Chính phủ điện tử đồng hành cùng người dân
16/05/2024 08:35 6.145 lượt xem
Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2022 (E-Government Survey 2022), Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng Chính phủ điện tử liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020, từ vị trí 99 lên vị trí 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, ở vị trí thứ 6 Đông Nam Á sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei và Indonesia. Với chủ trương vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh vươn tầm thế giới, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 xếp hạng về Chính phủ điện tử vào top 50 thế giới; tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 80%; số lượng giao dịch qua nền tảng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đạt 860 triệu giao dịch; tỉ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đạt 100%...
 
Trên hành trình hướng đến những mục tiêu đó rất cần sự đồng thuận và đồng hành của người dân.

Người dân tiếp cận với Chính phủ điện tử

Theo Liên hợp quốc, Chính phủ điện tử là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng công nghệ thông tin như mạng diện rộng, Internet, các phương tiện di động để quan hệ với người dân, doanh nghiệp và bản thân các cơ quan Chính phủ.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc - UNESCO (năm 2005) nhấn mạnh, Chính phủ điện tử là việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy Chính phủ hoạt động ngày càng hiệu quả và hiệu suất hơn, dễ tiếp cận và có trách nhiệm hơn với người dân.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã chỉ rõ, Chính phủ điện tử là việc các cơ quan của Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống công nghệ thông tin truyền thông để thực hiện quan hệ với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội; nhờ đó, cải thiện, nâng cao chất lượng giao dịch của Chính phủ với người dân và các tổ chức, giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần tăng trưởng và giảm chi phí.

Theo Tổ chức Đối thoại doanh nghiệp toàn cầu về thương mại điện tử, Chính phủ điện tử đề cập đến một trạng thái trong đó các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp (bao gồm cả chính quyền trung ương và chính quyền địa phương) số hóa các hoạt động bên trong và bên ngoài; sử dụng các hệ thống được nối mạng hiệu quả để có được chất lượng tốt hơn trong việc cung cấp các dịch vụ công...



Đồng hành cùng Chính phủ điện tử mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp
(N
guồn ảnh: Internet)

 
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ điện tử là quá trình tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là Internet nhằm hỗ trợ các hoạt động của Chính phủ, gắn kết công dân; cung cấp các dịch vụ của Chính phủ để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan Chính phủ giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và Chính phủ, thông qua trao đổi văn bản điện tử, thu thập thông tin chính xác và kịp thời ra quyết định, thực hiện giao ban điện tử, cung cấp dịch vụ công với các phương tiện thông tin điện tử trên các nền tảng như Website, các ứng dụng... Những hoạt động cụ thể như tổ chức họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt... ngày càng được mở rộng, qua đó, giúp cho các cơ quan Chính phủ đổi mới phương thức giải quyết công việc theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả hơn; cung cấp đầy đủ, liên tục thông tin, hoạt động, dịch vụ Chính phủ với chi phí thấp và mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Việc xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử đòi hỏi phải không ngừng nâng cao mức độ thuận tiện, tạo điều kiện tốt nhất để người dân dễ dàng truy cập, tiếp cận các dịch vụ công thông qua Chính phủ điện tử...

Để xây dựng Chính phủ điện tử, mỗi quốc gia cần trải qua bốn giai đoạn: Hiện diện, tương tác, giao dịch, chuyển đổi với mục tiêu cuối cùng là cung cấp cho người dân và doanh nghiệp một điểm truy cập duy nhất tới các cơ quan nhà nước để thực hiện mọi giao dịch trực tuyến nhanh chóng, thuận lợi và minh bạch. Chính phủ số là bước phát triển tiếp theo của Chính phủ điện tử, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà còn đổi mới mô hình, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ.

Từ những năm 2000, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế nhấn mạnh quan điểm: Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…

Tháng 01/2006, Thủ tướng Chính phủ đã khai trương trang web của Chính phủ và kênh thông tin dành cho Chính phủ (www.vietnam.gov.vn và www.chinhphu.vn); Chương trình Cải cách hành chính là những tiền đề để Chính phủ điện tử đến gần hơn với người dân.

Từ năm 2015, Việt Nam đã tập trung thực hiện mục tiêu Chính phủ điện tử, trong đó xác định quyết tâm đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng.

Theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ), Việt Nam đã xác định: Xây dựng Chính phủ số có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội và hình thành Chính phủ số vào năm 2025. Để đạt mục tiêu đó, Chính phủ đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển cơ sở dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã dần được thiết lập. Một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin như cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành. Các cơ quan nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… Một số bộ, ngành và địa phương đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin một cửa điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Chất lượng nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã được quan tâm...

