Việc nghiên cứu ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C có ý nghĩa cần thiết nhằm tối ưu hóa những lợi ích của công nghệ Blockchain đối với hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Nghiên cứu này được thực hiện trên cơ sở sử dụng dữ liệu thứ cấp từ các nguồn tài liệu tham khảo và các thông tin trao đổi với các chuyên gia, những người thực hành nghiệp vụ L/C tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Dựa trên thực trạng được nghiên cứu, bài viết đưa ra một số đề xuất liên quan đến việc ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C tại các NHTM Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
L/C đã có lịch sử hình thành rất lâu trong hoạt động thương mại toàn cầu. Tháng 7 năm 2013, khi Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) chính thức phát hành Quy tắc thống nhất về nghĩa vụ thanh toán qua ngân hàng, nhiều người đã đặt ra câu hỏi hoài nghi rằng liệu L/C có bị thay thế bởi phương thức BPO (Bank Payment Obligations). Song, cho đến nay, L/C vẫn là phương thức thanh toán phổ biến được các thương nhân lựa chọn trong hoạt động ngoại thương, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn 70% số lượng giao dịch L/C trên toàn cầu. Tuy nhiên, thực tiễn giao dịch thanh toán bằng L/C đặt ra một số vấn đề: Thứ nhất, L/C là một giao dịch phức hợp gồm nhiều bên tham gia. Giao dịch L/C truyền thống theo kiểu “song phương” như hiện nay chưa phải là tối ưu vì rủi ro gian lận có thể xảy ra do sự thiếu minh bạch. Thứ hai, bản chất của giao dịch L/C là dựa trên chứng từ. Phương thức giao dịch chứng từ bằng giấy (paper document) dường như là “thông lệ” trong các giao dịch L/C đã bộc lộ những nhược điểm về chi phí giấy tờ, thủ tục hành chính, tốc độ giao dịch, chuyển giao chứng từ... Bối cảnh đại dịch Covid-19 khi một số quốc gia đóng cửa đường bay là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự bất tiện này. Thứ ba, ở góc độ ngân hàng, L/C là một sản phẩm dịch vụ thanh toán quốc tế của ngân hàng dành cho các khách hàng doanh nghiệp. Trong nhiều thập kỷ qua, danh mục sản phẩm thanh toán quốc tế của ngân hàng được xem như “bão hòa” với các phương thức thanh toán quen thuộc như chuyển tiền, nhờ thu và L/C. Với sự giới hạn về loại của các phương thức thanh toán quốc tế, ngân hàng chỉ có thể đổi mới sản phẩm bằng cách thay đổi cách thức giao dịch.
Công nghệ Blockchain như chiếc chìa khóa mở các nút thắt trên. Với những tính năng đột phá, công nghệ Blockchain đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu tăng trưởng bền vững hơn. Blockchain giúp giải quyết các vấn đề tồn tại trong giao dịch L/C như nâng cao tính minh bạch, loại bỏ sự can thiệp của trung gian, số hóa chứng từ, giảm chi phí giấy tờ và thời gian giao dịch. Bên cạnh đó, Blockchain còn là giải pháp hữu hiệu cho các ngân hàng để đổi mới các sản phẩm dịch vụ, trong đó có dịch vụ L/C.
2. Ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C
2.1. Công nghệ Blockchain
Blockchain là công nghệ tiên phong trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ “Blockchain” bắt nguồn từ thuật ngữ chuỗi khối được xuất hiện đầu tiên trong bài báo “Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System” của tác giả Satoshi Nakamoto vào năm 2008 (Jonathan Mayeur, 2019). Blockchain là một dạng công nghệ sổ cái phân tán và phi tập trung, trong đó lưu giữ các bản ghi kỹ thuật số được cập nhật liên tục và độc lập bởi người tham gia trên mạng. Sổ cái phân tán có một mạng lưới các nút (máy tính được kết nối với mạng) với cơ sở dữ liệu được sao chép và đồng bộ hóa, hiển thị cho bất kỳ người tham gia trong mạng (João Carlos Ribeiro Duarte, 2019). Toàn bộ chuỗi bản ghi được bảo vệ bằng các thuật toán toán học phức tạp nhằm đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật của dữ liệu. Do đó, một bản ghi đầy đủ về tất cả các hoạt động có trong cơ sở dữ liệu được đảm bảo (Mihaela Gabriela Belu, 2019). Sổ cái phân tán với các khối đã xác nhận được tổ chức trong một chuỗi tuần tự sử dụng các liên kết mật mã và dữ liệu đã được ghi lại thì không thể xóa hoặc sửa đổi mà chỉ thêm các bản ghi mới vào cuối. Blockchain được thiết kế để chống giả mạo và tạo ra các bản ghi sổ cái cuối cùng, dứt khoát và bất biến (ISO, 2020).
