Thời gian qua, mô hình điểm giao dịch lưu động (ngân hàng lưu động) bằng xe ô tô chuyên dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tại tỉnh Quảng Nam đã giúp người dân các bản làng vùng núi cao dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
“Mở đường” cho người dân vùng núi cao thoát nghèo
Theo chân cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) chúng tôi tìm lên xã Ba để cảm và thấm sự vất vả của cán bộ tín dụng vùng cao, dù xã Ba hiện nay đường xá giao thông được cải thiện đáng kể đã mang đến diện mạo mỗi ngày một đổi thay nơi vùng cao; cái đói, cái nghèo vì thế cũng đang dần thoát khỏi cuộc sống của đồng bào người Cơ Tu.
Từ năm 2018 đến nay, Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng tại xã Ba, huyện Đông Giang. Khi thực hiện mô hình điểm giao dịch lưu động thì mọi giao dịch đều diễn ra trên xe, ngay tại bản làng nên bà con rất phấn khởi.
Xã Ba nằm cách trung tâm huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam gần 50 km. Những năm trước, tại đây thành lập 01 phòng giao dịch với 05 cán bộ, nhân viên phụ trách 04 xã gồm: Ba, Tư, Sông Kôn và Zơ Ngây.
Nhưng do địa bàn đi lại khó khăn nên cán bộ tín dụng không thể đến hết các điểm bản mà chủ yếu giao dịch tại 01 điểm cố định.
Ngân hàng lưu động của Agribank đã giúp cho người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam
có điều kiện tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng
Hiện nay, có xe ô tô lưu động trang bị đầy đủ máy móc hỗ trợ việc cho vay vốn, thu nợ của người dân, xe chở tiền đi đến đâu, bà con được vay đến đó. Mỗi tháng, xe lưu động thực hiện 08 phiên giao dịch tại các thôn, bản, trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ba, cho vay khoảng 50 hộ dân, số tiền giải ngân tại chỗ gần 3 tỉ đồng.
Những nơi xe không thể đến được thì đã có tổ vay vốn mời khách hàng về 01 điểm vay vốn, giao dịch ngay tại xe lưu động này.
Chị A Lăng Thị Lanh (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: Trước đây, mỗi khi đến kì trả nợ gốc, lãi, chị phải đi hàng chục cây số đến trụ sở của ngân hàng để giao dịch. Nay có xe lưu động đến tận thôn, bản, giúp bà con tiếp cận nguồn vốn nhanh, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại. Mô hình ngân hàng lưu động đã tiếp thêm sức mạnh, "mở đường" cho người dân miền núi cao phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
“Nhờ vay vốn thuận tiện, tôi đã đầu tư trồng rừng gỗ lớn, mở rộng trang trại nuôi lợn đen. Từ hộ khó khăn, hiện nay gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững, từng bước cải thiện được cuộc sống…” - chị Lanh vui
mừng nói.
Đưa vốn về cơ sở nhanh, kịp thời
Chị Nguyễn Mạnh Kiều Trinh - Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Tống Coói, xã Ba, cho biết: Những năm trước, cán bộ phải vào tận thôn, bản để giúp bà con vay vốn, từ khi có xe lưu động chuyên dụng của Agribank, người dân rất phấn khởi vì không phải đi xa để chờ đợi vay vốn; cán bộ không phải đến tận nơi các thôn, bản xa xôi để hướng dẫn người dân vay vốn.
Việc triển khai điểm giao dịch bằng xe chuyên dụng mở rộng được mạng lưới tín dụng đến các thôn, ngăn ngừa được nạn tín dụng đen, qua đó giúp người dân tiếp cận được hầu hết nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho gia đình.
“Từ ngày có chuyến xe lưu động, tôi đỡ phải vất vả, ở trong núi mà có xe lưu động vào đến nơi là tôi thấy mừng rồi. Không phải đi từ trong bản ra đến điểm giao dịch. Tổ trưởng như tôi cũng đỡ, tiết kiệm được thời gian…” - chị Trinh cho hay.
Được biết, trước đây, bà con dân tộc Cơ Tu ở huyện Đông Giang chủ yếu dựa vào nương rẫy, cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Thời gian qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Agribank, người dân đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, đời sống của bà con ngày càng khấm khá, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Đình Thương - Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Đông Giang cho biết: Mô hình điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng trước mắt là giảm được số lượng cán bộ, nhân viên. Đồng thời, người dân cũng tiết kiệm được chi phí đi lại và chủ động thời gian giao dịch với ngân hàng.
“Giao dịch lưu động bằng xe chuyên dụng hiệu quả rất đáng kể, tạo điều kiện cho người dân phát triển các mô hình kinh tế mới, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện Đông Giang” - ông Thương đánh giá.
Mạnh Tùng (Hà Nội)