Kinh nghiệm thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc - Bài học tham khảo đối với Việt Nam
04/11/2022 14:02 7.432 lượt xem


Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Trung Quốc đặt ưu tiên thu hút lao động chất lượng cao là nhân tố ưu tiên thứ hai sau mục tiêu tăng trưởng GDP ( Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet)
 
Trung Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008) và đã đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD (2021), tăng 19,7% so năm 2020. Việt Nam trở thành đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới (sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia). Trung Quốc cũng là nhà đầu tư thứ hai vào Việt Nam trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới1 với 1,4 tỷ USD và 143 dự án cấp mới (8/2022), sau Nhật Bản (1,5 tỷ USD và 123 dự án cấp mới).

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu trong số các nền kinh tế lớn trên toàn cầu cùng những kinh nghiệm cải cách kinh tế được các quốc gia và thế giới rất quan tâm, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong bối cảnh Covid-192 và đã đem đến nhiều bài học kinh nghiệm cho các nước, trong đó có bài học về thu hút lao động chất lượng cao phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

1. Vài nét về thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc.

Trung Quốc thành lập Trung tâm dịch vụ (1989) dành cho những người lao động chất lượng cao trở về. Chính phủ tăng cường các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn lực tài chính nhằm phát triển lao động chất lượng cao. Ngân sách dành cho phát triển lao động chất lượng cao của Trung Quốc tăng từ 10,75% GDP (2018) lên 15% GDP (2020)3. Nhờ vậy, lao động chất lượng cao đã tăng lên 27,3% tổng số lao động, mặc dù vẫn thấp so với hơn 40% ở một số nền kinh tế phát triển4.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Trung Quốc đặt ưu tiên thu hút lao động chất lượng cao là nhân tố ưu tiên thứ hai sau mục tiêu tăng trưởng GDP. Nhằm thu hút nhiều lao động chất lượng cao đến khởi nghiệp tại Trung Quốc, các khu vực phát triển trọng điểm (Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Thâm Quyến…) đưa ra hàng loạt chính sách, biện pháp khuyến khích. Bắc Kinh đã tạo ra Khu khoa học và công nghệ lớn nhất và nổi tiếng nhất của Trung Quốc nhằm mục đích ươm tạo các dự án công nghệ cao mới, được gọi là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc". Khu công nghệ cao Zhongguancun là nơi có 5.000 công ty được thành lập bởi 12.000 doanh nhân trở về; trong đó, gần một nửa (44%) doanh nhân có bằng sáng chế trước khi trở về5. Với “20 quy định chính sách xuất nhập cảnh của Bộ Công an nhằm hỗ trợ sự đổi mới và phát triển của Bắc Kinh” (2016), Bắc Kinh bổ sung thêm năm kênh mới cho các đơn vị được phép cấp “thẻ xanh” vào Trung Quốc: Một là, kênh cấp “thẻ xanh” trực tiếp cho lao động chuyên gia cấp cao ở Zhongguancun; hai là, kênh định cư lâu dài cho lao động chất lượng cao và tài năng kỹ thuật trong các doanh nghiệp đổi mới và kinh doanh của khu vực Zhongguancun; ba là, kênh thường trú cho Hoa kiều có trình độ tiến sĩ hoặc đã làm việc trong các doanh nghiệp tại Khu thương mại tự do Quảng Đông 4 năm liên tục; bốn là, kênh thường trú cho chuyên gia đã làm việc tại Quảng Đông 4 năm liên tục với mức lương hơn 400.000 Nhân dân tệ (NDT); năm là, các doanh nhân đầu tư ổn định trong 3 năm liên tiếp và tổng số tiền đầu tư đạt 1 triệu USD trong các ngành được khuyến khích, có hồ sơ thuế tốt được phép xin định cư lâu dài.
 