Blockchain là một cơ sở dữ liệu toàn diện, theo trình tự thời gian của các giao dịch (Carla L. Reyes, 2016). Các giao dịch được nhóm thành các “khối” riêng lẻ, được đóng dấu thời gian và sau đó được kết nối với khối trước đó (Fiammetta S. Piazza, 2017). Blockchain lưu giữ các giao dịch trên hàng nghìn máy tính khác nhau chạy một ứng dụng phần mềm chung. Mỗi máy tính được kết nối với cùng một mạng ngang hàng chạy theo cùng một tập hợp các quy tắc hoạt động của toàn bộ mạng, được gọi là “giao thức” (Josias N. Dewey, Michael D. Emerson, 2017). Mạng lưới các máy tính hoạt động trên cơ chế “đồng thuận”, tức là trước khi một thay đổi nào đó được người tham gia cập nhật vào Blockchain, phải có sự thống nhất giữa tất cả các máy tính có trong mạng. Hệ thống tự động cập nhật trên mỗi nút để các bên tham gia đều có thông tin mới nhất.
Blockchain gồm có ba loại với khả năng truy cập và xác thực khác nhau sau:
- Blockchain công khai (Public Blockchain) cho phép bất kỳ người dùng nào tham gia mà không có sự hạn chế về quyền truy cập. Mọi cá nhân hay tổ chức đều có thể truy cập và thực hiện các thao tác trên mạng Blockchain. Blockchain công khai hoàn toàn phi tập trung. Tiền mã hóa Bitcoin là ví dụ phổ biến nhất của Blockchain công khai.
- Blockchain riêng tư (Private Blockchain) cho phép người dùng tham gia và thực hiện giao dịch khi đã được cấp quyền truy cập. Đây là Blockchain được kiểm soát bởi một tổ chức và hoạt động theo cơ chế tập trung. Loại Blockchain này phù hợp cho một nhóm cá nhân thuộc một tổ chức hoặc một nhóm các tổ chức muốn chia sẻ và trao đổi dữ liệu riêng tư với nhau.
- Blockchain liên hợp (Consortium Blockchain) là một dạng Blockchain riêng tư bán tập trung (Mihaela Gabriela Belu, 2019). Blockchain liên hợp cũng cho phép người dùng tham gia khi đã được cấp quyền truy cập nhưng Blockchain này chịu sự kiểm soát của một nhóm các thành viên (thường là tổ chức) tham gia, mỗi thành viên là một nút của mạng. Quyền truy cập và thực hiện các giao dịch của mỗi nút được thiết lập bởi người quản trị mạng ở các mức độ khác nhau tùy theo thỏa thuận. Cơ chế đồng thuận được điều khiển bởi một tập hợp các nút được chọn.
Các hoạt động và quyền truy cập của người dùng được kiểm soát bởi các hợp đồng thông minh (smart contract). Hợp đồng thông minh là một tập hợp các quy tắc toán học được viết ra và sẽ tự động hóa một số lời hứa giữa các bên sau khi được kích hoạt (Larson Dakota, 2018). Như vậy, hợp đồng thông minh là một bộ quy tắc kỹ thuật số bao gồm các điều khoản và điều kiện do những người tham gia hợp đồng thỏa thuận. Với giao thức có thể lập trình, các điều khoản của hợp đồng thông minh được lưu trữ trên Blockchain và có thể được thực thi tự động sau khi kích hoạt và không thể thay đổi. Ví dụ, nếu một hợp đồng thông minh được thỏa thuận giữa người mua và người bán quy định rằng sau khi hàng hóa đã được thông quan, 20% số tiền sẽ được chuyển cho người bán, hợp đồng thông minh sẽ tự động giải ngân thanh toán sau khi xác nhận được vào sổ cái phân tán việc cơ quan hải quan đã thông quan hàng hoá (Euro Banking Association, 2016).
