Trong năm 2018, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã làm tốt việc cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó cung cấp báo cáo định kỳ hàng tháng cho Ban Lãnh đạo NHNN về tình hình tín dụng, biến động nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); báo cáo phục vụ Thống đốc NHNN tham gia các kỳ họp; cung cấp các báo cáo định kỳ và đột xuất cho các đơn vị, Vụ, Cục NHNN như báo cáo tổng hợp về cho vay một số lĩnh vực nhạy cảm: chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng...; báo cáo tổng hợp tình hình tín dụng theo loại hình khách hàng, ngành kinh tế, tập đoàn, tổng công ty...
Hàng tháng, CIC tiếp tục tổ chức thu nhận, tổng hợp, xử lý thông tin về kết quả tự phân loại nợ của các TCTD, tạo lập và cung cấp kịp thời danh sách khách hàng có nhóm nợ cao nhất và danh sách khách hàng có biến động hoặc đã tất toán cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và các TCTD để thực hiện điều chỉnh nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Bình quân có 76 TCTD phải điều chỉnh nhóm nợ với tổng số hồ sơ phải điều chỉnh nhóm nợ là 1,2 triệu hồ sơ. CIC cũng cung cấp các báo cáo thông tin tổng hợp phục vụ cho hoạt động đánh giá, phân tích tình hình hoạt động tín dụng của các TCTD theo địa bàn, báo cáo phục vụ hoạt động thanh tra, giám sát trên địa bàn tỉnh, thành phố… Ngoài ra, CIC còn cung cấp các báo cáo thông tin theo yêu cầu của một số cơ quan quản lý nhà nước khác, các tổ chức quốc tế theo chức năng nhiệm vụ được giao (như công an, cơ quan thi hành án) và cung cấp thông qua các đơn vị thuộc NHNN. Các sản phẩm TTTD của CIC cung cấp ra đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu sử dụng của các đơn vị.
Đặc biệt, CIC đang tiến hành xây dựng một “chợ tín dụng” thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. “Chợ tín dụng” được hình thành từ nhu cầu của người đi vay và các TCTD. Theo ông Trương Hùng Lân, Trưởng phòng Khách hàng CIC chia sẻ, việc mở cổng đăng ký thông tin tín dụng thể nhân ngoài việc xác thực lại các thông tin người vay thì mục tiêu lớn hơn rất nhiều mà hệ thống này hướng tới là hình thành một “chợ tín dụng” thể nhân. Việc đăng ký các thông tin tín dụng của người vay như nhu cầu vay vốn, tài sản đảm bảo… sẽ bước đầu tạo lập một “chợ” tín dụng thể nhân. Các ngân hàng có thể dựa vào các thông tin này để tìm kiếm khách hàng phù hợp với phân khúc của mình.
Với vị trí là tổ chức trực thuộc NHNN, CIC nắm được nguồn thông tin tổng hợp về tình hình tín dụng của các ngân hàng thương mại và các TCTD phi ngân hàng, CIC có lợi thế về nguồn dữ liệu để có một sản phẩm chấm điểm chính xác, hỗ trợ hệ thống các ngân hàng thương mại trong hoạt động tín dụng. Hệ thống chấm điểm và xếp hạng tín dụng mà CIC đang triển khai là một giải pháp tổng thể để các ngân hàng tham chiếu trước khi ra quyết định đầu tư, đảm bảo tính minh bạch, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững và lành mạnh.
