ngành lúa gạo tại khu vực ĐBSCL là do nhiều tỉnh đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo gặp khó khăn trong việc thu hoạch, sản xuất - chế biến và xuất khẩu, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã nêu định hướng tín dụng đối với ngành lúa gạo thời gian tới với các giải pháp sau: (i) Tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; (ii) Mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa; tổ chức triển khai chỉ đạo của NHNN tại Công văn số 5747/NHNN-TD ngày 10/8/2021, đảm bảo hiệu quả, thiết thực; (iii) Thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay; thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm như kế hoạch đã đăng ký với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo chỉ đạo của NHNN tại Công văn số 5901, 5902/NHNN-TD ngày 16/8/2021; (iv) Linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền; (v) Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; (vi) Chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, thương nhân lúa gạo và thỏa thuận các nội dung liên quan theo nguyên tắc tín dụng thương mại, phù hợp quy định pháp luật về cấp tín dụng; (vii) Phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện để người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các chính sách, sản phẩm tín dụng ngân hàng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Trên đây là những chính sách và quyết định đưa ra rất kịp thời, qua đó thể hiện sự chủ động bám sát các diễn biến vĩ mô trong công tác điều hành của NHNN.
Một số đề xuất
Một là, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục vào cuộc đồng bộ, tạo sự đồng thuận cao đảm bảo vận hành chuỗi thu mua lúa gạo, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, trong đó có khu vực ĐBSCL. Các địa phương trong vùng đặc biệt xem xét ưu tiên phân “luồng xanh”, xét nghiệm nhanh tại chốt cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy sấy, vận chuyển gạo từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu/khu vực tiêu thụ nội địa đang có nhu cầu nhiều. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa như: mở rộng liên kết tiêu thụ, kết nối liên tỉnh hỗ trợ vận chuyển hàng hóa để hoạt động tiêu thụ lúa cho người dân được diễn ra thông suốt.
Hai là, cần tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 như đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng công nghệ số, tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee… để không còn những hình ảnh nông sản phải giải cứu, làm méo mó thị trường, gây tổn thương nông dân.
Ba là, ngành Nông nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng. Do đó, cần tập trung tái cơ cấu Ngành, nâng cao thu nhập người dân trên cơ sở triển khai mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, bảo quản sau thu hoạch, tăng chế biến, gắn yếu tố văn hóa... Bên cạnh đó, cần gắn kết tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo việc làm, sinh kế cho người dân, để nông thôn là "nơi đáng sống", giúp giảm nghèo bền vững.
Bốn là, Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho các NHTM có cơ chế tăng nguồn vốn phù hợp để họ có thêm nguồn lực hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, người dân đang bị khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Thời gian qua, với quan điểm chỉ đạo của NHNN là mặc dù các NHTM cũng hoạt động kinh doanh như một doanh nghiệp, nhưng trước những khó khăn tăng lên của nền kinh tế, các ngân hàng cần tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trở nên nghiêm trọng, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, người dân là căn cơ và thiết thực. Để có điều kiện chia sẻ trách nhiệm, đồng hành, giảm sâu hơn lãi suất cho doanh nghiệp, các NHTM phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí hoạt động và chia sẻ nguồn lợi nhuận. Thời gian tới, do tác động tiêu cực của dịch bệnh, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ rất khó khăn, nên nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên và đương nhiên sẽ khiến ngân hàng đối mặt với nhiều thách thức. Vì thế, để có thêm nguồn lực chia sẻ trách nhiệm với xã hội, nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, cho cả hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia, Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập, đồng thời, sớm có cơ chế cho phép các NHTM được bổ sung nguồn vốn. Bên cạnh đó, NHNN nên sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, tạo hành lang pháp lý an toàn, giúp giảm bớt rủi ro trong quá trình hoạt động của các TCTD trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Tài liệu tham khảo: Một số website: tapchicongsan.org.vn; baochinhphu.vn; sbv.gov.vn; tuoitre.vn và các tài liệu tham khảo khác.
XM