Dự báo lạm phát Việt Nam và một số kiến nghị
28/04/2023 23.115 lượt xem
  1. Lạm phát năm 2022 và một số ảnh hưởng đến nền kinh tế

Năm 2022, lạm phát Việt Nam tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra, nhưng vẫn cao hơn mức lạm phát bình quân 5 năm giai đoạn 2017 - 2021 (2,98%). Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng rất cao so với mức tăng bình quân 5 năm như giao thông, đồ uống, thiết bị đồ dùng gia đình, văn hóa giải trí; một số nhóm hàng giảm giá mạnh, chủ yếu là nhóm hàng thuộc quản lí của Nhà nước như y tế, giáo dục (Biểu đồ 1, 2).

Biểu đồ 1: Lạm phát năm 2022 và bình quân 5 năm giai đoạn 2017 - 2021
                                                         
   Đơn vị: Bình quân so với cùng kì năm trước, %
                                                                       Nguồn: Tổng cục Thống kê
 

Biểu đồ 2: Tỉ trọng đóng góp của các nhóm hàng trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022
                                                                                                      
                                                                                                                     Đơn vị: %
                                                                 Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả

Lạm phát tăng do một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

Sự gia tăng chi phí đầu vào gây lạm phát chi phí đẩy. Theo đó, trong năm 2022, bên cạnh sự gia tăng chi phí của nền kinh tế do lãi suất tăng thì chi phí nguyên nhiên liệu dùng cho sản xuất cũng tăng tương đối. So với cùng kì, chỉ số giá cước vận tải năm 2022 tăng 8,36% (dịch vụ vận tải đường hàng không tăng 35,84%), chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,79% (dùng cho sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 9,9%, công nghiệp tăng 5,53%, xây dựng tăng 6,96%).

Giá nhập khẩu hàng hóa tăng gây lạm phát nhập khẩu. Trong đó, so với cùng kì, chỉ số giá nhập khẩu tăng 8,56%; chỉ số giá nhập khẩu nhiều mặt hàng có mức tăng rất cao (khoảng 20 - 30%) so với các năm trước như xăng dầu, khí đốt, thức ăn gia súc, phân bón, sắt thép. Cùng với đó, chỉ số giá USD tăng khoảng 2,1% so với cùng kì, cũng góp phần tạo nên tác động kép của giá hàng hóa nhập khẩu lên giá hàng hóa trong nước thông qua kênh tỉ giá.



Năm 2022, công tác kiểm soát lạm phát đã luôn được chú trọng và phát huy hiệu quả tích cực
 
Giá các mặt hàng thiết yếu bao gồm giá năng lượng, lương thực - thực phẩm... đều tăng cao so với các năm trước, điển hình là giá xăng dầu trong nước tăng 28,01% làm CPI chung tăng 1,01 điểm %, giá hàng ăn - dịch vụ ăn uống tăng 2,55% làm CPI chung tăng 0,86 điểm % . Tính chung hai nhóm hàng này đã chiếm tỉ trọng gần 60% tổng  mức tăng CPI bình quân năm 2022.

Tăng trưởng tín dụng tăng nhanh, cùng với đó, mặt bằng lãi suất và tỉ giá cũng tăng cao hơn so với năm trước. Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,92 triệu tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 14,18%, cao hơn so với cùng kì năm 2021 (13,61%). Tăng trưởng tín dụng nhanh phản ánh nhu cầu tín dụng cao hơn do tăng chi tiêu cho tiêu dùng và đẩy mạnh sản xuất nhưng cũng gây sức ép làm tăng lạm phát. Bên cạnh đó, lãi suất tái chiết khấu cũng tăng từ 2,5% lên 4,5%, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4% lên 6%, lãi suất cho vay 12 tháng tăng từ 8% lên 9,5%... cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Xu hướng thắt chặt chính sách tài chính - tiền tệ ở các nước: Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên nhiên liệu nhập khẩu bên ngoài, do đó, các hoạt động của nền kinh tế khá “nhạy” với các cú sốc kinh tế toàn cầu.  Điển hình là trong năm 2022, kinh tế toàn cầu phải đối mặt với sức ép lạm phát lớn và rủi ro suy thoái; các căng thẳng địa chính trị cũng khiến nguồn cung hàng hóa trở nên khan hiếm, chuỗi cung ứng gặp nhiều khó khăn, chi phí thương mại tăng; đặc biệt, nhiều nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất đã gây áp lực điều chỉnh tăng tỉ giá, lãi suất trong nước.
 
