Keywords: Digital transformation, banking and finance, database.
1. Đặt vấn đề
Thuật ngữ Chuyển đổi số (Digital transformation) nói đến việc xây dựng lại các quy trình quản trị và kinh doanh bằng việc áp dụng các công nghệ số nhằm tăng hiệu quả quản trị và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng tốt hơn (Bank of Japan, 2021). Như vậy, chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng được hiểu là tích hợp số hóa và công nghệ số vào trong các hoạt động của ngân hàng (Lê Cẩm Tú, 2021) nhằm sửa đổi hoặc tạo mới các quy trình quản trị và kinh doanh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng và bắt kịp xu thế của thị trường.
Lĩnh vực tài chính nói chung đang ở giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ với việc công nghệ số đang định hình lại các sản phẩm và dịch vụ tài chính như thanh toán, vay mượn, bảo hiểm hay quản lý tài sản (Bank for International Settlements No. 117, 2021). Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và tỷ lệ gia nhập ngành cao của các công ty tài chính công nghệ, chuyển đổi số là bắt buộc đối với các ngân hàng, nhu cầu khách hàng thay đổi nhanh chóng cùng với áp lực từ việc giảm chi phí hoạt động tăng hiệu quả kinh doanh khiến các ngân hàng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuyển đổi số (European Centre Bank, 2022).
Trong công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò như là kim chỉ nam đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Với tư cách là những nhà quản lý, ngoài việc ổn định nền kinh tế - xã hội, những thách thức như đảm bảo tính cạnh tranh, cơ chế quản lý điều hành, tạo sân chơi cho các chủ thể tham gia trong công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng (Bank for International Settlements No. 117, 2021) cũng như thúc đẩy cải tiến công nghệ... là những vấn đề cần phải giải quyết (European Centre Bank, 2022).
Với xu thế tất yếu của quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tại Việt Nam cũng như những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách trong nước phải đối mặt, bài viết nghiên cứu kinh nghiệm quản lý chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng của bốn quốc gia châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc) và đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam.
2. Kinh nghiệm quản lý chuyển đổi ngân hàng số của một số quốc gia châu Á
Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc là các quốc gia châu Á có nhiều khía cạnh tương đồng với Việt Nam về địa chính trị và văn hóa. Bên cạnh đó, bốn quốc gia này đang trong quá trình số hóa nhanh chóng hoặc có mức độ số hóa cao, có nhiều động lực để tiếp tục số hóa nền kinh tế và Chính phủ các quốc gia này không ngừng khuyến khích chuyển đổi số nền kinh tế trong những năm qua (Harvard Business Review, 2020). Việc nghiên cứu kinh nghiệm quản lý chuyển đổi ngân hàng số của các quốc gia này sẽ giúp đưa ra những gợi ý chính sách phù hợp và hiệu quả đối với Việt Nam.
2.1. Kinh nghiệm của Nhật Bản
Về cơ sở hạ tầng số, Chính phủ Nhật Bản chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển số hóa nền kinh tế. Ba chương trình nghiên cứu và phát triển quan trọng trong việc chuyển đổi số nền kinh tế Nhật Bản phải kể đến là: Chương trình cải tiến chiến lược (Strategic Innovation Program - SIP); Chương trình Nghiên cứu và Phát triển Moonshot (Moonshot Research and Development) và Chương trình Mở rộng Đầu tư Chiến lược Nghiên cứu và Phát triển Công/Tư (Public/Private R&D Investment Strategic Expansion Program - PRISM). Đây là những chương trình được đồng liên kết và triển khai bởi nhiều bộ, ngành ở Nhật Bản nhằm phát triển cơ sở hạ tầng không gian mạng, công nghệ lượng tử, đảm bảo an ninh cho một xã hội số, sử dụng trí tuệ nhân tạo và Robot trong cuộc sống của người dân. Năm 2021, Chính phủ Nhật Bản thành lập Cơ quan Số (Digital Agency) để tập trung nguồn ngân sách nhà nước cho việc phát triển công nghệ thông tin và đề xuất các sáng kiến cải tiến phát triển số hóa nền kinh tế.
