Trong những năm gần đây, dịch vụ Ví điện tử đã được triển khai khá phổ biến trên thị trường và đã đạt được những kết quả nhất định, khẳng định những ưu điểm về tính năng, sự tiện lợi, an toàn, nhanh chóng với chi phí hợp lý, tạo lập lòng tin đối với khách hàng và ngày càng nhận được sự quan tâm từ các ngân hàng và đơn vị cung ứng dịch vụ, hàng hóa.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Ví điện tử phải được liên kết với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2018, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tại Việt Nam đạt khoảng 63,7%; tỷ lệ còn lại người dân chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính, ngân hàng và có nhu cầu thực sự, đặc biệt là các khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi mà hệ thống ngân hàng chưa thể vươn tới. Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông có ưu thế về hạ tầng, mạng lưới viễn thông, các điểm giao dịch rộng khắp cả nước, tỷ lệ tiếp cận dịch vụ viễn thông và sử dụng điện thoại di động ở mức khá cao. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại, góp phần thúc đẩy TTKDTM và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Việc nghiên cứu, triển khai thí điểm tiền di động (Mobile-Money) đã được giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng văn bản quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ. Để triển khai dịch vụ Mobile-Money tại Việt Nam, một số vấn đề cần quan tâm, chú ý như sau:
1. Về cơ sở pháp lý
Khoản 2 Điều 17 Luật NHNN năm 2010 quy định: Tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về TTKDTM (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định:
- Phương tiện TTKDTM sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN (khoản 6 Điều 4).
- Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này (khoản 7 Điều 4).
Ngoài các phương tiện TTKDTM nêu trên, NHNN chưa quy định các phương tiện thanh toán khác, do đó, Mobile-Money không phải là phương tiện thanh toán và dịch vụ Mobile-Money chưa được quy định ở một văn bản pháp lý nào hay nói cách khác, chưa có hành lang pháp lý quy định về việc cung ứng dịch vụ Mobile-Money của các Doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam.
2. Kinh nghiệm quốc tế về Mobile-Money
a) Bối cảnh chung:
Dịch vụ Mobile-Money được khởi nguồn và phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia khu vực Châu Phi, Châu Mỹ Latinh nơi hạ tầng ngân hàng, hạ tầng của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính chưa có sự phát triển, trong khi đó, hạ tầng mạng viễn thông được đánh giá là một trong các hạ tầng có sự phát triển mạnh mẽ nhất tại các quốc gia này. Vì vậy, các nhà mạng đã đưa ra sáng kiến tận dụng sự phổ biến của điện thoại di động, mức độ phủ sóng và mạng lưới phân phối rộng khắp của nhà mạng viễn thông để cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng.
Theo báo cáo thực trạng ngành di động toàn cầu năm 2018 của Hiệp hội Thông tin Di động toàn cầu (GSMA - Global System for Mobile-Money, với 272 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, số lượng tài khoản Mobile-Money tăng dần qua các năm đạt 866 triệu tài khoản năm 2018 (tăng 20% so với năm 2017), giá trị giao dịch xử lý đạt 1,3 tỷ USD mỗi ngày.
b) Quan điểm về Mobile-Money:
Tại Báo cáo về thực trạng lĩnh vực Mobile-Money năm 2017, GSMA cho rằng, dịch vụ chỉ được coi là Mobile-Money khi đáp ứng các tiêu chí sau: (i) Là dịch vụ chuyển tiền và thanh toán thông qua điện thoại di động; (ii) Phải sẵn sàng cho những người chưa có tài khoản ngân hàng (không có tài khoản chính thức tại một tổ chức tài chính); (iii) Phải cung cấp ít nhất một trong những sản phẩm sau: Chuyển tiền trong nước và quốc tế, thanh toán hóa đơn, giải ngân các khoản vay và thanh toán cho người bán hoặc lưu trữ giá trị; (iv) Phải có mạng lưới các điểm giao dịch vật lý bên ngoài các chi nhánh ngân hàng và các ATM, giúp cho tất cả người dân có thể tiếp cận dễ dàng; (v) Các dịch vụ ngân hàng sử dụng điện thoại di động chỉ như một kênh khác phụ thêm để truy cập vào một sản phẩm ngân hàng truyền thống hay các dịch vụ thanh toán liên kết với sản phẩm ngân hàng truyền thống không bao gồm trong thuật ngữ này (Mobile-Money không phải là Mobile Banking);...
