Chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường luôn gắn liền với phát triển khu vực kinh tế tư nhân thay vì chỉ tập trung vào khu vực kinh tế Nhà nước. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật phổ quát này và thực tế khu vực kinh tế tư nhân đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam kể từ khởi đầu công cuộc Đổi mới đến nay.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò vốn có do bị hạn chế bởi hàng loạt rào cản chủ quan lẫn khách quan mà trước hết là rào cản về tư duy, về quan điểm quản lý phát triển, về khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách có liên quan và về nguồn lực cho khu vực kinh tế đặc biệt quan trọng này. Chính vì vậy, vấn đề then chốt là tiếp tục đổi mới tư duy, quan điểm quản lý phát triển đồng thời cải cách pháp luật, cơ chế chính sách và phân bổ sử dụng các nguồn lực của xã hội nhằm đảm bảo khu vực kinh tế tư nhân được hoạt động trong môi trường bình đẳng, phát huy tốt nhất tính năng động, sáng tạo, vận động theo đúng các quy luật của thị trường.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng
trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam
Phát triển kinh tế tư nhân là tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta, phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng là yếu tố có tính quy luật. Bên cạnh việc khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, vấn đề quan trọng hơn là xác lập vai trò đó một cách đúng đắn, hợp lý, đồng thời có giải pháp để kinh tế tư nhân phát huy cao độ những ưu điểm, hạn chế, khắc phục những nhược điểm, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để đơn giản hóa, chúng ta coi khu vực kinh tế tư nhân đồng nghĩa với khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nói cách khác, khu vực kinh tế tư nhân là một nửa của nền kinh tế quốc gia và nửa kia chính là khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể (dưới dây gọi chung là khu vực kinh tế nhà nước). Chính vì vậy, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trước hết được quy định bởi bản thân khu vực kinh tế đó, đồng thời liên hệ biện chứng với vai trò của khu vực kinh tế nhà nước.
Trước hết cần khẳng định, kinh tế tư nhân ra đời và phát triển từ trước khi xuất hiện Nhà nước và kinh tế nhà nước. Trong các phương thức sản xuất dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản, chính kinh tế tư nhân chiếm vai trò “thống soái”, quyết định sự vận hành của toàn bộ nền kinh tế, sử dụng tuyệt đại đa số lực lượng sản xuất, tạo ra tuyệt đại bộ phận sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cho xã hội. Cho đến trước cuộc Đại suy thoái kinh tế 1929 - 1933, khu vực kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò rất khiêm tốn với quy mô nhỏ hơn nhiều lần so với khu vực kinh tế tư nhân. Thông thường, kinh tế nhà nước phát triển dựa trên độc quyền nhà nước đối với một số ngành nghề liên quan tới chính trị, an ninh quốc phòng như khai thác khoáng sản chiến lược, đúc tiền, chế tạo vũ khí,... và thu thuế để phục vụ cho hoạt động của bộ máy cầm quyền cũng như lực lượng vũ trang. Chỉ sau Đại khủng hoảng 1929-1933, đặc biệt là sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2, năm 1945, lịch sử kinh tế của loài người lần đầu tiên được chứng kiến sự lớn mạnh bất ngờ của khu vực kinh tế nhà nước theo hai dòng chảy chủ đạo:
(1) Khu vực kinh tế nhà nước mở rộng đi đôi với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế nhà nước trở thành cơ sở vật chất cho sự tăng cường can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế nhằm khắc phục cái gọi là “thất bại thị trường”. Cha đẻ của học thuyết này chính là nhà kinh tế kiêm nhà quản lý nổi tiếng người Anh J.M.Keynes. Biểu hiện rõ ràng nhất của việc mở rộng kinh tế nhà nước là quy mô ngân sách nhà nước tăng vọt, thậm chí lên tới 50 - 60% GDP ở một số nước, và xuất hiện những tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước với quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực then chốt, trong nhiều trường hợp chính những tập đoàn kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong thực hiện thành công công nghiệp hóa ở một số nước. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân không những không bị chèn ép mà còn phát triển rất mạnh, kể cả những tập đoàn kinh tế lớn cũng như rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, nhận thức về kinh tế nhà nước có sự thay đổi căn bản để phù hợp với những diễn biến kinh tế mới trên thị trường quốc tế, đặc biệt là diễn biến giá dầu lửa, hệ thống tỷ giá hối đoái và mức độ cạnh tranh trên thị trường thương mại quốc tế. Theo đó, kinh tế nhà nước có xu hướng thu hẹp để nhường chỗ cho khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn thông qua chương trình tư hữu hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước, đồng thời nhà nước tập trung vào điều tiết vĩ mô nền kinh tế hơn là trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh tế. Chính nhờ chủ trương chuyển sang đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân đó mà các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đã thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng và tiếp tục tăng trưởng. Hiện nay, trên thế giới đã có những tập đoàn kinh tế tư nhân với quy mô gấp vài lần GDP của nhiều quốc gia khác, chẳng hạn năm 2017, ICBC có mức vốn hóa thị trường lên tới gần 230 tỷ USD, con số tương tự của China Construction Bank là hơn 200 tỷ USD, của Berkshire Hathaway Inc. tới gần 410 tỷ USD, JP Morgan Chase là gần 307 tỷ USD, Wells Fargo là gần 275 tỷ USD, Apple là 752 tỷ USD, Exxon Mobil là hơn 343 tỷ USD, Microsoft là hơn 507 tỷ USD, Alphabet là 579,5 tỷ USD, của General Electronic là hơn 261 tỷ USD[1],... Thống kê toàn cầu giai đoạn 1986 - 1991 cho thấy, DNNN chiếm 14% GDP ở các nước có thu nhập thấp, 9%GDP ở các nước có thu nhập trung bình và chỉ có 8% GDP ở các nước có thu nhập cao [2].
