Năm 2021 là năm đánh dấu chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2021). Suốt chặng đường 70 năm, ngành Ngân hàng Việt Nam đã khẳng định được vị thế trong việc xây dựng và phát triển đất nước, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.
Hòa cùng chặng đường 70 năm lịch sử hình thành và phát triển, Ngân hàng Trung ương đã khẳng định vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Nhiều nhà kinh tế học đã ví vai trò của Ngân hàng Trung ương như “hệ tuần hoàn trong cơ thể” mỗi quốc gia. Và vì lẽ đó, trong việc điều hành và thực thi chính sách tiền tệ đòi hỏi phải có những quyết định nhanh nhạy và linh hoạt để điều hòa “huyết mạch” của nền kinh tế. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tập trung phân tích những đóng góp quan trọng của hệ thống ngân hàng tỉnh An Giang đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh sau 35 năm đổi mới.
1. Tư duy đổi mới đột phá mở đường cho vay hộ nông dân sản xuất
Ngược dòng thời gian, nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của đất nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng, cho thấy giai đoạn trước đổi mới (năm 1986), Nghị quyết số 01/NQTU ngày 29/11/1986 của Tỉnh ủy An Giang đánh giá như sau: “Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và phức tạp hơn năm 1985, do hậu quả của sai lầm trong việc thực hiện phương án tổng điều chỉnh lương tiền gây ra. Một số chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt kế hoạch, sản lượng lương thực giảm so với năm 1985, trên 10.000 ha đất bị bỏ hoang hóa, máy nông nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng. Sản lượng công nghiệp, đặc biệt tiểu thủ công nghiệp tăng chậm. Nhìn chung, lao động sản xuất, lao động xã hội không tăng. Tổng sản phẩm xã hội tăng chậm so với tăng dân số, giá cả thị trường, tiền mặt nhiều lúc hết sức căng thẳng và luôn biến động…”.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên, trước hết là do cơ chế hành chính - tập trung quan liêu bao cấp chưa được xóa bỏ, có lúc lại tập trung quan liêu cao hơn, làm cho địa phương và cơ sở bị động, lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Khó khăn của tỉnh An Giang cũng là khó khăn chung của cả nước, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh An Giang đã trăn trở suy nghĩ tìm ra giải pháp đúng để giải quyết tình hình. Đây là quá trình Đảng bộ tỉnh An Giang “đấu tranh” về quan điểm và nhận thức, nghiên cứu sâu hơn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là chính sách kinh tế mới của Lênin. Trên cơ sở nội dung của các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng bộ tỉnh An Giang đã đề ra những chủ trương, chính sách có tính chất đột phá, mở đường bằng tư duy đổi mới, bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, tháng 10/1986. Nhờ sớm xác định vai trò nông nghiệp, nông thôn, nông dân và thực hiện chính sách hai giá từ năm 1980, nên An Giang chuyển nhanh sang cơ chế quản lý mới, giải quyết tốt vấn đề ruộng đất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Với tư duy đổi mới từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), Đảng bộ tỉnh An Giang đã thể hiện quyết tâm lãnh đạo thực hiện thành công đường lối đổi mới kinh tế dù phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Với quan điểm “dân là gốc của cách mạng”, mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ dân và được dân ủng hộ, Tỉnh ủy An Giang chủ trương “phải tháo gỡ ngay mọi ách tắc, rào cản kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển, làm bần cùng hóa đời sống Nhân dân để nhanh chóng đạt các mục tiêu tăng trưởng về kinh tế - xã hội…”. Nhờ một loạt các giải pháp, như: Chuyển từ bao cấp giá sang giá thị trường, xóa cắt xâm canh, bỏ các trạm kiểm soát “ngăn sông cấm chợ”, đưa đất đai về cho nông dân làm chủ, khuyến khích các mô hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp… đã thực sự tạo ra bước đột phá mới trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.
Giai đoạn 1986 - 1990, An Giang bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện chủ trương “giá - lương - tiền”, giải phóng lực lượng sản xuất trong nông nghiệp. Lúc bấy giờ, nền kinh tế cả nước đang xuống thấp, lạm phát lên đến 700%, khủng hoảng kinh tế xuất hiện, đời sống Nhân dân khó khăn, thất nghiệp gia tăng... Trước tình hình đó, tỉnh An Giang đã chuyển từ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, giúp nền kinh tế dần hồi phục, thế mạnh nông nghiệp, lương thực được xác định là nền tảng và là mặt trận hàng đầu, nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới và nông thôn là địa bàn chiến lược được phát huy.
