Công nghệ số, công nghệ mới gắn với cách mạng công nghệ 4.0 làm chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống theo xu hướng số hóa, giúp các ngân hàng từng bước trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.
Agribank “hòa nhịp” với công nghệ số 4.0
Có thể nói, hệ thống ngân hàng Việt Nam là một trong những ngành tiên phong, đón đầu xu hướng phát triển 4.0. Các ngân hàng quốc nội đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) có sự đầu tư lớn về hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm corebank thế hệ mới, triển khai các công nghệ nền tảng mới, ứng dụng các giải pháp sáng tạo theo xu hướng chung về chuyển đổi số, số hóa dịch vụ của ngành Ngân hàng nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số theo hướng đơn giản, thân thiện, tự động, thông minh và tiếp cận khách hàng đa kênh đồng nhất.
Để thích ứng với những thành tựu mới, tránh tụt hậu, ngành Ngân hàng Việt Nam đã chủ động chuyển hướng nghiên cứu, đầu tư phát triển nhằm nắm bắt cơ hội, mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến các đối tượng khách hàng. Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: Điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu qua giao diện chương trình ứng dụng mở...
Thách thức không nhỏ
Bên cạnh những cơ hội mở ra từ cách mạng công nghệ 4.0, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc phải xây dựng quy định pháp lý mới đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ, thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng. Tình trạng ATM bị skimming trên thị trường Việt Nam tiếp tục gia tăng với thủ đoạn, phương thức mới và tinh vi hơn. Theo báo cáo của Tiểu ban Quản lý rủi ro - Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm có 88 báo cáo về việc ATM skimming của các NHTM.
Để tận dụng các cơ hội và vượt qua những thách thức từ cách mạng công nghệ 4.0, các ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược và thực hiện quá trình chuyển đổi số hướng tới ngân hàng số dựa trên ứng dụng công nghệ số, công nghệ và mô hình sáng tạo của thời đại 4.0. Mục tiêu cuối cùng của quá trình này nhằm giúp các ngân hàng có thể kinh doanh, quản trị, điều hành ngân hàng, cung ứng sản phẩm - dịch vụ trên nền tảng số, tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành, cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội và tăng sự gắn kết khách hàng.
Agribank vinh dự nhận Giải Sao Khuê cho những ứng dụng công nghệ số
vào sản phẩm dịch vụ ngân hàng
Mang tiện ích đến với khách hàng
Thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam đã có sự chủ động hợp tác với Fintech và đạt được một số kết quả khả quan như phát triển, tích hợp ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, giải pháp thanh toán mới nhằm tăng cơ sở khách hàng, nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, đưa những sản phẩm, dịch vụ thanh toán, chuyển tiền tiện lợi đến với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cách mạng công nghệ đem đến phương thức thanh toán không dùng tiền mặt vừa nhanh chóng, vừa an toàn, đặc biệt tiện ích cho giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa, tránh được các rủi ro mang tiền mặt như mất cắp, tránh được các rủi ro vật lý như rách, mất góc không thể sử dụng. Hòa chung xu hướng số hóa, Agribank đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác để phát triển dịch vụ E-banking, thu hộ, chi hộ đáp ứng nhu cầu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế như dịch vụ chi trả tiền vào tài khoản cho tài xế của Công ty VATO.EC, dịch vụ thanh toán hóa đơn truyền hình MobiTV trên E - Mobile Banking; liên kết ví điện tử ZaloPay, SenPay; dịch vụ thu hộ với công ty TNHH thương mại ACS Việt Nam và Tổng công ty truyền thông VNPT-Media… Triển khai thí điểm mở rộng lắp đặt máy bán hàng tự động thanh toán bằng mã QR, hợp tác thu hộ, chi hộ ví điện tử TrueMoney.
Hàng loạt các hệ thống thanh toán được Agribank triển khai mới trong thời gian qua như: Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (Hệ thống ACH) theo lộ trình thực hiện của NAPAS; thanh toán điện tử song phương giữa Agribank và Bảo hiểm xã hội; thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công: Bổ sung mã ngân hàng phát hành chứng từ tham gia thu thuế Hải Quan. Agribank tích cực phối hợp với các trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp thoát nước, viễn thông trên địa bàn để mở tài khoản thanh toán và cung ứng dịch vụ thu hộ bằng phương tiện thanh toán điện tử của Agribank. Bên cạnh đó, Agribank triển khai mở rộng dịch vụ điều chuyển tiền tự động cho Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam tại các bưu điện tỉnh; hợp tác triển khai dịch vụ thu hộ, chi hộ đối với các tổ chức, công ty…
Ngoài ra, Agribank đã đẩy mạnh áp dụng các giải pháp cách mạng công nghiệp 4.0, liên kết hợp tác với các công ty Fintech để triển khai sản phẩm dịch vụ mới, tiện ích hiện đại, mở rộng tiện ích, nâng cao chất lượng dịch vụ E-banking, triển khai các phương thức xác thực giao dịch nâng cao đáp ứng quy định của NHNN trên Internet Banking, E-Mobile Banking, Mplus đồng thời triển khai chuyển khoản nhanh liên ngân hàng 24/7, đăng ký nhiều nơi dịch vụ Internet Banking và triển khai giao diện mới dịch vụ E-Mobile Banking…
Nhờ ứng dụng công nghệ số, các sản phẩm dịch vụ của Agribank ngày càng cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Điển hình như năm 2019, dịch vụ thẻ của Agribank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, phát triển ổn định cả về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ. Tính đến 30/6/2019, số lượng ATM của toàn hệ thống đạt 2.885 thiết bị, số lượng giao dịch đạt gần 93 triệu món, doanh số thanh toán đạt 240.279 tỷ đồng. Agribank hiện đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống thiết bị POS sang công nghệ EMV và triển khai công nghệ thẻ không tiếp xúc nhằm hạn chế rủi ro, tổn thất cho khách hàng. 6 tháng đầu năm 2019, số lượng POS của toàn hệ thống Agribank đạt 21.850 thiết bị, số lượng giao dịch đạt 5,5 triệu món, doanh số thanh toán đạt 42.275 tỷ đồng.
Ứng dụng công nghệ số, Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng với các phương tiện giao dịch cần thiết bảo đảm cung cấp hầu hết các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng như: nhận tiền gửi; tư vấn tín dụng, tiếp nhận và hướng dẫn hồ sơ vay vốn của khách hàng; cho vay cầm cố sổ tiết kiệm do Agribank phát hành đối với khách hàng cá nhân; thực hiện giải ngân, thu nợ gốc, thu lãi; mở tài khoản thanh toán và đăng ký sử dụng các dịch vụ trên tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ nội địa, dịch vụ thanh toán trong nước, thanh toán hóa đơn, thu hộ, chi hộ; chi trả kiều hối, bán bảo hiểm ABIC, dịch vụ E-Banking… Đến nay, Agribank đã triển khai hơn 4.500 phiên giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, phục vụ hơn 476.000 lượt khách hàng tại địa bàn 402 xã trên cả nước.
Xác định ứng dụng công nghệ là xu thế tất yếu trong tương lai, trong thời gian tới, các NHTM tiếp tục đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ số, gia tăng số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ trên các nền tảng ứng dụng, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, triển khai các ứng dụng công nghệ, mô hình mới vào hoạt động ngân hàng. Đây cũng chính là cơ sở để các NHTM phát triển và kết nối khách hàng, đối tác một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, cộng đồng và xã hội.
Anh Thư
Nguồn: TCNH Số 16/2019