Mobile-Money hiện đang được triển khai khá phổ biến trên thị trường
và đã đạt được những kết quả nhất định
Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, Mobile- Money về bản chất là hình thức tiền điện tử (e-money), trong đó các giao dịch thanh toán và tài chính được thực hiện trên điện thoại di động, có thể trực tiếp hoặc không trực tiếp gắn kết với tài khoản ngân hàng. Hay nói cách khác, Mobile-Money là kết hợp của tiền điện tử (như thẻ trả trước, Ví điện tử) và sử dụng nền tảng kỹ thuật di động để thực hiện các giao dịch tài chính và sử dụng cơ sở dữ liệu thuê bao di động để định danh khách hàng.
c) Một số mô hình thành công điển hình:
- Kenya: Nhận thấy 8/10 người dân Kenya có điện thoại di động, năm 2007, nhà vận hành mạng di động Vodafone tại Kenya (sau đó được thương mại hóa bởi công ty con là Safaricom) đã đề xuất Ngân hàng Trung ương Kenya (CBK) việc xây dựng và phát triển mô hình M-PESA. Ban đầu, M-PESA được thiết kế để giúp đỡ người dân hoàn trả các khoản vay bằng điện thoại di động, giúp giảm chi phí xử lý tiền mặt, từ đó giảm lãi suất. Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, M-PESA đã được mở rộng để trở thành mô hình chuyển tiền. Đến cuối năm 2018, 30 triệu khách hàng đã sử dụng Mobile-Money để thực hiện các giao dịch thanh toán với giá trị giao dịch đạt tới 78,5 tỷ USD; qua đó, nâng tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính lên gần 83% năm 2018.
- Philippine: Thành công của Philippine trên phương diện thị trường Mobile-Money là kết quả sự khởi xướng của hai nhà mạng di động hàng đầu của nước này là Smart Communication và Globe Telecon với hai sản phẩm G-Cash và Smart Money. Ngân hàng Trung ương Philippine (BSP) cho phép các ngân hàng phối hợp với các các công ty viễn thông và các tổ chức liên quan triển khai thí điểm dịch vụ (nhà mạng viễn thông và ngân hàng cung cấp dịch vụ phải là một pháp nhân độc lập, được BSP quản lý theo một văn bản riêng), đồng thời từng bước nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho dịch vụ.
- Tanzania: Năm 2008, Vodacom Tanzania bắt đầu giới thiệu sản phẩm M-Pesa, và tiếp đó là công ty Milicom tung ra thị trường sản phẩm Tigo-Pesa vào năm 2009. Vào cùng năm 2009, Airtel cho ra mắt sản phẩm có tên Airtel Money tiếp đến là Zantel giới thiệu Ezy Pesa vào năm 2010. Qua triển khai dịch vụ Mobile-Money, từ mức 112 nghìn tài khoản vào năm 2008, lượng tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile-Money tăng mạnh lên tới hơn 53 triệu tài khoản đăng ký tính đến cuối tháng 2/2016 và đã có gần 261 nghìn đại lý ở Tanzania tham gia với tư cách làm đại lý cho dịch vụ Mobile-Money. Nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý thanh khoản của các đại lý, NHTW Tanzania cho phép các nhà cung ứng dịch vụ Mobile-Money được mở tài khoản ở nhiều ngân hàng thương mại khác nhau căn cứ trên mức độ bao phủ mạng lưới đại lý của họ.
3. Lợi ích khi triển khai Mobile-Money
Một là, Mobile-Money sẽ tận dụng hạ tầng viễn thông, do đó, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ thanh toán.
Hai là, thị trường sẽ có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, góp phần thúc đẩy hoạt động TTKDTM, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính. Đồng thời, qua đó góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay.
Ba là, Mobile-Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động.
4. Một số rủi ro, khó khăn khi triển khai Mobile-Money tại Việt Nam
Thứ nhất, rủi ro trong việc định danh, xác thực (KYC) khách hàng: Việc định danh, xác thực khách hàng do các Doanh nghiệp viễn thông tự thiết lập có thể không đảm bảo KYC chính xác khách hàng, đặc biệt trong tình trạng SIM rác (sử dụng thông tin không chính danh để đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn SIM thuê bao), mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn còn khá phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Từ đó, dẫn tới các hành vi mạo danh khách hàng trong việc mở và sử dụng Mobile-Money, thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận, giao dịch bất hợp pháp bằng Mobile-Money.