Cùng với việc tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên và cơ sở hạ tầng nông thôn, 10 năm sau đổi mới (1986 - 1995), tỉnh An Giang đã có những chủ trương đột phá và triển khai thực hiện sớm nhất trong cả nước một loạt chính sách đồng bộ như: giao đất cho hộ nông dân và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy tạm) ngay từ năm 1987 (Chỉ thị số 22/CT-UB ngày 21/7/1987); chính sách quản lý, khai thác và sử dụng đất đai trong tỉnh (Quyết định số 176/QĐ-UB ngày 13/5/1988); chính sách trồng và bảo vệ rừng (Quyết định số 275/QĐ-UB ngày 23/6/1992); chính sách khuyến khích khai thác sử dụng đường nước phục vụ sản xuất thâm canh, tăng vụ (Quyết định số 224/QĐ-UB ngày 12/12/1991); chính sách vận động thành lập các hình thức hợp tác giản đơn trong sản xuất nông nghiệp ngay từ năm 1991 (Chỉ thị số 25/CT-UB ngày 27/11/1991); đặc biệt, ngay từ năm 1990, tỉnh An Giang đã có chủ trương hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn cho nông dân (từ mô hình hỗ trợ tín dụng ngắn hạn của An Giang, đến năm 1991, Chính phủ đã có chủ trương chính thức và thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước tại Chỉ thị số 202-CT ngày 28/6/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ, về việc cho vay vốn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đến hộ sản xuất); hình thành định chế khuyến nông và tự do hóa thương mại ngay từ năm 1992 (tỉnh có Trung tâm Khuyến nông, huyện có Trạm Khuyến nông); là tỉnh thành lập Chương trình phát triển nông thôn sớm nhất trong cả nước (Quyết định số 280/QĐ-UB ngày 22/6/1992). Nhờ phát huy đúng thế mạnh nông nghiệp nên năm 1990, sản lượng lương thực của tỉnh vượt qua ngưỡng 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 120.600 tấn, tăng 16 lần so với năm 1985.
Trải qua 35 năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang tuy có lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự chỉ đạo, điều hành nhạy bén của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, nhất là sự cần cù, sáng tạo của Nhân dân, đã làm cho kinh tế An Giang từng bước ổn định và phát triển, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Và thực tế cho thấy, đồng vốn ngân hàng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư và an sinh xã hội của tỉnh.
2. Hệ thống ngân hàng An Giang góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn
Vào những năm đầu sau giải phóng đất nước, nền kinh tế vận hành không theo cơ chế thị trường, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, cấp phát tín dụng độc quyền theo chỉ định của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương thường xuyên phát hành tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách, đã dẫn đến hệ quả lạm phát triền miên nhiều năm, thậm chí lên tới 3 con số. Lạm phát năm 1986: 774,7%, năm 1987: 323,1%, năm 1988: 393,8%... Thực tế này đòi hỏi phải đổi mới với cơ chế lưu thông hàng hóa gắn liền với đổi mới cơ chế lưu thông tiền tệ (Tiền - Hàng - Tiền). Và muốn đạt được yêu cầu này, ngành Ngân hàng phải cải tổ một cách căn bản.
Ngày 26/3/1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Nghị định số 53/HĐBT về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), chuyển hệ thống ngân hàng sang hoạt động kinh doanh. Theo đó, từ NHNN tách ra thành lập 4 ngân hàng quốc doanh chuyên doanh, gồm: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam.
Từ đây, hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp: NHNN chỉ làm chức năng quản lý vĩ mô về tiền tệ, không trực tiếp kinh doanh, chức năng kinh doanh trả về cho 4 ngân hàng thương mại nói trên. Từ đó, thị trường ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của ngành Ngân hàng. Nghiệp vụ ngân hàng thương mại không còn bó hẹp ở “cho vay - thu nợ” truyền thống mà đã phát triển nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ đa dạng, phong phú.
Từ năm 1989, trong khi ngành chuyên môn và nhiều địa phương còn chưa thống nhất về các hình thức thế chấp, thì An Giang đã quyết định cho vay vốn bằng cả hai loại hình thế chấp và tín chấp. Song, An Giang mới chỉ là nơi có bước khởi đầu quan trọng mang tính chất mở đường để bắt đầu hợp tác theo phương thức mới. Trước khi có đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh An Giang đã mạnh dạn đề ra các chủ trương, chính sách nhằm giải phóng những rào cản, chướng ngại để tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa phát triển, tín dụng được mở rộng, hộ nông dân và sản xuất, kinh doanh khu vực ngoài quốc doanh vay tăng 128 lần. Khâu đột phá có tính chất mở đường là lĩnh vực lưu thông phân phối và chính sách tín dụng cho vay hộ nông dân sản xuất, sau này được điển hình nhân rộng cho cả nước, mà người có công lớn trong việc đột phá này ngoài tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang còn có cá nhân nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu - một người con quê hương An Giang.
