Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chung của toàn dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng, ngành Ngân hàng có nhiệm vụ riêng mang tính đặc thù, đó là quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ, quản lý kho bạc Nhà nước, thực hiện chính sách tín dụng để phát triển sản xuất…
Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng, tác động đến sự an nguy, sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân. Vì vậy, trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ ngành Ngân hàng cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng, cùng với yêu cầu phải không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Xuất phát từ việc nhìn nhận rõ vai trò của cán bộ ngành Ngân hàng, chỉ hơn nửa năm sau khi thành lập Ngành, tháng 2/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Hội nghị cán bộ tài chính - ngân hàng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mạng: chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ”.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2021, hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam và 69 năm Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị cán bộ tài chính - ngân hàng, ngày 31/3/2021, Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ với cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng”. Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh: Đã gần 70 năm trôi qua nhưng đến nay, lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị và đặc biệt thiết thực, gắn sát với nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng trong tình hình mới. Hội thảo khoa học “Bác Hồ với cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng” nhằm mục đích ôn lại những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi cho Hội nghị cán bộ tài chính - ngân hàng năm 1952, đồng thời để thấy rõ hơn những thành quả mà cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng vâng lời Bác dạy, phấn đấu thi đua lao động, học tập, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, ngành Ngân hàng không ngừng phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đề dẫn Hội thảo, đồng chí Trần Việt Bắc, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương cho biết: Những lời dạy của Bác trong gần 70 năm qua luôn được các thế hệ cán bộ ngân hàng khắc ghi và lấy đó làm kim chỉ nam trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… ngành Ngân hàng ngày càng tham gia sâu vào các quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế. Bên cạnh những thuận lợi là rất nhiều rủi ro, thách thức từ những yếu tố khách quan, chủ quan, đặc biệt là thách thức về đạo đức nghề nghiệp. Từ thực tiễn đó, càng thấy những lời dạy của Bác như ngọn đèn soi tỏ để cán bộ ngân hàng tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững, xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người.
Những thành tựu đạt được của ngành Ngân hàng trong suốt chiều dài lịch sử đã thể hiện rất rõ việc vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng, nhất là việc tham mưu hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển ngân hàng số, chính phủ điện tử; trong thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng trong tình hình mới... Đồng chí Đặng Văn Tuyên - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ NHNN chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muốn thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trong công tác xây dựng Đảng, Người đã luôn coi công tác cán bộ là một trong những công tác quan trọng hàng đầu, có vai trò quyết định tới toàn bộ công tác xây dựng lực lượng cách mạng. Học tập và làm theo lời Bác, cán bộ, đảng viên Vụ Tổ chức cán bộ NHNN nhận thức rõ ràng, sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình đối với các nhiệm vụ được giao, từ làm tốt công tác tổ chức, biên chế; quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến công tác tiền lương, chính sách đãi ngộ… để đóng góp vào sự phát triển và lớn mạnh của NHNN nói riêng và toàn ngành Ngân hàng nói chung.
Theo chia sẻ của đồng chí Phạm Thanh Hà - Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, mỗi cán bộ, đảng viên Vụ Chính sách tiền tệ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải bằng những hành động và việc làm cụ thể, thiết thực góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng. Theo đó, Vụ Chính sách tiền tệ đã tham mưu điều hành công cụ chính sách tiền tệ đồng bộ, chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, bối cảnh và mục tiêu chính sách. Có thể thấy rõ qua việc điều hành thanh khoản thị trường linh hoạt, tỷ giá nhanh nhạy; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong và lời dặn của Bác đối với cán bộ Ngân hàng, tập thể Vụ Chính sách tiền tệ có cơ sở để vững tin vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó, đưa hệ thống ngân hàng phát triển nhanh, toàn diện, an toàn, hiệu quả, bền vững và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đồng chí Phạm Tiến Dũng - Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, thấm nhuần lời dạy của Bác về “nắm vững chính sách và phương châm của Chính phủ”, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị liên quan đến công tác thanh toán, Chi bộ Vụ Thanh toán luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng... để vận dụng trong nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lĩnh vực này. Hay như khẳng định của đồng chí Nguyễn Ngọc Minh, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN, trong suốt quá trình 70 năm qua, công tác quản lý ngoại hối luôn được đặc biệt chú trọng cả trong giai đoạn kháng chiến, thời kỳ đầu độc lập và nhất là giai đoạn đổi mới mở cửa nền kinh tế hiện nay. Dù trong giai đoạn nào, cán bộ, đảng viên Vụ Quản lý ngoại hối cũng đồng lòng, nhất trí, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ, qua đó hoạch định chính sách quản lý phù hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng. Đối với mảng công tác truyền thông, đồng chí Lê Thị Thúy Sen - Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết, lịch sử truyền thống mà ngành Ngân hàng trong thời chiến cũng như thời bình được viết lên bằng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, kỷ cương, niềm tin và khát vọng về xây dựng và bảo vệ đất nước.Truyền thống đó được các thế hệ ngành Ngân hàng xây đắp và tiếp nối trong suốt 70 năm qua. Đối với công tác truyền thông, truyền thống đó được phát huy trong việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành kịp thời, chính xác và có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng các chương trình giáo dục tài chính. Qua đó đã đóng góp vào thành công chung của ngành Ngân hàng trong thời gian qua.