Đặc biệt, Việt Nam đã khai trương, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ cuối năm 2019. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan nhà nước cung cấp DVCTT theo hai mức độ: (i) DVCTT toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích; (ii) DVCTT một phần, bao gồm không bảo đảm các điều kiện như DVCTT toàn trình.


Tính đến ngày 31/8/2023, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã xử lý hơn 23 triệu hồ sơ, trong đó Bộ Công an xử lý gần 7,5 triệu hồ sơ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 2 triệu hồ sơ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam hơn 430.000 hồ sơ. Cổng Dịch vụ công Quốc gia cung cấp 4.446 DVCTT toàn trình và DVCTT một phần, trong đó có 2.569 dịch vụ dành cho người dân và 2.374 dịch vụ dành cho doanh nghiệp. Các bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp tổng số 1.623 DVCTT. Các tỉnh, thành phố tích hợp số lượng DVCTT lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (tỉnh Cà Mau có 1.561 dịch vụ; tỉnh Long An có 1.480 dịch vụ; tỉnh An Giang có 1.467 dịch vụ; thành phố Đà Nẵng có 1.348 dịch vụ; thành phố Hà Nội có 250 dịch vụ; tỉnh Phú Yên có 380 dịch vụ; tỉnh Yên Bái có 458 dịch vụ; Thành phố Hồ Chí Minh có 588 dịch vụ trên tổng số hơn 1.620 DVCTT cung cấp tại bộ phận một cửa điện tử của Thành phố...).

Sau bốn năm vận hành, Cổng Dịch vụ công Quốc gia trở thành “Một cửa số” của quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử: Tích hợp, cung cấp 4.591 DVCTT trong tổng số 6.349 thủ tục hành chính (chiếm 72,3%); có hơn 3,2 tỉ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 273 triệu hồ sơ thủ tục hành chính đồng bộ, công khai quá trình giải quyết (năm 2023 tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022); 36,8 triệu hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia (năm 2023 tăng hơn 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2022); trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 106 nghìn hồ sơ trực tuyến, 50 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến.

Việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trên cơ sở khai thác, tái sử dụng dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hóa, giúp việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, đơn giản, giảm chi phí, thời gian.

Phát triển các nền tảng, phần mềm dùng chung của Cổng Dịch vụ công Quốc gia để các bộ, ngành, địa phương áp dụng thực hiện trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, giúp tiết kiệm, tránh lãng phí trong đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Dựa trên các nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; hệ thống trao đổi định danh, xác thực điện tử; hệ thống thanh toán trực tuyến; hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; hệ thống đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, 100% các bộ, ngành, địa phương đã sử dụng hệ thống định danh, xác thực điện tử, thanh toán trực tuyến, tham gia quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Các danh mục dùng chung trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã được các bộ, ngành, địa phương sử dụng trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Có 60/63 địa phương và 17/20 bộ sử dụng chung hệ thống phản ánh kiến nghị với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Là điểm điều phối, kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị (Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của 24 bộ, ngành, 63 địa phương; 10 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; hệ thống thông tin của 14 ngân hàng, trung gian thanh toán; các tập đoàn, tổng công ty, công ty).

Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã góp phần công khai, minh bạch các thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính trên cả nước; tạo thuận lợi cho người dân thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng, trong đó hệ thống đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp giúp kiểm soát quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu theo thời gian thực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Chỉ số DVCTT (OSI) của các nước do Liên hợp quốc đánh giá dựa trên 05 chỉ số thành phần với tỉ lệ như sau: Khung thể chế (IF) 10%; cung cấp dịch vụ (SP) 45%; cung cấp nội dung (CP) 5%; công nghệ (TEC) 5% và tham gia điện tử (EPI) 35%. Theo đó, năm 2022, chỉ số OSI của Việt Nam đạt mức cao, với 0,6484 điểm; trong đó, chỉ số thành phần về  IF và CP của Việt Nam đạt điểm rất cao với lần lượt là 0,9231 điểm và 0,9 điểm cho thấy, các văn vản quy phạm pháp luật về cung cấp thông tin và DVCTT tại Việt Nam đã dần hoàn thiện.

Ngành Ngân hàng đồng hành cùng Chính phủ điện tử

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, ngành Ngân hàng sớm có những bước đi và giải pháp thích hợp, mang tính tiên phong và đã đạt được nhiều thành quả tích cực.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 14/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những thành quả tích cực của ngành Ngân hàng và yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục tiên phong trong chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao năng lực của hệ thống, góp phần tối ưu các chi phí cho nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh; phối hợp tốt với Bộ Công an về ứng dụng Đề án 06 trong hoạt động ngân hàng. Tích cực ứng dụng các công nghệ 4.0 vào các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi (như thanh toán, tín dụng, nhận tiền gửi...), đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ công; số hóa trong nhiều sản phẩm, dịch vụ; chú trọng công tác truyền thông chính sách, bảo đảm thông tin rõ ràng, minh bạch, góp phần tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân.