Lạm phát và một số yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát giai đoạn 2018 - 2022
                                                                      
                                                                                               Đơn vị: % tăng so với năm trước                         
  Nguồn: Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước

Ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế: Lạm phát năm 2022 mặc dù vẫn trong tầm kiểm soát nhưng cao hơn so với mức lạm phát bình quân 5 năm giai đoạn 2017 - 2021, điều này đã gây ra một số ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới kinh tế - xã hội. Cụ thể:

Về ảnh hưởng tích cực: Giá hàng hóa tăng, điển hình là giá xăng dầu tăng đã bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua một số khoản thu từ dầu, thu từ thuế xuất nhập khẩu... tăng. Theo đó, trong năm 2022, thu từ đầu thô đạt 77 nghìn tỉ đồng, tăng 72,5% so với năm 2021, chủ yếu do giá dầu tăng cao so với dự toán (bình quân đạt khoảng 105 USD/thùng, tăng 45 USD/thùng so dự toán); bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh, cùng với giá hàng hóa tăng nên thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng, ước đạt 280 nghìn tỉ đồng, tăng 29,7% so với năm 2021.

Về ảnh hưởng tiêu cực: Lạm phát tăng đem lại tác động tiêu cực nhiều hơn cho nền kinh tế. Trong đó:

Tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước: Giá dầu và giá các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng đã làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Thêm nữa, giá cả hàng hóa tăng mạnh trong khi thu nhập còn chưa kịp điều chỉnh đã khiến cho thu nhập thực tế của người tiêu dùng giảm, từ đó làm giảm sức mua và tiêu dùng của toàn nền kinh tế, gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước.

Tác động đến việc phân bổ lại các khoản chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội: Năm 2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... nhằm hạn chế tác động của tăng giá hàng hóa và kiểm soát lạm phát. Để có thể huy động được nguồn lực cho các khoản hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã thực hiện tiết kiệm chi, cắt giảm một số khoản chi chưa cần thiết, chưa thực hiện một số khoản chi (như điều chỉnh tăng lương cơ sở) để ưu tiên nguồn lực giải quyết khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa tăng cao cũng ảnh hưởng đến chi đầu tư phát triển và việc triển khai các dự án đầu tư công. Trong năm 2022, giá cả nguyên vật liệu và các khoản chi phí tăng mạnh đã làm giảm lợi nhuận của nhà thầu, từ đó dẫn tới việc nhiều dự án phải tính toán lại phương án, chờ giá cả ổn định... gây nên tình trạng dự án chậm tiến độ hoặc không thể triển khai do phải điều chỉnh lại kinh phí đầu tư.

Tác động đến nợ công do các khoản chi trả nợ lãi của ngân sách nhà nước  tăng. Theo đó, giá cả hàng hóa và lạm phát tăng, cùng với việc lãi suất tăng đã gây khó khăn cho việc huy động trái phiếu chính phủ và tăng lãi suất huy động nợ công do các khoản chi phí lãi vay của ngân sách nhà nước tăng. Trong dài hạn, giá cả và lạm phát tăng cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước, gây bất ổn vĩ mô và ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có thu - chi ngân sách nhà nước và  bền vững nợ công...

Tác động đến công tác điều hành, quản lí giá của Nhà nước. Năm 2022, công tác quản lí giá luôn được đặt trong trạng thái chủ động, bám sát, sẵn sàng các kịch bản ứng phó với mọi tình huống phát sinh. Theo đó, Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp để rà soát đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời theo dõi, cập nhật tình hình trong nước và thế giới, đồng thời đề ra các giải pháp, định hướng công tác quản lí, điều hành giá đối với nhiều mặt hàng quan trọng thuộc quản lí của Nhà nước như giá sách giáo khoa, giá vật tư sản phẩm nông nghiệp, giá năng lượng... tại các thông báo: Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 02/3/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp giao ban chỉ đạo điều hành giá ngày 25/02/2022 về kết quả công tác điều hành giá 02 tháng và định hướng công tác điều hành giá 10 tháng còn lại năm 2022; Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22/6/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 13/6/2022 về điều hành giá một số nhóm mặt hàng; Thông báo số 280/TB-VPCP ngày 07/9/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc  họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8/2022; Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 25/10/2022 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc  họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lýí, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2022 và định hướng các tháng cuối năm 2022. Cùng lúc đó, công tác quản lí giá xăng dầu cũng bám sát theo diễn biến giá thị trường, liên bộ Tài chính - Công Thương đã ban hành 34 văn bản điều chỉnh giá, trong đó giá xăng A95 giảm 2.590 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 2.580 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.030 đồng/lít.

