Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, sự tác động tiêu cực của cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia lớn, nhất là xung đột Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát gia tăng, giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất liên tục leo thang đã tác động đến đà phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Tuy nhiên, trước khó khăn đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã chủ động, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế địa phương vượt qua khó khăn, duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế. Thị trường tiền tệ, tín dụng trên địa bàn ổn định, đúng định hướng điều hành; vốn huy động và dư nợ tín dụng đều tăng cao so với năm 2021; nguồn vốn ngân hàng đã và đang góp phần quan trọng trong quá trình duy trì, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Trong năm 2022, các ngành, các cấp thành phố Cần Thơ đã quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng và Nhà nước (triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình), xây dựng và triển khai kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế của địa phương, tăng cường thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong năm 2022, việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 và hiệu quả của các chính sách phục hồi kinh tế được phát huy đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Cần Thơ dần khôi phục và phát triển tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 12,64% và có tốc độ tăng đứng vị trí thứ 6 so với 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Đây là một điểm sáng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 31,23% so với cùng kỳ; hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại và không ngừng vượt qua thách thức, khó khăn để tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh, tăng sản xuất và tiêu thụ. Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, một số ngành nghề phục hồi rất nhanh như lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Doanh thu lưu trú, ăn uống tăng hơn 2 lần; doanh thu từ du lịch tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Cần Thơ tăng 42,53%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ vượt 13,15% so với kế hoạch và tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2021... Mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế năm nay của Cần Thơ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đạt được những kết quả tích cực trên không thể không kể đến sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ. Các ngân hàng đã và đang đóng vai trò là huyết mạch của kinh tế địa phương thời gian qua.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ tín dụng theo đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế địa phương
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh thành phố Cần Thơ đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn; đặc biệt là triển khai Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Trong đó, Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng đen.
Hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong năm 2022 tiếp tục được duy trì ổn định và an toàn, đạt kết quả tốt và đúng định hướng điều hành của NHNN. Nguồn vốn huy động tăng khá so với cùng kỳ và cuối năm 2021, đến cuối tháng 11/2022 vốn huy động đạt 102.665 tỷ đồng, tăng 14,63% so với cùng kỳ và tăng 10,43% so với cuối năm 2021. Tín dụng trên địa bàn đã có dấu hiệu tăng ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của kinh tế thành phố so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 11/2022 đạt 139.300 tỷ đồng, tăng 15,49% so với cuối năm 2021 (đây là mức tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế cả nước là 12,14%) đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và kinh tế địa phương phục hồi khả quan. Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công của thành phố gặp khó khăn thì mức tăng trưởng tín dụng thời gian qua đã góp phần đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng kinh tế địa phương. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chiếm 1,65% tổng dư nợ cho vay.
Cùng với việc hỗ trợ tín dụng chung cho các thành phần kinh tế khôi phục và mở rộng sản xuất, kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thế mạnh của địa phương cũng đạt tăng trưởng tốt. Tính đến cuối tháng 11/2022, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 40.552 tỷ đồng, tăng 17,74%; cho vay xuất khẩu đạt 14.743 tỷ đồng, tăng 21,65%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 31.356 tỷ đồng, tăng 8,39%; cho vay thu mua lúa gạo đạt 16.650 tỷ đồng, tăng 34,39%; cho vay thủy sản đạt 10.935 tỷ đồng, tăng 27,49%; cho vay Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 9.819 tỷ đồng, tăng 7,17% so với cuối năm 2021.
Tín dụng chính sách tính đến hết tháng 11/2022 đạt 3.429 tỷ đồng, chiếm 2,46% tổng dư nợ trên địa bàn, tăng 9,34% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay chính sách tập trung ở một số chương trình cho vay như cho vay hộ nghèo 65 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 180 tỷ đồng; cho vay học sinh - sinh viên 420 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 1.098 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 146 tỷ đồng...
Những con số trên đã cho thấy dòng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thời gian qua đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết việc làm, giảm nghèo và xây dựng các xã, huyện nông thôn mới theo chuẩn nâng cao trên địa bàn thành phố, từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố Cần Thơ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2022.
Nỗ lực đưa Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đi vào cuộc sống
Triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN về hướng dẫn ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ luôn chủ động, quyết liệt, kịp thời trong triển khai các chính sách về hỗ trợ lãi suất, với tinh thần luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ đã tổ chức họp triển khai và có văn bản chỉ đạo các NHTM trên địa bàn triển khai ngay, triển khai nghiêm túc chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sau khi có nghị định của Chính phủ và thông tư của Thống đốc NHNN. Theo đó, NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ đã yêu cầu các NHTM chủ động rà soát, tiếp cận khách hàng, đặc biệt là khách hàng có các khoản vay ký kết và giải ngân từ ngày 01/01/2022 thuộc các ngành được hỗ trợ lãi suất để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ đã báo cáo và tham gia đối thoại doanh nghiệp do UBND thành phố tổ chức và triển khai nội dung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN đến lãnh đạo sở, ngành liên quan, đại diện các hiệp hội và 150 doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, Chi nhánh cũng đã làm việc trực tiếp với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp triển khai chính sách hiệu quả.
