Lịch sử ngành Ngân hàng đã được các thế hệ của Ngành viết lên bằng lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, trách nhiệm, sáng tạo và niềm tin để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Truyền thống quý báu đó được lớp lớp thế hệ của Ngành gìn giữ và vận dụng trong công tác để xây dựng hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, hội nhập và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển dù trải qua nhiều hoàn cảnh khó khăn và thách thức. Đối với công tác truyền thông, truyền thống đó là những giá trị tích cực, những bài học vận dụng thực tế để góp phần thực hiện nhiệm vụ, nâng cao niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và hội nhập quốc tế.
"Tiền khéo, tiền khôn" là chương trình gameshow đầu tiên về truyền thông giáo dục tài chính - ngân hàng do NHNN và Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất
Từ lời dạy sâu sắc của Bác…
Nhắc tới lịch sử của Ngành là chúng ta nhớ đến ngày đặc biệt, đó là ngày 6/5/1951, tại Hang Bòng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, là Ngân hàng Trung ương của đất nước, nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Nhiệm vụ được quy định như phát hành giấy bạc, điều hòa lưu thông tiền tệ, quản lý ngoại tệ và thanh toán các khoản giao dịch với nước ngoài…, huy động vốn của Nhân dân, điều hòa mở rộng tín dụng để nâng cao sản xuất của Nhân dân và phát triển kinh tế Nhà nước… Đây là sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và ngành Ngân hàng, là kết quả của quá trình xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ, thể hiện vị thế độc lập của quốc gia.
Lịch sử ngành Ngân hàng không bao giờ quên tình cảm của Bác dành cho cán bộ, viên chức khi Bác căn dặn trong thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính ngày 20/02/1952: “Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến” hoặc trong thư gửi Hội nghị cán bộ ngân hàng tháng 01/1965, Bác nhấn mạnh “Quản lý tiền bạc là một công tác rất quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ ngân hàng là người có trách nhiệm giữ tiền cho Nhà nước và Nhân dân, phải học tập cách quản lý tiền cho tốt, đừng để lãng phí, mất mát…”.
... đến truyền thống vẻ vang của Ngành
Lời dạy của Bác được lớp lớp cán bộ ngành Ngân hàng thực hiện nghiêm túc xuyên suốt chiều dài lịch sử của Ngành. Mỗi giai đoạn phát triển của Ngành đều gắn với giai đoạn lịch sử của đất nước và phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong hoàn cảnh nào, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng cũng phát huy truyền thống của Ngành để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.
Giai đoạn 1951 - 1954 là giai đoạn mở đầu cho sự phát triển của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới đòi hỏi hoạt động kinh tế, tài chính phải có bước chuyển biến cơ bản để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong bối cảnh cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn lực tập trung cho chiến trường, mất cân đối cung cầu, bội chi lớn, lạm phát gia tăng. Toàn Ngành đã nỗ lực vượt khó thực hiện được nhiệm vụ tổ chức in, phát hành và điều hòa lưu thông tiền tệ, tín dụng ngân hàng, bồi dưỡng kinh tế kháng chiến, quản lý ngoại hối…, qua đó, khẳng định được vị thế của Ngành đối với nền kinh tế,
xã hội.
Thời kỳ 1954 - 1955 gắn với sự kiện đặc biệt trong tình hình tiền tệ 300 ngày sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chúng ta đã tiếp quản vùng giải phóng, giải quyết vấn đề tiền Đông Dương và thống nhất tiền tệ ở miền Bắc, thu đổi “giấy bạc Cụ Hồ” tại các vùng kháng chiến miền Nam, thực hiện quản lý vàng và ngoại tệ vùng biên... Trong giai đoạn này, chúng ta đã giải quyết thành công việc thu hồi tiền Cụ Hồ ở miền Nam và thu hồi tiền Đông Dương ở miền Bắc; giải quyết thắng lợi việc hòa đồng hệ thống giá cả và thị trường của vùng tự do cũ với vùng mới giải phóng ở miền Bắc, không gây xáo trộn lớn trong đời sống và sản xuất…
Thời kỳ 1955 - 1965, ngành Ngân hàng đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục, cải tạo kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy Ngân hàng Quốc gia trên toàn miền Bắc, thực hiện đổi tiền năm 1959, thực hiện các công cụ và giải pháp tổ chức điều hòa lưu thông tiền tệ, ổn định sức mua của đồng tiền, từng bước đa dạng hóa các loại hình thanh toán trong nền kinh tế, thiết lập trung tâm thanh toán của NHNN, quản lý kinh doanh vàng bạc, đào tạo cán bộ… trong giai đoạn này, nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn và bộc lộ một số khuyết tật, tuy nhiên, nền kinh tế được khôi phục, tình hình tài chính tốt lên, ngân sách Nhà nước thặng dư và tiền tệ đi vào thế ổn định.
