Quán triệt sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), năm 2022, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Giang nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một điểm giao dịch của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang
(Nguồn ảnh: Báo Hà Giang)
Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong năm 2022, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hộ trên địa bàn, bố trí nguồn lực cho hoạt động chính sách xã hội; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách, phối hợp với Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện/thành phố, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào nội dung chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của đơn vị; lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách, nhằm giúp các hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Các phòng giao dịch NHCSXH huyện/thành phố đã tích cực huy động các nguồn lực tài chính để có nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện chương trình cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ và văn bản số 4279/NHCS-HD của Tổng Giám đốc NHCSXH về việc thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP.
Đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn huy động của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Giang đạt 4.305,2 tỷ đồng, tăng 695,1 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 20%. Trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 3.755,5 tỷ đồng, tăng 611,8 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 87,3%/tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 206,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5%/tổng nguồn vốn, tăng 67,9 tỷ đồng so đầu năm, đạt 452% kế hoạch giao.
Tổng dư nợ đến ngày 31/12/2022, toàn Chi nhánh đạt 4.301,5 tỷ đồng, tăng 698,4 tỷ đồng so đầu năm, với 91.056 khách hàng dư nợ. Bình quân dư nợ 47,2 triệu đồng/khách hàng, tăng 5 triệu đồng/khách hàng so với năm 2021. Một số huyện, thành phố có tỷ lệ tăng trưởng dư nợ cao như: Thành phố Hà Giang 40,5%; Xín Mần 25,5%; Hoàng Su Phì 23,7%; Bắc Quang 21,4%; Vị Xuyên 19,6%; doanh số cho vay đạt 1.573,5 tỷ đồng với 31.367 lượt hộ vay vốn; doanh số thu nợ đạt 874,2 tỷ đồng.
Trong năm 2022, có trên 31.367 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Hà Giang được vay vốn, trong đó có 14.776 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; 4.143 hộ tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển kinh doanh; 6.281 hộ được vay vốn tạo việc làm; 3.502 hộ được vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn, góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn; trên 120 hộ được vay vốn xây dựng nhà ở xã hội; 185 học sinh, sinh viên được mua máy tính để phục vụ học tập và 5 cơ sở mầm non ngoài công lập được vay vốn để sửa chữa và mua sắm trang, thiết bị...
Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đã lồng ghép được các chương trình tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách thức làm ăn, giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập, nhằm giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ
Triển khai Kế hoạch số 933/KH-NHCS ngày 30/01/2022 của NHCSXH về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 413/UBND-KTTH chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan phối hợp cùng NHCSXH triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và tổng hợp nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 16/3/2022 về triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP trên địa bàn tỉnh.
NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Giang đã chủ động phối hợp cùng Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc và các đơn vị liên quan có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng NHCSXH triển khai thực hiện rà soát nguồn vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Chi nhánh cũng đã ban hành Kế hoạch số 138/KH-NHCS nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang; chỉ đạo Tổ công tác truyền thông và phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị thông tin tuyên truyền trên địa bàn như: Báo, Đài Phát thanh, truyền hình, Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và UBND các huyện/thành phố, website Ngân hàng Nhà nước… thực hiện tuyên truyền 06 phóng sự và 38 tin, bài về các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, để các đối tượng thụ hưởng kịp thời nắm bắt và tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Nguồn vốn cho vay một số chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đến ngày 31/12/2022, giải ngân đạt 214.930 triệu đồng với 2.888 hộ được vay, đạt 99,6% kế hoạch giao. Chương trình Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ, thực hiện cho vay đạt 160.000 triệu đồng với 2.580 lượt khách hàng được vay vốn, đạt 100% kế hoạch giao. Chương trình Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện cho vay đạt 52.700 triệu đồng với 118 lượt khách hàng hàng được vay vốn, đạt 100% kế hoạch giao. Chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, thực hiện cho vay đạt 1.850 triệu đồng với 185 lượt khách hàng được vay vốn, đạt 97% kế hoạch. Chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, thực hiện cho vay đạt 380 triệu đồng với 5 lượt khách hàng được vay vốn, đạt 38% kế hoạch giao. Riêng chương trình cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 39.179 triệu đồng với 763 lượt khách hàng được vay vốn, đạt 27% kế hoạch giao.
Đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội
Công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên được NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Giang tăng cường triển khai trong các chương trình cho vay ủy thác và có lịch giao ban định kỳ. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cũng đã phối hợp với NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Giang làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, các chương trình tín dụng đang được triển khai tại NHCSXH để mọi tầng lớp nhân dân nắm bắt và có điều kiện tiếp cận; đồng thời, giám sát hoạt động của tổ chức hội đoàn thể cấp dưới và tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác.