Tác động đến chi phí sản xuất và tiêu dùng của toàn nền kinh tế: Trong năm 2022, bên cạnh giá cả hàng hóa thế giới tăng thì chi phí thương mại (chi phí vận tải, logistic...) cũng tăng do nguồn cung gián đoạn đã khiến chi phí sản xuất hàng hóa trong nước tăng. Tính chung năm 2022 so với cùng kì năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng 6,79% so với năm trước (chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,88%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,53%; dùng cho xây dựng tăng 6,96%); chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 4,24% (trong đó dùng cho sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 18,9%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,69%), chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 3,69% (dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 8,36%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,52%). Ngoài ra, giá nhập khẩu hàng hóa nhiều mặt hàng cũng tăng khá cao so với cùng kì năm 2021 như giá nông sản, thực phẩm tăng 9,74%; nhiên liệu tăng 35,51%, xăng dầu các loại tăng 43,66%; hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 7,41%.

2. Các biện pháp kiểm soát lạm phát năm 2022
 
Trước tình hình lạm phát có xu hướng tăng cao, công tác kiểm soát lạm phát năm 2022 đã luôn được chú trọng và phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt là kiểm soát lạm phát thông qua chính sách tài khóa vừa giúp ổn định thị trường giá cả, kiềm chế đà tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu, vừa tạo không gian để chính sách tiền tệ có thêm dư địa đối phó với các cú sốc bên ngoài và duy trì mức ổn định tương đối của thị trường ngoại hối. Cụ thể như sau:

Về chính sách tài khóa: Tập trung chủ yếu vào 03 nhóm giải pháp gồm:

(i) Các giải pháp hỗ trợ thuế, phí nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm bớt gánh nặng chi phí cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó đã giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ - moóc hoặc sơ - mi rơ - moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ.

(ii) Nhóm giải pháp đối với giá xăng dầu: Việc kịp thời, chủ động ban hành các giải pháp về giảm thuế đã góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá xăng dầu trong nước như Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15, Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 áp dụng đối với giảm thuế bảo vệ môi trường; Nghị định số 51/2022/NĐ-CP thực hiện giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 10% nhằm góp phần đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu; điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu đổi với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP này 01/9/2016 của Chính phủ và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

(iii) Nhóm giải pháp đối với một số mặt hàng do Nhà nước quản lí: (1) Đối với giá giáo dục, đào tạo: Trên cơ sở đánh giá áp lực đến chỉ số giá tiêu dùng khi thực hiện lộ trình điều chỉnh học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lí học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP  ngày 20/12/2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023, yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022 để đảm bảo phù hợp với điều kiện đất nước vừa trải qua 2 năm dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; (2) Đối với giá sách giáo khoa: Thực hiện rà soát, triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí; kê khai giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 mới.

Về chính sách tiền tệ: Thời gian qua, chính sách tiền tệ trong nước phải đối mặt với khá nhiều sức ép, nổi bật là hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19, khó khăn trong thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến sự luân chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu trên thế giới, chính sách tiền tệ thắt chặt và xu hướng tăng lãi suất trên thế giới khiến giá USD tăng cao gây khó khăn, tác động trực tiếp đến ngành Ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ đã góp phần tích cực kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước; đồng thời, thể hiện khả năng chống chịu tương đối tốt của nước ta trước các biến động của kinh tế toàn cầu, thông qua một số biện pháp như:

(i) Về tín dụng: Thực hiện cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) để kiểm soát lượng cung tiền vào nền kinh tế, định hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực/dự án trọng điểm, ưu tiên của Chính phủ; hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả; 

(ii) Điều hành lãi suất, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong 8 tháng đầu năm 2022, lãi suất điều hành được giữ ổn định trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; từ tháng 9/2022, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất khiến USD lên giá mạnh, lãi suất điều hành trong nước đã được điều chỉnh tăng 02 lần với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kì hạn dưới 6 tháng tại TCTD với tổng mức tăng 0,8 - 2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022), theo đó các NHTM đã kịp thời tăng lãi suất huy động để hút tiền vào ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát có dấu hiệu gia tăng; 

