Bài viết phân tích xu hướng phát triển ngân hàng mở cũng như các vấn đề liên quan đến việc ứng dụng ngân hàng mở trên phạm vi toàn cầu. Bài viết cũng nêu những cơ hội của ngân hàng mở đối với ngân hàng và khách hàng kết hợp với tình hình thực tế để đề xuất khả năng ứng dụng ngân hàng mở vào hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam.
1. Ngân hàng mở
Thuật ngữ ngân hàng mở (open banking) được xuất hiện trong Chỉ thị dịch vụ thanh toán sửa đổi (Payment Services Directive 2 - PSD2) của Liên minh châu Âu (European Union, 2015). Theo PSD2, ngân hàng mở cho phép các bên cung cấp dịch vụ thanh toán thứ ba (3rd Payment Service Provider - PSP) được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng thông qua các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open Application Programming Interface - Open API) được bảo mật. (Hình 1)
Barclays (2017) cho rằng, hệ thống ngân hàng mở phải: (i) Giúp khách hàng chia sẻ dữ liệu tài chính trực tuyến dễ dàng hơn cho các bên thứ ba; (ii) Cho phép bên thứ ba thực hiện thanh toán từ tài khoản của khách hàng như hình thức chuyển khoản ngân hàng hay thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ; (iii) Chia sẻ công khai các thông tin về sản phẩm, dịch vụ cung cấp cũng như mức độ hài lòng của khách hàng và phân biệt với các chỉ báo mức độ dịch vụ khác.
Quá trình chuyển đổi từ hệ sinh thái ngân hàng đóng sang hệ sinh thái ngân hàng mở giúp ngân hàng chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ và dữ liệu về khách hàng với các bên thứ ba được khách hàng cho phép nhằm tạo thêm các sản phẩm giá trị gia tăng và các mô hình kinh doanh mới.
Đối với ngân hàng, việc phát triển ngân hàng mở giúp các ngân hàng đạt được những lợi thế nhất định:
- Hướng tới chuẩn ngân hàng số: Phát triển ngân hàng mở là một trong những yêu cầu trong lộ trình hướng tới chuẩn ngân hàng số (digital banking).
- Gia tăng tiện ích sản phẩm và thu nhập cho ngân hàng: Ngân hàng mở sẽ giúp các ngân hàng cung cấp các sản phẩm dịch vụ và tiện ích tốt hơn nhờ dịch vụ của các bên thứ ba, ngân hàng sẽ thu hút thêm được nhiều khách hàng mới, từ đó, gia tăng thu nhập cho ngân hàng. Trong cuộc chạy đua ngân hàng mở thì những ngân hàng tiên phong sẽ là ngân hàng chiếm lợi thế người dẫn đầu do thiết lập được hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh đầu tiên cho khách hàng.
- Gia tăng lòng trung thành và sự hài lòng của khách hàng: Đối với hệ sinh thái xung quanh ngân hàng mở, ngân hàng được khách hàng trao quyền nhiều hơn hay giữ vị trí trung tâm để cung cấp dữ liệu khách hàng cho các đối tác, làm gia tăng sự hài lòng của khách hàng cũng như sự gắn kết của khách hàng với ngân hàng.
Không chỉ đem lại lợi ích cho các ngân hàng, hệ thống ngân hàng mở cũng đem lại những lợi thế cho khách hàng:
- Giảm chi phí giao dịch: Khách hàng thực hiện giao dịch với hệ sinh thái ngân hàng đóng hiện tại phải chịu thêm chi phí giao dịch từ các bên trung gian thứ ba cũng như quá trình thanh toán cũng phức tạp. Trong mô hình thanh toán hiện tại, người dùng phải gánh những chi phí giao dịch từ bên trung gian và quá trình thanh toán cũng khá phiền phức. Khi sử dụng ngân hàng mở, khách hàng sẽ giảm tối đa phí giao dịch cũng như bước thanh toán trung gian vì khách hàng ủy quyền trực tiếp bên cung cấp dịch vụ thứ ba truy cập và thanh toán từ tài khoản ngân hàng của khách hàng.