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc khởi động chiến lược thu hút lao động chất lượng cao với mục tiêu thúc đẩy đổi mới và phát triển công nghệ. Năm 2012, Trung Quốc đưa ra đạo luật mới để tạo thuận lợi cho việc nhập cư của các chuyên gia cấp cao. Tiếp đến, bốn năm sau (2016), Chính phủ thành lập Văn phòng nhập cư đầu tiên của Trung Quốc có nhiệm vụ thu hút lao động chất lượng cao nước ngoài. Chính phủ khởi xướng chương trình thu hút sinh viên xuất sắc của Trung Quốc trở về nước. Với các sáng kiến quốc gia cũng như nhiều kế hoạch thu hút lao động chất lượng cao cấp tỉnh, địa phương được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đã thu hút số lượng lớn người Hoa ở nước ngoài trở về.

Trung Quốc khuyến khích Hoa kiều trở về làm việc với chính sách “Tia sáng mùa xuân” (1997) thực hiện để hỗ trợ tài chính cho Hoa kiều trở về. Chính sách “Tia sáng mùa xuân” đã thu hút được 600 học giả chỉ sau một năm. Tiếp theo, Trung Quốc thực hiện chính sách “Phục vụ đất nước” (2001) để  thu hút học giả gốc Trung Quốc trở về và trả cho họ gấp năm lần mức lương họ đang nhận.

Thượng Hải khởi động kế hoạch thu hút nhân tài ở nước ngoài (1992) thông qua "Mười nghìn người ở nước ngoài”. Sáng kiến đã thu hút 20.000 người nước ngoài trở về và đã thành lập được 4.000 liên doanh kinh doanh mới. Thượng Hải đã ban hành “Thông tư về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ đặc biệt cho nguồn lao động chất lượng cao” (6/2022)6, cho phép sinh viên tốt nghiệp từ 50 trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education (Mỹ) được làm việc ổn định tại Thượng Hải, ưu đãi hộ khẩu cho sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải… Ưu đãi nhập hộ khẩu, cho phép lao động có chuyên môn, chất lượng cao được phép mua nhà để ổn định nơi học tập của con cái. Thâm Quyến ban hành chính sách nhà ở để chiêu dụ nguồn lao động chất lượng cao. Theo quy hoạch, đến năm 2035, Thâm Quyến xây dựng 1,7 triệu đơn vị nhà ở, trong đó tỷ lệ nhà ở cho lao động chất lượng cao, nhà cho thuê sẽ không dưới 60%. Năm 2022, nguồn cung đất ở tại Thâm Quyến sẽ đặc biệt nghiêng về "nhà ở cho lao động chất lượng cao" với hơn 15.000 căn nhà giá bán ưu đãi. Chiết Giang  đưa ra chính sách chiêu dụ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đến làm việc được trợ cấp tiền nhà, sinh hoạt phí từ 20.000 - 400.000 NDT. Sinh viên tốt nghiệp muốn khởi nghiệp các dự án được xét duyệt từ 100.000 - 500.000 NDT với mức lãi suất thấp. Nếu dự án thất bại, Chính phủ Trung Quốc sẽ đứng ra bồi thường cho ngân hàng từ 80 - 100%.  
 
Thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc được xem như là chiến lược quan trọng và lâu dài. Lao động chất lượng cao cần thu hút được chia làm hai loại: Một là, các nhà khoa học nổi tiếng người gốc Hoa trên thế giới về định cư tại Trung Quốc; hai là, các nhà khoa học hàng đầu thế giới mỗi năm tới Trung Quốc từ vài tháng đến nửa năm để giảng dạy hoặc thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học.

Chính sách thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI đã đạt được những thành tựu cơ bản sau:

Thứ nhất, lao động chất lượng cao của Trung Quốc tăng rõ rệt. Trong giai đoạn 2016 - 2020, lao động có trình độ cao tại Trung Quốc đã tăng hơn 10 triệu người. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020), với các cuộc thi tay nghề kỹ năng, các chính sách động viên phát triển nguồn lao động chất lượng cao, Trung Quốc đã mở rộng quy mô, tăng cường đào tạo lực lượng lao động tay nghề cao. Năm 2020, số lao động kỹ thuật tại Trung Quốc đạt hơn 200 triệu người, trong đó có 58 triệu lao động tay nghề cao, chiếm tỷ lệ 30%. Dự báo, Trung Quốc sẽ có thêm 40 triệu lao động tay nghề cao được đào tạo trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025).