Năm 2018, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (Japan’s Financial Services Agency - JFSA) đã thành lập Fintech Innovation Hub, phát triển các cơ chế thử nghiệm (Sandbox) và phòng thí nghiệm hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy và phát triển các sản phẩm mới của chuyển đổi ngân hàng số. Chính phủ Nhật Bản ưu tiên cho các định chế tài chính áp dụng tự động chuyển đổi hóa quy trình bằng Robot để thực hiện các nghiệp vụ back-office của các định chế tài chính như lập báo cáo tài chính, sàng lọc thông tin khách hàng phục vụ cho việc cấp các khoản vay, nhận biết khách hàng, tìm kiếm gian lận trong giao dịch. Bên cạnh đó, các định chế tài chính cũng được Chính phủ Nhật Bản khuyến khích sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự động đánh giá rủi ro tín dụng, tìm kiếm gian lận trong giao dịch, tư vấn chăm sóc khách hàng và phân tích xu hướng giao dịch.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, các chính sách của Chính phủ Nhật Bản tập trung khuyến khích chuyển đổi tài chính số hướng tới phục vụ số đông, xem tài chính số là công cụ để gia tăng sự hài lòng của khách hàng và phúc lợi xã hội cho nền kinh tế. Theo đó, các chính sách tập trung vào việc phát triển một xã hội 5.0 trong tương lai, xây dựng nền tảng dữ liệu phục vụ toàn xã hội, hiện thực hóa việc chuyển đổi số thông qua rót vốn đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển mang tính đột phá, phát triển tài năng sáng tạo số, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thích hợp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích khu vực tư nhân áp dụng các công nghệ tiên tiến. Một trong những chính sách được chú trọng nhất đó là Chiến lược Cải tiến Tích hợp (Integrated Innovation Strategy) được thực thi từ năm 2021 với mục tiêu khuyến khích thành lập các trung tâm dữ liệu thế hệ mới, phát triển sản xuất cho các công nghệ bán dẫn tiên tiến, khuyến khích các trường đại học tham gia vào các chiến lược trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học. Riêng về mảng tài chính - ngân hàng, Chính phủ Nhật Bản thực hiện cơ chế quản lý giám sát cả các nền tảng giao dịch đặc biệt đối với các giao dịch chuyển tiền, tạo cơ chế linh hoạt để thu hút các chủ thể công nghệ mới gia nhập ngành tài chính. Chính phủ cũng ban hành hàng loạt các quy định để quản trị rủi ro mạng trong hoạt động của các doanh nghiệp tài chính, trong đó phải kể đến chính sách Bức tường Delta V (Delta Wall V) được triển khai từ năm 2020. Với sự tham gia của 110 định chế tài chính trong nước, chính sách này nhằm cải thiện khả năng đối phó với các rủi ro trong ngành tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến an ninh mạng với ba trụ cột là Tự hỗ trợ (Self-help), Hỗ trợ lẫn nhau (Mutual Assistance), Hỗ trợ công cộng (Public Assistance).
Bên cạnh việc ban hành các chính sách cho các đối tượng khác, Chính phủ Nhật Bản còn chú trọng chuyển đổi số cho chính hoạt động quản lý của mình thông qua số hóa các dịch vụ Chính phủ để hướng tới một Chính phủ điện tử và phát triển các SupTech (Technology for Supervisory Oversight) phục vụ giám sát quản lý. Nhật Bản cũng áp dụng công nghệ Blockchain như tài sản mã hóa hay các loại tiền ảo để thực hiện việc quản lý phi tập trung của ngân hàng trung ương.
2.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, chuyển đổi ngân hàng số được thực hiện từng bước một và song song với sự hoàn thiện khung chính sách pháp luật về ngân hàng số.
Năm 2015, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc và Dịch vụ Giám sát Tài chính Hàn Quốc thông báo thực hiện kế hoạch toàn diện nhằm hỗ trợ tích hợp tài chính và công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi ngân hàng số tại quốc gia này. Chính phủ Hàn Quốc thực hiện hướng tiếp cận 02 giai đoạn trong quá trình chuyển đổi ngân hàng số. Theo đó, giai đoạn 1 thực hiện thí điểm hai ngân hàng số là K Bank và Kakao Bank; giai đoạn 2 cấp phép cho các loại ngân hàng số khác nhau sau khi sửa đổi Đạo luật Ngân hàng (Bank Act).
