Vốn tín dụng ngân hàng khu vực ĐBSCL chủ yếu được đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất và tiếp tục mở rộng ngành nghề, khai thác tiềm năng kinh tế tự nhiên của vùng
(Nguồn ảnh: Internet)
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giữ vai trò quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng, an ninh lương thực và kinh tế - xã hội. Với số dân gần 18 triệu người, diện tích gần 4 triệu héc-ta, chiếm 12% tổng diện tích cả nước, đất đai màu mỡ, ĐBSCL có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và thủy sản. Năm 2022, mặc dù còn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu nhưng ĐBSCL vẫn đạt được nhiều kết quả khích lệ. Giá trị gia tăng tổng sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt 1,6%; 69,68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 37 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất được thúc đẩy theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết giữa sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư, góp phần phát triển sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân.
Góp phần vào sự phát triển của ĐBSCL phải kể đến vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, một lượng lớn vốn tín dụng ngân hàng đã được đưa vào đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất và tiếp tục mở rộng ngành nghề, khai thác tiềm năng kinh tế tự nhiên của vùng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện diện mạo nông thôn, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay, hầu hết các loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) đều đã có mạng lưới rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã và liên xã, đã và đang đầu tư cho tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội trong vùng. Tại khu vực ĐBSCL có sự hiện diện của 1.597 điểm giao dịch của các TCTD đang hoạt động, trong đó có 318 chi nhánh cấp 1; 137 chi nhánh huyện thuộc tỉnh; 983 phòng giao dịch; 149 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và 11 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô. Với mạng lưới sâu rộng, nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng luôn đồng hành, nỗ lực triển khai chính sách, chương trình cho vay tín dụng phục vụ phát triển tiềm năng kinh tế địa phương, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, nông thôn; chủ động, tích cực tiếp cận và đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn hợp lý của khách hàng; duy trì thông suốt, không bị gián đoạn trong việc cung cấp tín dụng, dịch vụ ngân hàng đến mọi thành phần kinh tế.
Bám sát Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022, ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022, các ngân hàng 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã kế hoạch hóa thành các nhiệm vụ cụ thể gắn với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
- Hệ thống ngân hàng khu vực ĐBSCL đã chủ động cân đối nguồn vốn, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế địa phương với định hướng tăng trưởng tín dụng từ 14%.
Đáng chú ý, kết quả thực hiện hoạt động năm 2022 của 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL về công tác huy động vốn đạt 724.951 tỷ đồng, tăng 9,57% so với cuối năm 2021, trong đó tỉnh Hậu Giang tăng cao nhất là 15,29%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 965.127 tỷ đồng, tăng 15,14% so với cuối năm 2021, trong đó tỉnh Long An tăng cao nhất là 22,6%, tỉnh Sóc Trăng tăng thấp nhất là 4,7%. Vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chương trình, đề án, lĩnh vực trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 579.668 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2021.
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ báo cáo thống kê của NHNN 13 chi nhánh khu vực ĐBSCL năm 2022
- Hệ thống TCTD đẩy mạnh mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các công trình, dự án trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tích cực, chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho nền kinh tế; kiểm soát và xử lý nợ xấu, bảo đảm tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống khu vực ĐBSCL chiếm dưới 1,5% tổng dư nợ.
Đến cuối năm 2022, trên địa bàn, vốn tín dụng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 109 khách hàng (88 doanh nghiệp, 15 hộ kinh doanh, 6 hợp tác xã) với tổng dư nợ được hỗ trợ 3.271 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là trên 7,5 tỷ đồng.
- Với tinh thần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thúc đẩy tài chính toàn diện góp phần đẩy lùi tín dụng đen; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, củng cố, chấn chỉnh hoạt động các QTDND, giữ vững kỷ luật, kỷ cương nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM trong nền kinh tế, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn; tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, mô hình sáng tạo, hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội; hệ thống ngân hàng đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày không tiền mặt - 16/6 năm 2022 với việc tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm dịch vụ TTKDTM, trải nghiệm đi chợ không tiền mặt, xây dựng “Tuyến phố không tiền mặt” và ra quân cao điểm TTKDTM dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
- Toàn hệ thống ngân hàng thực hiện đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác truyền thông, bảo đảm thông tin về các cơ chế, chính sách liên quan đến ngân hàng được tuyên truyền rộng rãi, đồng thời góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách và hoạt động ngân hàng.
Xác định năm 2023 là năm có nhiều khó khăn thách thức, hệ thống ngân hàng 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bám sát Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thống đốc NHNN ban hành theo Quyết định số 1670/QĐ-NHNN ngày 30/9/2022, với một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, bền vững đi đôi với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật liên quan, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hộiđịa phương; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Thứ hai, thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Thống đốc NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Thứ ba, các TCTD có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tuyệt đối không được yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Đề án và các văn bản hướng dẫn của NHNN.
Thứ tư, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích của khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, nhất là khách hàng thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khách hàng có dư nợ lớn và kịp thời có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn vốn vay, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Thứ năm, thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng và Đề án TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; triển khai các giải pháp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dịch vụ; tuân thủ nghiêm túc các quy định trong hoạt động thanh toán; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn trong thanh toán và bảo vệ khách hàng trước tình hình các hình thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi; chấp hành nghiêm các quy định của NHNN và các quy định khác của pháp luật về quản lý hoạt động ngoại hối để ổn định thị trường ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 của Thống đốc NHNN về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính; thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Thứ bảy, tiếp tục cải tiến, đổi mới, đơn giản hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch với ngân hàng; tăng cường thông tin, hướng dẫn về các chính sách của nhà nước, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để khách hàng nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng.
Thứ tám, chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông kết quả thực hiện các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng.
Đông An