Thời kỳ 1965 - 1975 là thời kỳ kháng chiến miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là thời kỳ truyền thống ngành Ngân hàng đã viết lên bằng lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và quả cảm của cán bộ ngành Ngân hàng với vô vàn khó khăn. Chuyển hoạt động ngân hàng sang điều kiện thời chiến; thực hiện ổn định lưu thông tiền tệ, giữ vững sức mua của đồng tiền trong điều kiện chiến tranh ác liệt; quản lý và huy động vốn đáp ứng yêu cầu mở rộng cho vay và giảm phát hành tiền cho tín dụng, tín dụng phục vụ sản xuất, đời sống và chiến đấu, củng cố và phát huy vai trò của tín dụng, từng bước mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt.
Đây có lẽ là giai đoạn đặc biệt khi chúng ta thực hiện chi viện cho chiến trường miền Nam. Đồng thời, khoảng thời gian này là giai đoạn nước sôi, lửa bỏng chưa từng có trong lịch sử hiện đại và là thời kỳ quyết định độc lập và chủ nghĩa xã hội.
Đối với bất cứ cuộc chiến tranh nào, khâu hậu cần cũng luôn là một khâu quan trọng. Người ta nói rằng, nếu biết cách giải quyết tốt được khâu hậu cần, cách mạng đã có cơ hội nắm được một nửa phần thắng. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Đảng và Chính phủ đã có một quyết định hết sức táo bạo và sáng suốt, đó là vận dụng hiệu quả chức năng của đồng tiền, mở đường đưa ngoại tệ viện trợ vào miền Nam, biến tiền tệ thành vật tư hàng hóa, giải quyết được một phần không nhỏ cho khâu hậu cần tại chỗ. Cán bộ ngân hàng sẽ là người được Đảng và Chính phủ giao phó để làm nhiệm vụ vận chuyển tiền chi viện cho chiến trường miền Nam. Bởi vậy, con đường tiền tệ thầm lặng để vận chuyển và chi viện nguồn lực tài chính từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam để phục vụ cho chiến trường miền Nam đã được thiết lập. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhiều cán bộ ưu tú của ngành Ngân hàng đã được cử ra nước ngoài, cử vào miền Nam để hoạt động. Bằng lòng yêu nước và sự trung thành tuyệt đối, sự sáng tạo, những cán bộ này đã được giao trọng trách quan trọng, hoạt động trong một trận chiến thầm lặng, phải tìm mọi cách để đưa được nguồn tài chính quan trọng phục vụ chiến trường miền Nam. Hàng trăm cán bộ của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã trực tiếp làm nhiệm vụ đặc biệt trên con đường tiền tệ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp một phần rất quan trọng để tạo nên thành công của sự nghiệp giải phóng miền Nam lịch sử năm 1975. Các cán bộ chuyển ngân không quản gian khó, không nhụt chí vượt qua hàng ngàn cây số, trải qua mưa bom, bão đạn để đưa đến các chiến trường cho đến khi cách mạng thành công, không hề thiếu một xu. Và cũng đã có nhiều cán bộ ngân hàng anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên các mặt trận.
“Huyền thoại con đường tiền tệ” đã để lại những bài học vô giá cho cán bộ ngành Ngân hàng về tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, chính xác, kịp thời, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong công việc. Những câu chuyện lịch sử của ngành Ngân hàng là những bài học cho mỗi cán bộ ngành Ngân hàng nói chung và cán bộ làm công tác truyền thông nói riêng. Tinh thần, truyền thống là kim chỉ nam để vận dụng trong hoạt động truyền thông của Ngành và đó là những bài học quý báu cần được giữ gìn.
“Hiểu đúng về tiền” là chương trình truyền thông giáo dục tài chính sáng tạo cho đối tượng học sinh, sinh viên
Bài học lớn đối với hoạt động truyền thông của Ngành
Bài học lịch sử của Ngành đã được vận dụng trong công tác truyền thông. Để hoạt động truyền thông đạt kết quả tốt cần đảm bảo những yêu cầu đặt ra, đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách và truyền thông giáo dục tài chính.
Hoạt động truyền thông của ngành Ngân hàng đặt trong bối cảnh hiện nay có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức. Cơ hội là các kênh truyền thông đa dạng, phong phú tạo thuận lợi trong việc truyền dẫn chính sách, đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, dễ tiếp cận những vấn đề mới thông qua kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Nhưng bên cạnh đó là thách thức trong cuộc chiến với thông tin không chính xác làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với ngành Ngân hàng. Bởi hoạt động ngân hàng luôn gắn với yếu tố nhạy cảm, dễ tác động bởi yếu tố tâm lý. Đặc biệt, hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học nên những thông tin không chính xác dễ lan tỏa mạnh, nếu không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng đến hệ thống.