Hệ thống chính sách tổng quát để điều hành chuyển đổi ngân hàng số ở Hàn Quốc được chia thành bốn nhóm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về dịch chuyển mô hình quản lý, Chính phủ Hàn Quốc giảm thiểu tối đa những quy định trước khi giao dịch tài chính (‘Ex-ante’ regulations) thay vào đó khuyến khích các doanh nghiệp tài chính tự chịu trách nhiệm về việc thẩm định khách hàng và tự phát triển quy trình hoặc cơ chế kiểm tra nội bộ của mình; khuyến khích các doanh nghiệp phi tài chính tham gia vào thị trường và hợp tác với các doanh nghiệp tài chính để phục vụ tốt hơn cho khách hàng.
Thứ hai, về các giao dịch tài chính trực tiếp, Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding), xây dựng môi trường để các doanh nghiệp tài chính đặc biệt là các doanh nghiệp phát hành thẻ sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) đặc biệt phát hành thẻ di động cho khách hàng thay vì phát hành thẻ nhựa như hiện nay.
Thứ ba, về hỗ trợ ngành tài chính công nghệ, Chính phủ Hàn Quốc chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thành lập Trung tâm Hỗ trợ Tài chính công nghệ (Fintech Support Center) nhằm tư vấn và tài trợ vốn cho các công ty thuộc lĩnh vực Fintech. Các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech cũng được nhận vốn tài trợ từ Chính phủ Hàn Quốc thông qua các ngân hàng chính sách với tổng ngân sách 200 nghìn tỷ won. Những doanh nghiệp tài chính điện tử khi gia nhập vào thị trường sẽ được giảm 50% vốn yêu cầu tối thiểu, những doanh nghiệp có quy mô nhỏ còn nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ khi gia nhập.
Thứ tư, về an ninh tài chính bảo vệ khách hàng, Chính phủ Hàn Quốc phát triển hệ thống an ninh dữ liệu, ban hành các đạo luật về an ninh và bảo vệ dữ liệu, tăng cường giám sát các giao dịch tài chính trực tuyến.
Nhằm khuyến khích các ngân hàng thực hiện chuyển đổi số, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện việc nới lỏng những yêu cầu trong hoạt động của ngân hàng số, cụ thể: Các ngân hàng số chỉ cần đáp ứng những tiêu chuẩn hoạt động theo Hiệp ước vốn Basel I trong khi các ngân hàng thương mại thông thường phải đáp ứng những tiêu chuẩn hoạt động theo Hiệp ước vốn Basel III; tỷ lệ bảo hiểm thanh khoản của các ngân hàng số là 60% trong khi của các ngân hàng thương mại phải là 100%. Bên cạnh đó, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc cũng ban hành Đạo luật đặc biệt về ngân hàng số, trong đó nêu rõ những ưu tiên cho ngân hàng số, như: Các cổ đông là các doanh nghiệp phi tài chính được phép nắm giữ tối đa 34% cổ phần của các ngân hàng số (tỷ lệ này chỉ là 4% đối với các ngân hàng thông thường); được cung cấp các sản phẩm dịch vụ giống như các ngân hàng thương mại thông thường; được phép thuê ngoài về lĩnh vực công nghệ thông tin; được phép ấn định giá cho các sản phẩm dịch vụ của mình, ví dụ như có thể áp dụng lãi suất tiền gửi cao và lãi suất cho vay thấp để thu hút khách hàng.
2.3. Kinh nghiệm của Singapore
Để có cơ sở hạ tầng số phục vụ cho chuyển đổi ngân hàng số, Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore), Văn phòng Quốc gia thông minh và Chính phủ điện tử (Smart Nation and Digital Government Group) đã thành lập Sàn giao dịch Dữ liệu tài chính Singapore (Singapore Financial Data Exchange) năm 2020. Sàn giao dịch này là cơ sở hạ tầng số công cộng đầu tiên trên thế giới, cho phép người dân Singapore tích hợp thông tin tài chính của họ nhằm có những kế hoạch tài chính hiệu quả hơn. Thông qua Sàn giao dịch, các cá nhân có thể sử dụng SingPass (Singapore Personal Access) để trích xuất những thông tin tài chính như các khoản tiền gửi, thẻ tín dụng, các khoản vay và các khoản đầu tư từ các định chế tài chính trên thị trường. Bên cạnh đó, các định chế tài chính cũng có thể cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng thông qua Sàn giao dịch Dữ liệu tài chính này. Toàn bộ những thông tin khi đi qua Sàn sẽ được mã hóa để đảm bảo an ninh dữ liệu cho các bên liên quan.