(iii) Tỉ giá được điều hành chủ động, linh hoạt để thích ứng trước diễn biến khó lường và áp lực lớn của thị trường quốc tế, biên độ tỉ giá đã kịp thời điều chỉnh từ  ± 2% lên ± 5%, đồng thời duy trì ổn định giá trị đồng nội tệ, vừa tạo niềm tin kinh doanh, tiêu dùng, vừa góp phần đảm bảo ổn định thị trường giá cả hàng hóa trong nước.

Về chính sách quản lí giá: Bên cạnh sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách quản lí giá cũng được chú trọng triển khai trong công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, giá các mặt hàng thuộc quản lí của Nhà nước nhằm ổn định thị trường giá cả, hạn chế các tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát năm 2022 - 2023.

Công tác quản lí giá được điều hành thận trọng, bám sát diễn biến giá cả thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo cụ thể để có biện pháp quản lí, điều hành và bình ổn giá cả phù hợp; đồng thời với đó là tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá; chủ động sử dụng nguồn dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời với các tình huống. Đối với mặt hàng xăng dầu, đã sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) để bình ổn thị trường tại các kì điều hành khi giá thế giới tăng cao, góp phần kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Đối với giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, cơ bản được giữ ổn định như giá điện, giá dịch vụ khám chữa bệnh… qua đó đã góp phần ổn định mặt bằng giá và giảm bớt sức ép lên lạm phát trong bổi cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao.

3. Dự báo lạm phát năm 2023 và một số khuyến nghị
 
Nhận định lạm phát nước ta trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức đến từ các vấn đề trong nước và thế giới, trong đó:

Các rủi ro bên ngoài: (i) Sức ép lạm phát và giá cả thế giới tiếp tục tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước, điển hình là các hàng hóa không thuộc diện quản lí của Nhà nước; (ii) Biến động khó lường của giá xăng dầu thế giới và leo thang xung đột ở Ukraine. Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn là nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực với châu Âu và các nước có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng khi nền kinh tế hoạt động bình thường sẽ khiến giá năng lượng tăng. Điều này gây thêm áp lực cho các quốc gia có thu nhập thấp đang gặp phải tình trạng ngân sách hạn chế để bù đắp tác động tăng giá lên các hộ gia đình và doanh nghiệp. Thêm vào đó, khi giá nhiên liệu tăng cao, tình trạng bất ổn xã hội có thể gia tăng, làm trầm trọng thêm các rủi ro của kinh tế toàn cầu; (iii) Bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng, thâm hụt tài khóa tăng; nhiều nước đang có mức nợ công tăng cao do đại dịch Covid-19, tăng trưởng thấp hơn và chi phí đi vay cao hơn đã khiến tình trạng dễ bị tổn thương của các nước này trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là những nước có nhu cầu trả nợ bằng USD trong ngắn hạn; (iv) Cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt quốc tế đang chia rẽ nền kinh tế thế giới thành các khối và làm gia tăng căng thẳng địa chính trị. Sự phân mảnh địa chính trị gia tăng dẫn đến việc lưu chuyển nguồn vốn, di chuyển của người lao động và thanh toán quốc tế giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn, có thể cản trở hợp tác đa phương trong cung cấp hàng hóa toàn cầu; (v) Các biến thể Covid-19 mới và nguy hiểm hơn có thể xuất hiện. Mặc dù các loại vắc-xin Covid-19 hiện có vẫn hiệu quả trong việc ngăn ngừa tình trạng nghiêm trọng của bệnh nhưng rủi ro xuất hiện một làn sóng kháng vắc-xin mới có thể dẫn đến việc tái áp dụng các biện pháp ngăn chặn, ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế hoàn toàn.

Các rủi ro trong nước: (i) Giá điện được điều chỉnh tăng (ngày 03/02/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân) đã làm tăng chi phí sản xuất và tiêu dùng; (ii) Nguồn cung trong nước có thể gặp khó khăn do lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu chậm lại (tháng 3/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2%, chỉ số quản lí thu mua (PMI) ở mức 47,7 điểm); (iii) Giá dịch vụ công được điều chỉnh theo lộ trình1, điển hình như giá dịch vụ giáo dục khi kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí dự kiến sẽ tăng trong năm học mới 2023 - 2024 theo lộ trình; (iv) Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng trưởng xuất - nhập khẩu giảm sút có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ và dự trữ ngoại hối,...