Thứ hai, ngăn chặn được tình trạng chảy máu chất xám, chảy máu trí tuệ. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (2010) sau Mỹ. Sự trỗi dậy mạnh mẽ đó một phần là nhờ quốc gia có đối sách đảo dòng chảy chất xám hiệu quả. Với đối sách "Brain Loss - Brain Gain" (chấp nhận chảy máu chất xám ban đầu thu lại chất xám về sau). Nhờ có chính sách thu hút lao động chất lượng cao một cách bài bản và khoa học, Trung Quốc đã ngăn chặn được tình trạng chảy máu chất xám - chảy máu tài sản trí tuệ.  Xu hướng hồi hương để lập nghiệp của các du học sinh sẽ đem lại cho Trung Quốc một nguồn lao động chất lượng cao dồi dào, trở thành động lực cho nền kinh tế thứ 2 thế giới vốn đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế sáng tạo.

Thứ ba, thu hút được số lượng lớn tài năng nước ngoài, đặc biệt là lao động chất lượng cao gốc Hoa. Kế hoạch 1.000 lao động chất lượng cao là một trong những chương trình khá thành công của Chính phủ, thu hút hơn 7.600 nhà khoa học và kỹ sư cao cấp đến Trung Quốc, góp phần vào những đột phá về khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Những “ông lớn” Trung Quốc tầm cỡ như Alibaba, Baidu, Tencent nổi tiếng với mảng công nghệ thông tin, thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, đã hút được rất nhiều tài năng công nghệ gốc Hoa từ phương Tây trở về Trung Quốc làm việc.

Thứ tư, thành lập được nhiều cơ sở giới thiệu tài năng cấp cao và nâng cấp hệ thống giáo dục đại học. Năm 2019, Trung Quốc dẫn đầu bảng xếp hạng trường đại học tốt nhất châu Á. Một số trường đại học Trung Quốc hiện đã nắm giữ các thứ hạng cao trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu châu Á như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa7. Hiện nay, Trung Quốc có 7 trường đại học danh tiếng nằm trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Điều này đã góp phần giúp Trung Quốc đào tạo được một lực lượng lao động tay nghề cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.

2. Bài học kinh nghiệm thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc.

Mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”8, thời kỳ mà dân số trong độ tuổi lao động cao nhất nhưng nguồn nhân lực, nhất là nguồn lao động chất lượng cao thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu.
 
Việt Nam đứng thứ 87 trong số 119 quốc gia về khả năng thu hút, phát triển và giữ chân lao động chất lượng cao. Hiện nay, có khoảng 40% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động chất lượng  cao. Việc thiếu nhiều lao động có kỹ năng hơn đã trở thành một rào cản ngày càng rõ ràng đối với tăng trưởng xuất khẩu giá trị gia tăng như hàng hóa công nghệ cao. Sự thiếu hụt lao động chất lượng cao là một yếu tố cản trở các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.

Với kỳ vọng tăng trưởng GDP 6,5% - 7% trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2025) và tiếp tục nằm trong nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, Việt Nam đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người từ 2.750 USD (hiện nay) lên 5.000 USD (2025). Rõ ràng, cách mạng công nghiệp tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao trong tương lai là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra là Việt Nam phải nâng cao chất lượng lao động, trình độ lao động phải tăng tương xứng với nền kinh tế.

Từ thực tế thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc có thể rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, bài học về xây dựng chính sách thu hút lao động chất lượng cao bài bản. Sự thiếu hụt lao động chất lượng cao là một thực tế với nhiều nền kinh tế đang trong quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, các quốc gia đều tập trung thu hút lao động chất lượng cao từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu cùng với việc đầu tư nâng cấp hệ thống giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học để đào tạo lao động chất lượng cao.