- Quản lý tài khoản dễ dàng hơn: Với nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau khiến khách hàng truy xuất và quản lý tài khoản cũng như các giao dịch từ các ứng dụng riêng lẻ là rất khó khăn. Ngân hàng mở giúp khách hàng quản lý tài khoản dễ dàng hơn từ một ứng dụng duy nhất tập hợp tất cả các thông tin và dữ liệu giao dịch của tất cả tài khoản hiện có của khách hàng.
- Gia tăng sự lựa chọn sản phẩm dịch vụ: Việc sử dụng các API mở cho phép ngân hàng và các bên trung gian thứ ba tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và gia tăng sự lựa chọn cho khách hàng.
Các API mở và ngân hảng mở dẫn đầu cho kỷ nguyên sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính ngân hàng. Chính sự đổi mới, sáng tạo sẽ tạo ra các sản phẩm dịch vụ và các giá trị mới mà chúng ta không thể dự báo hay hình dung ngày hôm nay.
2. Ngân hàng mở trong bối cảnh toàn cầu
Nhận biết tiềm năng, triển vọng cũng như xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện đại các quốc gia đã có chiến lược cụ thể để xây dựng hệ thống khung pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng ngân hàng mở.
- Đức
Năm 2010, hệ thống ngân hàng mở được giới thiệu tại Đức. Dự án ngân hàng mở (Open Bank Project) được phát triển bởi sự hợp tác của các ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước. Nhiệm vụ chính của các dự án là thiết lập các API mở cho các ngân hàng, giúp cho các nhà phát triển và các công ty fintech có thể sử dụng để tạo các ứng dụng tiện ích hơn cho khách hàng từ dữ liệu các ngân hàng chia sẻ với sự đồng ý của khách hàng.
- Liên minh châu Âu
Nghị viện châu Âu đã ban hành Chỉ thị dịch vụ thanh toán sửa đổi (PSD2) năm 2015 để xây dựng nền tảng cho việc phát triển ngân hàng mở tại Liên minh châu Âu theo lộ trình đến tháng 01.2018 thì PSD2 phải được luật hóa trong luật nội địa của các quốc gia thành viên. PSD2 đã xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho phép các bên thứ ba phát triển dịch vụ thanh toán trên nền tảng của các định chế tài chính với sự đồng ý của khách hàng. PSD2 cũng quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn và lộ trình để thực hiện cũng như gia tăng các biện pháp bảo mật cho khách hàng. (Bảng 1)
- Singapore
Hiệp hội Ngân hàng Singapore và Ngân hàng Trung ương Singapore đã phát hành ấn phẩm “Finance-as-a-Service: API Playbook” vào ngày 16.11.2016 như một hướng dẫn toàn diện cho các định chế tài chính, các công ty fintech và các tổ chức quan tâm khác trong việc phát triển và áp dụng kiến trúc hệ thống dựa trên nền tảng là các API mở - tạo sự khởi đầu cho hệ sinh thái ngân hàng mở tại Singapore.
- Nhật
Luật Ngân hàng sửa đổi ban hành tháng 05.2017 quy định rõ trách nhiệm của các ngân hàng tại Nhật phải có các chính sách cụ thể để hợp tác với bên thứ ba cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cũng như công bố các mốc thời gian để phát triển các API làm nền tảng kết nối. Luật ngân hàng sửa đổi cũng yêu cầu làm rõ là các ngân hàng sẽ cung cấp các API mở hay không và thời gian cụ thể cũng như ràng buộc tuân thủ tiêu chuẩn hợp đồng của các bên tham gia.
- Hồng Kông
Ngân hàng Trung ương Hồng Kông đã công bố ấn phẩm Kỷ nguyên mới của ngân hàng thông minh vào tháng 09.2017 với bảy sáng kiến, trong đó, có việc áp dụng các API mở cho hệ thống ngân hàng Hồng Kông. Theo lộ trình trong năm 2018, Ngân hàng Trung ương Hồng Kông sẽ ban hành khuôn khổ cho các API mở phù hợp với tiêu chuẩn công nghệ ngành Ngân hàng cũng như hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia.