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong nước như các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục đảm bảo; chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô, thị trường ngoại hối ổn định với tỉ giá biến động theo sát thực tế, đảm bảo ổn định tương đối giá trị đồng nội tệ; dư địa chính sách tài khóa tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất trong nước, đồng thời tạo điều kiện để chính sách tiền tệ đối phó với các cú sốc bên ngoài; nguồn cung hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu... Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức 4,5%, cao hơn so với mức mục tiêu 4% của các năm trước, cũng góp phần giảm bớt sức ép kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, nhận diện các khó khăn, thuận lợi tác động đến lạm phát năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025, dự báo lạm phát Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 (trong đó, dự báo năm 2022 là dùng để tham chiếu, đánh giá kết quả dự báo so với thực tế) dựa trên hai kịch bản:

- Kịch bản cơ sở: Bối cảnh kinh tế toàn cầu không mấy khả quan, lạm phát và giá cả hàng hóa ở mức cao trong khi kinh tế trong nước đang phục hồi sẽ gây tác động tiêu cực đến mặt bằng giá cả trong nước. Tuy vậy, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong tầm mục tiêu là nhiệm vụ tiên quyết, ưu tiên hàng đầu. Với kịch bản này, lạm phát Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt trong tầm mục tiêu, lạm phát có xu hướng tăng và đạt mức khoảng 4% trong năm 2024 do ảnh hưởng độ trễ của điều hành chính sách và khoảng 3,8% trong năm 2025.

- Kịch bản rủi ro: Kịch bản này được xây dựng dựa trên các dự báo của các tổ chức về triển vọng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2023 và phục hồi nhẹ trong năm 2024; lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao vào cuối năm 2022, ở mức cao trong năm 2023 và giảm dần trong các năm 2024 - 2025. Kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với các khó khăn từ việc thắt chặt tài chính và tăng lãi suất của các nước, giá cả hàng hóa tăng và chuỗi cung ứng tiếp tục khó khăn... tất cả những vấn đề này đều sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Trong nước, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn được triển khai tích cực, điển hình là giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 và đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng; cùng lúc, sức ép điều chỉnh tiền lương, lãi suất, tỉ giá... tăng sẽ có ảnh hưởng đến lạm phát. Với kịch bản rủi ro, lạm phát vẫn nằm trong tầm mục tiêu 4,5% trong năm 2023; sau đó, lạm phát sẽ giảm dần và trong tầm kiểm soát 4% trong năm 2024 - 2025.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo lạm phát Việt Nam trong năm 2023 ở mức 3 - 5%.

Dự báo lạm phát Việt Nam 2022 - 2025
                                                                                     
                                                                                                                                  Đơn vị: %                  
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
 
4. Một số kiến nghị về kiểm soát lạm phát thời gian tới

Với những vấn đề trên, công tác quản lí giá và kiểm soát lạm phát trong thời gian tới cần tiếp tục chủ động, bám sát và theo dõi chặt chẽ các biến động của tình hình kinh tế - tài chính toàn cầu, đặc biệt là biến động giá cả hàng hóa; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, cần lưu ý một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô thông qua phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách quản lí giá nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lí giá và kiểm soát lạm phát trong tầm mục tiêu. Trong đó, chú trọng: (i) Điều chỉnh chính sách lãi suất hợp lí nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh; (ii) Điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt, sẵn sàng đối phó với các sức ép do chính sách thắt chặt tiền tệ và sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài, (iii) Ổn định thị trường giá cả và kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu để kiểm soát lạm phát kì vọng.

Thứ hai, trước những rủi ro và bất ổn khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, chính sách tiền tệ cần xem xét cân đối giữa các mục tiêu lạm phát, ổn định thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế; trong đó, cần kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ là “kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế” nhưng linh hoạt ưu tiên trong từng thời điểm. Trước mắt, cần ưu tiên đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định và an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối; tăng cường cơ chế giám sát, đánh giá rủi ro để kịp thời ứng phó; tăng cường tính minh bạch của thông tin, dữ liệu về thị trường tài chính và khu vực ngân hàng để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Thứ ba, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu... để có biện pháp điều hành phù hợp. Tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả; chủ động phân tích, đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước các mặt hàng, nguyên vật liệu thiết yếu để có đối sách kịp thời. Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng cung hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục hồi và phục vụ xuất khẩu.