2.2. Giao dịch L/C
Giao dịch L/C là giao dịch thanh toán theo phương thức tín dụng chứng từ. Trong phương thức này, theo yêu cầu của khách hàng, ngân hàng sẽ phát hành L/C và cam kết thanh toán đối với người thụ hưởng khi người thụ hưởng xuất trình chứng từ phù hợp. L/C là công cụ quan trọng trong phương thức tín dụng chứng từ. Để có cơ sở pháp lý cho giao dịch thanh toán bằng L/C, ICC đã phát hành các văn bản như Quy tắc và thực hành thống nhất tín dụng chứng từ (Uniform Customs and Practice for Documentary Credits - UCP), Tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế về kiểm tra chứng từ theo tín dụng chứng từ (International Standard Banking Practice for the examination of documents under Documentary Credits - ISBP), Phụ trương của UCP về việc xuất trình chứng từ điện tử (Supplement to UCP for Electonic Presentation - eUCP), Quy tắc thống nhất về hoàn trả giữa các ngân hàng theo tín dụng chứng từ (Uniform Rules for Bank-to-Bank Reimbursements - URR). Ngoài ra, một số quốc gia còn có những văn bản pháp lý riêng về tín dụng chứng từ.
L/C được hình thành trên cơ sở hợp đồng thương mại nhưng L/C hoàn toàn độc lập với các hợp đồng cơ sở có liên quan. Trong phương thức thanh toán bằng L/C, ngân hàng chỉ làm việc dựa trên cơ sở chứng từ. Sự phù hợp của chứng từ là điều kiện duy nhất để ngân hàng thực hiện cam kết thanh toán đối với người thụ hưởng. So với các phương thức thanh toán khác trong thương mại quốc tế, L/C là giao dịch thanh toán phức hợp nhất với sự tham gia của nhiều chủ thể. Trong đó, các doanh nghiệp thương mại và ngân hàng là hai chủ thể chính tham gia trực tiếp trong giao dịch L/C. Ngoài ra, còn có các bên liên quan hỗ trợ cho quá trình giao dịch này (Bảng 1).
Khi có sự xuất hiện của nhiều bên tham gia thì quy trình giao dịch L/C cũng trở nên phức tạp hơn các giao dịch thanh toán theo các phương thức khác. Trên cơ sở hợp đồng ngoại thương được ký kết, giao dịch L/C được bắt đầu từ khi khách hàng nộp đơn đề nghị mở L/C đến ngân hàng và các bước tiếp theo diễn ra như Hình 1. Quy trình này bao gồm ba khâu chủ yếu cần xử lý trong một giao dịch L/C, đó là: (i) Phát hành và thông báo L/C, (ii) Xuất trình và kiểm tra chứng từ, (iii) Thanh toán.
Với sự ra đời của SWIFT - Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu vào năm 1973, các ngân hàng có một kênh trao đổi thông tin và thanh toán trong các giao dịch thanh toán quốc tế nói chung và giao dịch L/C nói riêng. Hiện nay, phần lớn chứng từ được sử dụng trong giao dịch L/C là chứng từ giấy. Trong đó, các chứng từ thương mại như hóa đơn, phiếu đóng gói, chứng từ vận tải, chứng từ bảo hiểm, các loại giấy chứng nhận về hàng hóa... và chứng từ tài chính (hối phiếu) được chuyển giao thông qua dịch vụ của các công ty chuyển phát nhanh. Giao dịch L/C giữa các bên tham gia được thực hiện trên những hệ thống công nghệ khác nhau.
2.3. Ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C
Blockchain không phải là một phương thức thanh toán mới trong giao dịch thương mại mà là một công nghệ mới được sử dụng trong quá trình thực hiện các các phương thức thanh toán để mang lại sự khác biệt theo hướng tốt hơn so với các giao dịch truyền thống trước đây. Ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C nghĩa là thực hiện các giao dịch L/C trên nền tảng công nghệ Blockchain. Loại Blockchain liên hợp là thích hợp cho mô hình giao dịch L/C trên nền tảng Blockchain. Về mặt lý thuyết, mô hình giao dịch L/C thông qua Blockchain bao gồm tất cả các bên như đã trình bày ở Bảng 1 nhưng không có sự tham gia của SWIFT và công ty chuyển phát nhanh vì các ngân hàng có thể trao đổi thông tin, thanh toán trên Blockchain và chứng từ giấy không cần được chuyển giao mà thay vào đó là chứng từ kỹ thuật số. Chính phủ, Ngân hàng Trung ương và ICC cũng không tham gia vào Blockchain nhưng vẫn giữ vai trò là người ban hành các quy định pháp lý, giám sát, hỗ trợ và tư vấn. Ngoài ra, mô hình này có thêm sự tham gia của công ty cung cấp công nghệ Blockchain. Đó là các tập đoàn lớn với mạng lưới bao gồm một số ngân hàng sử dụng công nghệ Blockchain. Voltron và Contour là hai trong số các tập đoàn hiện đang cung cấp và quản trị mạng Blockchain ứng dụng trong hoạt động tài trợ thương mại và giao dịch L/C (Hình 2).
