Về huyện Cẩm Xuyên, chúng tôi được biết, chính nhờ có 486 tỷ đồng của NHCSXH mà nhiều mô hình kinh tế trong huyện đã được tạo dựng và phát triển; nhiều gương điển hình vươn lên thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng ở khắp 27 xã trên địa bàn, tạo việc làm thường xuyên, nâng cao dần mức sống. Đơn cử như gia đình thương binh – cựu chiến binh Ngô Văn Thanh, ở thôn Yên Thành, xã Cẩm Nam vốn nghèo khó, nhưng từ khi được vay vốn của NHCSXH cùng sự động viên của bà con thôn, xóm, anh em đồng đội, ông Thanh đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò sinh sản, áp dụng kỹ thuật trồng rau quả an toàn. Năm 2018, gia đình ông thu lãi hơn 50 triệu đồng, hoàn trả đủ nợ vay, lãi cho Nhà nước, chăm lo cho con cái vào thành phố Huế học hành.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phiên họp rà soát, bàn giải pháp triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 – 2020
Không chỉ chắp cánh cho những mô hình sản xuất, tín dụng chính sách còn giúp nhiều người nghèo ở Hà Tĩnh xây nhà để phòng chống được thiên tai, bão lũ. Gia đình bà Hà Thị Dần, thôn Xa Trung, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên mấy mùa mưa lũ qua không lo ngập lụt nữa vì đã xây được nhà tránh lũ. Bà Dần cho biết, để thoát cảnh cứ mưa lũ về là lo ngay ngáy cũng nhờ Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng và vay 20 triệu đồng của NHCSXH để làm nhà tránh lũ an toàn.
Trong khi đó ở xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, thì có tới hơn 300 hộ dân nhờ được tiếp cận thuận lợi trên các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH nên đã chủ động đầu tư từ khâu giống, phân bón, hệ thống tưới tự động để thâm canh sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, phát triển được hơn 200ha chè nguyên liệu, đạt sản lượng hàng năm 1200 tấn, với thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha, chiếm trên 65% tổng giá trị kinh tế của toàn xã.
Với những mô hình hiệu quả trên, có thể tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thành công, song theo lãnh đạo NHCSXH chi nhánh Hà Tĩnh, trước hết cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của NHCSXH. Đặc biệt, 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, 96 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương đã ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nâng tổng dư nợ toàn tỉnh lên 4.547 tỷ đồng, tăng 1.278 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40 và tăng 153 tỷ đồng so với cuối năm 2018, với 120.160 khách hàng đang có dư nợ. Chính nguồn lực tại địa phương đã tạo đà cho NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng giao dịch tại xã.
Ngoài ra, việc phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể củng cố 3.558 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, xóm trong toàn tỉnh đã tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc sâu sát và chuyển tải kịp thời nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Gia đình ông Ngô Văn Thanh vay vốn ưu đãi NHCSXH huyện Cẩm Xuyên đầu tư chăn nuôi bò mang lại giá trị kinh tế cao
Ông Lưu Văn Minh, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị luôn ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, các xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới để tập trung cho vay.
“Mục tiêu hoạt động trong những năm tới là đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn đều được NHCSXH cho vay. Bên cạnh đó, đơn vị luôn xác định giữ vững danh hiệu thi đua về chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn”, ông Minh thông tin.
Tại phiên họp thường kỳ quý I/2019 của Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Hà Tĩnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, những năm qua với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó đáng kể đến các ngành nông nghiệp, lao động, NHCSXH đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo từ vị trí cuối bảng lên đứng thứ 29/63 tỉnh, thành của cả nước, cụ thể giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 29,7% (đầu năm 2010) xuống 6,92% (năm 2018), hộ cận nghèo từ 24,4% xuống 6,57%.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm: Tổng kinh phí huy động thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 là trên 6.870 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 1.485 tỷ đồng, ngân sách địa phương 218 tỷ đồng, nguồn vốn huy động khác 623 tỷ đồng và vốn vay NHCSXH là trên 4.547 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đặc biệt, tín dụng chính sách không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển, hạn chế cho vay nặng lãi mà còn góp phần thúc đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an ninh chính trị trên địa bàn.
Bài và ảnh Dư Anh
(Nguồn: http://thoibaonganhang.vn)