Công cuộc đổi mới nền kinh tế nước ta đã thu được những thành tựu rất quan trọng, đặc biệt là từ năm 1991 đến nay, nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng và kiềm chế được lạm phát đáng khích lệ. Những thành tựu đó đã và đang tạo ra những tiền đề đưa nước ta chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực ngân hàng, những thành tựu đáng kể là xây dựng được hệ thống ngân hàng thích ứng với cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kiểm soát lạm phát, mở rộng dịch vụ thanh toán, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng chiều sâu, chủ động hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát huy thành tựu đột phá trong giai đoạn khó khăn ban đầu, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đã thực hiện tích cực và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và định hướng điều hành của NHNN, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, với một số kết quả nổi bật, cụ thể: (1) Số lượng đầu mối tổ chức tín dụng (TCTD), phòng giao dịch, điểm giới thiệu dịch vụ tài chính tiếp tục được duy trì, phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong việc lựa chọn, quan hệ giao dịch; (2) Tín dụng tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch bệnh (tăng 11,57% so với năm 2019). Dù chưa thể đạt mục tiêu dự kiến tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm 2020 là 12% - 14%, song mức tăng này khá khả quan. Tăng trưởng tín dụng tại An Giang phần nào khẳng định khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp tại An Giang tốt hơn so với một số địa phương khác. Các TCTD trên địa bàn tỉnh đã sử dụng nhiều giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Xử lý nợ xấu của các TCTD cũng đạt mục tiêu đề ra. Dù tình hình hoạt động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng các TCTD đã kiềm chế nợ xấu ở tỷ lệ thấp (0,88%), xử lý được các khoản nợ xấu cũ. Bên cạnh đó, vốn tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển; (3) Các dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động, trong đó, từng bước mở rộng đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội theo các văn bản chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh; (4) Công tác quản lý vàng, ngoại hối tiếp tục được tăng cường, đảm bảo phát triển theo hướng ổn định, góp phần nâng cao lòng tin vào đồng Việt Nam; (5) Việc cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nói riêng trên địa bàn hoạt động ổn định và phát triển...
Kết quả sự ổn định của thị trường tiền tệ trong năm 2020 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ kép của ngành Ngân hàng là “Ổn định kinh tế vĩ mô và tạo cơ sở nền tảng để thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài chính, tiền tệ, các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 trong năm 2020 và hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, phục hồi và tăng trưởng”. Sự ổn định của thị trường tiền tệ tiếp tục củng cố niềm tin ngày càng vững chắc hơn của doanh nghiệp, người dân đối với cơ chế, chính sách và sự điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, đặc biệt là chính sách lãi suất và tỷ giá. Trong đó, kênh huy động vốn của ngành Ngân hàng tiếp tục là kênh thu hút tiền gửi từ người dân. Tiền gửi VND vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng tiền gửi và tăng trưởng cao hơn tiền gửi ngoại tệ trong năm 2020, theo đó đến cuối năm 2020, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đã huy động vốn đạt 58.101 tỷ đồng; so với năm 2010, vốn huy động tăng 36.981 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 21,4%; dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đạt 80.669 tỷ đồng, tăng 50.114 tỷ đồng so với năm 2010, tỷ lệ tăng 24,5%. Trong tổng dư nợ cho vay, nợ xấu toàn hệ thống chỉ có 725 tỷ đồng, chiếm 0,88% tổng dư nợ. (Hình 1)
Điểm đột phá về cấp tín dụng đã được hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang chú trọng phát huy thế mạnh, cụ thể, năm 2020 dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 45.700 tỷ đồng, tăng 34.066 tỷ đồng so với năm 2010; lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản đạt 8.176 tỷ đồng, tăng 3.188 tỷ đồng so với năm 2010. (Hình 2)
Việc duy trì được tốc độ tăng trưởng hoạt động ngân hàng và tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn (nhu cầu vốn thấp, điều chỉnh quy mô hoạt động, ngưng hoạt động và đóng cửa) - là kết quả đáng khích lệ của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang.
