Năm 2022 là năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 và trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước có nhiều biến động khó lường, áp lực lạm phát tăng cao,... tỉnh Thừa Thiên Huế gặp không ít khó khăn, thách thức trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, đến cuối năm 2022, có 14/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt kế hoạch đề ra, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được duy trì, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2022 đạt mức tăng trưởng khá cao, tăng 8,56% so với năm 2021. Để đạt được những kết quả ấn tượng như vậy, có sự đóng góp đáng kể của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hoạt động ngân hàng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế
Xây dựng mục tiêu hoạt động phù hợp với diễn biến của thị trường
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022; Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2022 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; hệ thống ngân hàng tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mục tiêu hoạt động năm 2022 phù hợp với diễn biến của thị trường và tình hình dịch Covid-19, đảm bảo giữ ổn định thị trường tiền tệ, ngân hàng; phấn đấu tín dụng tăng 14%; kiểm soát nợ xấu đảm bảo ở mức an toàn (dưới 3% tổng dư nợ); đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn.
Để đạt được mục tiêu này, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên chỉ đạo và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) và các doanh nghiệp thuộc đối tượng quản lý trên địa bàn thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN và chính quyền địa phương; chấp hành các quy định về lãi suất, phí, hoạt động ngoại hối và vàng; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đi đôi với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực đẩy mạnh các gói tín dụng thông thường hỗ trợ nền kinh tế; triển khai tích cực các gói chương trình tín dụng ưu đãi, tín dụng chính sách xã hội thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN; triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022của Thủ tướng Chính phủ…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 chi nhánh ngân hàng thương mại, 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), 01 chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị, 07 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); 11 chi nhánh loại 2 thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Thừa Thiên Huế, 95 phòng giao dịch, 141 điểm giao dịch tại xã, phường của NHCSXH, gần 1.210 điểm giới thiệu dịch vụ của 12 công ty tài chính. Mạng lưới hoạt động ngân hàng được phân bố đến 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên mật độ phân bố chưa được đồng đều giữa thành thị và nông thôn.
Hoạt động giao dịch thường ngày tại Phòng giao dịch huyện Phú Lộc của NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế
Vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế
Mức lãi suất trên địa bàn được NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế theo dõi sát sao, kịp thời điều chỉnh theo NHNN. Do vậy, công tác huy động vốn và cho vay luôn được đảm bảo trật tự, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, trên địa bàn không xảy ra tình trạng lôi kéo khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD. Tính đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động tại các TCTD trên địa bàn có mức tăng trưởng khá so với năm 2021, đạt gần 60.457 tỉ đồng (tăng 4.837 tỉ đồng, tương ứng tăng 8,7% so với đầu năm), cho thấy khách hàng luôn tin tưởng vào các chính sách của ngân hàng, lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng như một kênh đầu tư an toàn. Cùng với đó, các TCTD trên địa bàn mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong năm 2022, vốn tín dụng được các TCTD đầu tư đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, tín dụng toàn địa bàn tăng trưởng đều qua các tháng. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đạt 74.273 tỉ đồng (tăng 10.985 tỉ đồng, tương ứng tăng 17,36% so với cuối năm 2021, vượt kế hoạch đề ra).
Hoạt động tín dụng được phân bổ, đầu tư hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế cũng như hỗ trợ khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Với các lĩnh vực ưu tiên theo chính sách của Chính phủ, các TCTD thực hiện cho vay đối với 4/5 lĩnh vực ưu tiên, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên này đều tăng trưởng trong năm 2022. Tính đến cuối năm 2022, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 13.861 tỉ đồng (chiếm tỉ trọng 18,9% tổng dư nợ tín dụng, tăng 15,8% so với cuối năm 2021); tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.593 tỉ đồng, (chiếm tỉ trọng 12,4% tổng dư nợ tín dụng, tăng 19,9% so với cuối năm 2021); tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt 5.057 tỉ đồng (chiếm tỉ trọng 7,2% tổng dư nợ tín dụng, tăng 33,02% so với cuối năm 2021); tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 715 tỉ đồng (tăng 8,38% so với cuối năm 2021).
Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi
Là thành viên trong Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 468/KH-UBND ngày 21/12/2022 về Kế hoạch triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2022, các TCTD trên địa bàn đã tích cực đầu tư vốn tín dụng vào thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương: (i) Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn: Đến cuối năm 2022, doanh số cho vay thực hiện chương trình lũy kế từ đầu năm đạt 4000 tỉ đồng, dư nợ cho vay là 13.500 tỉ đồng (tăng 16% so với đầu năm, chiếm tỉ trọng 16,9% tổng dư nợ toàn địa bàn). Toàn tỉnh có 64 xã/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỉ lệ 68%; (ii) Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững: Nhằm thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch đề ra của tỉnh (chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch đề ra là giảm 0,7 - 0,75%), NHCSXH Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện 22 chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách với tổng dư nợ đến cuối năm 2022 đạt 3.799 tỉ đồng (tăng 17,5% so với đầu năm); (iii) Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Ngay sau khi Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về “Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025” được ban hành, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 8685/UBND-TH ngày 15/8/2022 về triển khai thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Đến ngày 31/12/2022, Chi nhánh NHCSXH đã cho vay 23,8 tỉ đồng, hỗ trợ làm nhà ở cho 600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đạt 100% kế hoạch được giao.
Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, chú trọng công tác chuyển đổi số
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên giám sát, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu, quyết liệt trong thực hiện giải pháp xử lý nợ xấu; tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu bằng các biện pháp như đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ, bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro... Trong năm 2022, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xử lý gần 567,3 tỉ đồng nợ xấu. Tính đến ngày 31/12/2022, nợ xấu tại các TCTD là 450 tỉ đồng, chiếm 0,61% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Công tác chuyển đổi số, TTKDTM trên địa bàn tỉnh cũng được NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế hết sức chú trọng. Sau khi Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 2006/QĐ-NHNN ngày 17/12/2021 và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/01/2022, NHNN Chi nhánh tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 30/KH-TTH ngày 18/01/2022 của hệ thống ngân hàng trên địa bàn triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, tiếp tục triển khai Kế hoạch 385/KH-TTH ngày 14/6/2021 của NHNN Chi nhánh tỉnh “V/v thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tại NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, 100% các dịch vụ công đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% các chế độ, báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của NHNN được ký số và phát hành thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành của NHNN; khoảng 50% hoạt động giám sát được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN; 58% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Các chỉ tiêu khác vẫn đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành đến năm 2025.
Hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Các ngân hàng tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách về miễn giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Phổ biến kiến thức, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thúc đẩy chuyển đổi số và TTKDTM đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Các dịch vụ ngân hàng trên môi trường số cũng như hoạt động thanh toán trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả, thông suốt. 100% các ngân hàng trên địa bàn thực hiện đa kênh cung cấp các dịch vụ thanh toán qua thiết bị POS, QR Code, Mobile Banking, Internet Banking. Một số ngân hàng cho phép thực hiện hoàn toàn trên kênh số đối với các dịch vụ ngân hàng như thanh toán, tiền gửi, tiết kiệm... đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Các TCTD đã triển khai thí điểm giải pháp xác thực khách hàng qua căn cước công dân gắn chíp. Số lượng giao dịch thanh toán qua dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày càng tăng mạnh mẽ. Hệ thống ATM, POS hoạt động ổn định, được các ngân hàng thương mại quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và được phủ sóng đến tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn có 228 ATM và 1.107 POS đang hoạt động, tổng số thẻ đang lưu hành là 1.071.755 thẻ với số món giao dịch qua thẻ lũy kế đạt gần 5,8 triệu món và tổng giá trị giao dịch lũy kế đạt gần 15.370 tỉ đồng.