Cơ quan Tiền tệ Singapore cũng kết hợp với các ngân hàng lớn cho ra mắt nền tảng số Hợp tác chia sẻ thông tin về các vụ việc rửa tiền và tài trợ khủng bố (Collaborative Sharing of Money Laundering/Terrorism Financing Information and Cases - COSMIC). Nền tảng COSMIC hoạt động dưới sự quản lý của Cơ quan Tiền tệ Singapore nhằm cảnh báo những giao dịch tài chính vượt ngưỡng quy định, ngăn chặn việc truy cập dữ liệu tài chính trái phép với mục tiêu chính là ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Bên cạnh đó, Cơ quan Tiền tệ Singapore kết hợp với các Bộ để thí điểm bốn nền tảng số phục vụ dữ liệu cho phát triển tài chính xanh, bao gồm:
(i) Greenprint Common Disclosure Portal, liên kết với Sàn giao dịch Singapore giúp các nhà đầu tư quốc tế và các định chế tài chính sử dụng như là một cơ chế giám sát và quản trị nội bộ về môi trường, xã hội và quản trị (Environment, Social and Governance - ESG); (ii) Greenprint Data Orchestrator, tổng hợp dữ liệu bền vững từ nhiều nguồn khác nhau phục vụ cho việc đưa ra các quyết định đầu tư và tài trợ của khách hàng; (iii) Greenprint ESG Registry, cung cấp dữ liệu đã được kiểm định bởi các công ty kiểm toán thứ ba giúp các định chế tài chính, doanh nghiệp và cơ quan quản lý truy cập vào nguồn dữ liệu có mức độ tin cậy cao; (iv) Greenprint Marketplace, liên kết với Sàn giao dịch Giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface - API), kết nối những nhà cung cấp công nghệ xanh ở Singapore với cộng đồng các nhà đầu tư, các định chế tài chính để thúc đẩy hợp tác, cải tiến và đầu tư vào công nghệ xanh.
Cơ quan Tiền tệ Singapore còn có những chính sách tài trợ nhằm khuyến khích chuyển đổi ngân hàng số, như: Chương trình Tài trợ tăng tốc số áp dụng cho các định chế tài chính quy mô nhỏ và các công ty tài chính công nghệ có áp dụng giải pháp số để tăng năng suất, tăng cường hoạt động và quản trị rủi ro, phục vụ khách hàng tốt hơn; Chương trình tài trợ vốn tối đa 70% chi phí hoạt động cần thiết cho chuyển đổi số của các chủ thể với thời gian tối đa là 02 năm. Ngoài ra, còn có Chương trình “Tài trợ giải pháp năng suất” nhằm hỗ trợ các định chế tài chính có quy mô nhỏ áp dụng những giải pháp hay trang thiết bị số để tăng năng suất, Chương trình tài trợ vốn tối đa 30% chi phí hoạt động cần thiết cho việc chuyển đổi số trong thời gian 03 năm.
Tại Singapore có hai loại hình ngân hàng số là Ngân hàng số toàn bộ (Digital Full Bank) và Ngân hàng số bán buôn (Digital Wholesale Bank). Các ngân hàng số khi thành lập cần trải qua những thử thách về hoạt động mà Cơ quan Tiền tệ Singapore đưa ra như yêu cầu về vốn, quản trị rủi ro, xử lý sự cố... Sau một thời gian, Cơ quan Tiền tệ Singapore sẽ thực hiện đánh giá và cho phép cung cấp đầy đủ các giao dịch của một ngân hàng số theo quy định của tổ chức này.
