1. Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước
Kinh tế thế giới năm 2023 nhìn chung tăng trưởng thấp, mức độ tăng trưởng phân hóa và không đồng đều giữa các khu vực. Theo dự báo vào tháng 10/2023 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới được nâng dự báo lên mức 2,1%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra trước đó. Tăng trưởng khu vực châu Âu và Trung Quốc chậm chạp nên bị điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng xuống lần lượt chỉ còn khoảng 0,7% và 5,0% trong năm 2023. Tại báo cáo tháng 11/2023 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2023 xuống còn 2,9%. Hoạt động sản xuất toàn cầu vẫn yếu, thậm chí suy giảm và thu hẹp tại nhiều quốc gia trong bối cảnh lạm phát vẫn neo ở mức cao, lãi suất tăng đẩy chi phí tăng, ảnh hưởng đến hoạt động chi tiêu của người dân. Mặc dù ngân hàng trung ương các nước đã giảm bớt tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát các nước hạ nhiệt, nhưng dự báo duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn để ứng phó rủi ro lạm phát tăng trở lại. Ở trong nước, kinh tế gặp nhiều thách thức, không đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm; lạm phát trong tầm kiểm soát (bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 3,22%), thấp hơn mục tiêu đặt ra là 4,5%.
2. Điều hành chính sách tiền tệ đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn song để hỗ trợ hơn nữa cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, kết quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng vai trò quan trọng, là một trong những chính sách vĩ mô đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Cụ thể:
(i) Mặt bằng lãi suất giảm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với chi phí vốn thấp hơn: NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm1, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các thành phần trong nền kinh tế hoàn toàn có cơ hội được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng với chi phí thấp hơn, qua đó hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, để hỗ trợ giảm chi phí hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, NHNN thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới... Đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022. Trong khi các quốc gia trên thế giới vẫn chứng kiến xu hướng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì mức lãi suất của Việt Nam đã trở về mức trước đại dịch Covid-19 và lạm phát năm 2023 hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát theo mục tiêu.
Năm 2023, NHNN điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lí, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (ảnh: Nguồn Internet)
(ii) Sẵn sàng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát: Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội đặt ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lí. Theo đó, năm 2023, NHNN điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lí, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2023 với tốc độ hợp lí, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và các nguồn vốn trong nền kinh tế gặp khó khăn, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do sức hấp thụ và cầu tín dụng còn yếu nên tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 22/11/2023 mới đạt 8,21%. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung toàn hệ thống, trong khi một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Để đáp ứng kịp thời vốn cho tăng trưởng kinh tế, NHNN đã thực hiện điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống. Ngày 29/11/2023, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo mức tăng trưởng tăng thêm cho các TCTD công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022. Đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
(iii) Tỉ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung vẫn tương đối ổn định, góp phần củng cố niềm tin vào đồng Việt Nam: Tỉ giá trung tâm đến cuối tháng 11/2023, tăng khoảng 1,28% so với cuối năm 2022; tỉ giá USD tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 2,7% so với cuối năm 2022; mức tăng này là ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Bên cạnh việc điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, NHNN đã quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng khác nhằm tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như: Tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay, nhiều gói tín dụng đã được triển khai như Chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; gói 20.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng của Công ty Tài chính TNHH HD Saison và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (Fe Credit); chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản...
Như vậy, có thể nói, công tác điều hành chính sách tiền tệ đã hỗ trợ tích cực trong quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế; đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức thấp trước dịch Covid-19, sẵn sàng nguồn vốn cung ứng tín dụng cho nền kinh tế trong bối cảnh các kênh cung ứng vốn khác gần như đóng băng và gặp khó khăn; đồng Việt Nam ổn định so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực trong khi lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới mức mục tiêu. Những thành công đó thể hiện sự linh hoạt, chủ động và hiệu quả trong việc phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và giải pháp điều hành.
3. Thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 vẫn rất lớn để hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra
Năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp với tính bất định cao, xung đột địa chính trị leo thang, lạm phát vẫn cao dai dẳng, điều kiện tài chính toàn cầu vẫn thắt chặt khi xu hướng tăng lãi suất vẫn tiếp diễn tại nhiều quốc gia. Tất cả những yếu tố này là thách thức vô cùng lớn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN để vừa ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhưng cũng phải hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; đặc biệt, trong bối cảnh Quốc hội khóa XV đã khẳng định quyết tâm để cả nước bước vào năm 2024 - năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngày 09/11/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, năm 2024 tăng trưởng GDP từ 6,0 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%.
Với mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều yếu tố không thuận lợi, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nên thách thức điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là không hề nhỏ. Nhưng với kinh nghiệm điều hành thành công và hiệu quả chính sách tiền tệ trong giai đoạn vừa qua, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào các nhà điều hành để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
1 (i) Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN giảm từ 7,0%/năm xuống 5,0%/năm; (ii) Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND kì hạn dưới 06 tháng, tiền gửi không kì hạn và kì hạn dưới 01 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,5%/năm, tiền gửi kì hạn từ 01 đến dưới 06 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 4,75%/năm; (iii) Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5,5%/năm xuống 4,0%/năm.
Linh Phương