Trong những năm qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình đã bám sát và phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam: Tăng cường huy động vốn và mở rộng cho vay mọi thành phần kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; cung ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt và các nhu cầu thanh toán cho khách hàng và nền kinh tế; nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; đảm bảo dân chủ, kỷ cương và hiệu quả trong công tác quản trị, điều hành.
Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh (tháng 4/1992), hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình đã tập trung vào công cuộc đổi mới sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Khi tái lập tỉnh, hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình mới chỉ có Chi nhánh NHNN tỉnh, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Ngay sau đó, để thực hiện đa dạng hóa các loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) phục vụ nhu cầu của nền kinh tế, năm 1993, Công ty Vàng bạc Đá quý tỉnh và Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Nông thôn Ninh Bình được thành lập - đây là NHTMCP nông thôn đầu tiên của các tỉnh phía Bắc và là ngân hàng ngoài quốc doanh duy nhất trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 1994, chi nhánh Ngân hàng Công thương Ninh Bình cũng được thành lập nhằm đầu tư tín dụng cho lĩnh vực công, thương nghiệp.
Với mong muốn tách bạch giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại, đầu năm 2003, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Bình được thành lập. Năm 2006, thành lập chi nhánh NHTMCP Công thương khu vực Tam Điệp trên cơ sở nâng cấp Phòng Giao dịch của chi nhánh Ngân hàng Công thương Ninh Bình, và chi nhánh Ngân hàng Phát triển trên cơ sở chuyển đổi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển tỉnh. Chi nhánh NHTMCP Ngoại thương được thành lập năm 2012 và năm 2014 thành lập chi nhánh NHTMCP Đầu tư và Phát triển Tam Điệp trên cơ sở chia tách từ chi nhánh NHTMCP Đầu tư và Phát triển Ninh Bình.
Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thành lập thêm 10 chi nhánh NHTMCP gồm NHTMCP Kỹ thương, NHTMCP Quân đội, NHTMCP Hàng Hải, NHTMCP Bưu Điện Liên Việt, NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội, NHTMCP Bắc Á, NHTMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng, NHTMCP Phương Đông, NHTMCP Sài Gòn Thương tín. Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cũng được thành lập từ năm 1995, đến nay đã có chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã tỉnh và 39 QTDND cơ sở, ở hầu khắp các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Bình.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 8 chi nhánh cấp 1 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: 2 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, 2 chi nhánh NHTMCP Đầu tư và Phát triển, 2 chi nhánh NHTMCP Công thương, chi nhánh NHTMCP Ngoại thương và NHTMCP Dầu khí Toàn cầu.
Việc đa dạng hóa các TCTD tạo điều kiện để các TCTD nâng cao khả năng tài chính, năng lực quản trị điều hành, đổi mới phong cách giao dịch theo hướng phục vụ, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các TCTD để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân.
Bằng mọi biện pháp tích cực và hữu hiệu, các TCTD trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã khơi tăng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư cần thiết, hợp lý của sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt và phương tiện thanh toán cho tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh: vừa mở rộng mạng lưới hoạt động, vừa đa dạng hóa các hình thức huy động vốn với lãi suất hợp lý, huy động mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế. Nhờ đó, nguồn vốn ngân hàng thường xuyên có sự tăng trưởng nhanh và bền vững. Tổng nguồn vốn huy động tại địa bàn của hệ thống TCTD khi chia tách tỉnh năm 1992 là 31 tỷ đồng, thì đến hết năm 2020 đã đạt trên 50.072 tỷ đồng (gấp 1.615 lần so với cuối năm 1992).
Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn đã mở rộng đầu tư vốn cho các công trình trọng điểm, các ngành mũi nhọn có hiệu quả kinh tế của tỉnh; đồng thời, tập trung đầu tư vốn để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cho vay các hộ sản xuất, hộ nông dân, các đối tượng chính sách, từ đó, góp phần tích cực vào việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 8,03%/năm giai đoạn 2015 - 2020, tăng nhanh sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm, từng bước nâng cao đời sống và xóa đói, giảm nghèo cho Nhân dân.
Khi tái lập tỉnh, tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình mới chỉ đạt 100 tỷ đồng, đã tăng nhanh lên mức 822 tỷ đồng vào cuối năm 2000, và đến hết năm 2020 đạt được 82.590 tỷ đồng (gấp 826 lần so với cuối năm 1992). Những tồn tại trong công tác tín dụng, nhất là nợ quá hạn của các tổ chức kinh tế từng bước được giải quyết, chất lượng tín dụng ngày một nâng cao. Cơ cấu tín dụng được điều chỉnh dần giữa các thành phần kinh tế cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế địa phương. Công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng, đến hết năm 2020, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,55% tổng dư nợ.
Các dịch vụ ngân hàng ngày càng phát triển đa dạng và không ngừng nâng cao chất lượng, từng bước hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đến nay, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện thanh toán điện tử liên ngân hàng và hầu hết đã nối mạng trực tuyến với các TCTD cấp trên, tính đến cuối năm 2020 đã có 129 ATM, 440 điểm chấp nhận thẻ và 518 POS,...