Khác với giao dịch L/C truyền thống được thực hiện trên nhiều hệ thống công nghệ khác nhau, toàn bộ các bước của một giao dịch L/C thông qua Blockchain được thực hiện trên một nền tảng công nghệ duy nhất với sự tham gia của tất cả các bên, mỗi bên giữ vai trò là một nút tham gia vào mạng Blockchain. Nếu công nghệ SWIFT và các công nghệ được sử dụng trong giao dịch L/C truyền thống cho phép hai bên truyền thông tin và thực hiện các giao dịch theo từng đôi một thì công nghệ Blockchain cho phép tất cả các chủ thể tham gia có thể truyền thông tin, theo dõi, kiểm soát mọi giao dịch của nhau bất cứ lúc nào. Trong giao dịch L/C ứng dụng Blockchain, các bên tham gia sẽ cùng thỏa thuận một hợp đồng thông minh. Hợp đồng thông minh được lập trình trên Blockchain phù hợp với các thỏa thuận quy định trong các hợp đồng thương mại và các điều kiện, điều khoản của L/C. Giao dịch L/C trên Blockchain thực hiện thanh toán thông qua tính năng tự thực thi của hợp đồng thông minh, hợp đồng thông minh còn có thể ghi lại việc chuyển quyền sở hữu (Shuchih Ernest Chang, Hueimin Louis Luo, YiChian Chen, 2019).
Một mô hình giao dịch L/C trên nền tảng công nghệ Blockchain được xem là lý tưởng khi tất cả các bước của một giao dịch L/C đều được thực hiện thống nhất trên cùng một mạng lưới Blockchain, từ khâu phát hành và thông báo L/C đến khâu xuất trình và kiểm tra chứng từ cho đến khâu thanh toán. Trong khâu phát hành và thông báo L/C, người đề nghị tạo đơn mở L/C trong mạng Blockchain. Sau đó, ngân hàng phát hành xem xét và lưu trữ trên Blockchain. Sau khi ngân hàng phát hành chấp nhận yêu cầu của người đề nghị, quyền truy cập sẽ tự động được cung cấp cho các ngân hàng liên quan khác trước khi được gửi cho người thụ hưởng. Người thụ hưởng có thể kiểm tra điều kiện và điều khoản của L/C. Sau khi được người thụ hưởng chấp thuận, L/C được hoàn thiện như một hợp đồng giữa ngân hàng phát hành và người thụ hưởng. Bất kỳ sửa đổi hoặc cập nhật nào trên L/C đều có thể được biết và có sự chấp thuận của các bên liên quan. Trong khâu xuất trình và kiểm tra chứng từ, khác với việc xuất trình chứng từ giấy trong giao dịch L/C truyền thống, chứng từ sẽ được xuất trình dưới dạng chứng từ điện tử (Emad Mohammad Al-Amaren, Che Thalbi Bt Md. Ismail, Mohd Zakhiri bin Md. Nor, 2020). Việc kiểm tra chứng từ được thực hiện theo cơ chế tự động hóa. Khâu thanh toán cũng được thực hiện trên mạng Blockchain mà không phải thanh toán qua một hệ thống công nghệ hay một trung gian khác. Qua đó, có thể nhận thấy giao dịch L/C ứng dụng công nghệ Blockchain có những ưu điểm vượt trội hơn so với giao dịch L/C truyền thống, được tóm tắt trong Bảng 2.
Với những ưu điểm vượt trội, công nghệ Blockchain đã được các ngân hàng trên thế giới khám phá và ứng dụng trong giao dịch L/C. Barclays ở Anh là ngân hàng đầu tiên ứng dụng Blockchain trong một giao dịch L/C giữa Hợp tác xã thực phẩm nông nghiệp Ailen Ornua và Công ty Thương mại Seychelles vào tháng 9 năm 2016 trên nền tảng công nghệ của một công ty khởi nghiệp sáng tạo, Wave. Tháng 11 năm 2017, Ngân hàng Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA) ở Tây Ban Nha thông báo đã sử dụng công nghệ Blockchain của Wave để thay thế cho các chứng từ thương mại truyền thống (BBVA, 2017). Ngân hàng HSBC cũng thực hiện thành công giao dịch L/C đầu tiên trên nền tảng Blockchain Corda của R3 thông qua công ty Voltron vào tháng 5 năm 2018. Sau đó, một số ngân hàng khác cũng cập nhật và thử nghiệm ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C.
3. Ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C tại các NHTM Việt Nam
3.1. Thực trạng
Công nghệ Blockchain được ứng dụng trong thanh toán quốc tế tại thị trường Việt Nam từ năm 2019 với giao dịch L/C đầu tiên của HSBC chi nhánh Việt Nam thông qua Voltron. Cũng như các ngân hàng trên thế giới, công nghệ này được thử nghiệm trước hết với giao dịch L/C tại các NHTM Việt Nam. Các NHTM Việt Nam đã thử nghiệm giao dịch L/C trên nền tảng công nghệ chuỗi khối Corda của R3 thông qua Contour. Trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, Contour chào mời các ngân hàng thực hiện thí điểm một giao dịch L/C đầu tiên và hoàn toàn miễn phí. Chương trình thử nghiệm này đã khép lại vào cuối năm 2020. Tính đến cuối tháng 2 năm 2021, có 5 NHTM Việt Nam đã triển khai thử nghiệm ứng dụng Blockchain trong 5 giao dịch L/C (Bảng 3).
BIDV là NHTM Việt Nam đầu tiên công bố thực hiện thành công giao dịch phát hành và thông báo L/C xác nhận liên ngân hàng ứng dụng công nghệ Blockchain vào tháng 9 năm 2020. Giao dịch này diễn ra giữa bên mua là Công ty cổ phần Nhựa Opec của Việt Nam và bên bán là một tập đoàn lớn tại Thái Lan. BIDV Việt Nam là ngân hàng phát hành, Standard Chartered Thái Lan là ngân hàng thông báo và xác nhận L/C. Khác với giao dịch L/C trên Blockchain của HSBC Việt Nam đã được tiến hành năm 2019, đây là giao dịch L/C đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện giữa các ngân hàng khác hệ thống. Ngoài ra, điểm đặc biệt của giao dịch này là có sự tham gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với vai trò ngân hàng bảo lãnh xác nhận (BIDV, 2020).
Tiếp theo sau đó, HDBank chính thức công bố giao dịch phát hành và thông báo L/C đầu tiên trên nền tảng Blockchain vào tháng 11 năm 2020. Tham gia vào giao dịch này gồm có Công ty cổ phần Sợi thế kỷ, nhà nhập khẩu hàng đầu ngành sợi Việt Nam và Công ty Tainan Spinning, nhà sản xuất và xuất khẩu sợi hàng đầu Đài Loan, HDBank là ngân hàng phát hành và Ngân hàng CTBC của Đài Loan là ngân hàng thông báo L/C (HDBank, 2020). Cùng trong tháng 11 năm 2020, Vietinbank cho biết đã thực hiện giao dịch phát hành và thông báo L/C trên Blockchain thành công.
Tháng 12 năm 2020, MBBank ra thông cáo báo chí về việc ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C, trong đó thực hiện được trọn vẹn toàn bộ quy trình nghiệp vụ L/C, từ khâu phát hành L/C đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C trên cùng một mạng lưới Contour (MBBank, 2020). Tuy nhiên, thực chất khâu xuất trình chứng từ trên Blockchain chỉ mới được thực hiện đối với các chứng từ do người bán phát hành như hối phiếu, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói. Chứng từ do bên thứ ba phát hành như chứng từ vận tải, chứng từ bảo hiểm và các giấy chứng nhận về hàng hóa vẫn được xuất trình dưới hình thức chứng từ giấy.
Cuối tháng 12 năm 2020, Vietcombank công bố đã thực hiện thành công giao dịch L/C nội địa trên nền tảng Blockchain đầu tiên tại Việt Nam. Giao dịch L/C này bao gồm bên mua là Công ty TNHH Kirby Đông Nam Á, bên bán là Công ty cổ phần Tôn Đông Á, HSBC Việt Nam đóng vai trò là ngân hàng phát hành và Vietcombank là ngân hàng thông báo và cũng là ngân hàng được chỉ định. Toàn bộ quy trình giao dịch này (trừ khâu thanh toán) được hoàn thành trên nền tảng Blockchain. Các bên đã hoàn thành việc xuất trình bộ chứng từ trên mạng lưới Contour thay cho việc gửi chứng từ giấy qua đường chuyển phát (Vietcombank, 2020). Song, trong giao dịch L/C nội địa, bộ chứng từ thương mại được yêu cầu xuất trình rất đơn giản, chỉ bao gồm các chứng từ do người bán lập mà không có các chứng từ của bên thứ ba. Do vậy, trong giao dịch này, bên bán hoàn toàn có thể tải các chứng từ này dưới dạng điện tử lên Blockchain.
Việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong giao dịch L/C là một dấu mốc quan trọng thể hiện nỗ lực của các NHTM Việt Nam trong tiến trình đổi mới sản phẩm dịch vụ trên cơ sở số hóa hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Các ngân hàng trên bước đầu đã hoàn thành việc thí điểm giao dịch L/C trên nền tảng Blockchain, qua đó khẳng định uy tín và thương hiệu đối với khách hàng. Tuy nhiên, việc ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C tại các NHTM Việt Nam còn có một số hạn chế sau:
Thứ nhất, giao dịch L/C trên Blockchain chưa được thử nghiệm trên quy mô rộng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy Contour chào mời miễn phí cho nhiều NHTM Việt Nam nhưng chỉ có 5 ngân hàng đồng ý thử nghiệm công nghệ mới này trong giao dịch L/C. Điều đó cho thấy các ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Nhiều nhân viên thực hành nghiệp vụ L/C tại các ngân hàng chưa biết về Blockchain và ứng dụng của Blockchain trong L/C. Việc ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C chỉ mới hoàn thành xong giai đoạn thí điểm mà chưa được triển khai áp dụng rộng rãi. Nhìn chung, với giao dịch L/C đầu tiên được thử nghiệm trên Blockchain, các NHTM Việt Nam chủ yếu quảng bá thương hiệu nhiều hơn là tập trung vào dự án mang tính chiến lược lâu dài để đẩy mạnh việc số hóa hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại.
Thứ hai, mô hình giao dịch L/C trên Blockchain đã được thử nghiệm tại các NHTM Việt Nam chưa hoàn thiện khi không có sự tham gia của các bên liên quan như hải quan, công ty vận tải, công ty bảo hiểm, các cơ quan có thẩm quyền kiểm định và chứng nhận các vấn đề liên quan đến hàng hóa. Đây cũng là hạn chế của các giao dịch L/C trên nền tảng Blockchain tại các NHTM ở phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Thứ ba, giao dịch L/C trên Blockchain chưa thực hiện được toàn bộ các khâu trong một quy trình giao dịch L/C khép kín. Trong 5 giao dịch đã được thực hiện thí điểm tại các ngân hàng, chỉ có khâu phát hành và thông báo L/C được thực hiện một cách bài bản trên Blockchain. Công nghệ Blockchain vẫn chưa giải quyết toàn vẹn bài toán xuất trình và kiểm tra chứng từ cũng như thanh toán trong giao dịch L/C. Chứng từ điện tử xuất trình trên Blockchain trong các giao dịch L/C tại MBBank và Vietcombank là do người bán phát hành và các chứng từ của bên thứ ba vẫn là chứng từ giấy trong khi các chứng từ này không thể thiếu trong thương mại quốc tế. Do đó, việc kiểm tra chứng từ cũng chưa được tiến hành tự động hóa mà được thực hiện một cách thủ công. Khâu thanh toán vẫn được thực hiện qua hệ thống SWIFT đối với giao dịch L/C quốc tế hoặc qua hệ thống thanh toán liên ngân hàng trong giao dịch L/C nội địa.
Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đó là:
Thứ nhất, chưa có hành lang pháp lý cụ thể điều chỉnh các giao dịch L/C trên nền tảng Blockchain, đặc biệt là quy định liên quan đến chứng từ điện tử trong khi chứng từ là điểm cốt lõi của giao dịch này.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng công nghệ chưa tạo ra các điều kiện cần thiết để các ngân hàng mạnh dạn áp dụng công nghệ Blockchain trong giao dịch L/C. Chỉ khi nào mạng Blockchain thực sự đủ lớn kết nối được các chủ thể ở các quốc gia trên thế giới thì giao dịch mới có thể tiến hành thông suốt và trọn vẹn.
Thứ ba, các NHTM Việt Nam chưa thực sự tin tưởng vào khả năng ứng dụng mô hình công nghệ mới này và chưa có sự đầu tư đúng mức do việc ứng dụng chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm và chưa hoàn chỉnh cũng như còn cân nhắc vấn đề chi phí khi triển khai ứng dụng Blockchain trong thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại.
Thứ tư, mức độ nhận thức và nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam về công nghệ Blockchain cũng như ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C chưa cao. Khi thực hiện giao dịch L/C trên Blockchain, các doanh nghiệp phải tự thực hiện các khâu khai báo dữ liệu và tải chứng từ điện tử lên hệ thống trong khi thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường có thói quen nhờ ngân hàng kê khai biểu mẫu, lập chứng từ. Ngoài ra, quy mô doanh nghiệp, tần suất thực hiện các thương vụ mua bán hàng hóa, loại phương thức thanh toán sử dụng, mặt hàng... cũng ảnh hưởng đến nhu cầu của doanh nghiệp đối với việc giao dịch L/C qua Blockchain.