Tổng dư nợ cho vay ủy thác tính đến ngày 31/12/2022 của toàn Chi nhánh đạt 4.301 tỷ đồng/91.062 hộ, tăng 698 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, cho vay qua Hội Nông dân đạt 1.128,8 tỷ đồng, tăng 174,2 tỷ đồng so với đầu năm; cho vay qua Hội Phụ nữ đạt 1.159 tỷ đồng, tăng 178,5 tỷ đồng so với đầu năm; cho vay qua Hội Cựu chiến binh đạt 981 tỷ đồng, tăng 177 tỷ đồng so với đầu năm; cho vay qua Đoàn Thanh niên đạt 998,7 tỷ đồng, tăng 141,6 tỷ đồng so với đầu năm. Các tổ chức nhận ủy thác cũng đã phối hợp với NHCSXH phân tích, thu hồi và xử lý 378,1 tỷ đồng nợ đến hạn trong năm 2022.
Công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn được thường xuyên tổ chức đối với các tổ chức nhận ủy thác nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ nhận ủy thác. Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.Tỷ lệ khách hàng gửi tiền qua tổ TK&VV tăng 9% so với cuối năm 2021.
Mặc dù nguồn ngân sách địa phương năm 2022 còn nhiều hạn chế nhưng UBND tỉnh Hà Giang và UBND cấp huyện vẫn ưu tiên dành một phần vốn chuyển sang NHCSXH để cho vay. Tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 206,2 tỷ đồng, tăng 67,9 tỷ đồng so với đầu năm, NHCSXH Chi nhánh Hà Giang đã tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp xây dựng kế hoạch phân bổ và tổ chức giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng, vốn vay được bảo toàn và phát huy hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính của NHCSXH được thường xuyên cập nhật và công khai, minh bạch tại Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố, tại trụ sở ngân hàng và tại các điểm giao dịch xã trong toàn tỉnh; thông tin về các chương trình tín dụng chính sách, mức vay, thời hạn vay, quy trình và thủ tục vay vốn được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính nắm bắt và tiếp cận kịp thời.
Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trong thời gian tới
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Giang về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, thời gian tới, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Giang tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, các huyện ủy/thành ủy, UBND các huyện/thành phố xem xét, cân đối bố trí ngân sách địa phương để đưa vào ủy thác cho vay qua NHCSXH; tham mưu UBND các huyện, thành phố phê duyệt danh sách chi tiết các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP để làm căn cứ tiếp tục triển khai cho vay; tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách. Trên cơ sở đó, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Hà Giang tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Tập trung giải ngân tại các xã có tỷ lệ cao về hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào DTTS, mức tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách còn thấp. Đồng thời, tập trung giải ngân tại các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2023 theo kế hoạch của UBND tỉnh. Tập trung chỉ đạo phân tích và thu hồi nợ đến hạn trong năm 2023, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tích cực huy động vốn từ tổ chức và cá nhân, tăng cường công tác nhận tiền gửi qua tổ TK&VV.
Tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng tín dụng tại các xã có chất lượng hoạt động tín dụng thấp; xã có nợ quá hạn trên 0,5%; tổ TK&VV có nợ quá hạn trên 2%. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo và các đối tượng chính sách tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ TK&VV để giúp giải quyết các vấn đề khó khăn về tài chính khi đến hạn trả nợ tiền vay.
Phối hợp với UBND cấp xã trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng trên địa bàn. Tổ chức điều tra, quản lý danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện điều chỉnh bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác để có căn cứ xác nhận đối tượng vay vốn. Chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH các huyện/thành phố thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, tạo sinh kế cho người dân.
Thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành và chấp hành nghiêm túc quy trình vận hành hệ thống công nghệ thông tin của NHCSXH. Tăng cường công tác an toàn, an ninh hệ thống mạng, đảm bảo mạng nội bộ, mạng diện rộng hoạt động ổn định và thông suốt, tài nguyên mạng chia sẻ thuận lợi cho khai thác và sử dụng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai tại NHCSXH, đối tượng ưu tiên thụ hưởng, những tấm gương điển hình sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, thoát nghèo, vươn lên làm giàu để mọi tầng lớp nhân dân nắm bắt, có điều kiện tiếp cận, học tập và làm theo, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo và hạn chế tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Đào Linh