Mới triển khai từ đầu tháng 7/2021, song Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã “thẩm thấu” nhanh vào đời sống với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cùng chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác Trung ương.
NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã giải ngân 90,2 tỷ đồng cho 48 người sử dụng lao động để trả lương cho 26.592 lượt người lao động
Hơn 48.000 người lao động đã được thụ hưởng
“Xác định việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm “Không để người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của Chính phủ” tiếp tục phát huy tinh thần của hệ thống NHCSXH “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ””. Tinh thần mà Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng triển khai tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và quán triệt đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong hệ thống hồi đầu tháng 7/2021 đã tiếp lửa cho việc triển khai chính sách trên toàn hệ thống trong thời gian vừa qua.
Với việc nhanh chóng xây dựng Kế hoạch tín dụng cho vay người sử dụng lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố để thực hiện, các chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền đến người sử dụng lao động, công khai chính sách tại trên 10.000 điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở Ủy ban Nhân dân (UBND) các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc. Đồng thời, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Văn phòng Chính phủ (Cổng Dịch vụ công quốc gia) phối hợp triển khai tiếp nhận và xử lý hồ sơ vay vốn trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và thực hiện báo cáo trên Hệ thống thông tin cáo cáo Chính phủ để tiếp nhận và xử lý các vướng mắc của người sử dụng lao động và công dân hỗ trợ họ tiếp cận nhanh nhất để thụ hưởng chính sách.
Đến nay, 63/63 chi nhánh tỉnh, thành phố và 688 phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện đã hoàn thành việc tham mưu cho UBND và Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) cùng cấp ban hành văn bản triển khai thực hiện chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất gửi đến các sở, ban, ngành, địa phương, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các hiệp hội, tập đoàn...
Các chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố và NHCSXH nơi cho vay đã chủ động phối hợp với cơ quan LĐTB&XH, Liên đoàn Lao động, các Hiệp hội, Ban quản lý các khu công nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty để tiếp cận, liên hệ với người sử dụng lao động nắm bắt nhu cầu vay. 63/63 chi nhánh các tỉnh, thành phố đều chủ động tiếp cận và hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện việc lập hồ sơ vay vốn, điển hình như các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố đang trong khu vực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An đã thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, bưu điện để tiếp nhận, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ và giải ngân cho vay. Tại NHCSXH nơi cho vay luôn có cán bộ thường trực để tiếp nhận và hướng dẫn người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, đồng thời đã phân công cán bộ tiếp nhận hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để kịp thời tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho người sử dụng lao động và cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho cơ quan LĐTB&XH cùng cấp để tiếp nhận và tư vấn, tháo gỡ vướng mắc.
Hiện hệ thống NHCSXH đã tiếp nhận được 308 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với tổng số tiền 174,6 tỷ đồng để trả lương cho 50.175 lượt người lao động. Trong đó, toàn hệ thống NHCSXH đã thực hiện phê duyệt cho vay 276 lượt người sử dụng lao động với số tiền gần 170,7 tỷ đồng để trả lương cho 49.043 lượt người lao động. Đến ngày 17/8/2021, đã có 51 chi nhánh tỉnh, thành phố với 143 phòng giao dịch cấp huyện đã thực hiện giải ngân cho 267 người sử dụng lao động (272 lượt người sử dụng lao động) với số tiền 169,481 tỷ đồng để trả lương cho 48.737 lượt người lao động. Trong đó, để trả lương ngừng việc là 194 người sử dụng lao động với số tiền 50 tỷ đồng (tỷ lệ 29,5%) trả lương cho 14.462 lượt người lao động; để trả lương phục hồi sản xuất sau khi bị tạm dừng hoạt động là 64 người sử dụng lao động với số tiền 116,5 tỷ đồng (68,7%) trả lương cho 33.489 lượt người lao động; để trả lương phục hồi sản xuất trong lĩnh vực hoạt động vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 9 người sử dụng lao động với số tiền 2,98 tỷ đồng (1,8%) trả lương cho 786 lượt người lao động.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang là địa phương điển hình có doanh số giải ngân cao nhất, với 90,2 tỷ đồng cho 48 người sử dụng lao động để trả lương cho 26.592 lượt người lao động. Khách hàng vay cao nhất là Công ty Cổ phần may xuất khẩu Hà Bắc với số tiền 16,3 tỷ đồng để trả lương cho 4.762 người lao động. Tiếp theo là chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Ninh có doanh số giải ngân với 22,2 tỷ đồng cho 07 người sử dụng lao động để trả lương cho 5.653 lượt người lao động.