Thứ tư, việc lệ thuộc vào Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong bối cảnh phong tỏa ở nước này kéo dài đã gây ra hệ lụy không nhỏ đối với hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, để hạn chế những rủi ro này, cần đa dạng hóa đối tác thương mại để giảm nhẹ rủi ro trong nhập khẩu nguyên nhiên liệu sản xuất và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp cần chủ động tính toán các phương án kinh doanh để chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguyên vật liệu, chủ động tìm kiếm các nguồn cung cấp bổ sung. Ngoài ra, cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã kí kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA).

Thứ năm, xem xét và có phương hướng giảm bớt các chi phí thương mại thông qua các gói cải cách toàn diện nhằm hợp lí hóa các quy trình thương mại và yêu cầu thông quan, tăng cường cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại trong nước, tăng cường cạnh tranh trong các ngành thương mại, dịch vụ hậu cần, bán lẻ và bán buôn trong nước; giảm chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn xuất - nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, có thể tận dụng cơ hội từ các FTA để cắt giảm thuế quan và hạ thấp các rào cản phi thuế quan.

Thứ sáu, trong dài hạn, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và tái tạo, tăng cường an ninh năng lượng và đáp ứng các cam kết theo chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu.
 
1 Tổng cục Thống kê ước tính nhóm dịch vụ giáo dục sẽ làm CPI năm 2023 tăng khoảng 0,82% - 1,09%. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường, năm 2023 Tổng cục Thống kê ước điều chỉnh giá dịch vụ y tế tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,16% - 0,25%

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2022.
2. Worldbank (2023), Báo cáo điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 3/2023: Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng.
3. AMRO (2023), ASEAN+3 Regional Economic Outlook 2023, 4/2023.
4. ADB (2023), ASIAN development outlook, 4/2023.
5. Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 05/01/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lí, điều hành giá năm 2022 và định hướng công tác quản lí, điều hành giá năm 2023.
 