Thành công trong xây dựng và thực thi chính sách thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc là bài học rất đáng lưu tâm. Các chính sách thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc được điều chỉnh phù hợp với các giai đoạn phát triển của nền kinh tế, tương ứng với nhu cầu số lượng và cơ cấu nguồn lao động chất lượng cao trong những lĩnh vực mà Trung Quốc cần tập trung phát triển. Thời kỳ đầu mở cửa, Trung Quốc tập trung vào các công nghệ kỹ thuật cho quá trình thúc đẩy công nghiệp hóa, biến Trung Quốc từ nền kinh tế lạc hậu, đói nghèo trở thành một công xưởng của thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang ở bước tiếp theo, chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu dựa trên các công nghệ hiện đại. Đương nhiên, nhu cầu về lao động chất lượng cao với các ngành kinh tế đại diện cho tiến bộ khoa học công nghệ cũng tăng cao (các ngành của nền kinh tế tri thức, các công nghệ kỹ thuật số). Trung Quốc tập trung thu hút nguồn lao động chất lượng cao trong sản xuất chip từ Đài Loan. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao Trung Quốc với tổng số vốn đầu tư trên thực tế vào các ngành tăng lên tới 132,83 tỷ NDT (khoảng 20,84 tỷ USD) quý I/2022. Trong cơ cấu thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, các ngành sản xuất công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao lần lượt đạt mức tăng trưởng 35,7% và 57,8% so cùng kỳ năm 20219.

Cũng như các quốc gia khác (Nhật Bản, Singapore...) thành công trong thu hút lao động chất lượng cao, Trung Quốc xây dựng chính sách thu hút lao động chất lượng cao gắn liền với chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách phát triển kinh tế. Đây được coi là một trong những nền tảng của sự thành công về mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật của Trung Quốc và cũng là bài học kinh nghiệm cho những nước đi sau. Trung Quốc rất linh hoạt trong các cách tiếp cận với mục đích tối cao là thu hút được lao động chất lượng cao. Chính phủ ban hành chính sách đặc biệt cho phép nhập cảnh hoặc quy định điều kiện nhập cảnh rõ ràng, cụ thể đối với lao động trình độ cao nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ cao theo chu kỳ bằng cách cho phép lao động nước ngoài có kinh nghiệm và bằng cấp đáp ứng yêu cầu được nhập cảnh để làm việc trong ngắn hạn, đồng thời vẫn tiếp tục công việc ở nước ngoài. Điều chỉnh linh hoạt thời gian cư trú và làm việc của họ; quy định thời gian được phép cư trú của người nhập cư. Trung Quốc có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua chính sách cho phép nhà đầu tư định cư lâu dài (5 năm) nếu đầu tư số vốn 3 triệu USD (thực thi từ năm 2003) và quy định các điều kiện thuận lợi cho phép nhà đầu tư cư trú ngắn hạn. Bên cạnh đó, các chính sách thu hút sinh viên nước ngoài đến học và sau khi tốt nghiệp có thể tham gia thị trường lao động Trung Quốc.

Hai là, bài học về tạo môi trường xã hội để thu hút lao động chất lượng cao. Để thu hút lao động chất lượng cao ngoài việc hình thành chính sách bài bản rất cần môi trường xã hội thuận lợi cho lao động nước ngoài đến làm việc. Thực tế, không ít lao động chất lượng cao, kể cả các nhà khoa học chuyên gia đầu ngành vì các lý do khác nhau đến làm việc một thời gian, sau đó họ lại rời đi do môi trường xã hội không phù hợp. Trung Quốc đã có những chính sách và quy định cụ thể để tạo ra môi trường thuận lợi đối với số lao động chất lượng cao được thu hút vào Trung Quốc. Đây là kinh nghiệm rất đáng tham khảo từ thành công của Trung Quốc.

Để tạo môi trường thuận lợi, Trung Quốc đã tập trung đầu tư cho giáo dục và phát triển khoa học công nghệ. Phát triển khoa học công nghệ và đào tạo để hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao làm cơ sở cho phát triển, nâng cao trình độ dân trí, tạo ra xã hội học tập hướng đến nâng cao trình độ. Trung Quốc rất coi trọng và quyết tâm thực thi chính sách giáo dục đào tạo phù hợp là nhân tố quyết định tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nhanh và bền vững. Hệ thống giáo dục đào tạo được đầu tư hiệu quả, đặc biệt đào tạo nghề và kỹ năng cho người lao động, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo. Phát triển nguồn nhân lực hướng theo nhu cầu thị trường lao động. Trung Quốc chú ý đầu tư hiện đại hóa các trường đại học và khuyến khích các trường đại học sử dụng quỹ, nguồn đầu tư của Nhà nước nhằm thu hút sinh viên và lao động có trình độ cao ở nước ngoài đến làm việc. Đây chính là khía cạnh rất quan trọng tạo môi trường thuận lợi cho những người có trình độ ở nước ngoài đến làm việc và nghiên cứu.