Trên thực tế, sau thành công của Dự án Hệ thống thông tin quản lý và Hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS) cuối năm 2017, ngành Ngân hàng đã có một hạ tầng công nghệ hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực dựa trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin và áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đây cũng là những nền tảng để triển khai Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử của NHNN.

Từ tháng 5/2017, phần mềm E-doc đã được bổ sung tính năng tự động nhắc công việc sắp đến hạn cho Thủ trưởng các đơn vị qua tin nhắn, e-mail, tính năng gửi tin nhắn thông báo văn bản, công việc mới đến điện thoại người dùng.

Ngay từ năm 2018, ngành Ngân hàng đã thực hiện số hóa và đảm bảo 100% việc trao đổi văn bản giữa các đơn vị thuộc NHNN đã không còn trên giấy; 100% các văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc NHNN hoàn toàn dưới dạng điện tử. 100% thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, xử lý công việc. Đây là kết quả của việc NHNN đã triển khai, vận hành hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc cho tất cả các đơn vị thuộc NHNN. Phần mềm này tích hợp chữ ký số, đạt tỉ lệ 100%.

Từ quý II/2018, NHNN đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống thanh toán liên ngân hàng đáp ứng yêu cầu nộp thuế qua mạng cho người dân nộp thuế, bảo đảm điện tử hóa 100% nội dung chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính.

Tháng 3/2018, NHNN đã phát hành và áp dụng phiên bản CITAD 4.0.0.6.0.0 của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng để đáp ứng hệ thống chứng thư số mới của NHNN. Cũng từ thời điểm đó, 100% thủ tục hành chính của NHNN đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử NHNN phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Ngành. 52 DVCTT mức độ 3,4 của NHNN đã triển khai, trong đó có 7 DVCTT cấp độ 3 và 45 DVCTT cấp độ 4.

Ngày 13/4/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Các đề án liên quan đến thanh toán tiếp tục được đẩy mạnh triển khai góp phần kết nối Chính phủ điện tử như Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ) đã có thêm những kết quả mới với việc xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa; xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH) tại Việt Nam... Công tác giám sát trực tuyến tình hình hoạt động của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; giám sát tình hình hoạt động ATM; giám sát tình hình hoạt động cung ứng dịch vụ của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng đang được triển khai để thực hiện Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020.

Đặc biệt, để đón đầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng cho các công ty công nghệ tài chính (fintech); xây dựng văn bản hướng dẫn về thanh toán qua QR-Code…

NHNN cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 
17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 (Nghị quyết số 17/NQ-CP). Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử tại NHNN nhằm hiện đại hóa công tác quản lý và điều hành hoạt động ngân hàng đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử tại NHNN dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; góp phần tăng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc, đến năm 2025, đưa Việt Nam vào nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử.

Kế hoạch cũng đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu, trong đó giai đoạn 2019 - 2020, tập trung vào các nội dung như: Tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của NHNN đạt từ 20% trở lên; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử NHNN; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng DVCTT trên Cổng Dịch vụ công NHNN; 50% DVCTT xử lý bằng hồ sơ điện tử…

Đối với giai đoạn 2021 - 2025, NHNN tập trung vào các nội dung: Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử NHNN được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% DVCTT mức độ 3,4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa NHNN được xác thực điện tử; Cổng Dịch vụ công NHNN cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 20% DVCTT sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; tỉ lệ hồ sơ giải quyết theo DVCTT mức độ 3,4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai DVCTT mức độ 3,4; tích hợp 50% các DVCTT mức độ 3,4 của NHNN với Cổng Dịch công Quốc gia…

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2015. Theo đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể được NHNN tập trung triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của NHNN liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý, bảo đảm thực chất; rà soát, xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN; cụ thể hóa các quy định của Nhà nước về chế độ tài chính của NHNN để đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước phù hợp với đặc thù hoạt động của NHNN.

NHNN đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện sáu lĩnh vực cải cách hành chính, trọng tâm vào ba trụ cột, đó là: (i) Cải cách hoàn thiện thể chế; (ii) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ; (iii) Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức, công vụ nói riêng. Đồng thời, NHNN chỉ đạo toàn Ngành tiếp cận ứng dụng nhanh công nghệ số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, đưa ra nhiều sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất, có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, NHNN đã ban hành 23 thông tư sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 101 thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào hai lĩnh vực chính là hoạt động ngoại hối và thủ tục thành lập, hoạt động ngân hàng để tạo thuận lợi hơn cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân. 

