Cho đến thời điểm hiện nay mặc dù chưa có những thống kê chính xác nhưng biểu hiện dễ thấy nhất mà các nền tảng công nghệ ngân hàng số mang lại cho các nhà băng là tỷ lệ lãi thuần từ dịch vụ đã có sự tăng mạnh...
Đua làm công nghệ cho khách hàng
Cuối tháng 7 vừa qua, MB chính thức công bố nền tảng số MB App Business & eMB new dành cho cộng đồng DNNVV. Điểm mới của ứng dụng này là MB cho phép các DN thực hiện các dịch vụ nâng cao thông qua internet. Theo đó, với tính năng eMB advance +, DN có thể gửi các đề nghị, hồ sơ giao dịch tín dụng thư và nhờ ngân hàng thu hộ hóa đơn bán hàng. Thông qua ứng dụng, các DN có thể kết nối các đối tác vệ tinh trong chuỗi cung cấp, phân phối sản phẩm; thực hiện các lệnh chuyển tiền quốc tế, phát hành bảo lãnh online và nộp thuế điện tử.
Đại diện MB cho biết, ưu điểm lớn nhất của MB App Business & eMB new là ngân hàng tạo ra môi trường giao dịch đa kênh liền mạch. DN chỉ cần đăng ký sử dụng ngân hàng điện tử của đơn vị là có thể thực hiện ngay được các giao dịch mà từ trước đến nay bắt buộc phải thực hiện tại quầy như chuyển tiền quốc tế, mua bán ngoại tệ…
Điều này cũng đồng nghĩa rằng với phiên bản cải tiến, ngân hàng điện tử của MB đã thêm vào những chức năng tương tác rất hữu ích cho DN khách hàng. Khi DN cài ứng dụng (App) của ngân hàng vào hệ thống máy tính của công ty thì có thể trực tiếp tích hợp vào hệ thống quản trị DN (như nhân sự, kế toán, thuế, trả lương…). Đồng thời có thể sử dụng App để quản lý dòng tiền, quản lý chuỗi cung ứng, giới thiệu và bán chéo sản phẩm dịch vụ với các đối tác.
Quan sát thị trường cho thấy, không chỉ có MB tập trung vào đổi mới công nghệ ngân hàng điện tử, thời gian qua hàng loạt các NHTM như: BIDV, OCB, VIB, TPBank, VPBank… cũng đã lần lượt “trình làng” các ứng dụng cho phép DN tải về để sử dụng như một phần của hệ thống quản trị tài chính theo đặc thù của từng đơn vị.
Chẳng hạn, với ngân hàng số OCB Omni của OCB, DN có thể tải về máy tính bảng và thiết bị điện thoại. Từ ứng dụng này, mỗi DN có thể tự tạo và hiệu chỉnh các chức năng giao diện phù hợp với thói quen và đặc thù hoạt động của mình. Thông qua ứng dụng, DN có thể đưa ra các giao dịch với OCB liên quan đến tiền gửi, tiền vay, thẻ, thanh toán và quản lý dòng tiền. Hệ thống vận hành ứng dụng cũng cho phép DN thực hiện các hoạt động như mở tài khoản, mở thẻ online, vay online qua Robo-lending, mua bảo hiểm, đầu tư online… mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở ngân hàng để giao dịch.
Hay như với sản phẩm BIDV iBank (vận hành tháng 11/2018), ngân hàng cho phép DN kết nối trực tiếp với hệ thống kế toán nội bộ của công ty để thực hiện các giao dịch như chuyển tiền, thanh toán lương, điều chuyển vốn nội bộ và kiểm soát dòng tiền thu chi. Còn tại VIB, với ứng dụng Virtual Account, ngân hàng đã “đào” sâu hỗ trợ các DN lớn trong việc hạch toán tự động đối với các đại lý, cửa hàng trong hệ thống. Tài khoản định danh của Virtual Account kết hợp toàn diện các thông tin về các khoản thu và mã hóa các thông tin này trong một báo cáo duy nhất để DN tiện theo dõi. DN có thể liên kết với hệ thống phần mềm quản trị tài chính của mình để đối soát tài khoản kế toán, quản lý các khoản phải thu, tự động hạch toán và đối soát các khoản tiền.
Số hóa giai đoạn 2 và hơn thế nữa
Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, việc ngày càng nhiều NHTM đầu tư mạnh các nền tảng ngân hàng điện tử tích hợp là một xu hướng tất yếu. Bởi đến hiện nay, khái niệm “ngân hàng số” ở Việt Nam vẫn mới chỉ bắt đầu bước đến giai đoạn 2 của quá trình hoàn thiện hệ thống ngân hàng điện tử hiện đại. Ở giai đoạn thứ nhất, các NHTM đã tiến hành số hóa các quy trình nội bộ và các hoạt động, dịch vụ ngân hàng hiện hữu. Trong giai đoạn 2, các nhà băng bắt đầu phát triển mạnh các mô hình kinh doanh mới, mở rộng nhiều kênh tiếp cận và tương tác với khách hàng.
Quan sát cho thấy, hiện nay ngoài các nền tảng ngân hàng số của MB, OCB, BIDV… như ở trên, các NHTM khác cũng đã vào cuộc mạnh mẽ. Chẳng hạn TPBank đã mở ra dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank, Vietcombank đã hoàn thiện không gian số Digital Lab; VietinBank đã xây dựng Corebank thế hệ mới hiệu suất cao; trong khi VPBank cũng đã triển khai các ứng dụng TIMO và YOLO thu hút khá nhiều khách hàng sử dụng.
Xét từ góc độ hiệu quả của các chiến lược đầu tư ngân hàng số, cho đến thời điểm hiện nay mặc dù chưa có những thống kê chính xác nhưng biểu hiện dễ thấy nhất mà các nền tảng công nghệ ngân hàng số mang lại cho các nhà băng là tỷ lệ lãi thuần từ dịch vụ đã có sự tăng mạnh. Kết thúc nửa đầu năm 2019, các ngân hàng sớm triển khai các ứng dụng số hóa tích hợp như: VietinBank, MB, VIB, TPBank… đều đã tăng trưởng lãi thuần từ dịch vụ ở mức rất cao (từ 63 – 142%). Điều này lý giải vì sao cuộc đua sáng tạo các nền tảng công nghệ ngân hàng số vẫn ngày càng hấp dẫn và được nhiều nhà băng mạnh tay bỏ tiền tỷ tạo dựng.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, trong tương lai một vài năm tới, khi hệ thống NHTM hoàn thiện dần giai đoạn 2 trong chiến lược mở rộng các kênh giao tiếp, tiếp cận khách hàng trên không gian số, các nhà băng sẽ tích hợp được các sản phẩm dịch vụ trong hệ sinh thái, cho phép khách hàng thực hiện nhiều loại giao dịch trên cùng một ứng dụng. Khi đó các mô hình ngân hàng không giấy tờ, không chữ ký thậm chí không chi nhánh sẽ xuất hiện và ngày càng phổ biến.
Khi đó các NHTM sẽ chuyển sang giai đoạn ba của chiến lược số hóa là đầu tư sâu hơn cho các nền tảng dữ liệu, bao gồm xây dựng kho dữ liệu lớn, phân tích hành vi khách hàng, xây dựng sản phẩm và ra quyết định… Đến thời điểm đó, “dữ liệu” dự kiến sẽ là “từ khóa” và là tâm điểm cạnh tranh của các TCTD.
Thạch Bình
Nguồn: thoibaonganhang.vn