2.4. Kinh nghiệm của Trung Quốc
Về cơ sở hạ tầng số, Trung Quốc đặt kế hoạch thực hiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng và bảo hiểm theo giai đoạn 03 năm một, gần nhất là giai đoạn 2022 - 2025 và chú trọng gắn liền chuyển đổi tài chính số với phát triển bền vững. Cụ thể, mục tiêu về cơ sở hạ tầng số của Trung Quốc đến năm 2025 là xây dựng được các trung tâm và hệ thống dữ liệu xanh để cung cấp nền tảng số mạnh mẽ cho cải tiến và phát triển tài chính số; xây dựng mạng lưới tài chính bảo mật và rộng rãi áp dụng 5G, công nghệ NarrowBand - IoT và nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến để phục vụ cho các dịch vụ tài chính; xây dựng hệ thống máy tính tiên tiến và hiệu quả để chuyển đổi sang cấu trúc phân tán tạo thành mạng lưới phục vụ cho các hoạt động cần thiết.
Để phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Chính phủ Trung Quốc xây dựng hệ thống dịch vụ vận hành số, chú trọng cơ chế quản trị vận hành trực tuyến, tăng cường khả năng kiểm soát rủi ro số và xây dựng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với việc chuyển đổi số cũng như phát triển các nền tảng quản trị rủi ro ở cấp độ doanh nghiệp với nhau. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cũng được chú trọng phát triển, cụ thể, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu, trong đó tối đa hóa kiến trúc dữ liệu và khả năng tích lũy tài sản dữ liệu; xây dựng các nền tảng dữ liệu lớn ở mức độ doanh nghiệp có tích hợp dữ liệu nội bộ và dữ liệu bên ngoài, đồng thời có thể chia sẻ được dữ liệu toàn cầu.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn ban hành chính sách điều hành và hỗ trợ đối với chuyển đổi số ngành Ngân hàng để: (i) Khuyến khích các định chế tài chính sử dụng công nghệ số để chuyển đổi và nâng cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng truyền thống; (ii) Khuyến khích thành lập các công ty công nghệ số để đáp ứng nhu cầu tài chính và đầu tư của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ; (iii) Khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu chuyên về tài chính số để xây dựng nền tảng trao đổi thông tin tài chính số; (iv) Khuyến khích xây dựng cơ sở hạ tầng tín dụng và hệ thống dịch vụ tài chính số như lưu trữ Big Data và đảm bảo an ninh thông tin; (v) Khuyến khích xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu tín dụng để các định chế tài chính truy cập vào nhằm xếp hạng tín dụng tài chính số cũng như tăng cường tính minh bạch của thông tin tài chính. Thêm vào đó, Chính phủ Trung Quốc cũng áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế và tài trợ cho những dự án trọng điểm liên quan đến chuyển đổi tài chính số.
Trong việc giám sát quản lý các hoạt động của chuyển đổi ngân hàng số, Chính phủ Trung Quốc xác định, tài chính số về bản chất vẫn là tài chính nên không tránh khỏi những hạn chế như việc che giấu rủi ro tài chính hay ảnh hưởng lẫn nhau trong hệ thống tài chính. Do đó, cần chú trọng tăng cường kiểm soát tài chính số thông qua việc xây dựng các cơ chế sàng lọc rủi ro thanh toán trực tuyến; yêu cầu các hoạt động tài trợ vốn phải được thực hiện thông qua các nền tảng nhất định và chỉ áp dụng với quy mô nhỏ cũng như phải thông qua các trung gian tài trợ vốn. Tuy nhiên, vì hiện tại Trung Quốc vẫn đang khuyến khích sự phát triển của chuyển đổi tài chính số nên cũng có quan điểm cho rằng các chính sách kiểm soát cần ở mức độ ôn hòa, có phân loại rõ ràng, có tính hợp tác và cải tiến. Trên phương diện là nhà quản lý, Chính phủ Trung Quốc xác định những khía cạnh cần can thiệp sâu trong việc quản lý chuyển đổi tài chính số đó là bảo toàn vốn và bảo vệ khách hàng, bảo vệ an toàn thông tin và ngăn chặn các hoạt động rửa tiền và tội phạm tài chính.