Các TCTD cũng đã đẩy mạnh ứng dụng, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; công nghệ thanh toán đã có bước phát triển mang tính đột phá, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, các hoạt động chuyển đổi số, sản phẩm dịch vụ ngân hàng số phát triển mạnh mẽ. Công tác bảo mật, an toàn hoạt động thanh toán được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng cũng đạt nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Tăng cường công tác thông tin truyền thông, công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn, kịp thời cung cấp thông tin chính xác về các cơ chế, chính sách và kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân. Chủ động nắm bắt thông tin, vấn đề dư luận quan tâm và xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời.
Hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình trong những năm qua luôn bám sát và phục vụ đắc lực cho việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời làm tốt vai trò chủ lực trong việc thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng đối với các tổ chức và cá nhân để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Cơ cấu nền kinh tế đa dạng đã tạo nên đặc trưng và thế mạnh cho tỉnh Ninh Bình, song cùng với đó cũng là gánh nặng cho hệ thống ngân hàng tỉnh khi vừa phải đảm bảo thực hiện đầu tư vốn hiệu quả, vừa phải tạo được hiệu ứng lan tỏa trong những chính sách phát triển chung.
Theo đó, Ninh Bình là địa phương đang tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, du lịch và dịch vụ, song vẫn còn những đòi hỏi thiết yếu cho phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các đối tượng chính sách. Trong khi đó, nguồn vốn huy động tại địa bàn tỉnh thường xuyên chỉ đáp ứng khoảng 60% dư nợ cho vay, nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn. Các TCTD phải sử dụng khoảng 40% nguồn vốn cho vay bằng nguồn huy động ngoài tỉnh và vốn điều hòa từ các TCTD cấp trên. Khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn chưa cao.
Tuy có nhiều thách thức về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn nhưng trong những năm qua, hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình vẫn đảm bảo cung ứng vốn kịp thời, làm lực đẩy cho các ngành kinh tế của tỉnh phát triển hiệu quả. Bằng chứng là lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 4,5 - 5,5%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 7 - 9%/năm đối với ngắn hạn (một số ngân hàng còn cho vay theo chương trình ưu đãi lãi suất đối với khách hàng lớn với mức lãi suất thấp nhất là 5%/năm); còn đối với cho vay trung và dài hạn lãi suất phổ biến ở mức 10%/năm (thấp nhất là 5%/năm).
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, định hướng các TCTD trên địa bàn tích cực tìm kiếm khách hàng có tình hình tài chính tốt, đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình, các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm thu hút khách hàng để mở rộng cho vay nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng.
Đến nay, dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã bám khá sát với cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển của tỉnh. Dòng vốn tín dụng đã chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các dự án kinh tế trọng điểm, lớn của tỉnh, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp và dịch vụ ngày càng phát triển trở thành động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp trở thành bệ đỡ của nền kinh tế. Đặc biệt, trong thời gian qua đã tập trung đầu tư vốn cho các công trình sản xuất công nghiệp như các nhà máy sản xuất ô tô, thép, may mặc, sản xuất linh kiện điện thoại, điện tử, sản xuất xi măng,...
Bệ đỡ của kinh tế thêm điểm tựa với dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới của các TCTD đến cuối năm 2020 đạt 30.332 tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn, góp phần đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định, duy trì tăng trưởng khoảng trên 2%/năm, 106/116 xã, 4/8 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 13.645 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu đạt 1.211 tỷ đồng, chiếm 1,5%/tổng dư nợ; cho vay phát triển du lịch đạt 1.186 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 222 tỷ đồng,...
Các chương trình tín dụng khác của Trung ương đã được triển khai thực hiện quyết liệt như: Chương trình bình ổn thị trường; cho vay phát triển thủy sản; cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp,...
Tín dụng chính sách thông qua NHCSXH tỉnh cũng đã được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng và kế hoạch được duyệt. Đến cuối năm 2020, có trên 90 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, dư nợ đạt 2.613 tỷ đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống Nhân dân được cải thiện, hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 2%.
Nhiều khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dự án kinh tế lớn đã được triển khai có hiệu quả từ dòng vốn ngân hàng, khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình.
Những thành quả ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của nhiều thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình trong suốt gần 30 năm qua. Và để tiếp nối thành công này, chặng đường trước mắt chắc chắn sẽ không ít chông gai, bởi hiện nay, mở rộng đầu tư tín dụng trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế, chưa bền vững.
Đối diện với các thách thức này, NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình nói riêng và hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình nói chung tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các TCTD trong điều kiện chuyển đổi số, ngân hàng số và môi trường hội nhập kinh tế thế giới.
Với khát vọng phát triển, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của hệ thống ngân hàng tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, biến thách thức thành cơ hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành ở địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ.
Nguyễn Sỹ Tỉnh
NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình
Tạp chí Ngân hàng số 8/2021