NHNN đã đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của NHNN, đẩy mạnh tin học hóa trong hoạt động điều hành, nghiệp vụ trên môi trường số, hoàn thiện hệ thống báo cáo định kỳ của NHNN theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ; ban hành và tổ chức thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an ninh; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch của ngành Ngân hàng thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Năm 2022, NHNN đứng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm chỉ số cải cách hành chính là 91,77%, giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2022 là 84,05%. NHNN cũng là một trong ba đơn vị có Chỉ số cải cách hành chính tăng cao hơn so với năm 2021. Đây là lần thứ 7, NHNN đứng đầu PAR INDEX sau 6 năm đứng đầu liên tiếp (2014 - 2020). NHNN đứng đầu chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính” với điểm chỉ số 98,28%. NHNN cũng là đơn vị duy nhất đạt số điểm tối đa tại các tiêu chí thành phần thuộc Tiêu chí “Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao”. Tiêu chí thành phần “Chất lượng cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử của bộ” thuộc Tiêu chí “Phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, tổ chức” được đánh giá thông qua điều tra xã hội học, NHNN đạt được tỉ lệ điểm số cao nhất với giá trị 83,42%. Các tiêu chí khác như xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số; cải cách chế độ công vụ, cải cách tổ chức bộ máy, NHNN đứng thứ hai trong các bảng xếp hạng chỉ số thành phần... 

Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX - 2023 của NHNN tiếp tục duy trì thứ hạng cao, đứng thứ hai trong tổng số 17 bộ, ngành với chỉ số cải cách hành chính đạt 89,89%. Trong đó, nhiều chỉ số thành phần NHNN tiếp tục duy trì và đạt thứ hạng cao về mức độ cải cách. Cụ thể, NHNN có 4/7 chỉ số đạt trên 90%, trong đó, chỉ số thành phần “cải cách thủ tục hành chính” giữ vị trí dẫn đầu với giá trị đạt 97%, chỉ số thành phần “công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính” đạt 97,02%.

Có thể thấy, với những thành quả tích cực trên, NHNN đã tạo được những công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng điều hành trong các lĩnh vực hoạt động tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và xã hội vượt qua những khó khăn của dịch Covid-19, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nền kinh tế có tăng trưởng dương, an sinh xã hội được đảm bảo.

Một số khó khăn, thách thức trong triển khai Chính phủ điện tử

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng còn một số vấn đề đặt ra như: Việc tăng số lượng hồ sơ trực tuyến ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực chất, nhiều DVCTT không đảm bảo mức độ dịch vụ, chưa quan tâm tái cấu trúc quy trình, trải nghiệm của người dùng nên chưa thực sự thuận lợi, đơn giản, thậm chí còn gây mất thời gian, phức tạp hơn so với thực hiện trực tiếp; chưa thiết kế các biểu mẫu tương tác, hỗ trợ điền các thông tin sẵn có.

Việc số hóa, làm giàu, làm sạch dữ liệu ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa có lộ trình, kế hoạch rõ ràng, thậm chí ở một số cơ quan, đơn vị chủ yếu việc số hóa mới chỉ dừng lại ở sao chụp chuyển từ bản giấy sang bản điện tử nên không đảm bảo giá trị pháp lý, không thể tái sử dụng, mà còn lãng phí nguồn lực số hóa, tốn kém tài nguyên lưu trữ.

Công tác kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Việc công khai, minh bạch, nhất là công khai, minh bạch quá trình giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Tính chung cả nước, việc công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương mới đạt 43%, bộ, ngành đạt 66% trong tổng số hồ sơ thủ tục hành chính.

Trên thực tế, kết quả triển khai nhiều nhiệm vụ về Chính phủ điện tử vẫn còn chậm và nhiều nơi thực hiện mang tính hình thức. Việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử chậm so với tiến độ cần có; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai nhưng chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, mức độ tin cậy của quốc gia trong giao dịch điện tử thấp.

Việc cung cấp DVCTT còn chạy theo số lượng trong khi tỉ lệ hồ sơ thực hiện DVCTT vẫn còn thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ.  

