Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, diện mạo tỉnh Kiên Giang có nhiều đổi thay, khởi sắc, huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đóng góp thiết thực vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện và xây dựng nông thôn mới, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
1. Bệ đỡ tín dụng chính sách xã hội bằng cả trái tim
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang được thành lập theo Quyết định số 77/QĐ-HĐQT ngày 14/01/2003 của Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động ngày 05/6/2003. Dấu ấn hành trình 20 năm làm “cánh tay nối dài” của Chính phủ mang nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của NHCSXH tỉnh Kiên Giang đầy gian khó, song, nhiều hơn cả là những nụ cười, niềm vui đong đầy khi nhìn thấy kết quả của đồng vốn ươm trồng mỗi ngày đơm hoa kết trái cho đời, mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến với muôn nhà.
Thành công trong 20 năm qua, NHCSXH tỉnh Kiên Giang dần phát huy vai trò cầu nối giữa những người nghèo, đối tượng yếu thế với các cơ quan nhà nước và Chính phủ. Kết quả 20 năm qua, nguồn vốn trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố ủy thác sang NHCSXH tỉnh Kiên Giang để cho vay, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Đáng chú ý, tổng nguồn vốn đến ngày 30/9/2022 đạt hơn 4.468,6 tỷ đồng, tăng hơn 4.377,7 tỷ đồng, tăng gấp hơn 48 lần so với thời điểm nhận bàn giao (năm 2002), bình quân mỗi năm tăng hơn 218,9 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt hơn 3.677,2 tỷ đồng, tăng hơn 3.594,2 tỷ đồng so với năm 2002, chiếm 82,29%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt hơn 323,98 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hơn 216,64 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 17,34 tỷ đồng) tăng hơn 316,13 tỷ đồng so với năm 2002; chiếm 7,25%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động tại địa phương đạt hơn 467 tỷ đồng, tăng hơn 467 tỷ đồng, chiếm 10,46%/tổng nguồn vốn (nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân đạt hơn 192,85 tỷ đồng; tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đạt hơn 274,55 tỷ đồng. Tiền gửi của tổ viên tổ TK&VV giúp người nghèo và các đối tượng chính sách biết tiết kiệm trong chi tiêu, tạo thói quen tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tích lũy sử dụng trong tương lai, trong đó có việc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi tiền vay và có một khoản tích lũy khi trả hết nợ với NHCSXH; tiền gửi của các tổ chức, cá nhân huy động tại Điểm giao dịch xã đạt hơn 10,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,2%/nguồn vốn huy động. Đây là dịch vụ tiện ích của NHCSXH, giúp cho người dân nông thôn làm quen với các dịch vụ tài chính, ngân hàng, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đi lại khó khăn, thiết thực nhất là tiết kiệm chi phí, thời gian và đảm bảo an toàn cho người dân.
Có được các nguồn lực tài chính, NHCSXH tỉnh Kiên Giang tập trung đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng khó khăn.
Quả ngọt trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã tập trung triển khai cho vay 21 chương trình tín dụng chính sách, tăng 18 chương trình cho vay so với khi nhận bàn giao. Đồng thời, đã tập trung giải ngân cho hơn 922.111 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt hơn 12.330,9 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 7.858,8 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2022, tổng dư nợ đạt hơn 4.453,5 tỷ đồng, tăng hơn 4.373 tỷ đồng, gấp hơn 54,38 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 218,7%, số hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ là 150.703 hộ, dư nợ bình quân đạt 29,55 triệu đồng/khách hàng. Dư nợ tập trung ở một số chương trình tín dụng chính sách chủ yếu, như: Chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ trọng 41,89%; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường chiếm tỷ trọng 21,97%; chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm chiếm tỷ trọng 12,8%; chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn chiếm tỷ trọng 10,38%; các chương trình còn lại chiếm tỷ trọng 12,96%.
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho trên 922 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giúp cho trên 89 nghìn hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho trên 158 nghìn lao động; hỗ trợ trên 2 nghìn người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 252 nghìn công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ trên 60 nghìn học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng... hỗ trợ trên 200 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ xây dựng trên 23 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng trên 100 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã được triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,84% xuống còn 3,58% (tỷ lệ giảm 5,26% so với đầu giai đoạn), số hộ nghèo giảm 20.106 hộ; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,78% xuống còn 1,91% (tỷ lệ giảm 7,87% so với đầu giai đoạn), số hộ nghèo giảm 32.412 hộ.
Kết quả đạt được trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong 20 năm qua đã khẳng định NHCSXH là công cụ của các cấp chính quyền trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Với mạng lưới bao phủ rộng khắp các làng, xã, phường, thị trấn bằng mô hình Điểm giao dịch là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là đặc thù riêng có của NHCSXH. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 144 Điểm giao dịch tại 144 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 15 huyện, thành phố. Điểm giao dịch vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, xâm tiêu, tham ô, chiếm dụng vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động của NHCSXH.