Hình 1: Những vấn đề các ngân hàng cần ưu tiên khi chuyển đổi số
Nguồn: Báo Tri thức trẻ
3. Hàm ý chính sách cho Việt Nam
3.1. Thực tế chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam hiện nay
Với quan điểm chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là đối với ngành tài chính, ngân hàng, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như hoàn thiện quy định, quy trình nhằm xây dựng và phát triển việc chuyển đổi số trong hoạt động của mình. Cách mà các ngân hàng ở Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số là tự đổi mới, bắt tay với công ty công nghệ hoặc tăng cường hợp tác với Fintech để nhanh chóng tận dụng thế mạnh của đôi bên.
Theo kết quả khảo sát vào tháng 9/2020 của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 95% ngân hàng đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số (Hình 2).
Hình 2. Mức độ nghiên cứu, triển khai chiến lược chuyển đổi số của các NHTM Việt Nam
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tháng 9/2020
Mỗi một ngân hàng cũng lựa chọn cho mình một mô hình chuyển đổi số riêng, tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh và các nguồn lực tiềm năng (Hình 3). Trong chiến lược chuyển đổi số, đa số các ngân hàng (khoảng 88%) đều lựa chọn chuyển đổi số cả kênh giao tiếp khách hàng (front-end) và nghiệp vụ nội bộ (back-end) hoặc số hóa toàn bộ; số ít ngân hàng (6%) dự kiến chỉ số hóa kênh giao tiếp khách hàng (front-end only).
Hình 3. Số liệu các ngân hàng thực hiện mô hình chuyển đổi số ở Việt Nam
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tháng 9/2020
Hiện tại, phần lớn các NHTM ở Việt Nam đang áp dụng công nghệ số vào các giao dịch ngân hàng truyền thống, cũng có một số ngân hàng xây dựng mảng ngân hàng số thuần túy độc lập với hoạt động của ngân hàng truyền thống như Timo của NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, LiveBank của NHTM cổ phần Tiên Phong..., hoặc một số ngân hàng hợp tác với các công ty tài chính công nghệ hay công ty công nghệ như NHTM cổ phần Công thương Việt Nam kết hợp với Opportunity Network trong cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp, NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam liên kết với M_Service trong thanh toán...
Tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam cũng tăng nhanh chóng trong những năm qua. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số chỉ khoảng 41% tuy nhiên đến năm 2021 thì con số này đã lên đến 82%, so với 4 tháng đầu năm 2020 thì số lượng giao dịch ngân hàng trực tuyến tăng 66% (Samaya, 2021). Bên cạnh đó, tỷ lệ gia nhập thị trường của công nghệ tài chính và ví điện tử cũng tăng mạnh, từ 40% năm 2017 lên 56% năm 2021 (Samaya, 2021).
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu nhưng bên cạnh những cơ hội, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng ở Việt Nam cũng đặt ra một số vấn đề đòi hỏi cần tiếp tục có sự nghiên cứu để hoàn thiện, đó là:
Thứ nhất, hành lang pháp lý cho các hoạt động của ngân hàng số chưa hoàn thiện và đồng bộ, cũng như chưa theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ số, dẫn đến việc các ngân hàng hay công ty công nghệ tài chính chưa sẵn sàng đầu tư và áp dụng công nghệ hiện đại.
Thứ hai, hạn chế về mặt dữ liệu là sự cản trở lớn nhất trong việc chuyển đổi số ngành Ngân hàng tại Việt Nam. Thực tế hiện nay tại Việt Nam cho thấy, hệ thống dữ liệu phục vụ cho việc chuyển đổi số chưa đồng nhất và chưa có sự kết nối giữa các bên liên quan với nhau (Khuê Nguyễn, 2022).
Thứ ba, cơ sở hạ tầng như hệ thống an ninh thông tin, hệ thống sàng lọc rủi ro, cơ chế quản trị rủi ro cũng như ngăn chặn gian lận, rửa tiền trong giao dịch ngân hàng số chưa đảm bảo, dẫn đến tâm lý khách hàng vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt hoặc đến giao dịch tại quầy nhiều hơn. Cụ thể, khoảng 73% người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng đa kênh ngân hàng, tức là khách hàng đang kết hợp cả dịch vụ ngân hàng số và ngân hàng truyền thống (Samaya, 2021). Mặc dù tỷ lệ các ngân hàng Việt Nam đã và đang thực hiện chuyển đổi số là khá cao, nhưng cũng chỉ ở mức cơ bản tức là mới số hóa ở các sản phẩm và dịch vụ cơ bản như mở tài khoản, chuyển và rút tiền còn những sản phẩm dịch vụ của bộ phận back-office như nhận biết khách hàng và thẩm định khoản vay chưa được số hóa mạnh mẽ.
