Kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế nước ta phục hồi tích cực trong điều kiện các hạn chế về đại dịch Covid-19 được nới lỏng và các chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng rãi. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tạo cơ hội cho kinh tế của các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng phục hồi và phát triển trong năm 2022.
Với chủ đề năm 2022: “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, ngay từ đầu năm, các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước thành phố Đà Nẵng năm 2022, tập trung triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng đặc biệt chú ý đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm ưu tiên phục hồi các ngành như: Dịch vụ du lịch; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động xây dựng; đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Kết quả đạt được là kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và dần lấy lại đà phát triển trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian qua thể hiện thành công lớn của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng trước những nỗ lực khôi phục kinh tế, kiềm chế lạm phát. Thành phố Đà Nẵng đạt được những thành quả trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và nhân dân thành phố Đà Nẵng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Cùng với sự phục hồi và phát triển của thành phố Đà Nẵng, hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng đã đạt được những thành tích khả quan trong các mặt công tác quản lý, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng thực sự là bạn đồng hành của các thành phần doanh nghiệp và của mọi tầng lớp nhân dân.
Sự phát triển của nền kinh tế liên quan chặt chẽ đến hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tín dụng (TCTD) và vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh thành phố Đà Nẵng. Trong điều kiện hiện nay, hầu hết nhu cầu vốn của nền kinh tế đều dựa vào thị trường tiền tệ mà hoạt động ngân hàng đóng vai trò nòng cốt. Nhận thức được vấn đề này, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, thời gian qua, NHNN Chi nhánh thành phố Đà Nẵng đã tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước, định hướng và giám sát hoạt động của NHTM, trên cơ sở đó các NHTM thực hiện đúng đắn các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Nhờ vậy, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi từ sự hoạt động nghiêm túc, có chất lượng của hệ thống ngân hàng.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện với số lượng hệ thống các TCTD ngày càng nhiều, phát triển đa dạng về loại hình và hình thức sở hữu với 15 chi nhánh NHTM nhà nước và cổ phần nhà nước chi phối, 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 36 chi nhánh NHTM cổ phần, 02 chi nhánh ngân hàng liên doanh, 05 chi nhánh 100% vốn nước ngoài, 03 chi nhánh TCTD phi ngân hàng. Song song với việc phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động của các TCTD cũng phát triển tương xứng. So với cuối năm 2021, nguồn vốn huy động của các TCTD tăng hơn 8% và dư nợ cho vay các thành phần kinh tế tăng hơn 6%. Với vai trò là các định chế tài chính trung gian, hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế thành phố phục hồi, phát triển trong năm qua, và trong những giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế cả nước nói chung, của thành phố nói riêng, hệ thống ngân hàng cũng tích cực đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.
Điểm nổi bật trong thời gian qua là các NHTM đã không ngừng hiện đại hóa các dịch vụ ngân hàng điện tử, hàng loạt dịch vụ dựa trên công nghệ thông tin hiện đại như Home Banking, Mobile Banking, Internet Banking, ngân hàng 24/24h... đã và đang trở nên phổ biến hơn đối với người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tính đến cuối năm 2022, các NHTM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã lắp đặt, đưa vào sử dụng 558 ATM. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng đã triển khai được một số hoạt động theo Đề án “Nâng cao nhận thức và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Các chi nhánh TCTD đã tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, số lượng các đơn vị chấp nhận thanh toán, các phương thức thanh toán qua QR Code, ví điện tử tăng mạnh so với năm trước. Mặt khác, hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng cũng thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả. Hoạt động giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, điện tử hóa quy trình, các thành phần hồ sơ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và tăng năng suất lao động.
Bên cạnh bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả, hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng cùng với các cấp chính quyền địa phương, các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể… tích cực góp phần thực hiện thành công các chương trình kinh tế của thành phố, các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực với dư nợ đến nay đạt hơn 73.434 tỷ đồng, chiếm 35% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 9.355 tỷ đồng, cho vay lĩnh vực xuất khẩu 3.861 tỷ đồng, cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ 1.399 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 58.796 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 23 tỷ đồng.
Hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng đã và đang thực hiện các giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Nổi bật trong đó là việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Doanh số hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt hơn 334 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 309 tỷ đồng. Sau hơn nửa năm triển khai thực hiện, các NHTM đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ lãi suất như NHTM cổ phần Công thương Chi nhánh Đà Nẵng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Nam Đà Nẵng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Đà Nẵng, NHTM cổ phần Á Châu Chi nhánh Đà Nẵng, Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Indovina Chi nhánh Đà Nẵng. Kết quả hỗ trợ lãi suất của các NHTM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bước đầu vẫn còn nhiều vướng mắc cần khắc phục, nhưng được sự chỉ đạo sâu sát của NHNN Chi nhánh thành phố Đà Nẵng và Hội sở các NHTM đồng hành tháo gỡ khó khăn giúp các NHTM trên địa bàn tiếp tục tích cực triển khai rà soát các đối tượng khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Chính phủ và NHNN để gói hỗ trợ lãi suất được thực hiện một cách có hiệu quả, đúng với chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng cũng tiếp tục tập trung đáp ứng nguồn vốn cho người dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là các dự án phục vụ sản xuất, kinh doanh có khả năng phục hồi sau dịch. Trong năm 2022, căn cứ vào khả năng tài chính, các NHTM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng khó khăn. Tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế đạt 23.122 tỷ đồng với 9.711 khách hàng. Tổng giá trị nợ đã được miễn giảm lãi lũy kế 4.385 tỷ đồng, số tiền lãi được giảm là 28 tỷ đồng với 927 khách hàng. Doanh số cho vay mới lũy kế đạt 342.198 tỷ đồng, số dư nợ 24.590 tỷ đồng với 9.353 khách hàng còn dư nợ.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ kinh doanh, hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng luôn ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng trong công tác an sinh xã hội và hưởng ứng tích cực các sự kiện văn hóa của thành phố. Trong năm 2022, hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thăm hỏi, trao quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ học bổng khuyến học, xây tặng nhiều nhà tình nghĩa, tình thương cho cộng đồng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà thành phố Đà Nẵng đã đề ra trong bối cảnh hiện nay, hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát các mặt hoạt động ngân hàng trên địa bàn; đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng an toàn và hiệu quả; mở rộng cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn ở mức dưới 3%, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Ngân hàng của Chính phủ; đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa hệ thống ngân hàng... theo định hướng chung của ngành Ngân hàng trong quá trình hội nhập quốc tế. Khó khăn, thách thức là vậy, nhưng hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng tự hào với những kết quả đã góp phần làm nên thành tích đầy thuyết phục của thành phố Đà Nẵng trong những năm qua. Tự hào với truyền thống vẻ vang của ngành Ngân hàng, tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng sẽ quyết tâm vượt qua mọi thách thức để phát triển vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, để cùng với nhân dân, chính quyền và các doanh nghiệp hòa nhịp với sự phát triển đi lên của thành phố Đà Nẵng, mục tiêu phấn đấu thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung trong thời gian không xa sẽ thành hiện thực.