.JPG)
Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác, NHCSXH nơi cho vay thường xuyên phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã quan tâm xây dựng, củng cố và kiện toàn các tổ TK&VV ở cơ sở. Hiện tỉnh Kiên Giang có 3.229 tổ TK&VV đang hoạt động tại 957 ấp, khu phố, thuộc quản lý của 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 150.530 thành viên, bình quân mỗi tổ có 47 thành viên. Kết quả đánh giá, xếp loại hoạt động của tổ TK&VV có 1.818 tổ xếp loại tốt, chiếm 56,3%, 723 tổ xếp loại khá, chiếm 22,39%, 611 tổ xếp loại trung bình, chiếm 18,92% và xếp loại yếu có 77 tổ, chiếm 2,39%.
Trong 20 năm qua, hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV là “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng được thụ hưởng kịp thời, thuận lợi, bảo đảm công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội; việc bình xét cho vay, chọn đối tượng vay xuất phát từ tổ TK&VV, nên ý thức sử dụng đồng vốn và thực hiện tốt nghĩa vụ vay, trả của người vay đều chịu tác động rất lớn từ vai trò, trách nhiệm của tổ TK&VV.
2. Mục tiêu và giải pháp trong thời gian tới
Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, phù hợp với thực tiễn địa phương; hoạt động tín dụng chính sách phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; mục tiêu đặt ra là hoàn thành tốt các chương trình tín dụng chính sách được Chính phủ và tỉnh Kiên Giang giao; đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách theo quy định đủ điều kiện và có nhu cầu đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng chính sách bình quân hằng năm từ 8% trở lên; hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng được giao hằng năm; phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn chất lượng tín dụng đạt từ loại khá trở lên, trong đó có trên 98% xã, phường, thị trấn đạt loại tốt; 100% phòng giao dịch NHCSXH huyện, thành phố chất lượng hoạt động tín dụng đạt loại tốt hằng năm.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, NHCSXH tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể
như sau:
Một là, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm và hoạt động hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách, xác định nhiệm vụ chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của tỉnh Kiên Giang; tiếp tục bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để bổ sung cho vay hộ nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của NHCSXH tại các địa phương.
Hai là, tập trung nguồn lực cho NHCSXH tỉnh Kiên Giang để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; NHCSXH tỉnh Kiên Giang chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang trình Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới.
Ba là, triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách được giao, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả vốn vay đúng hạn; phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm với hoạt động tín dụng chính sách; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.
Bốn là, NHCSXH các cấp thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH các cấp, tổ chức và nâng cao chất lượng các phiên họp theo định kỳ hằng quý đúng quy định; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình hoạt động; thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách theo chỉ tiêu được giao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.
Năm là, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nội dung công việc nhận ủy thác của NHCSXH, nắm chắc tình hình sử dụng vốn, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chất lượng hoạt động ủy thác; phối hợp làm tốt công tác nhận diện, bình xét, xác nhận đối tượng đủ điều kiện vay vốn các chương trình tín dụng chính sách; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, đôn đốc nợ đến hạn; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã đảm bảo an toàn, hiệu quả; chú trọng kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV, nâng cao năng lực của Ban Quản lý tổ TK&VV; thường xuyên tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Sáu là, thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động của Điểm giao dịch xã, xem đây là hình ảnh và là thương hiệu đặc trưng riêng có của NHCSXH; trang bị đầy đủ các phương tiện, công cụ dụng cụ, bố trí con người đảm bảo để thực hiện tốt các nội dung phần việc tại Điểm giao dịch xã, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đối tượng vay vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong quan hệ tín dụng với NHCSXH; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Điểm giao dịch xã, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót trong hoạt động giao dịch xã.
Bảy là, có giải pháp chủ động thực hiện việc huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của NHCSXH, của các bộ, ngành có liên quan đến cán bộ, người lao động trong đơn vị; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, người lao động trong đơn vị; triển khai, áp dụng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Tám là, thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền (Quyết định số 62/QĐ-HĐQT ngày 27/9/2021 của Hội đồng Quản trị về việc xử lý rủi ro trong hệ thống NHCSXH); thực hiện xử lý rủi ro đảm bảo chính xác, kịp thời, đúng quy định.
Chín là, đẩy mạnh việc khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động góp phần giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật; tập trung đẩy mạnh khai thác các sản phẩm phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin của NHCSXH nhằm kịp thời đưa ra các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới nhằm phục vụ có hiệu quả, thiết thực nhu cầu của khách hàng.
Mười là, tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả; chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, công khai chủ trương, chính sách và kết quả thực hiện tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã nhằm phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc thực hiện tín dụng chính sách.
Trần An (NHNN)