Thứ năm, các cơ quan hải quan, công ty vận tải, bảo hiểm, các cơ quan có thẩm quyền kiểm định và chứng nhận hàng hóa chưa sẵn sàng đổi mới phương thức giao dịch chứng từ để thích ứng tham gia vào mạng Blockchain. Điều này lại xuất phát từ vấn đề cấp phát và sử dụng chứng từ điện tử chưa thực hiện được. Chứng từ giấy vẫn là phương thức giao dịch chứng từ truyền thống trong thương mại quốc tế mà chưa chuyển sang chứng từ số.
Thứ sáu, rủi ro tiềm ẩn từ việc ứng dụng công nghệ số cũng như mối lo ngại về an ninh mạng có thể khiến các bên tham gia ngần ngại ứng dụng công nghệ Blockchain trong giao dịch L/C.
3.2. Một số đề xuất
Thực tiễn ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C trên thế giới và tại Việt Nam đặt ra một số vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý. Giao dịch L/C chủ yếu chịu sự điều chỉnh bởi các thông lệ và tập quán quốc tế của ICC. Về cơ bản, L/C đã có một bộ các quy tắc cần thiết quy định các giao dịch tín dụng chứng từ. Để tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C, ICC cần tập trung vào các quy tắc đảm bảo việc cho phép các ngân hàng chấp nhận các chứng từ và dữ liệu điện tử. ICC đã sửa đổi và phát hành eUCP phiên bản 2.0 vào tháng 7 năm 2019 hướng dẫn việc xuất trình chứng từ điện tử theo L/C cùng với các hướng dẫn bổ sung. Ngoài ra, ICC đã soạn bản dự thảo Quy tắc thống nhất về giao dịch thương mại số (Uniform Rules for Digital Trade Transactions - URDTT) nhằm đưa ra các quy tắc và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng chứng từ điện tử để xử lý các giao dịch thương mại kỹ thuật số. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng cho xuất trình và kiểm tra chứng từ điện tử trong giao dịch L/C trên Blockchain. Vì thế, ICC cần cập nhật hoàn thiện eUCP và chính thức phát hành URDTT. Đồng thời, ICC cần cho ra đời quy tắc hướng dẫn rõ ràng về cách thức tự động hóa việc kiểm tra chứng từ bằng cách sử dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, học máy… Ngoài ra, sự hỗ trợ và quy định pháp lý từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng rất quan trọng cho sự vận hành công nghệ Blockchain vào hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại tại Việt Nam.
Thứ hai, thanh toán quốc tế nói chung hay giao dịch L/C nói riêng liên quan đến các chủ thể ở các quốc gia khác nhau với quy mô, khả năng và nhu cầu số hóa khác nhau. Việc áp dụng công nghệ số sẽ gặp khó khăn khi các mắt xích trong giao dịch chưa phải là kỹ thuật số. Chẳng hạn như để tiến hành giao dịch L/C thông qua Blockchain, người đề nghị mở L/C phải chọn một ngân hàng phát hành đã tham gia vào Blockchain. Trong khi đó, hiện nay, chỉ có một số ít ngân hàng trên toàn cầu tham gia trên mạng lưới này. Do vậy, cần có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng công nghệ và mở rộng ra nhiều ngân hàng hơn thì giao dịch mới diễn ra thông suốt.
Thứ ba, mô hình giao dịch L/C trên nền tảng Blockchain chỉ hoàn thiện khi giải quyết được hai vấn đề: (i) Có sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của các bên tham gia dựa trên nguyên tắc đồng thuận; (ii) Thực hiện được trọn vẹn một quy trình giao dịch L/C khép kín từ khâu phát hành L/C, xuất trình và kiểm tra chứng từ cho đến khâu thanh toán trên cùng một mạng lưới Blockchain. Để khắc phục được hai vấn đề này, cần có các giải pháp đồng bộ từ các bên tham gia, đó là:
- Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Blockchain và các ứng dụng của công nghệ này trong giao dịch L/C. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đổi mới phương thức giao dịch L/C truyền thống sang giao dịch trên Blockchain. Muốn vậy, doanh nghiệp cần có một bộ phận chuyên trách thực hiện giao dịch L/C, có thể chủ động tự thực hiện việc khâu khai báo thông tin và nhập các dữ liệu liên quan đến giao dịch. Việc ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C phù hợp với các doanh nghiệp quy mô lớn, thường lựa chọn thanh toán bằng L/C trong các hợp đồng ngoại thương và có mức độ giao dịch thương mại lớn.