Để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình triển khai chính sách, Chi nhánh tiếp tục tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP trên địa bàn; phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN tổ chức hội nghị khảo sát, nắm bắt tình hình triển khai hỗ trợ lãi suất trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đồng thời, phối hợp đưa tin về hoạt động ngân hàng, chương trình hỗ trợ lãi suất trên báo Cần Thơ và Đài Truyền hình Cần Thơ nhằm tuyên truyền chính sách, tạo sự quan tâm, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đối với ngành Ngân hàng.
Trong năm 2022, triển khai những nhiệm vụ, giải pháp về chính sách tín dụng tại Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 16/9/2021 của UBND thành phố Cần Thơ về việc phục hồi, phát triển kinh tế tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 02 (giai đoạn 1 từ ngày 16/9/2021 đến cuối năm 2021 và giai đoạn 02 từ ngày 01/01/2022 trở đi), Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 18/02/2022 của UBND thành phố Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ cũng tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 07/9/2021 của Thống đốc NHNN.
Với phương châm chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của mình, các TCTD trên địa bàn đã nỗ lực cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đã đạt được kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho khách hàng trong việc trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện với nhiều ưu đãi để người dân, doanh nghiệp tiếp tục vay mới để duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, duy trì hoạt động tổ hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn thành phố Cần Thơ để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường.
Bằng nhiều hoạt động đồng hành thiết thực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, đến cuối tháng 11/2022, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu và miễn, giảm lãi lũy kế từ ngày 13/3/2020 là 5.648,5 tỷ đồng cho 5.458 khách hàng, doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến cuối tháng 11/2022 đạt 113.169,7 tỷ đồng với 8.613 khách hàng vay còn dư nợ. Sau 06 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đến cuối tháng 11/2022 là 420,75 tỷ đồng, dư nợ cho vay đến ngày 30/11/2022 là 384,82 tỷ đồng với số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 868,03 triệu đồng. Qua đó, đã góp phần đưa Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế của địa phương đi vào thực tế cuộc sống.
Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn
Để thúc đẩy chuyển đổi số và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 15/4/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Các TCTD trên địa bàn không ngừng phát triển các mô hình ngân hàng số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới trong quá trình điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời, mở rộng mạng lưới thanh toán, nâng cấp các hệ thống thanh toán, nhất là thanh toán trực tuyến, ứng dụng các công nghệ hiện đại như thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, thực hiện giao dịch tài chính trong “một chạm” trên nền tảng ngân hàng số, mở tài khoản trực tuyến qua công nghệ eKYC, trải nghiệm quét khuôn mặt và vân tay để thực hiện nộp, rút tiền mặt tại các ATM, phát triển dịch vụ Mobile-Money qua các trung gian thanh toán… Bên cạnh đó, các TCTD không ngừng nâng cao bảo mật, đảm bảo an ninh và an toàn hệ thống.
Về mạng lưới hoạt động, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện nay có 48 chi nhánh TCTD, 07 quỹ tín dụng nhân dân, 08 chi nhánh quận/huyện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, 187 phòng giao dịch; đã lắp đặt 406 ATM, 6.742 POS/EFTPOS và 5.205 đơn vị chấp hành thẻ.
Việc sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các TCTD trên địa bàn thành phố trong năm 2022 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 2,86 lần về số món và tăng gấp 3 lần về giá trị thanh toán. Trong đó, doanh số thanh toán trực tuyến, phục vụ cho giao dịch thương mại điện tử đạt 5.435.731 món, với số tiền 126.759 tỷ đồng, doanh số thanh toán qua POS đạt 1.372.744 món với số tiền 2.335 tỷ đồng, doanh số thanh toán qua HomeBanking, Internet Banking, SMS đã thanh toán 43.397.779 món, với số tiền 639.234 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 71,17% số món và 35,82% giá trị trong tổng thanh toán không dùng tiền mặt, tăng 2,82 lần số món và tăng 2,7 lần tổng giá trị thanh toán so với cuối năm 2021.
Định hướng hoạt động hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ năm 2023
Bước sang năm 2023, với triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố tác động khó lường, vì vậy, định hướng hoạt động trong thời gian tới của hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục bám sát tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và hiệp hội, chủ động tham mưu cho UBND thành phố các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến hoạt động ngân hàng, đồng hành phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, triển khai thực hiện các chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhất là triển khai và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thống đốc NHNN, góp phần thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2023. Theo đó:
Một là, NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất và ưu tiên, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và NHNN; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, hạn chế tín dụng đen.
Hai là, theo dõi, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các TCTD trên địa bàn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP
của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Thống đốc NHNN; gặp gỡ, đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp, xem việc thực hiện chương trình, kế hoạch phục hồi kinh tế của Chính phủ và địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố trong năm 2023.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Bốn là, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán; tăng cường hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng công nghệ hiện đại, mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến địa bàn vùng nông thôn, góp phần hiện thực hóa Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động ngân hàng, thông tin, phổ biến các cơ chế, chính sách của NHNN và kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, tạo sự đồng thuận, quan tâm của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
ThS. Trần Quốc Hà (Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ)
ThS. Lê Thị Kim Hằng (NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ)