Hoàng Lan
Truyền thông về chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được xác định là một hoạt động quan trọng của tổ chức BHTG nhằm mục tiêu tuyên truyền cho công chúng về vai trò, chính sách BHTG. Nhờ truyền thông nâng cao nhận thức công chúng mà tính hiệu quả của hệ thống BHTG được củng cố, từ đó việc bảo vệ người gửi tiền sẽ được thực hiện tốt hơn. Nhận thức được điều đó, các tổ chức BHTG quốc tế đã sử dụng đa dạng các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức công chúng. Bài viết giới thiệu kinh nghiệm của một số quốc gia về hoạt động truyền thông chính sách BHTG.
Hoạt động truyền thông - Tăng cường hiệu quả của hệ thống BHTG
Nguyên tắc số 10, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển BHTG hiệu quả năm 2014 của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) nêu rõ: Hoạt động truyền thông về BHTG nhằm bảo vệ người gửi tiền và đóng góp vào sự ổn định tài chính, cần đảm bảo công chúng liên tục được thông tin đầy đủ về lợi ích và hạn chế của hệ thống BHTG.
Việc thúc đẩy các hoạt động tăng cường nhận thức công chúng về hoạt động BHTG giúp tăng niềm tin của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn thị trường tài chính - ngân hàng, nhất là khi có khả năng xảy ra đổ vỡ. Công việc này cần được duy trì thường xuyên bằng cách cung cấp các thông tin bổ sung hoặc mở rộng đối tượng truyền thông mục tiêu, đồng thời duy trì phản hồi từ các đối tượng đó để đảm bảo các chương trình truyền thông có tính liên tục và hiệu quả cao.
Truyền thông về BHTG cần được coi là một nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi hỗ trợ toàn diện về nguồn lực và nhân lực, bởi nó góp phần xây dựng uy tín và thẩm quyền của tổ chức BHTG với hình ảnh một đơn vị được quản lý và hoạt động tốt, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền và chi trả bảo hiểm kịp thời khi xảy ra đổ vỡ.
Xét trên quan điểm bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, người gửi tiền có quyền được thông báo về các nội dung liên quan đến BHTG, ví dụ như hạn mức bảo hiểm cho tiền gửi của mình. Ngoài ra, họ cũng cần nhận thức được rằng hạn mức này bảo hiểm toàn bộ cho phần lớn người gửi tiền.
Để củng cố việc bảo vệ người gửi tiền, nhiều tổ chức BHTG đã tập trung triển khai các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về BHTG và các thông lệ ngân hàng an toàn. Người gửi tiền có hiểu biết tốt sẽ tăng niềm tin vào hệ thống ngân hàng, giảm sự nhạy cảm với tin đồn và việc đổ xô rút tiền hàng loạt.
Đẩy mạnh truyền thông tới các đối tượng mục tiêu
Đối tượng mục tiêu chính của truyền thông về BHTG là người gửi tiền nhỏ lẻ và công chúng nói chung, gồm nhiều nhóm khác nhau theo nhân khẩu học, ví dụ chia theo độ tuổi có chương trình phổ cập tài chính áp dụng cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, trong khi đối tượng hưu trí có thể được trợ giúp tại các trung tâm tư vấn cho người gửi tiền.
Với người gửi tiền có tính tổ chức như người môi giới tiền gửi cần được truyền thông để đánh giá được tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng mà họ giao dịch cùng. Người gửi tiền có tính tổ chức có thể ảnh hưởng đến hành vi của các tổ chức tín dụng vì họ có quyền lựa chọn đầu tư vào các tổ chức tín dụng ít rủi ro hơn cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Vì vậy, đây là một đối tượng cần được truyền thông về BHTG.
Các tổ chức tín dụng thành viên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông về BHTG, bởi đây là một kênh để tiếp cận với người gửi tiền. Các tổ chức tín dụng thành viên có thể đồng thời là đối tác của tổ chức BHTG trong việc tiếp xúc công chúng qua 2 nhóm mục tiêu: nhóm nhân viên trực tiếp giao dịch với người gửi tiền và nhóm quản lý cấp cao. Nhóm nhân viên giao dịch trực tiếp với người gửi tiền, khi được đào tạo bài bản, có thể giúp giải đáp chính xác các thắc mắc của người gửi tiền và giúp duy trì niềm tin của họ vào BHTG. Còn nhóm quản lý cấp cao có khả năng tiếp xúc với khách hàng là các tổ chức và có thể phổ biến thông tin đến nhóm này. Tổ chức BHTG có thể tiến hành cung cấp thông tin, đào tạo và xa hơn là đánh giá mức độ nhận thức của nhân viên tổ chức tín dụng thành viên thông qua các hoạt động hội thảo, tọa đàm, hệ thống báo cáo…
Với các cơ quan truyền thông đại chúng, việc có đầy đủ thông tin về BHTG giúp họ quảng bá tới công chúng qua các chương trình truyền hình, phát thanh một cách hợp lý. Đây cũng là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông khi xảy ra đổ vỡ, chi trả BHTG. Các cơ quan lập pháp và cơ quan có thẩm quyền liên quan cần có đầy đủ thông tin để đảm bảo hệ thống BHTG phù hợp với nhu cầu của từng quốc gia. Những thông tin này bao gồm đặc điểm chính của hệ thống BHTG, các thông lệ quốc tế tốt nhất, các căn cứ và hàm ý chính sách tương ứng với đặc điểm của tổ chức BHTG. Ngoài ra, cơ quan lập pháp còn đóng vai trò hỗ trợ khi cần sửa đổi, bổ sung luật và quy định về BHTG.
Kinh nghiệm của một số quốc gia về hoạt động truyền thông BHTG
Tổ chức BHTG cần xem xét truyền thông sao cho đảm bảo phạm vi lớn nhưng có đối tượng mục tiêu xác định và hiệu quả về chi phí. Một loạt các công cụ có thể được sử dụng đồng thời sao cho tiếp cận đến nhiều tầng lớp trong xã hội xét đến yếu tố về trình độ học vấn, quy mô dân số, đặc điểm nhân khẩu trong khuôn khổ ngân sách cho phép. Các công cụ truyền thông cũng cần phù hợp với một chiến lược truyền thông tổng thể về BHTG.
Các tổ chức BHTG trên thế giới đã sử dụng rất nhiều công cụ phục vụ cho việc tuyên truyền chính sách BHTG một cách thường xuyên, liên tục. Đây là một nhiệm vụ cần thiết bởi lẽ nó góp phần xây dựng dần dần mức độ nhận thức và niềm tin của công chúng vào tổ chức BHTG cũng như hệ thống ngân hàng.
Trường hợp của Tổng Công ty BHTG Canada (CDIC), tổ chức này sử dụng một số công cụ mang tính giáo dục để tuyên truyền chính sách BHTG như các trò chơi về tài chính ngân hàng, các video tương tác cho phép người dùng theo dõi trực quan những tình huống tài chính khác nhau và vai trò của CDIC trong cả vòng đời của một sản phẩm tài chính, hay quảng cáo trên ứng dụng âm nhạc trực tuyến Spotify nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Sau mỗi chương trình truyền thông, CDIC thu thập góp ý từ những người tham gia nhằm đánh giá lại hiệu quả thực hiện của mỗi chương trình đó.
Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) sử dụng khá nhiều công cụ truyền thông nhằm tuyên truyền về BHTG và hoạt động của KDIC. Có thể kể đến các công cụ như truyền hình, phát thanh, báo giấy, quảng cáo ở các trạm tàu điện ngầm, xe buýt, bảng led điện tử; tổ chức các hoạt động trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube; dịch vụ tư vấn tài chính miễn phí tại các triển lãm và hội thảo của ngành; tranh ảnh và phim hoạt hình ngắn; và tổ chức chương trình phổ cập tài chính trên toàn quốc.
Còn Cơ quan BHTG Nga (DIA) lại phối hợp với Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện một chiến dịch truyền thông toàn quốc thông qua các video trên Youtube, các mạng xã hội ở Nga và đã thu hút hơn 42 triệu lượt xem với những phản hồi tích cực của người xem.
Ngoài các công cụ thường xuyên kể trên, khi xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng thành viên, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức BHTG và các cơ quan có thẩm quyền nhằm thiết lập một kế hoạch ứng phó khủng hoảng toàn diện.
Theo đó, CDIC đã lập một kế hoạch sẵn sàng cho trường hợp truyền thông khi có đổ vỡ ngân hàng. Cụ thể là cơ quan này đã ký các thỏa thuận hợp tác dự phòng với đối tác như công ty quảng cáo, công ty truyền thông, các tổng đài điện thoại nêu rõ các điều khoản thực hiện khi xảy ra đổ vỡ. Ngoài ra, CDIC còn thông qua các blogger nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn để cung cấp những thông tin về BHTG nhằm tăng niềm tin của công chúng. Đồng thời, sử dụng kế hoạch truyền thông dự phòng qua các kênh như truyền hình, phát thanh, mạng xã hội nhằm công bố thông tin chính thức, tránh gây hoang mang dư luận.
Còn KDIC lại sử dụng hệ thống công nghệ tích hợp thông tin xử lý (IRIS) cho người gửi tiền và các chủ nợ để đòi bồi thường, đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn cho các chủ nợ trực tuyến. KDIC sử dụng hệ thống IRIS trong toàn bộ quá trình chi trả trên cơ sở phối hợp với Cơ quan giám sát tài chính để giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng, chính xác.
Ngoài ra, trong các trường hợp đặc biệt như chuyển từ bảo hiểm toàn bộ sang bảo hiểm có hạn mức, người gửi tiền đổ xô rút tiền hay các vấn đề xuyên biên giới, cần có chính sách truyền thông đặc thù nhằm đảm bảo người gửi tiền được cung cấp thông tin chính xác, tránh hiểu sai vấn đề gây hoang mang, bất ổn cho hoạt động tín dụng và đời sống xã hội.
Có thể thấy rằng, vai trò của truyền thông về BHTG là hết sức quan trọng, không chỉ giúp tổ chức BHTG xây dựng hình ảnh của mình với cộng đồng mà còn giúp tăng cường niềm tin và tri thức về tài chính ngân hàng cho người gửi tiền, góp phần duy trì ổn định xã hội. Hoạt động truyền thông về BHTG quốc tế ngày càng có nhiều đổi mới, thích ứng với quá trình hiện đại hóa và phát triển của công nghệ. BHTGVN cần học hỏi kinh nghiệm và xu hướng của các tổ chức BHTG quốc tế trong việc triển khai, cập nhật các chương trình truyền thông nhằm đáp ứng với những thay đổi của đời sống kinh tế - xã hội do quá trình hội nhập và toàn cầu hóa mang lại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ nguyên tắc phát triển BHTG hiệu quả (2014) - Hiệp hội BHTG quốc tế.
- Hướng dẫn nâng cao: Tăng cường nhận thức công chúng về BHTG (2012) - Hiệp hội BHTG quốc tế.
- Tài liệu hội thảo: “Thúc đẩy sự thuận tiện và khả năng tiếp cận BHTG” tổ chức tại Moscow tháng 5/2018.
(Tạp chí Ngân hàng số 19, tháng 10/2018)