- Các NHTM Việt Nam cần mạnh dạn thử nghiệm và triển khai ứng dụng rộng rãi Blockchain trong hoạt động giao dịch L/C, đồng thời thực hiện các giải pháp sau: (i) Xây dựng dự án ứng dụng Blockchain trong hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, trong đó quy định cách thức vận hành, tổ chức và quản lý các nguồn lực hỗ trợ một cách hiệu quả; bắt đầu triển khai với giao dịch L/C và sau đó áp dụng cho các giao dịch khác; (ii) Giới thiệu sản phẩm L/C trên nền tảng Blockchain cho khách hàng, đồng thời tiến hành khảo sát mức độ hiểu biết và nhu cầu của doanh nghiệp về sản phẩm mới này; (iii) Đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, lựa chọn và làm việc với các công ty cung ứng công nghệ Blockchain; (iv) Phổ cập kiến thức về ứng dụng của công nghệ Blockchain trong giao dịch L/C cho nhân viên; (iv) Xây dựng quy trình nghiệp vụ và ban hành các văn bản hướng dẫn giao dịch L/C trên nền tảng Blockchain.
- Các bên liên quan bao gồm cơ quan hải quan, công ty vận tải, công ty bảo hiểm, các cơ quan hữu quyền kiểm định và chứng nhận về hàng hóa cần mạnh dạn tham gia vào giao dịch L/C trên nền tảng Blockchain. Muốn vậy, các tổ chức này cần nghiên cứu phương thức cấp phát và lưu thông chứng từ điện tử cũng như cơ chế xác thực và bảo mật dữ liệu. Hiện nay, một số chứng từ thương mại đã được phát hành dưới dạng kỹ thuật số như vận đơn đường biển điện tử (eB/L), giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (eC/O) nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam. Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng đã sử dụng hệ thống cấp phát tờ khai hải quan điện tử cho doanh nghiệp. Vấn đề là cần tìm ra cách thức kết nối tất cả các bên vào một chuỗi khối và cấp phát chứng từ điện tử lên cùng hệ thống này.
- Các công ty cung cấp công nghệ Blockchain cần tiếp tục nghiên cứu các vấn đề kỹ thuật và thử nghiệm Blockchain trong khâu xuất trình, kiểm tra chứng từ và khâu thanh toán. Đối với việc xuất trình chứng từ qua Blockchain, cần có sự tham gia của các bên liên quan và giải quyết vấn đề số hóa chứng từ cùng với đảm bảo cơ chế xác thực và bảo mật dữ liệu. Đối với việc kiểm tra chứng từ, cần nghiên cứu và tiến đến việc tự động hóa kiểm tra chứng từ theo L/C bằng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, học máy… để thay thế việc kiểm tra chứng từ giấy như hiện nay. Đối với khâu thanh toán, sẽ là hoàn hảo khi thực hiện được chức năng thanh toán qua Blockchain. Tuy nhiên, đây lại là bài toán rất khó khi hiện nay SWIFT giữ vai trò thống trị và độc quyền trong thanh toán quốc tế. Vì vậy, trong tương lai gần, Blockchain sẽ được sử dụng song hành cùng hệ thống SWIFT để giải quyết khâu thanh toán trong giao dịch L/C. Ngoài ra, cần đảm bảo lưu ý vấn đề an ninh mạng và ngăn ngừa các tội phạm tài chính.
4. Kết luận
Công nghệ Blockchain mở ra cánh cửa đầy tiềm năng cho sự thay đổi mô hình thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trong tương lai. Trong đó, thanh toán quốc tế bằng L/C là sự lựa chọn khởi đầu cho việc trải nghiệm những tính năng đột phá trên Blockchain. Nhờ những ưu điểm vượt trội, Blockchain có thể tháo gỡ các nút thắt trong giao dịch L/C truyền thống về tính minh bạch, sự chuyển giao thông tin và chứng từ, thời gian và chi phí giao dịch… Không những thế, Blockchain còn là sự lựa chọn khôn ngoan cho các ngân hàng trong thời đại ngày nay để đổi mới sản phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong giao dịch L/C. Bài viết đã hệ thống hóa những kiến thức cơ bản về giao dịch L/C trên nền tảng công nghệ Blockchain và phân tích, đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ mới này trong giao dịch L/C tại các NHTM Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất liên quan. Trong đó, các vấn đề mấu chốt là tạo lập hành lang pháp lý, số hóa chứng từ và sự tham gia của tất cả các chủ thể trên cơ sở đồng thuận. Giải quyết được bài toán này, công nghệ Blockchain sẽ khẳng định được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại toàn cầu.