- Úc
Trong báo cáo Đánh giá hệ thống ngân hàng mở tại Úc phát hành vào tháng 08.2017 đã xác định chức năng chính của ngân hàng mở là trao quyền cho khách hàng truy cập và kiểm soát tốt hơn dữ liệu ngân hàng của mình. Báo cáo cũng chỉ ra những lợi ích tiềm năng của hệ thống ngân hàng mở tại Úc cũng như các chi phí phát sinh để đảm bảo quyền về dữ liệu ngân hàng của khách hàng.
- Anh
Đảm bảo lộ trình của PSD2, Cơ quan quản lý cạnh tranh và điều hành thị trường Anh (Competition and MarketsAuthority CMA) đã công bố báo cáo về thị trường ngân hàng bán lẻ, trong đó, yêu cầu 9 ngân hàng lớn nhất tại Anh gồm: HSBC, Barclays, RBS, Santander, Bank of Ireland, Allied Irish Bank, Danske, Lloyds và Nationwide bắt buộc phải công bố chuẩn dữ liệu, phát hành dữ liệu bảo mật để có thể dễ dàng chia sẻ trực tuyến với các bên thứ ba được ủy quyền.
Dựa trên khung pháp lý do các quốc gia xây dựng về ngân hàng mở, các ngân hàng tiến hành xây dựng các tiêu chuẩn để các bên thứ ba có thể truy cập dữ liệu ngân hàng thông qua các API mở với sự cho phép của khách hàng. Với hạ tầng của hệ thống ngân hàng mở, các bên thứ ba, các công ty fintech và các nhà tổng hợp dễ dàng cung cấp cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau trên một nền tảng duy nhất. Một số ứng dụng được phát triển trên nền tảng ngân hàng mở được nghiên cứu mô tả chi tiết trong Bảng 2 đã phản ánh sự tiện lợi, tiềm năng ứng dụng rộng rãi để giải thích tại sao xu hướng ngân hảng mở sẽ là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên ngân hàng số và kỷ nguyên ngân hàng kết nối vạn vật trong thời gian không xa nữa.
3. Sự chuẩn bị của Việt Nam
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đây chính là nền tảng để các Bộ, ban, ngành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ số để bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.
Đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam, tuy chưa triển khai ngân hàng mở, tuy nhiên, các ngân hàng cũng đã nhận thức được tiềm năng, thách thức cũng như yêu cầu cấp thiết phải đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở. Về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã bước đầu xây dựng, thử nghiệm và dần hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý hoạt động ngân hàng mở nhằm đảm bảo an toàn, bình đẳng cho các bên tham gia theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg. Cụ thể, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/03/2017 thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech của NHNN. Trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng (2017), Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech của NHNN cho biết nghiên cứu việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API) là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của Ban. Đến tháng 06/2018, Cục Công nghệ thông tin của NHNN đã tiến hành khảo sát giao diện kết nối ứng dụng mở (Open API) áp dụng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để xác định: (i) Hiện trạng cung cấp, chia sẻ dữ liệu giữa ngân hàng với khách hàng và bên thứ ba; (ii) Nhu cầu, yêu cầu về chuẩn kết nối chung cho ngành Ngân hàng với các công ty fintech (NHNN, 2018). Kết quả khảo sát chính là cơ sở để NHNN hoạch định khung pháp lý xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở tại Việt Nam.
Trên cở sở phân tích lợi thế tiềm năng cũng như bối cảnh toàn cầu nghiên cứu tiến hành đề xuất một số giải pháp với NHNN và các ngân hàng thương mại tại Việt Nam để có thể nắm bắt xu hướng và xây dựng thành công hệ sinh thái ngân hàng mở tại Việt Nam.