Thứ hai, rủi ro trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố: Rủi ro xảy ra khi nhân viên tại các điểm kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông thiếu năng lực trong việc phát hiện các dấu hiệu, hành vi rửa tiền, giao dịch đáng ngờ, bất thường; dẫn tới việc có thể lợi dụng để che giấu nguồn tiền, hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến “tiền có nguồn gốc bất hợp pháp” thành “tiền sạch” và làm tăng mức độ tổn thương về rửa tiền đối với Việt Nam.
Thứ ba, rủi ro phát sinh từ giao dịch tiền mặt: Các doanh nghiệp viễn thông khó có thể kiểm soát chính xác số lượng, giá trị tiền mặt các điểm kinh doanh đã nhận của khách hàng; Rủi ro trong công tác kho quỹ, an toàn kho quỹ đối với các điểm kinh doanh; Rủi ro nhận tiền giả khi thực hiện giao dịch thu/chi tiền mặt trực tiếp; Rủi ro xảy ra trong trường hợp các không đủ khả năng chi trả.
Thứ tư, rủi ro về kỹ thuật công nghệ, hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin không đáp ứng các điều kiện an toàn, bảo mật, gây lộ, lọt thông tin của khách hàng, mất tiền trên tài khoản Mobile-Money của khách hàng.
Thứ năm, khả năng dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng giữa tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile-Money.
Thứ sáu, rủi ro cho khách hàng: việc phát hành và sử dụng Mobile-Money chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, khi có bất kỳ một rủi ro xảy ra đối với khoản thanh toán của khách hàng, không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi và đền bù thiệt hại trước những tổn thất, rủi ro của khách hàng.
Thứ bảy, khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát lượng tiền mặt các điểm giao dịch đã nhận của khách hàng, có thể lợi dụng để tăng giá trị nạp tiền (làm thay đổi tỷ lệ 1:1) dẫn đến khó khăn trong việc quản lý lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế; khó khăn trong công tác quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Mobile-Money.
5. Một số đề xuất, kiến nghị về phát triển Mobile-Money
Để triển khai có hiệu quả dịch vụ Mobile-Money trong điều kiện chưa có hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể, NHNN đề xuất báo cáo về việc cho phép triển khai thí điểm Mobile-Money, trong đó, đề xuất mô hình triển khai thí điểm cụ thể như: Các doanh nghiệp viễn thông (đã được NHNN cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán) triển khai thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile-Money trong giới hạn phạm vi (phạm vi nghiệp vụ, địa lý, hàng hóa và dịch vụ, giới hạn hạn mức giao dịch); yêu cầu tuân thủ nguyên tắc 1:1 không làm phát sinh lượng tiền tệ; có các biện pháp quản lý, kiểm soát rủi ro đối với việc KYC khách hàng, trong đó yêu cầu phải giải quyết tình trạng SIM rác; yêu cầu về công tác phòng, chống rửa tiền; quản lý các điểm kinh doanh, các đơn vị chấp nhận thanh toán; đảm bảo về hệ thống công nghệ thông tin, bảo vệ quyền lợi khách hàng và tuân thủ quy định của pháp luật về thuế,…
Việc cho phép triển khai thí điểm Mobile-Money phù hợp với Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó yêu cầu cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số.
Trên cơ sở đó, nên xem xét, cho phép thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Kết quả triển khai thí điểm sẽ là cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách quản lý phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
2. Luật Ngân hàng Nhà nước 2010.
3. Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
4. Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP.
5. Nghị định 16/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6. Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
7. Thông tư 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
8 Cẩm nang pháp lý và chính sách về dùng tài khoản viễn thông để thanh toán (Mobile Money Policy and Regulatory Hanbook) của GSMA 2018.
9. Quy định về dùng tài khoản viễn thông để thanh toán: Pháp luật và thực tiễn ở châu Phi cận Sahara (The Regulation of Mobile Money: Law and Practice in Sub-Saharan Africa) năm 2019.
10. https://www.ifc.org/wps/wcm/connect/
fad057004a052eb88b23ffdd29332b51/MobileMoneyReport-Summary.pdf.
11. Http://www.cgap.org/sites/default/files/Working-Paper-Banking-in-the-M-PESA-Age-Sep-2017.pdf.
ThS. Phạm Tiến Dũng
Chuyên đề Tin học Ngân hàng số 1/2020