Trong thực tế, vẫn còn những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án. Các DVCTT tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia chưa đầy đủ, vẫn bao gồm cả DVCTT toàn trình và DVCTT một phần; tỉ lệ cán bộ, công chức làm việc với văn bản điện tử, hồ sơ số chưa nhiều; nguồn lực công nghệ cần cho Chính phủ số như mã định danh số, thanh toán số và các nền tảng vận hành liên thông dữ liệu ở Việt Nam chưa phù hợp, do thiếu sự thống nhất về chính sách và thể chế. Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC) chưa được xây dựng, các cơ sở dữ liệu số và hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu số an toàn, bảo mật mới chỉ triển khai được một phần, vẫn còn khoảng cách lớn để số hóa toàn diện về dữ liệu và luồng công việc; còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước cũng như quy định về cơ chế tích hợp, chia sẻ dữ liệu còn thiếu; thói quen cất dữ liệu còn tồn tại ở nhiều cơ quan; việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước còn chưa được quan tâm đúng mức; thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử, thiếu quy định cụ thể về xác thực cá nhân, tổ chức trong các giao dịch điện tử cũng như các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính và thanh toán; chưa phát huy tối đa sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng Chính phủ điện tử và thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù dự án công nghệ thông tin.

Đặc biệt, việc cung cấp các DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ số. Song, số lượng người dân sử dụng DVCTT thực tế còn thấp so tỉ lệ người sử dụng Internet trên cả nước. Đa số người dân chủ yếu vẫn làm việc với chính quyền theo các quy trình tiếp xúc trực tiếp và dựa trên giấy tờ tại bộ phận “một cửa” để thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo kết quả khảo sát được công bố tại tọa đàm chuyên đề “Đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của 63 cổng DVCTT cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2023”, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp tổ chức, thì chỉ có 3,05% số người được phỏng vấn cho biết đã lập hồ sơ người dùng trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hơn 1% đã sử dụng cổng dịch vụ công để làm thủ tục hành chính. Lí do khiến con số người dân ít tiếp nhận các DVCTT cấp tỉnh, chưa thực sự đồng hành cùng Chính phủ điện tử nói chung là do: Các tính năng để thực hiện DVCTT toàn trình chưa được bảo đảm; quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chưa được tối ưu hóa cho người dùng; bất cập trong kết nối dữ liệu, tài khoản và giao diện giữa hệ thống cung cấp DVCTT của Trung ương và địa phương; cổng dịch vụ công còn khó tiếp cận với người khiếm thị và đồng bào dân tộc thiểu số; việc cam kết bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức.

Kết quả phân tích 200 phản ánh kiến nghị về DVCTT đăng tải trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng chỉ ra hạn chế ở cả ba phương diện: Kỹ thuật, con người và quy trình triển khai. Theo đó, các vấn đề thuộc nhóm kỹ thuật bao gồm cổng dịch vụ công bị lỗi; việc nộp, cập nhật, bổ sung, theo dõi tình trạng hồ sơ trực tuyến còn nhiều bất tiện; không thể thanh toán trực tuyến; chữ ký số không được duyệt. Các bất cập về con người có thể kể đến việc cán bộ trả lại hồ sơ với lý do chưa thỏa đáng; cán bộ không giải thích, hướng dẫn cho người dân khi hồ sơ bị sai... Các bất cập về quy trình, thủ tục gồm: Chậm trễ trong quy trình tiếp nhận hồ sơ; người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhưng được yêu cầu bổ sung hồ sơ trực tiếp...


Thống kê từ Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cũng cho thấy, đến tháng 7/2023, tỉ lệ hồ sơ DVCTT, số lượng người dùng tương tác trên các cổng dịch vụ công cũng như Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt khoảng 60% số hồ sơ nộp trực tuyến; trong đó, chỉ khoảng 32% do người dân trực tiếp thực hiện, còn 28% vẫn phải có sự hỗ trợ của cán bộ, công chức nhà nước.

Đặc biệt, hiện 62 cổng cấp tỉnh không cung cấp chức năng tìm kiếm bằng giọng nói, trong khi công cụ tìm kiếm của 25 cổng không cho kết quả nếu từ khóa tìm kiếm bị viết sai chính tả, gây khó khăn cho người dân tộc thiểu số có thể không giỏi viết tiếng Việt.

Ở góc độ người dân, để có thể sử dụng DVCTT người dân cần đáp ứng được ba yếu tố: Có thiết bị (điện thoại thông minh hoặc máy tính); có đường truyền Internet và sau cùng nhưng lại quan trọng nhất là người dùng cần có khả năng, trình độ để sử dụng thành thạo thiết bị và dịch vụ công. Với những yêu cầu đó, việc sử dụng DVCTT càng trở nên khó tiếp cận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
 
Để người dân tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ điện tử

Để tiếp tục xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam cần coi trọng nâng cao sự quan tâm và năng lực đồng hành của người dân với Chính phủ điện tử; theo đó, cần tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ nổi bật sau:

Một mặt, nhất quán và nỗ lực nâng cấp Chính phủ điện tử theo hướng: Chuyên nghiệp (đồng bộ giao diện; ngôn ngữ dễ hiểu; giám sát chất lượng trên trải nghiệm người dùng); thông minh (kết nối dữ liệu; liên thông hệ thống; tối ưu hóa quy trình); đáng tin cậy (bảo mật thông tin người dùng).

