Quỳnh Lưu là huyện đầu phía Bắc của tỉnh Nghệ An vốn có truyền thống hiếu học bao đời nay, những năm qua, lại được chương trình cho vay học sinh, sinh viên do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức thực hiện đã giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, chăm lo chu đáo việc học tập của con em, góp phần quan trọng vào kết quả công tác đào tạo nguồn nhân lực cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tăng thêm lòng tin của nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với Đảng, Nhà nước và đã chắp cánh ước mơ cho hàng nghìn học sinh, sinh viên ở vùng đất hiếu học Quỳnh Lưu vượt qua khó khăn, thực hiện ước vọng của tuổi trẻ làm công dân hữu ích cho xã hội.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quỳnh Lưu giao dịch với người dân tại điểm giao dịch xã
Lan tỏa tinh thần hiếu học đến từng xã
Làng Quỳnh, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tuy nghèo nhưng rất hiếu học, đến nay có 3 Viện sĩ, 13 Giáo sư, 30 Tiến sĩ và hơn 1.000 cử nhân nên đã được mệnh danh là “làng Tiến sĩ”. Từ truyền thống khoa bảng của cha ông trước đây, lớp con cháu làng Quỳnh hôm nay tiếp tục theo gương đạo học, thành nhân, thành tài, góp phần xây dựng quê hương ngày càng trù phú, rộng mở. Đặc biệt hơn 10 năm qua, nhờ được tiếp cận thuận lợi tới nguồn vốn chính sách, phong trào học tập nơi đây đã sôi nổi lại càng diễn ra sôi nổi hơn và thu kết quả to lớn.
Còn ở xóm 5 nghèo khó nhất của xã miền núi Quỳnh Tân với đất đai khô cằn, đời sống nhân dân vô cùng gian nan, thiếu thốn bộn bề. Nhưng với các chương trình dự án, nhất là với nguồn vốn chính sách, người dân có cơ hội vươn lên phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, con em họ có điều kiện vượt qua khó khăn, nỗ lực chăm chỉ học hành để giờ đây, quê hương khởi sắc, sự hiếu học ấy đạt kết quả, góp phần thay tên “xóm nghèo” thành “xóm giàu”, “xóm đại học”.
Gia đình ông Nguyễn Đình Tâm là gương sáng về sự vượt khó và hiếu học. Nhà đông con, hoàn cảnh thuộc diện khó khăn nhưng vợ chồng ông Tâm đã gắng sức làm ruộng, trồng rừng và sử dụng tiết kiệm, hợp lý đồng vốn vay của NHCSXH nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.
Hiện nay, gia đình ông có 2 kỹ sư, 1 cử nhân. Đó là 3 sinh viên Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Đình Trung, Nguyễn Đình Bảo đã lần lượt tốt nghiệp xuất sắc tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và Đại học Công nghiệp Hà Nội, giờ đây đã có việc làm, thu nhập ổn định và gửi tiền về quê giúp bố mẹ trả hết nợ chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH với tổng số tiền là 44,5 triệu đồng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Tân Nguyễn Thành Tâm cho biết: Là một xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng phong trào học tập ở đây phát triển rất mạnh, nhất là ở xóm 5 luôn dẫn đầu về số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng và đóng góp khá nhiều cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ có nghề nghiệp vững vàng và sự nhiệt tâm với quê hương, đất nước.
Kết quả đạt được bởi có sự hỗ trợ quan trọng, thiết thực của nguồn vốn chính sách. Hiện nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đạt trên 20 tỷ đồng, trong đó riêng chương trình cho vay học sinh, sinh viên chiếm 12% tổng dư nợ với gần 6.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chính sách thực hiện ước mơ của tuổi trẻ nơi giảng đường đại học.
Hộ vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên Nguyễn Đình Tân ở "xóm đại học" xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
Vun đắp ước mơ giữa miền núi
Thực tế cho thấy, Quỳnh Lưu là một trong những huyện có dư nợ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên cao của tỉnh Nghệ An. Phong trào học tập đã lan tỏa khắp toàn huyện, từ miền núi đến vùng biển. Với địa bàn rộng, chia cắt, NHCSXH huyện Quỳnh Lưu thường xuyên phải cố gắng trước mọi áp lực với khối lượng công việc lớn cho vay hàng trăm nghìn món.
Thế nhưng NHCSXH huyện Quỳnh Lưu luôn nêu cao trách nhiệm làm “điểm tựa” chuyển tải nguồn vốn chính sách đến những gia đình nghèo hiếu học. Những người làm tín dụng nơi đây luôn nỗ lực, tận tâm, phối hợp hiệu quả với chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng cho vay học sinh, sinh viên.
Cùng với đó, NHCSXH huyện Quỳnh Lưu thường xuyên tổ chức tập huấn cơ chế, chính sách cho vay học sinh, sinh viên. Thực hiện công khai quy trình, thủ tục cho vay trực tiếp, an toàn trong mọi lúc ở mọi nơi, kể cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; Bên cạnh đó, NHCSXH huyện Quỳnh Lưu phối hợp với các cơ quan truyền thông phổ biến sâu rộng nội dung chính sách cho vay đến Nhân dân, đồng thời cùng các cấp, ngành vừa phối hợp thực hiện, vừa giám sát lẫn nhau, bảo đảm việc vay vốn được dân chủ, công khai, công bằng.
Năm học mới đã đến với những cánh cửa rộng mở từ các trường đại học, cao đẳng đón chờ con em nông dân xứ Nghệ. NHCSXH huyện Quỳnh Lưu nói riêng, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An nói chung sẽ tiếp tục đồng hành với những gia đình nghèo hiếu học, để nguồn vốn chính sách từ chương trình nhân văn này làm “điểm tựa” cho hàng trăm, hàng nghìn học sinh, sinh viên chắp cánh ước mơ bay cao, bay xa, tạo nguồn nhân lực dồi dào cho quê hương, đất nước.
Hữu Thịnh, Minh Dư ( Hà Nội)