Khi phối hợp với các sở, ban, ngành, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả triển khai của hệ thống ngân hàng và tham gia các cuộc họp liên quan chuyển đổi số và đề án đẩy mạnh TTKDTM của tỉnh, tham gia thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Trong năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp triển khai và có công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh tham gia ý kiến đối với việc mở rộng địa bàn bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản; thực hiện rà soát nội dung, tham gia nghiên cứu, góp ý triển khai Đề án thúc đẩy TTKDTM của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025...
Những nhiệm vụ, định hướng thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được trên, hoạt động ngân hàng trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, khó khăn cần quan tâm giải quyết như: (i) Công tác tiếp cận thông tin để đầu tư tín dụng đối với các dự án, doanh nghiệp lớn đầu tư trên địa bàn còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn chưa nhiều và chưa phát sinh nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trên địa bàn mặc dù đã tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhưng năng lực tài chính còn yếu, năng lực kinh doanh chưa cao ảnh hưởng đến việc vay thêm vốn mở rộng đầu tư kinh doanh; (ii) Dư nợ đầu tư tín dụng cao hơn tổng nguồn vốn huy động, trong khi vốn huy động trung, dài hạn chiếm tỉ trọng rất nhỏ, đòi hỏi thời gian tới các TCTD trên địa bàn chú trọng công tác huy động vốn nhằm nâng cao khả năng thanh khoản trong dài hạn; (iii) Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn tinh vi, khó lường; một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng số; (iv) Dự báo kinh tế thời gian tới có nhiều diễn biến bất lợi, áp lực lạm phát gia tăng, lãi suất thế giới tiếp tục tăng tạo nhiều khó khăn, thách thức cho ngành Ngân hàng trong việc áp dụng mức lãi suất cho vay phù hợp để thực hiện nhiệm vụ vừa hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023, Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Để triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế chính sách cũng như giải pháp hỗ trợ trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngoại hối nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng phát triển bền vững, an toàn, thúc đẩy hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế địa phương, góp phần thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2023, NHNN Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra các nhiệm vụ sau:
Một là, nghiên cứu, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và giám sát các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, NHNN và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Nắm bắt, tháo gỡ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền liên quan các vướng mắc, khó khăn trong triển khai cơ chế chính sách và báo cáo, đề xuất NHNN Việt Nam sửa đổi cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn. Tham mưu, báo cáo cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các biện pháp quản lý hoạt động của TCTD, giải pháp xử lý những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Chủ động phối hợp các sở, ngành, chính quyền các cấp trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ ngân hàng. Chủ động trao đổi, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp trên địa bàn nhằm thông tin, nắm bắt khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng. Xây dựng kịp thời, triển khai, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, hoạt động, ngân hàng.
Hai là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, triển khai cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trên địa bàn. Xây dựng, điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2023 theo thực tế. Triển khai kế hoạch thanh tra theo nội dung, yêu cầu đã được phê duyệt. Chú trọng, nâng cao chất lượng giám sát an toàn vi mô, kết hợp tăng cường tiếp xúc, làm việc với các TCTD trên địa bàn để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.
Ba là, tăng cường quản lý hoạt động QTDND trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi các QTDND xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai có hiệu quả Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động các QTDND trên địa bàn, đặc biệt là các QTDND yếu kém. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nhằm chủ động phòng ngừa, xử lý sớm các vi phạm pháp luật. Tăng cường tuyên truyền phổ biến các cơ chế chính sách và văn bản chỉ đạo điều hành của Thống đốc NHNN về hoạt động của QTDND.
Bốn là, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh TTKDTM; đảm bảo an toàn công nghệ thông tin và hoạt động thanh toán trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Triển khai có hiệu quả kết hợp phối hợp sở, ban, ngành liên quan trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các đề án, kế hoạch TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, NHNN và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế của NHNN về an toàn bảo mật thông tin./.
Hồng Lâm