Đặc biệt, cần tăng tính thân thiện, dễ sử dụng của giao diện cổng DVCTT và tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển DVCTT để cải thiện tỉ lệ, nâng cao trải nghiệm của người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử; tăng cường thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ; hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai... ; các hệ thống thông tin Chính phủ không giấy tờ; hệ thống điện tử về tham vấn chính sách; hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; đồng thời, xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử; hệ thống xác thực định danh điện tử; liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ và chữ ký số công cộng; Cổng Thanh toán Quốc gia… để bảo đảm dữ liệu, thông tin được thông suốt giữa các cấp Chính phủ.

Tập trung rà soát, cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, hoàn thiện, cung cấp DVCTT, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trong đó năm 2024, tập trung thực hiện đối với các nhóm DVCTT liên thông giữa nhiều cơ quan, đơn vị, có đối tượng, tần suất thực hiện lớn thúc đẩy tháo gỡ các “nút thắt” trong vấn đề kết nối, chia sẻ, tái sử dụng, liên thông dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, giúp giảm thực chất các thủ tục, thời gian, chi phí thực hiện.

Tập trung số hóa, làm sạch dữ liệu, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh tái sử dụng tài liệu, kết quả giải quyết  thủ tục hành chính đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Kho quản lý dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công tập trung do bộ, ngành quản lý với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Tăng cường công khai, minh bạch, 100% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và phải đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Căn cứ kết quả đánh giá theo Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức.

Mặt khác, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cần thiết cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp về Chính phủ điện tử, khung kiến trúc Chính phủ điện tử và nâng cao năng lực chủ động ngăn chặn các rủi ro, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Ngoài ra, kết hợp chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển Chính phủ điện tử; cải thiện các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa và tiện ứng dụng hiệu quả công nghệ số; vận dụng những kinh nghiệm pháp lý, tiêu chuẩn, sáng kiến quốc tế liên quan phù hợp với thực tiễn, mục tiêu và lợi ích của Việt Nam; sớm cung cấp, tích hợp tất cả DVCTT của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm kinh phí cho xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Sử dụng ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để tìm kiếm các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả công nghệ cho Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương liên quan; tăng cường nghiên cứu làm chủ các công nghệ lõi như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), bảo mật, an toàn, an ninh mạng, nền tảng tích hợp, xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu số quốc gia, phát triển các ứng dụng chuyên ngành, phục vụ xây dựng Chính phủ số; chú trọng ứng dụng nền tảng mở, mã nguồn mở, hình thành hệ sinh thái để các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế số, xã hội số, phục vụ Chính phủ số. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng số quốc gia, các ứng dụng, dịch vụ công quốc gia, tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin, sử dụng vốn đầu tư công do ngân sách trung ương đảm bảo; phát triển hệ thống thanh toán điện tử.

Đồng thời, tiến hành đo lường, giám sát, đánh giá hiệu quả trong triển khai các dự án đầu tư và thực hiện đo lường, giám sát tự động tới từng hệ thống, từng dịch vụ phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Chính phủ, các bộ, ngành nâng cao hơn nữa tỉ lệ công khai, minh bạch và chất lượng trong xử lý các thủ tục hành chính; tìm kiếm thông tin trên cổng dịch vụ công.

Phát huy lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên và công dân trẻ tham gia sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia; phát huy sáng kiến kỹ thuật từ nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trẻ cho tiến trình Chính phủ điện tử; gia tăng độ nhận diện của Cổng Dịch vụ công Quốc gia với đối tượng trẻ thông qua việc tích hợp các yêu cầu đăng ký/đăng nhập, các DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với một số hoạt động, nhu cầu trực tuyến của học sinh - sinh viên.

Trước mắt, huy động các nguồn lực xây dựng các điểm truy cập Internet miễn phí tại các vùng dân cư, đặc biệt là các vùng hẻo lánh là yêu cầu bức thiết để người dân, đặc biệt là giới trẻ tiếp cận với Internet và sử dụng các DVCTT; có thể nghiên cứu mở rộng kinh nghiệm lập ở mỗi tổ dân phố tại phường, xã có một tổ công nghệ số cộng đồng, bao gồm chuyên gia và thanh niên thạo công nghệ để giúp Ủy ban nhân dân phường, xã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cài đặt, đăng ký và sử dụng DVCTT; hướng dẫn các hộ kinh doanh, sản xuất khai thác ứng dụng kinh doanh trên nền tảng số; kết nối để chuyển tải các vấn đề, khó khăn mà người dân sử dụng cổng dịch vụ công gặp phải... từ đó nghiên cứu, đề xuất với các cấp cao hơn để có các biện pháp tháo gỡ.

