Đồng hành cùng tỉnh nghèo khó nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang với 24% dân số là hộ nghèo, 85% dân số sống phụ thuộc nông nghiệp, nông thôn từ những ngày đầu tái lập tỉnh, 20 năm qua, đặc biệt từ sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hậu Giang đã kết nối cả hệ thống chính trị triển khai có hiệu quả các chương tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Khi Trung ương và địa phương cùng làm
Hậu Giang hôm nay đã khác xưa khi dòng vốn tín dụng chính sách xã hội trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Một vùng sông nước vốn từng là “thế khó” trong phát triển kinh tế giờ lại trở thành lợi thế phát triển nhiều mô hình sản xuất nông sản, hàng hóa, giúp người dân vươn lên thoát nghèo thậm chí làm giàu trên chính quê hương mình. Như cựu chiến binh Lê Văn Trong, ngụ tại ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, hòa bình lập lại ông trở về quê nhà làm nông, cuộc sống cũng đủ ăn cho đến khi con trai phát bệnh năm 2001. Đến năm 2006, toàn bộ tích lũy trong nhà đều tiêu tán, ngay cả 10 công đất cũng phải bán đi, gia đình ông trở thành hộ nghèo của xã. Cuộc sống khốn khó cho đến khi xã Vĩnh Viễn A mở lớp dạy nghề đan lục bình, tạo thêm việc làm và thu nhập, vợ ông tham gia đi học rồi về nhà làm. Nhìn thấy triển vọng của nghề trên mảnh đất vốn dư thừa nhân công và sẵn nguyên vật liệu, năm 2008, ông quyết tâm vay vốn tín dụng chính sách chương trình hộ nghèo để phát triển sản xuất đan lục bình. Trải qua các vòng vay vốn hộ nghèo, rồi hộ cận nghèo, năm 2012, gia đình ông chính thức thoát nghèo bền vững. Đồng thời, từ làm ăn đơn lẻ, đến năm 2013, ông xây dựng Tổ hợp tác sản xuất, vận động bà con học nghề cùng làm. Đến nay, Tổ hợp tác sản xuất đã tạo việc làm cho trên 400 lao động địa phương, với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng; có 22 thành viên của tổ đạt thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng.
Mô hình đan lục bình giúp người nghèo và các đối tượng chính sách
tại Hậu Giang có việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo
Đó là chưa kể ông còn gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục hộ gia đình làm lục bình nguyên liệu. Ông Lê Văn Trong cũng tham gia làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để hỗ trợ người nghèo quê ông kinh nghiệm và vốn phát triển sản xuất; trở thành tấm gương sáng, gia tăng thêm niềm tin thoát nghèo cho người dân.
Đặc biệt, Chỉ thị số 40-CT/TW đã cộng hưởng thêm những sức mạnh mới trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương. Cơ cấu nguồn vốn tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất và nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách tỉnh Hậu Giang và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ủy thác qua NHCSXH. Sau 20 năm hoạt động, tổng nguồn vốn tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đạt 3.268,9 tỷ đồng, tăng 3.243 tỷ đồng, gấp 74,1 lần so với nguồn vốn nhận bàn giao khi mới thành lập. Trong đó, nguồn vốn được điều chuyển từ Trung ương đạt gần 2.443 tỷ đồng, tăng gấp 54,8 lần so với thời điểm mới thành lập, chiếm 74% trên tổng nguồn vốn. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt hơn 205 tỷ đồng (nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW là hơn 189 tỷ đồng), chiếm 6,6% trên tổng nguồn vốn.
Nhiều chương trình tín dụng riêng có của địa phương đã được triển khai và nhân rộng, góp phần hoàn thiện hệ thống các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại địa phương để “không ai bị bỏ lại phía sau” như: Hỗ trợ vốn sản xuất đối với hộ gia đình người có công với cách mạng, cho vay hỗ trợ chi phí cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở khu vực đô thị, cho vay 542 người lao động hồi hương trở về từ các tỉnh, thành phố khác do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm thực hiện các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều cho biết, từ 02 chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và cho vay Quỹ quốc gia về việc làm nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là hơn 43 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đang có dư nợ từ 22 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt hơn 3.232 tỷ đồng, với 94.053 khách hàng đang được vay vốn. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm là hơn 2.199 tỷ đồng, chiếm 67,92% trên tổng dư nợ.
Qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, tỉnh Hậu Giang đã tập trung nguồn lực qua NHCSXH triển khai cho vay được trên 582.962 nghìn lượt khách hàng với doanh số cho vay đạt 8.654,5 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 5.477,8 tỷ đồng, dư nợ bình quân chung của 22 chương trình tín dụng chính sách là 34,8 triệu đồng/khách hàng, trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 28,68 triệu đồng/hộ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, góp phần giúp cho trên 84.665 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 29.770 lượt lao động; giúp cho trên 46.393 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng, cải tạo 320.516 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở với tổng số 11.178 căn, trong đó có 2.561 căn nhà trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ xây dựng 8.272 ngôi nhà cho hộ nghèo; mua mới, xây dựng và sửa chữa 345 căn nhà cho người có thu nhập thấp...
Hướng tới phát triển bền vững
‘‘Thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông nghiệp, nông thôn; khôi phục các làng nghề truyền thống, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, các "sản phẩm dịch vụ" mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong từng giai đoạn”. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh khẳng định. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,80% xuống còn 14,91%, bình quân giảm 1,6%/năm, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 12,13% xuống còn 3%/năm; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,91% xuống còn 6,42%. Hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 35/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; toàn tỉnh hiện có 105 sản phẩm OCOP, trong đó có 48 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 57 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.
Tuy nhiên, với một địa bàn đang trên đà chuyển đổi và phát triển như Hậu Giang, nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn, đặc biệt là nhu cầu vốn để nhân rộng mô hình Tổ hợp tác sản xuất, nhưng nguồn vốn hiện nay còn hạn chế. Việc triển khai cho vay đối với các đối tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn gặp khó khăn do quy định về nơi cư trú và địa điểm thực hiện dự án khi vay vốn. Bên cạnh đó, mức cho vay tối đa theo quy định đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 10 triệu đồng/công trình còn chưa phù hợp với mặt bằng chi phí về giá cả hiện nay. Quá trình đi thực tế tại các cơ sở cho thấy, có rất nhiều ý kiến kiến nghị về việc xem xét nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình này lên mức 15 triệu đồng/công trình. Trong quá trình truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, vai trò của trưởng ấp/khu vực được gắn kết trách nhiệm trong việc bình xét, giám sát, quản lý các đối tượng vay vốn tại địa phương, nhưng về chế độ chính sách chưa được quan tâm hỗ trợ cho đối tượng này, nên còn một vài nơi chưa phát huy hiệu quả công tác quản lý. Một vướng mắc khác là Luật Cư trú có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú, đến hết năm 2022 không sử dụng hộ khẩu bản giấy, khi công dân có nhu cầu xác nhận thông tin về cư trú sẽ được cơ quan đăng ký cư trú xác nhận thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú và các nội dung khác của cá nhân, hộ gia đình khi có yêu cầu (ký hiệu là CT07 ban hành kèm theo Thông tư số 56/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an). Vì vậy, người dân mất nhiều thời gian đi lại yêu cầu xác nhận. Đây là thách thức cho NHCSXH cùng chính quyền địa phương tiếp tục giải bài toán giảm nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 trên toàn tỉnh (hiện còn 12.936 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,42% và 7.790 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,87%).
Để giải bài toán này, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều cho biết, Chi nhánh sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển NHCSXH trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với tình hình và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục tư vấn cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Các mục tiêu cụ thể cũng đã được Chi nhánh đặt ra, trong đó phấn đấu đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng theo quy định có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ bình quân hằng năm khoảng từ 8 - 10%. 100% nợ đến hạn được xử lý kịp thời theo quy định, tỷ lệ nợ quá hạn phấn đấu duy trì dưới 0,5% trên tổng dư nợ.
Tuy nhiên, để triển khai thực hiện tốt tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong thời gian tiếp theo, cần xem xét nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (tối đa 20 triệu đồng/công trình) nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Đồng thời, cần xem xét sửa đổi điều kiện vay vốn đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là nơi thực hiện dự án và nơi cư trú hợp pháp của người lao động trên cùng một địa bàn cấp tỉnh thay vì trên cùng một địa bàn cấp xã như quy định hiện nay để phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận vốn tín dụng chính sách; xem xét nâng mức cho vay tối đa cũng như điều kiện về mức vay trên một lao động được tạo việc làm đối với đối tượng vay vốn là cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh được tiếp cận vốn tín dụng chính sách, nhất là trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cần có cơ chế và dành nguồn lực cho vay đối với đối tượng là các hộ có mức sống trung bình để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Minh Ngọc (NHNN)