Thứ tư, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng không phân phối đồng đều giữa các vùng miền tại Việt Nam, một thực tế đang tồn tại đó là tỷ lệ bao phủ các chi nhánh ngân hàng tại vùng cao vùng xa thấp hơn rất nhiều so với ở các thành phố hoặc nơi đông dân cư. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng như Internet và các thiết bị di động không bao phủ đến các vùng có điều kiện khó khăn, gây ảnh hưởng đến khả năng triển khai chuyển đổi số ngành Ngân hàng ở những vùng miền đó.
Thứ năm, nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng vẫn còn thiếu hụt, lực lượng lao động hiện tại của ngành Ngân hàng truyền thống hay về mặt công nghệ riêng lẻ chưa đáp ứng tốc độ phát triển cũng như nhu cầu của công cuộc chuyển đổi số hiện nay tại Việt Nam.
3.2. Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Xuất phát từ kinh nghiệm quản lý chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng của bốn quốc gia châu Á nghiên cứu ở trên và những hạn chế còn tồn tại trong công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng của Việt Nam hiện nay, bài viết đề xuất một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và những quy định rõ ràng, cụ thể về cơ chế hoạt động và tổ chức điều hành đối với ngân hàng số, cần thiết phải xây dựng cơ chế đặc thù cho hoạt động của ngân hàng số; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc phát triển ngân hàng số và thúc đẩy hợp tác giữa ngân hàng với các công ty công nghệ.
Thứ hai, cần hoàn thiện và xây dựng cơ sở hạ tầng mạng và điện tới những vùng có điều kiện khó khăn như vùng sâu, vùng xa của đất nước để tăng cường phân phối sản phẩm dịch vụ giữa các vùng miền; khuyến khích các ngân hàng tăng cường sự hiện diện tại các vùng này, đồng thời có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ để phát triển mạng lưới ngân hàng cũng như các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng số tại đây.
Thứ ba, cần có chính sách khuyến khích các trường đại học tham gia vào các chiến lược trí tuệ nhân tạo như kinh nghiệm của Nhật Bản để thúc đẩy xây dựng khung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển số của xã hội; hỗ trợ khuyến khích các trường đang đào tạo về ngành Ngân hàng truyền thống bổ sung và cập nhật chương trình về ngân hàng số để cung cấp nguồn lao động cần thiết cho nhu cầu hiện nay của xã hội; chủ động thuê ngoài nguồn nhân lực chất lượng cao về đào tạo hoặc tham gia vào giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Thứ tư, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số về cơ sở dữ liệu, vấn đề an ninh thông tin và rủi ro giao dịch, Ngân hàng Nhà nước cần:
- Liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; nhanh chóng tích hợp các thông tin tài chính và thông tin cá nhân của công dân, thành lập sàn giao dịch dữ liệu tài chính như quốc gia Singapore đã áp dụng để có thể có được nguồn Big Data, có khả năng kết nối và chia sẻ rộng rãi mà vẫn đảm bảo tính bảo mật an toàn thông tin để phục vụ cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng số.
- Hệ thống hóa các cơ chế sàng lọc rủi ro, xây dựng cơ chế sàng lọc rủi ro chuyên biệt cho ngân hàng số, tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng chính sách ba trụ cột của Bức tường Delta V nhằm kết nối các tổ chức tín dụng tham gia để đối phó với các rủi ro tài chính, hoặc nền tảng số về chia sẻ thông tin phòng chống rửa tiền của Singapore để cảnh báo các giao dịch tài chính vượt ngưỡng quy định, ngăn chặn việc truy cập dữ liệu công dân trái phép cũng như khuyến khích các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như kinh nghiệm của Trung Quốc xây dựng cơ chế quản trị rủi ro nội bộ để phòng ngừa rủi ro trong giao dịch ngân hàng số.