Tóm lại, để người dân đồng hành trên hành trình xây dựng Chính phủ điện tử cần có cách tiếp cận đúng đắn và nhất quán lấy người dân làm trọng tâm; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân làm đích đến và bắt đầu bằng một kiến trúc công nghệ phù hợp, được xây dựng và triển khai trong kế hoạch tổng thể nhất quán, với các giai đoạn phù hợp và giải pháp thiết thực, cụ thể và đồng bộ.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 1.0), tr.4 (Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015).
3. 
https://moha.gov.vn/chuyen-doi-so/tin-tuc/Pages/listbnv.aspx?CateID=956&ItemID=55548
4. https://www.brandsvietnam.com/19005-Xay-dung-chinh-phu-dien-tu-can-bat-dau-tu-lay-dan-lam-goc
5. https://tcnn.vn/news/detail/62700/Thuc-trang-va-giai-phap-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-huong-toi-chinh-phu-so-o-Viet-Nam.html
6. https://egov.chinhphu.vn/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-huong-toi-chinh-phu-so-va-nen-kinh-te-so-o-viet-nam-a-newsdetails-37599-14-186.html
7. https://nhandan.vn/dich-vu-cong-truc-tuyen-con-nhieu-kho-khan-post763166.html
8. https://tapchimattran.vn/thuc-tien/chinh-phu-dien-tu-va-su-tham-gia-cua-nguoi-dan-o-viet-nam-hien-nay-12124.html
9. https://vpcp.chinhphu.vn/phat-huy-vai-tro-mot-cua-so-cua-cong-dich-vu-cong-quoc-gia-115231229194859537.htm
10. https://tapchinganhang.gov.vn/nang-cao-hieu-qua-cai-cach-hanh-chinh-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-o-viet-nam.htm

 
TS. Nguyễn Minh Phong (Hà Nội)
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Một số khuyến nghị trong việc tăng cường các quy định pháp luật về tội phạm công nghệ cao
Một số khuyến nghị trong việc tăng cường các quy định pháp luật về tội phạm công nghệ cao
20/09/2024 13:52 21 lượt xem
Việc bùng nổ của công nghệ số và sự phát triển nhanh chóng của không gian mạng đã tạo ra những cơ hội mới nhưng cũng đồng thời đặt ra những thách thức to lớn về an ninh mạng.
Ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động ngân hàng - Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
Ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động ngân hàng - Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả
17/09/2024 11:29 632 lượt xem
Blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa.
Phòng, chống hành vi gian lận liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán
Phòng, chống hành vi gian lận liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán
13/09/2024 16:12 769 lượt xem
Thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng có liên quan đến tài khoản “rác”. Các tài khoản này thường bị lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố...
Trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
13/09/2024 08:22 865 lượt xem
Khi công nghệ liên tục phát triển, sự tích hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử đã nổi lên như một giải pháp đem đến khả năng vượt trội để phân tích và điều hướng sự phức tạp của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến đánh giá rủi ro tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng
Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến đánh giá rủi ro tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng
11/09/2024 16:17 1.005 lượt xem
Lĩnh vực tài chính đang trải qua giai đoạn chuyển đổi đáng kể do sự phát triển của AI, cung cấp một bộ công cụ và kỹ thuật mạnh mẽ giúp các tổ chức tài chính quản lý rủi ro, đưa ra quyết định đầu tư và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Nhận diện thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội và một số giải pháp phòng, chống
Nhận diện thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội và một số giải pháp phòng, chống
09/09/2024 08:03 1.170 lượt xem
Bài viết khái quát một số vấn đề chung về tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Đồng thời, chỉ ra những biểu hiện giúp nhận diện chính xác các thủ đoạn phạm tội; từ đó kiến nghị các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với đối tượng tội phạm này.
Ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia, định danh và xác thực điện tử thúc đẩy số hóa ngân hàng
Ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia, định danh và xác thực điện tử thúc đẩy số hóa ngân hàng
05/09/2024 11:43 1.347 lượt xem
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên nhiều mặt, lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, lấy thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo cáo tài chính - Xu hướng tất yếu cho kinh tế số
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo cáo tài chính - Xu hướng tất yếu cho kinh tế số
04/09/2024 08:13 1.271 lượt xem
Trong thời đại nền kinh tế số, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra những cơ hội quan trọng và đột phá trong thực hiện báo cáo tài chính lĩnh vực tài chính, ngân hàng. AI không chỉ nâng cao khả năng dự báo, phân tích mà còn tăng tính minh bạch và chính xác của thông tin tài chính.
Đảm bảo an toàn thông tin và phòng, chống lừa đảo qua mạng trong lĩnh vực ngân hàng
Đảm bảo an toàn thông tin và phòng, chống lừa đảo qua mạng trong lĩnh vực ngân hàng
22/08/2024 14:18 2.334 lượt xem
Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tình trạng mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và rửa tiền có tổ chức, xuyên quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khách hàng vay góp phần bảo đảm cho vay tiêu dùng an toàn, hiệu quả
Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khách hàng vay góp phần bảo đảm cho vay tiêu dùng an toàn, hiệu quả
09/08/2024 13:51 3.138 lượt xem
Hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân định danh điện tử sẽ định danh được cá nhân tham gia quá trình vay vốn, giúp ngân hàng tổng hợp, đánh giá, nhận định chính xác về khách hàng, từ đó đẩy nhanh quá trình giải ngân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống.
An ninh, bảo mật khi áp dụng AI và Blockchain trong hoạt động ngân hàng số
An ninh, bảo mật khi áp dụng AI và Blockchain trong hoạt động ngân hàng số
29/07/2024 08:04 3.885 lượt xem
An ninh, bảo mật trong hoạt động ngân hàng đang trở nên cực kỳ quan trọng trong thời đại công nghệ số. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (Fintech), đặc biệt là việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (Blockchain)...
Nhận diện thủ đoạn lừa đảo qua công nghệ Deepfake - Một số giải pháp phòng, tránh
Nhận diện thủ đoạn lừa đảo qua công nghệ Deepfake - Một số giải pháp phòng, tránh
25/07/2024 17:02 3.947 lượt xem
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Deepfake phát triển mạnh mẽ.
Tác động của công nghệ thông tin và truyền thông đối với kinh tế tri thức tại Việt Nam
Tác động của công nghệ thông tin và truyền thông đối với kinh tế tri thức tại Việt Nam
23/07/2024 08:18 4.452 lượt xem
Trong nền kinh tế tri thức, tri thức đóng vai trò quyết định hàng đầu đối với phát triển kinh tế - xã hội. Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và kinh tế số đánh dấu bước phát triển tất yếu đối với kinh tế tri thức.
Ngân hàng nâng cấp công nghệ bảo mật, kịp thời ngăn chặn tội phạm công nghệ và lừa đảo
Ngân hàng nâng cấp công nghệ bảo mật, kịp thời ngăn chặn tội phạm công nghệ và lừa đảo
19/07/2024 14:47 3.780 lượt xem
Để tăng cường an ninh, bảo mật thông tin cho chính ngân hàng và khách hàng, các ngân hàng thương mại cần liên tục cập nhật, triển khai những giải pháp bảo mật tiên tiến để ứng phó kịp thời các chiêu lừa đảo mới của tội phạm.
Tăng cường an ninh, bảo mật cho khách hàng với giải pháp xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền
Tăng cường an ninh, bảo mật cho khách hàng với giải pháp xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền
17/07/2024 08:12 3.481 lượt xem
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, nhằm tăng cường bảo vệ khách hàng, kể từ ngày 01/7/2024, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Giá vàngXem chi tiết

Giá vàng - Xem theo ngày

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

80.000

82.000

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

80.000

82.000

Vàng SJC 5c

80.000

82.020

Vàng nhẫn 9999

77.900

79.200

Vàng nữ trang 9999

77.800

78.800


Ngoại tệXem chi tiết
Tỷ giá - Xem theo ngày 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,360 24,730 26,526 27,982 31,456 32,795 168.91 178.78
BIDV 24,400 24,740 26,774 27,992 31,880 32,828 170.69 178.32
VietinBank 24,373 24,713 26,765 27,965 31,875 32,885 170.38 178.13
Agribank 24,370 24,720 26,681 27,903 31,654 32,768 169.50 178.08
Eximbank 24,340 24,820 26,731 27,759 31,732 32,897 171.16 177.77
ACB 24,360 24,720 26,754 27,687 31,846 32,825 170.62 177.46
Sacombank 24,710 25,050 27,321 28,074 32,561 33,263 169.55 175.56
Techcombank 24,678 25,069 26,942 28,299 32,019 33,351 164.87 177.39
LPBank 24,490 25,250 26,981 28,628 32,421 33,426 167.40 179.30
DongA Bank 24,740 25,050 27,120 27,950 32,280 33,250 166.80 174.30
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,50
2,70
3,50
3,70
4,40
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,80
2,90
3,20
4,20
4,30
4,90
5,00
Techcombank
0,05
-
-
-
3,10
3,10
3,30
4,40
4,40
4,80
4,80
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
2,20
2,20
2,50
3,50
3,50
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,60
3,60
3,60
4,90
4,90
5,30
5,20
Agribank
0,20
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
Eximbank
0,10
0,50
0,50
0,50
3,10
3,30
3,40
4,70
4,30
5,00
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?