Đối với NHNN với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước của hệ thống ngân hàng Việt Nam thì cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về ngân hàng mở - đây chính là điều kiện tiền đề quan trọng nhất. Khung pháp lý cần quy định cụ thể: (i) Trách nhiệm của ngân hàng cung cấp dữ liệu cá nhân của khách hàng cho các bên thứ ba được khách hàng ủy quyền thông qua các API mở chuẩn hóa; (ii) Các hình thức xác thực bảo mật cho khách hàng khi khách hàng truy cập hay thực hiện thanh toán thông qua bên thứ ba được ủy quyền; (iii) Trách nhiệm của ngân hàng phải tự đánh giá các rủi ro khi khách hàng thực hiện giao dịch trên kênh kỹ thuật số mới; (iv) Tiêu chuẩn và cách xác thực các bên cung cấp dịch vụ thứ ba được phép truy cập dữ liệu ngân hàng của khách hàng khi được ủy quyền; (v) Tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho các API mở để đảm bảo kết nối thành công giữa ngân hàng và các bên thứ ba.
Để tận dụng lợi thế của hệ sinh thái ngân hàng mở các ngân hàng thương mại Việt Nam xác định những chiến lược hợp lý: (i) Đầu tư, xây dựng nền tảng công nghệ thông tin ngân hàng để đảm bảo khả năng tổng hợp, cung cấp dữ liệu khách hàng và kết nối với các bên thứ ba thông qua các API mở; (ii) Duy trì các mối quan hệ hiện có với khách hàng, đồng thời, tích cực chuẩn bị cho lộ trình xây dựng ngân hàng mở để đảm bảo rằng ngân hàng vẫn là lựa chọn ưu tiên của khách hàng; (iii) Hợp tác và tích hợp các tiện ích dịch vụ của các bên thứ ba nhằm nâng cao khả năng phân phối, xây dựng chuỗi giá trị cho dịch vụ ngân hàng cung cấp và tận dụng lợi thế người tiên phong trong hệ sinh thái ngân hàng mở; (iv) Nâng cao khả năng bảo mật cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn công nghệ từ khung pháp lý quản lý ngân hàng mở của NHNN.
Sự dịch chuyển mô hình kinh doanh từ hệ sinh thái ngân hàng đóng sang hệ sinh thái ngân hàng mở sẽ mang lại nhiều thuận tiện hơn cả nền kinh tế nhưng luôn đi kèm với những rủi ro và thách thức. Tuy nhiên, đây chính là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; vì thế, nên hệ thống ngân hàng Việt Nam cần có những sự chuẩn bị hợp lý để duy trì lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của lộ trình xây dựng hệ thống ngân hàng số.
Tài liệu tham khảo:
Barclays (2017), Open banking a consumer perspective, White paper.
BUD (2018), The Global Open Banking Snapshot, White paper.
Deloitte Digital (2017), Open Banking:What Does The Future Hold?, RBS Open Pfm Discussion.
Euro Banking Association (2016), Understanding the business relevance of Open APIs and Open Banking for banks, EBA Working Group on Electronic Alternative Payments.
European Union (2015), Payment services (PSD2), Directive (EU) 2015/2366.
Kolobova, Y. I., Mokhnitskaya, D. S., Sidorova, V. E., and Skorokhod, A. A., (2018), Risks and Threats of Using Open Banking in Russia and in the World, in III Network AML/CFT Institute International Scientific and Research Conference “FinTech and RegTech: Possibilities, Threats and Risks of Financial Technologies”, KnE Social Sciences, pages 415–426. DOI 10.18502/kss.v3i2.1572
Ngân hành Nhà nước Việt Nam (2018), Phiếu khảo sát mức độ sẵn sàng về chia sẻ dữ liệu của Ngành Ngân hàng, https://www.sbv.gov.vn.
Thời báo Ngân hàng (2107), Dịch vụ ngân hàng và những người chơi mới, http://thoibaonganhang.vn/dich-vu-ngan-hang-va-nhung-nguoi-choi-moi-72587.html
TS. Nguyễn Minh Sáng
Nguồn: TCNH số 19/2018