Song song với đó, Trung Quốc đã ban hành các quy định tài chính (chế độ hỗ trợ, khen thưởng, lương ưu đãi...) và hành chính (chế độ visa thuận lợi; cấp chỗ ở và phong chức vụ cao hơn cho người hồi hương nhằm mang lại điều kiện làm việc tốt nhất cũng như điều kiện sống thuận lợi. Đối với những người không hồi hương, Trung Quốc nhận thấy vẫn có thể đóng góp cho sự phát triển của Trung Quốc bằng cách như tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hướng dẫn sinh viên học cao học, nghiên cứu sinh ở nước ngoài, đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp.

Ba là, đặc biệt chú trọng thu hút lao động chất lượng cao trong chính sách chung về thu hút lao động chất lượng cao. Chú trọng thu hút bộ phận ưu tú nhất, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đây là thành phần cơ bản nhất trong đội ngũ lao động chất lượng cao - đội ngũ có thể tạo ra những đột phá, bước ngoặt và lan tỏa, nhân rộng đội ngũ lao động chất lượng cao. Trên cơ sở đó, khuyến khích các nhà khoa học, du học sinh, sinh viên tốt nghiệp về nước công tác, xây dựng kế hoạch đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao. Thu hút lao động chất lượng cao là chìa khóa thúc đẩy phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu tự cường công nghệ và trẻ hóa quốc gia. Kinh nghiệm của Trung Quốc là nhất quán trong thu hút lao động chất lượng cao từ Trung ương đến các địa phương, thông qua những chính sách đặc biệt với các nhà khoa học tài giỏi, dành đầu tư tốt nhất cho những nhà khoa học được lựa chọn và cho họ toàn quyền sử dụng ngân sách khoa học của họ.

Trung Quốc chú ý cả lao động chất lượng cao nước ngoài và lao động chất lượng cao gốc Hoa. Lao động chất lượng cao gốc Hoa là những người có mối quan hệ tự nhiên, nhanh chóng hòa nhập môi trường, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của Trung Quốc. Hoa kiều luôn được Trung Quốc xem là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Trung Quốc, là nguồn lực cho phát triển. Lao động chất lượng cao gốc Hoa là những người không chỉ được đào tạo trong các điều kiện tốt mà còn có các mối quan hệ với đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia và người lao động ở các quốc gia khác nơi họ sinh sống, nên cần chú ý thu hút họ về với Tổ quốc.

Bốn là, bài học về tổ chức bộ máy thu hút lao động chất lượng cao đa tầng, hợp lý, hiệu quả. Chính sách rõ ràng và môi trường thuận lợi cho lao động chất lượng cao sẽ là cơ sở nền tảng cho thành công trong thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, nếu chỉ vậy thì chưa đủ, mà cần có cách thức tổ chức bài bản. Đây là kinh nghiệm rất đáng chú ý từ Trung Quốc trong thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Việc tổ chức cần có thứ tự trước sau giữa các phần, phối hợp các nguồn lực Nhà nước và hiệp hội để tạo ra hệ thống mạng lưới thông tin về sự cần thiết, sự mong muốn và ưu đãi tốt đẹp từ quê nhà.

Chính phủ đã có nhiều biện pháp cải thiện thông tin về tình hình tại Trung Quốc và các cơ quan, đơn vị trong nước cho trí thức Hoa kiều ở nước ngoài như: Thành lập Tạp chí “Shenzhou xueren”10 và trang điện tử của tạp chí làm cầu nối giữa các trí thức nước ngoài và các tổ chức trong nước. Bộ Giáo dục cũng tổ chức những cuộc gặp gỡ, hội thảo hằng năm cho trí thức Trung Quốc ở nước ngoài để giới thiệu về chính quyền và các công ty trong nước.
 