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được tổ chức ngày 17/8/2021,Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh đã đánh giá cao NHCSXH trong việc nhanh chóng, tích cực triển khai chính sách cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. NHCSXH đã phổ biến rộng rãi chính sách cho vay trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng để người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi; kịp thời phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả triển khai thực hiện chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất trên địa bàn để các cấp, các ngành giám sát, đảm bảo thực hiện chính sách công khai, minh bạch.
“Thời gian qua, cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, NHCSXH đã vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm để đưa chính sách đi vào cuộc sống nhanh nhất. Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là chính sách rất cần thiết trong thời điểm đại dịch đang diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh, đưa chính sách đi vào cuộc sống càng sớm càng tốt, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn” - Phó Thống đốc Thường trực NHNN - Uỷ viên HĐQT NHCSXH Đào Minh Tú cũng khẳng định.
Khơi dòng, tăng nhịp chảy tín dụng
Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của người sử dụng lao động tại địa phương đã được đại diện các địa phương và các cơ quan quản lý đưa ra bàn luận tìm cách tháo gỡ. Qua quá trình khảo sát thực tế cho thấy, người sử dụng lao động vẫn còn gặp một số khó khăn khi lập hồ sơ vay vốn. Theo ông Bùi Văn Khắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, một số người sử dụng lao động thuộc lĩnh vực hoạt động vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng không cung cấp được “Thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020” theo quy định tại điểm g, mục 1, Điều 40 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; các giấy tờ do cơ quan thuế cấp cho người sử dụng lao động trong lĩnh vực này không đáp ứng nội dung xác nhận là: Thông báo hoàn thành quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Tại Quảng Ninh hiện có 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trên đang có nhu cầu vay vốn trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng gặp vướng mắc về thủ tục quyết toán thuế. Ông Khắng kiến nghị Tổng cục Thuế sớm có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc này.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Đà Nẵng chia sẻ: Từ năm 2020 đến nay, Đà Nẵng trải qua 5 đợt dịch, hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp nên các đơn vị kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, vận tải, lưu trú… Song, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn bởi quy định điều kiện vay vốn “không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn”. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh điều kiện trên để tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động được tiếp cận vốn vay, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách vẫn còn gặp khó khăn bởi một số địa phương khi thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách, khu vực cách ly y tế chưa quy định cụ thể đối tượng phải dừng hoạt động dẫn đến việc xác định đối tượng người sử dụng lao động phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gặp khó khăn. Đến thời điểm hiện tại do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, một số địa phương vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội nên người sử dụng lao động chưa liên hệ với NHCSXH nơi cho vay để làm hồ sơ đề nghị vay vốn.
Ngoài ra, một số đơn vị hành chính sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, có sử dụng người lao động theo hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội thường xuyên, nay phải ngừng việc, người sử dụng lao động là đơn vị này đề nghị được vay vốn NHCSXH để trả lương ngừng việc cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
“Các kiến nghị địa phương trong quá trình tiếp cận chính sách rất trúng và sát thực tiễn, NHNN đồng tình và sẽ nghiên cứu tham mưu điều chỉnh điều kiện tín dụng phù hợp thực tế”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ghi nhận và khẳng định, “NHNN luôn xử lý, cấp vốn nhanh nhất để NHCSXH kịp thời giải ngân cho doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, để chính sách đi nhanh hơn nữa vào đời sống, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng đề nghị các đơn vị liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tích cực tham gia khâu giám sát để đảm bảo cho vay và sử dụng vốn đúng mục đích, bảo toàn vốn của Nhà nước, đảm bảo chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Minh Phương