Theo các chuyên gia thì hệ thống đăng ký thông tin tín dụng thể nhân còn là công cụ cực kỳ hữu hiệu giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được nhu cầu vốn của nền kinh tế, xu hướng đầu tư của khách hàng thể nhân từ xu thế này cơ quan nhà nước sẽ có sự điều tiết phù hợp, nắn dòng kinh tế, các ngành hàng theo định hướng phát triển chung. CIC đã mạnh mẽ triển khai hệ thống đăng ký thông tin tín dụng thể nhân. Hiện nay, CIC đã triển khai ứng dụng đăng ký tín dụng khách hàng vay thể nhân trực tuyến đối với các khách hàng vay thể nhân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành khác thông qua website: https://cic.org.vn. Khách hàng vay có thể đăng ký tài khoản để tra cứu thông tin, điểm tín dụng của bản thân, đăng ký nhu cầu tín dụng, yêu cầu thay đổi thông tin đăng ký trên cổng thông tin này…
Có thể thấy, ứng dụng đăng ký tín dụng khách hàng thể nhân là một bộ giải pháp khá tổng thể và toàn diện cho khách hàng cá nhân. Trước hết là ứng dụng Dịch vụ đăng ký tín dụng với ứng dụng này, khách hàng vay chỉ cần đăng ký qua cổng trực tuyến của CIC về nhu cầu vay vốn hay mở thẻ tín dụng của mình. Quá trình đăng ký là một quá trình khai báo và xác minh thông tin chính chủ giúp CIC có cơ sở đối chiếu với cơ sở dữ liệu hiện có về chủ thể thông tin đó, đồng thời danh sách khách hàng đăng ký tín dụng là nguồn khách hàng tiềm năng cho tổ chức tín dụng tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Thông qua cổng thông tin này, khách hàng vay có thể đăng ký thông tin về bản thân, góp phần nâng cao tính chính xác và minh bạch hóa của thông tin tín dụng, kết nối khách hàng vay với ngân hàng, thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng cho các khách hàng vay, đặc biệt là khách hàng cá nhân. Từ khi bắt đầu triển khai đến nay, đã có hàng ngàn khách hàng đăng ký trên cổng thông tin kết nối khách hàng vay. Theo lãnh đạo CIC, trước mắt đơn vị sẽ cung cấp báo cáo về khách hàng vay miễn phí 1 năm/lần, từ lần thứ 2 trở đi, CIC mới tiến hành thu phí… Bên cạnh đó, các phòng nghiệp vụ của CIC sẽ hỗ trợ tối đa khách hàng vay trong việc đăng ký thông tin tín dụng thể nhân bởi việc này sẽ làm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng, nâng cao được nhận thức của cộng đồng về thông tin tín dụng…
Ứng dụng tiếp theo là sản phẩm chấm điểm tín dụng khách hàng vay cá nhân và sản phẩm chấm điểm tín dụng khách hàng vay doanh nghiệp ứng dụng này là bước tiếp theo của việc đăng ký tín dụng thể nhân. Đây là một ứng dụng khá hay, mang lại nhiều tiện ích và lựa chọn cho cả khách hàng và tổ chức tín dụng. Với tổ chức tín dụng thì đây là một kênh thông tin giúp tổ chức tín dụng đánh giá về năng lực tài chính, dự đoán mức độ rủi ro liên quan đến khách hàng vay. Còn đối với chính khách hàng vay thì việc kiểm tra, kiểm soát thông tin tín dụng về chính mình sẽ giúp khách hàng biết mức độ rủi ro, khả năng tiếp cận tín dụng, đồng thời có phương hướng cải thiện chất lượng hồ sơ tín dụng…
Anh Nguyễn Mạnh Hà (Hà Nội) - người đã sử dụng cổng thông tin kết nối khách hàng vay chia sẻ, đây là một sản phẩm rất hay, những người chuẩn bị vay vốn hay những người chưa có nhu cầu vay đều nên đăng ký thông tin lên cổng thông tin của CIC. Bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích, trước hết khi đăng ký thông tin, CIC có cơ sở dữ liệu cá nhân của mình thì tất cả những đối tượng muốn lừa đảo, giả danh đều khó có thể lợi dụng được khi có thông tin đối chứng, mặt khác khi cần kiểm tra thông tin tín dụng của bản thân đều có thể truy vấn một cách nhanh chóng nhất, từ đó định ra được kế hoạch vay vốn hay sử dụng vốn một cách hợp lý, đảm bảo thông tin tín dụng của bản thân luôn “sạch”.
Giải pháp đã có, song dường như cổng thông tin khách hàng vay vẫn chưa theo kịp được nhu cầu của khách hàng khi nó mới chỉ tập trung vào mảng khách hàng vay. Việc các ngân hàng truy cập tìm hiểu khách hàng vay còn tương đối hạn chế và để khắc phục những hạn chế mà cổng thông tin khách hàng vay đang mắc phải, lãnh đạo CIC “bật mí”, hiện CIC đang triển khai một ứng dụng mới trên nền tảng điện thoại di động cá nhân. Ứng dụng này sẽ kết nối trực tiếp đến ngân hàng, thậm chí là các cán bộ tín dụng của các ngân hàng, đồng thời hiển thị toàn bộ những gói vay phù hợp với điều kiện mà người vay mong muốn. Với nền tảng ứng dụng mới này, việc vay vốn, xét duyệt hồ sơ, lựa chọn gói vay có thể hoàn toàn diễn ra trên chiếc điện thoại di động...
Thanh Thủy
Nguồn: TCNH số 10-2019