Thành lập hệ thống tổ chức chuyên lo việc thu hút lao động chất lượng cao theo mục tiêu chính sách vạch ra. Hệ thống có sự kết hợp đa tầng, từ tổ chức nhà nước chuyên trách như cơ quan quản lý lao động và các đại sứ quán với việc hình thành các tổ chức xã hội, trung tâm, hiệp hội để tìm kiếm và kết nối các chuyên gia, các nhà khoa học và các nguồn lao động chất lượng cao với hỗ trợ kết nối cung cầu, hỗ trợ các thủ tục hành chính. Thậm chí, Viện Khoa học Trung Quốc tổ chức các đoàn tuyển dụng nhân sự ở nước ngoài như ở Anh, Mỹ, Pháp, Đức.

Tóm lại, những thành tựu kinh tế mà Trung Quốc đạt được có sự đóng góp rất lớn của nguồn lao động chất lượng cao Trung Quốc thu hút được trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Với chiến lược thu hút lao động chất lượng cao hợp lý, kịp thời, Trung Quốc trở thành điểm đến ưa thích của các lao động chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế. Trung Quốc thực hiện các ưu đãi, cấp các loại thị thực cho các nhà khoa học nước ngoài, giảm bớt rào cản hành chính. Các công ty và viện nghiên cứu của Trung Quốc cung cấp cho lao động chất lượng cao mức lương thậm chí cao hơn ở Thung lũng Silicon (Mỹ). Bài học rút ra là các chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho lao động chất lượng cao, du học sinh thấy rằng họ có cơ hội được phát triển sự nghiệp khi trở về với Tổ quốc, xóa bỏ những định kiến và phân biệt đối xử với họ. Hơn bốn thập niên sau khi mở cửa giao thương với thế giới (1978 - 2022), Trung Quốc gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế nhờ thu hút được nguồn lao động chất lượng cao. Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao trong giai đoạn 2020 - 2030. Vì vậy, nhu cầu về lao động chất lượng cao sẽ tiếp tục tăng.

Kinh nghiệm thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc sẽ là bài học rất hữu ích cho Việt Nam - láng giềng gần gũi, có truyền thống hữu nghị lâu đời với Trung Quốc. Thu hút lao động chất lượng cao kịp thời nhằm đáp ứng thực trạng thiếu hụt lao động chất lượng cao, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam là rất cấp thiết trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 
 
1Năm nền kinh tế lớn nhất thế giới là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Anh.
2Trung Quốc là một trong bốn quốc gia đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh Covid-19: Đạt 2,3% GDP (2020) và 8,1% GDP (2021).
3Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, “Trung Quốc: Một thập kỷ triển khai kế hoạch Nghìn lao động chất lượng cao”; https:// khoahocvacongnghevietnam.com.vn/tin-tuc-su-kien/khcn-nuoc-ngoai/22769-trung-quoc-mot-thap-ky-trien-khai-ke-hoach-nghin-nhan-tai.html
4Hao Hong (2017), Give skilled workers the respect they deserve, China Daily, 17th June 2017, http://www.chinadaily.com.cn/opinion/2017-06/17/content_29780574.htm
5 wcms_565474.pdf (ilo.org).
6上海放宽留学生落户政策 世界排名前50名院校毕业生可以直接落户, https://m.gmw.cn/baijia/2022-06/21/35826494.html
7Theo bảng xếp hạng đại học khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2019 do Times Higher Education (THE) công bố, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) vươn lên dẫn đầu (vượt Đại học Quốc gia Singapore) với số điểm 99,8/100.  Đại học Bắc Kinh xếp thứ 5 châu Á. Trong bảng xếp hạng đại học thế giới của THE, Thanh Hoa cũng nhảy vọt từ vị trí thứ 71 (2012) lên thứ 22 (2019).
8Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam bắt đầu từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2039. Thời kỳ dân số vàng (Golden population structure) được hiểu là giai đoạn phát triển vàng của mỗi quốc gia khi tỷ lệ người lao động gấp đôi số người phụ thuộc.
9Theo Hữu Hưng (2022), Đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc chảy mạnh vào công nghệ cao, Nhandan.vn, ngày 15/4/2022.
10Tạp chí Nhân học Thần Châu
 