Chính vì vậy, trong hoạt động truyền thông cần bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, về ngân hàng và bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành để định hướng, lập kế hoạch truyền thông đảm bảo hiệu quả, là kênh truyền dẫn và phản hồi chính sách của NHNN. Thông tin đưa ra cần đảm bảo tính chính xác và kịp thời. Hình thức phong phú, sáng tạo và phù hợp với từng bối cảnh, hoàn cảnh, các nhóm công chúng.
Phát huy truyền thống yêu nước, kỷ cương, trách nhiệm trong hoạt động truyền thông
Thời gian qua, hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng đã luôn bám sát mọi chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Đồng thời, phát huy truyền thống yêu nước vẻ vang của ngành Ngân hàng, hoạt động truyền thông Ngành luôn quán triệt tinh thần cung cấp những thông tin gắn với lợi ích của Nhân dân là những thông tin trọng yếu. Theo đó, luôn chủ động truyền thông, cung cấp cho công chúng các thông tin liên quan đến các văn bản mới ban hành, các chính sách mới, đặc biệt là các chính sách tác động đến nhiều tầng lớp Nhân dân, chẳng hạn như các thông tin liên quan đến các vấn đề về tiết kiệm, thanh toán, tiếp cận vốn, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng…
Đặc biệt, hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng thời gian qua cũng đã phát huy tốt truyền thống kỷ cương, chính xác trong việc cung cấp tin, bài và thông tin trên Cổng thông tin điện tử NHNN. Thông tin ngành Ngân hàng đa phần là những thông tin hàm chứa nhiều số liệu nên phải đảm bảo độ chính xác tuyệt đối. Thời gian qua, Cổng thông tin điện tử NHNN đã được vận hành hiệu quả, thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các chủ trương, chính sách điều hành của NHNN. Mỗi năm, Cổng thông tin điện tử NHNN đăng tải hàng ngàn tin, bài trên trang tiếng Việt, tiếng Anh. Tất cả các thông tin được quản lý khoa học, không có sai sót, bảo đảm việc cung cấp thông tin theo đúng quy định của pháp luật.
Phát huy tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng thời gian qua đã góp phần tạo được sự đồng thuận của công chúng, nâng cao niềm tin của cử tri, dư luận xã hội và các nhà đầu tư đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng của NHNN, góp phần thực hiện mục tiêu chung của ngành Ngân hàng như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Phát huy truyền thống chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động truyền thông
Thời gian qua, hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng đã không ngừng phát huy truyền thống chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tạo ra sự chuyển biến cả về chất và lượng.
Việc chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan báo chí được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm mục đích cung cấp cho báo chí những thông tin khách quan, chính xác, kịp thời và tích cực về các hoạt động của ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, việc điểm tin, nắm bắt dư luận và dự báo các vấn đề báo chí, dư luận quan tâm cũng được thực hiện một cách chủ động, liên tục, kịp thời, đảm bảo minh bạch hóa thông tin theo đúng quy định của pháp luật.
Để nâng cao tính hiệu quả, hoạt động truyền thông cần có tính sáng tạo và đổi mới. Lần đầu tiên ngành Ngân hàng triển khai các chương trình truyền thông giáo dục tài chính có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết của cộng đồng về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần giúp người dân nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những đối tượng yếu thế, học sinh, sinh viên.
Các chương trình được thiết kế và xây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể như trẻ em, học sinh, sinh viên, hay người trưởng thành… Điển hình như chương trình “Tiền khéo, tiền khôn” trên VTV3 và “Đồng tiền thông thái” trên VTV1 đã đưa những kiến thức chuyên môn trở thành dễ hiểu đối với công chúng nhằm mục đích thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính và góp phần tạo môi trường tài chính tốt cho cộng đồng. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phối hợp với các trường đại học, trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức, kỹ năng về tài chính, ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tín dụng đen…
Hoạt động truyền thông của Ngành đạt hiệu quả cũng nhờ truyền thống đoàn kết. Các chương trình truyền thông được triển khai luôn có sự tham gia, phối hợp của các vụ, cục chức năng thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng vì mục tiêu chung thực hiện minh bạch hóa thông tin theo quy định, tạo sự công bằng trong việc tiếp cận thông tin của người dân và cam kết quốc tế. Đồng thời, những bài học giá trị, những kỷ vật trong dấu ấn lịch sử của Ngành đã được các thế hệ cán bộ ngành Ngân hàng gìn giữ, bảo quản có trách nhiệm tại Phòng Truyền thống của Ngành, giúp lớp lớp cán bộ ngành Ngân hàng hiểu và thấm nhuần những truyền thống quý báu của Ngân hàng Việt Nam.
Truyền thống vẻ vang của ngành Ngân hàng là những di sản vô giá luôn nằm trong hành trang của những cán bộ ngân hàng hôm nay và mai sau. Vun đắp và tiếp nối những truyền thống đó, hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và không ngừng đổi mới, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào thành công chung của Ngành, tạo niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
ThS. Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN
Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề đặc biệt 2021