ThS. Vũ Huyền Trang
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài
17/04/2024 394 lượt xem
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật để thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, hình ảnh của nước ta trên trường quốc tế.
Tác động của tài chính toàn diện đến ổn định tài chính -  Một số khuyến nghị cho Việt Nam
Tác động của tài chính toàn diện đến ổn định tài chính - Một số khuyến nghị cho Việt Nam
12/04/2024 872 lượt xem
Tài chính toàn diện có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia, góp phần thúc đẩy và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính của dân số, qua đó khuyến khích tiết kiệm và đầu tư đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, tạo cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, mở rộng khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và thu nhập, góp phần hạn chế rủi ro và gia tăng lợi nhuận đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính.
Tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tăng cường các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
16/03/2024 3.303 lượt xem
Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, mặt bằng lãi suất còn cao, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng, lạm phát có dấu hiệu chậm lại nhưng vẫn cao…; ở trong nước, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do bối cảnh cầu thế giới, thương mại quốc tế chậm phục hồi, bảo hộ thương mại gia tăng; sản xuất, kinh doanh tiếp tục khó khăn, mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn tương đối thấp; những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn chưa được xử lý căn cơ, đòi hỏi các cấp, bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tổng thể hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Triển khai Nghị định số 78/2023/NĐ-CP: Những chuyển động bước đầu và hướng đi trong thời gian tới
Triển khai Nghị định số 78/2023/NĐ-CP: Những chuyển động bước đầu và hướng đi trong thời gian tới
15/03/2024 2.895 lượt xem
Ngày 07/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023.
Điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao từ năm 2022 đến nay - Một số khuyến nghị chính sách
Điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao từ năm 2022 đến nay - Một số khuyến nghị chính sách
14/03/2024 5.816 lượt xem
Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, NHNN đã điều hành tỷ giá tương đối ổn định, đặc biệt là tỷ giá với các ngoại tệ như Đô la Mỹ, Euro và các ngoại tệ khác tại các quốc gia có quan hệ giao thương đáng kể với Việt Nam nhằm duy trì ổn định vĩ mô trong nước, hỗ trợ đầu tư, sản xuất phát triển.
Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam
Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam
13/03/2024 3.043 lượt xem
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
Nâng cao kĩ năng cho người dân khu vực nông thôn trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử
Nâng cao kĩ năng cho người dân khu vực nông thôn trong sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử
06/03/2024 3.127 lượt xem
Một trong những sứ mệnh của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục, y tế, ngân hàng để hướng tới người dân. Ngành Ngân hàng luôn phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, trong đó có hướng đến phổ cập tài chính tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Những điểm mới, nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
Những điểm mới, nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024
05/03/2024 8.141 lượt xem
Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 với 15 chương, 210 điều. Luật Các TCTD năm 2024 đã bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng. Xuất phát từ đó, bài viết tập trung làm rõ những điểm mới, nổi bật của Luật này.
Dữ liệu thống kê trong phục vụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Dữ liệu thống kê trong phục vụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
28/02/2024 3.090 lượt xem
Trải qua hơn 10 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, công tác thống kê tiền tệ phục vụ điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều bước tiến đáng kể.
Nhận định tác động của chính sách tiền tệ toàn cầu năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị
Nhận định tác động của chính sách tiền tệ toàn cầu năm 2023 đối với nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị
24/02/2024 4.103 lượt xem
Năm 2023 vừa qua đã chứng kiến những biến động mạnh mẽ trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trên thế giới, nổi bật là việc các ngân hàng trung ương (NHTW) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
13/02/2024 3.048 lượt xem
Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước đã thừa nhận sự cần thiết của chính sách an toàn vĩ mô (ATVM) trong ổn định tài chính và đặt chính sách ATVM vào vị trí trung tâm của sự tương tác giữa các chính sách kinh tế vĩ mô với chính sách an toàn vi mô.
Chính sách tài khóa năm 2023 góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô
Chính sách tài khóa năm 2023 góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô
11/02/2024 3.765 lượt xem
Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới phát sinh nhiều biến động, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Căng thẳng địa chính trị, tranh chấp giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột giữa Nga - Ukraine và Israel - Hamas diễn biến bất ngờ, lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao khiến đà phục hồi của kinh tế thế giới chậm lại.
Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen
Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen
07/02/2024 3.330 lượt xem
Thời gian qua, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm, từng bước góp phần giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức; hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Bài toán tín dụng năm 2023 và lời giải cho năm 2024
Bài toán tín dụng năm 2023 và lời giải cho năm 2024
31/01/2024 3.640 lượt xem
Năm 2023 đã đi qua với nhiều câu chuyện kinh tế nổi bật và một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm rất lớn trong hoạt động của ngành Ngân hàng là vấn đề tăng trưởng tín dụng.
Triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025: Kết quả và giải pháp, định hướng thời gian tới
Triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025: Kết quả và giải pháp, định hướng thời gian tới
29/01/2024 4.753 lượt xem
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (ban hành theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ - Quyết định 1813) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện được hơn hai năm, đã góp phần tạo sự chuyển biến sâu, rộng về TTKDTM trong nền kinh tế, thúc đẩy sử dụng các phương tiện, dịch vụ TTKDTM.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.800

83.800

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.800

83.800

Vàng SJC 5c

81.800

83.820

Vàng nhẫn 9999

74.800

76.700

Vàng nữ trang 9999

74.700

76.000


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,100 25,440 26,252 27,714 30,724 32,055 157.77 167.11
BIDV 25,130 25,440 26,393 27,618 30,763 32,067 158.12 166.59
VietinBank 25,090 25,443 26,504 27,799 31,154 32,164 160.64 168.59
Agribank 25,100 25,440 26,325 27,607 30,757 31,897 159.58 167.50
Eximbank 25,040 25,440 26,425 27,239 30,914 31,866 160.82 165.77
ACB 25,110 25,442 26,596 27,279 31,230 31,905 161.07 166.37
Sacombank 25,170 25,420 26,701 27,261 31,332 31,835 162.03 167.05
Techcombank 25,192 25,442 26,362 27,707 30,760 32,094 157.36 169.78
LPBank 24,960 25,440 26,088 27,611 30,970 31,913 158.36 169.76
DongA Bank 25,170 25,440 26,570 27,260 31,080 31,940 159.20 166.40
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?