Tài liệu tham khảo:

1. Dung, Vũ Thị Phương (2020),  “Thu hút lao động chuyên môn cao của Trung Quốc: Thực trạng và chính sách”, đăng trong cuốn sách: “70 năm tiến trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020, ISBN: 978-604-9964-78-7
2. Wang Tao (2018), “2018 年中国科技进步对经济增长贡献率或达57.5%” (Năm 2018, đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể đạt 57,5%), http://news.cri.cn, ngày 26/12/2018).
3. Bộ Giáo dục Trung Quốc, “2018 年度我国出国留学人员情况统计” (Thống kê số lượng du học sinh Trung Quốc năm 2018), http://www.moe.gov.cn, ngày 01/3/2019).
4. International Organization for Migration (ILO), 2017, Attracting skilled international migrants to China: A review and comparison of policies and practices, Centre for China and Globalization (CCG), International Labor Organization and International Organization for Migration.
5. Wy Cheng (2016), China’s Quest to Attract Foreign Talent: Can China overcome its “brain drain” to create a net inflow of highly skilled workers?
6. Biao Xiang (2016), Emigration Trends and Policies in China: Movement of the Wealthy and Highly Skilled, Migration Policy Institute (MPI).
7. Thu Thủy (2020), Phát triển nguồn nhân lực quốc gia của Trung Quốc và bài học kinh nghiệm (ftu.edu.vn)