Khẳng định giá trị trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với hoạt động của ngành Ngân hàng, chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, các đồng chí nguyên lãnh đạo NHNN đều nhìn nhận, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng dù ở giai đoạn nào, thời kỳ nào luôn thấm nhuần lời dạy của Bác trong thực thi công vụ, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ ngân hàng, vượt mọi khó khăn, thử thách để đóng góp sức mình trong hoàn thành nhiệm vụ của ngành Ngân hàng được Đảng, Nhà nước giao phó. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi và đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt thì ngành Ngân hàng cũng đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt có một số vụ việc vi phạm có liên quan đến đạo đức của người cán bộ ngân hàng.
Để kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu các vi phạm đạo đức trong hoạt động ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng - với tư cách là một Hội nghề nghiệp của Ngành, có vai trò cầu nối, đại diện cho các hội viên, đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng - Bí thư Chi bộ cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, người cán bộ ngân hàng vừa cần có đạo đức nghề nghiệp theo các chuẩn mực, vừa cần có cách ứng xử theo những khuôn khổ, quy tắc nhất định. Từng chuẩn mực có phạm vi riêng, nhưng các chuẩn mực có mối quan hệ với nhau, tạo nên một thể thống nhất, phản ánh đầy đủ, toàn diện về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ ngân hàng, đó là: (1) tính tuân thủ; (2) sự cẩn trọng; (3) sự liêm chính; (4) sự tận tâm và chuyên cần; (5) tính chủ động, sáng tạo, thích ứng; và (6) ý thức bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, có hai quy tắc ứng xử mà cán bộ ngân hàng cần thực hiện, đó là: Ứng xử trong nội bộ (gồm ứng xử của cán bộ cấp dưới với cấp trên, cán bộ cấp trên với cấp dưới và đồng cấp với nhau) và ứng xử với bên ngoài (ứng xử với khách hàng và đối tác bên ngoài). Thái độ, phong cách, tác phong làm việc và giao tiếp trong quan hệ nội bộ và với bên ngoài thể hiện tính lịch sự và chuyên nghiệp của người cán bộ ngân hàng, từ đó tạo ra không khí làm việc nghiêm túc, tạo môi trường làm việc lành mạnh, giúp cho bộ máy ngân hàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài vận hành trôi chảy, thúc đẩy ngân hàng phát triển theo tầm nhìn chiến lược của ngân hàng, đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của nhân viên cũng như của khách hàng, của xã hội.
Đồng chí Đào Minh Phúc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng khẳng định: Từ lời dạy của Người, để thực hiện những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động ngành Ngân hàng phải nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của Ngành, nêu cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ của mình; hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và của Nhân dân.
Có thể nói, những lời căn dặn của Bác đối với cán bộ tài chính - ngân hàng trong bức thư lịch sử cách đây gần 70 năm rất toàn diện, sâu sắc và đến nay vẫn còn nguyên giá trị, khẳng định giá trị trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với hoạt động của ngành Ngân hàng. Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2021), với niềm tự hào và kính yêu vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, người Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Kết quả thu được từ Hội thảo “Bác Hồ với cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng” do Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương tổ chức giúp các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên Đảng bộ cơ quan Ngân hàng Trung ương và các tổ chức đảng trong ngành Ngân hàng đúc rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, tiếp tục học và làm theo Bác trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, thực thi đạo đức công vụ, vận dụng sáng tạo vào lĩnh vực chuyên môn được giao phụ trách trong bối cảnh ngành Ngân hàng đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.
Việt Bảo
Tạp chí Ngân hàng số 8/2021