Đặc biệt, năng lực tài chính của các TCTD trên địa bàn tỉnh An Giang tiếp tục được củng cố, khả năng chống đỡ và vượt qua khó khăn được cải thiện hơn, nếu đặt trong mối liên hệ với các giai đoạn trước đây khi nền kinh tế chịu tác động bởi khủng hoảng kinh tế khu vực và toàn cầu (năm 1997 và năm 2008). Trong đó, về mặt chính sách, việc tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng; đánh giá và xếp loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và kinh doanh có lợi nhuận… tiếp tục là các yếu tố nền tảng để các TCTD trên địa bàn tỉnh thực hiện phòng, chống rủi ro hiệu quả.
Năm 2020, kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang có hiệu quả; nợ xấu được kiểm soát và ở dưới mức quy định, góp phần quan trọng trong việc duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng của các TCTD, cũng như thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách của NHNN, các chương trình tín dụng của Chính phủ, của NHNN và UBND tỉnh. (Hình 3)
Hoạt động dịch vụ ngân hàng phát triển, xuất hiện yếu tố đột phá trong mở rộng và phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Việc người dân sử dụng phương tiện thanh toán thẻ; thanh toán online, ví điện tử để mua hàng hóa, dịch vụ và sử dụng các trang web thương mại điện tử có xu hướng tăng… Quá trình này được thực hiện nhiều hơn trong điều kiện giãn cách xã hội, thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ trong năm 2020. Theo đó, tốc độ tăng trưởng các dịch vụ thẻ, internet banking và ví điện tử trên địa bàn tỉnh bình quân tăng khoảng 20 - 25% trong năm 2020.
3. Chặng đường phía trước
Hòa cùng sự phát triển của ngành Ngân hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, để phát huy truyền thống đã đạt được và lập thành tích trong thời gian tiếp theo, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đã xây dựng lộ trình phát triển với những nhiệm vụ cụ thể:
Một là, bám sát chỉ đạo và định hướng nhiệm vụ của NHNN và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang để tập trung triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu sau: (i) Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất trên địa bàn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 theo Nghị quyết số 124/2020/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Quốc hội. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4%; (ii) Chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với nhiệm vụ nhiệm kỳ về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại hoạt động, trong đó, chú trọng nâng cao năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của các TCTD trên địa bàn; (iii) Tiếp tục thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn theo các cơ chế, chính sách của NHNN: Về cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên; cho vay nông nghiệp, nông thôn; cho vay công nghiệp hỗ trợ; tín dụng chính sách và các chương trình tín dụng của UBND tỉnh; tổ chức và thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chương trình cho vay bình ổn thị trường; chương trình đối thoại doanh nghiệp và phối hợp với sở, ngành, huyện trên địa bàn để thực hiện các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; (iv) Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng với mức độ và yêu cầu cao hơn bằng các chương trình và hành động cụ thể trên cơ sở định hướng của NHNN, đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí quản lý và tạo tiện ích, thuận lợi tối đa cho đối tượng quản lý, cho doanh nghiệp và khách hàng. Quan điểm “lấy khách hàng là trung tâm” tiếp tục phải được cụ thể hóa bằng các chương trình, sản phẩm, khả năng đáp ứng tốt nhất dịch vụ ngân hàng cho khách hàng và thể hiện rõ bằng tiện lợi, tiện ích, sự thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp khi giao dịch với ngân hàng; (v) Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 của Thống đốc NHNN về việc tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính của NHNN và chấp hành kỷ luật các quy định của NHNN về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Đây là nhiệm vụ, là giải pháp quan trọng, nền tảng để các TCTD nói chung và trên địa bàn tiếp tục ổn định, tăng trưởng bền vững, ứng phó tốt với biến động khó lường từ yếu tố môi trường và yếu tố thị trường…; (vi) Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng các chương trình hành động cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại; phát triển dịch vụ ngân hàng và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển ngân hàng số gắn liền với nhiệm vụ địa phương. Chỉ đạo, đôn đốc chi nhánh các TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định. Cùng với đó, thông tin đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ động xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai của các TCTD. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Kịp thời báo cáo NHNN, UBND tỉnh xử lý đối với các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Hai là, tăng cường chất lượng tín dụng, lấy hiệu quả kinh tế và an toàn làm gốc; xây dựng hệ thống ngân hàng trên địa bàn an toàn, vững mạnh; nâng cao lòng tin vào cơ chế, chính sách của hệ thống ngân hàng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh. Tích cực hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị về mạng, truyền thông cho các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Ba là, nâng cao hơn nữa vai trò của hệ thống ngân hàng để góp phần phát triển một cách toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, khoa học công nghệ, viễn thông, thị trường bất động sản, thị trường vốn,... trên địa bàn tỉnh An Giang.
ThS. Nguyễn Tuấn Dũng
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang
Tạp chí Ngân hàng số 7/2021