ThS. Vũ Thị Phương Dung
Tạp chí Cộng sản
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách
22/11/2024 10:50 248 lượt xem
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam
15/11/2024 10:30 494 lượt xem
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Hệ thống xếp hạng tín nhiệm thay thế đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Kinh nghiệm từ châu Á và gợi ý cho  Việt Nam
Hệ thống xếp hạng tín nhiệm thay thế đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu - Kinh nghiệm từ châu Á và gợi ý cho Việt Nam
11/11/2024 10:22 722 lượt xem
Xếp hạng tín nhiệm không phải là một thuật ngữ xa lạ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn.
Châu Á và Việt Nam đón đầu làn sóng kinh tế “bạc”
Châu Á và Việt Nam đón đầu làn sóng kinh tế “bạc”
03/11/2024 07:15 956 lượt xem
Ủy ban về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội của Liên hợp quốc năm 2023 xác định già hóa dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu. Xu hướng già hóa dân số không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở châu Âu mà đã, đang và sẽ lan rộng sang khu vực châu Á, tạo ra những cơ hội lẫn thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế, xã hội.
Quy định về cấp phép ngân hàng ảo tại Thái Lan và một số gợi ý cho  Việt Nam
Quy định về cấp phép ngân hàng ảo tại Thái Lan và một số gợi ý cho Việt Nam
30/10/2024 09:30 1.142 lượt xem
Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và lĩnh vực tài chính trong những năm qua đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng và hệ thống tài chính trên toàn cầu.
Những rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu năm 2024 và hàm ý cho Việt Nam
Những rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu năm 2024 và hàm ý cho Việt Nam
23/10/2024 08:04 5.577 lượt xem
Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 cho thấy có sự cải thiện nhẹ so với năm 2023, với dự báo tăng trưởng đạt 3,1 - 3,2% GDP và lạm phát giảm xuống 5,8 - 5,9%.
Tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia trong khu vực ASEAN
Tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia trong khu vực ASEAN
14/10/2024 15:40 1.558 lượt xem
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, kiều hối đang đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Ngân hàng mở: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Ngân hàng mở: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
08/10/2024 08:03 1.942 lượt xem
Ngân hàng mở là một khái niệm mới nổi trong ngành tài chính - ngân hàng, mang lại sự đổi mới và cách mạng hóa phương thức hoạt động của ngân hàng truyền thống.
Chính sách tín dụng nông nghiệp của Ấn Độ và kinh nghiệm đối với Việt Nam
Chính sách tín dụng nông nghiệp của Ấn Độ và kinh nghiệm đối với Việt Nam
03/10/2024 14:46 1.640 lượt xem
Nằm ở lưu vực sông Ấn và sông Hằng, Ấn Độ là một quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời với quy mô thị trường ước đạt 372,94 tỉ USD vào cuối năm 2024, dự kiến ​​sẽ đạt 473,72 tỉ USD vào năm 2029 (Mordorintelligence, 2024).
Tác động của địa chính trị đến thương mại quốc tế
Tác động của địa chính trị đến thương mại quốc tế
01/10/2024 16:10 2.305 lượt xem
Bài viết giới thiệu một số kết quả nghiên cứu thực nghiệm về tác động của địa chính trị đến thương mại toàn cầu thông qua phương pháp nghiên cứu định tính với kỹ năng chính là khai thác, phân tích, tổng hợp và bình luận các thông tin thứ cấp từ các nghiên cứu có liên quan.
Pháp luật về giám sát tập đoàn tài chính tại Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Pháp luật về giám sát tập đoàn tài chính tại Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
30/09/2024 08:01 1.724 lượt xem
Tập đoàn tài chính không phải là một hình thái tổ chức hoạt động kinh doanh mới trên thị trường mà bắt đầu được hình thành từ những năm 60 tại Mỹ khi hiện tượng các ngân hàng với hoạt động cấp tín dụng kết nối các công ty bảo hiểm, chứng khoán thông qua sở hữu vốn...
Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đầu tư phát triển kinh tế vùng
Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong đầu tư phát triển kinh tế vùng
26/09/2024 13:23 3.967 lượt xem
Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, cả hai quốc gia đều trải qua thời kỳ thuộc địa, chiến tranh và tái xây dựng trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn.
Quy định về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng tại Vương quốc Anh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Quy định về quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng tại Vương quốc Anh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
26/09/2024 08:19 1.251 lượt xem
Sau cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra tại các quốc gia châu Âu và Mỹ giai đoạn 2007 - 2008 khiến cho hàng loạt hệ thống ngân hàng sụp đổ, các chuyên gia cho rằng quản trị ngân hàng yếu kém là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng của ngành Ngân hàng.
Các rủi ro trên con đường giảm lạm phát toàn cầu
Các rủi ro trên con đường giảm lạm phát toàn cầu
17/09/2024 10:52 3.015 lượt xem
Theo báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS, 2024), nền kinh tế toàn cầu đã để lại phía sau những hậu quả của các cú sốc về hàng hóa và đại dịch Covid-19; lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm, nền kinh tế tránh được nguy cơ suy thoái.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho thanh toán bán lẻ và một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho thanh toán bán lẻ và một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
11/09/2024 11:39 2.322 lượt xem
Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á tiên phong thí điểm CBDC với hàng loạt các dự án được nghiên cứu, triển khai từ năm 2018.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

84,700

86,700

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

84,700

86,700

Vàng SJC 5c

84,700

86,720

Vàng nhẫn 9999

84,600

86,100

Vàng nữ trang 9999

84,500

85,700


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,175 25,509 25,953 27,376 31,191 32,517 158.97 168.22
BIDV 25,209 25,509 26,132 27,268 31,544 32,415 160.97 168.36
VietinBank 25,220 25,509 26,355 27,555 31,775 32,785 160.20 168.30
Agribank 25,210 25,509 26,071 27,275 31,364 32,451 160.79 168.44
Eximbank 25,200 25,509 26,142 26,983 31,431 32,400 161.37 166.58
ACB 25,190 25,509 26,174 27,072 31,530 32,481 160.89 167.25
Sacombank 25,220 25,509 26,170 27,145 31,481 32,644 161.76 168.82
Techcombank 25,226 25,509 25,989 27,338 31,132 32,473 157.46 169.9
LPBank 25,215 25,509 26,437 27,650 31,837 32,368 162.66 169.73
DongA Bank 25,270 25,509 26,230 26,940 31,530 32,440 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
3,00
3,00
3,20
4,20
4,20
5,30
5,60
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,90
3,90
4,10
5,55
5,70
5,80
6,10
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,80

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?