(2) Khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể thay thế hoàn toàn khu vực tư nhân. Xu hướng này diễn ra ở các nước phủ nhận sự phát triển của kinh tế thị trường. Theo đó chỉ tồn tại hai loại hình chủ yếu là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân trở thành mục tiêu phải bị loại bỏ. Cơ chế thị trường bị thay thế bằng cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp. Chính các DNNN, giữ vai trò thống trị tuyệt đối trong nền kinh tế, hoạt động không hiệu quả và không chuyển biến phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới là nguyên nhân vật chất trực tiếp làm cho hệ thống kinh tế XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ gần như hoàn toàn của kinh tế nhà nước thông qua "liệu pháp sốc". Chỉ có một số nước, điển hình là Trung Quốc và Việt Nam đã kịp thời thay đổi nên vẫn duy trì được khu vực kinh tế nhà nước ở mức cần thiết, đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.
Đến những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, quan niệm về vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước tiếp tục được củng cố và hoàn thiện với quan niệm phổ biến cho rằng: “Nhà nước đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế và xã hội, không phải với tư cách là một người trực tiếp tạo ra sự tăng trưởng, mà là một đối tác, là chất xúc tác và là người tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng đó”[3]. Năm nhiệm vụ cơ bản của Nhà nước là: (1) thiết lập một cơ sở pháp luật; (2) duy trì một môi trường chính sách không lệch lạc, kể cả sự ổn định kinh tế vĩ mô; (3) đầu tư vào các dịch vụ xã hội cơ bản và cơ sở hạ tầng cơ bản; (4) bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương; (5) bảo vệ môi trường [4]. Hai chức năng cơ bản nhất của Nhà nước là giải quyết thất bại thị trường và cải thiện sự công bằng, theo đó Nhà nước thực hiện phối hợp hoạt động tư nhân và phân phối lại [5]. Với những quan điểm như trên, vai trò của kinh tế tư nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội là đặc biệt quan trọng.
Nhiều người cho rằng, một nền kinh tế thị trường hoạt động tốt phải có 5 đặc điểm sau: (1) Phân phối các nguồn lực một cách có hiệu quả nhất; (2) Tạo ra những nguồn lực mới thông qua việc đổi mới sản phẩm và đổi mới quá trình xử lý; (3) Thích nghi nhanh chóng và có hiệu quả với những hoàn cảnh luôn biến đổi; (4) Duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và tránh được những trục trặc như tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát cao; (5) Tạo ra hiệu quả xã hội mong muốn, tránh phân hóa giàu nghèo quá mức.
Nếu 2 đặc điểm cuối quy định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước thì vai trò của kinh tế tư nhân thể hiện rõ nhất trong 3 đặc điểm đầu tiên vì chính kinh tế tư nhân là bộ phận tiêu biểu nhất của nền kinh tế thị trường và phù hợp nhất với các quy luật kinh tế thị trường. Động cơ của kinh tế thị trường là lợi nhuận và không ở khu vực kinh tế nào thể hiện “khát khao lợi nhuận” như khu vực kinh tế tư nhân. Đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu đối với khu vực kinh tế nhà nước vừa không hợp lý vừa ít tính khả thi. Nhà kinh tế chuyển đổi nổi tiếng J.Kornai đã nói: “Người cai quản, dùng tiền nhà nước và khi lỗ thì nhà nước chịu, thì không phải là nhà kinh doanh. Người và chỉ có người, mà bản thân phải gánh chịu tai họa nghiêm trọng về mặt vật chất khi làm ăn thua lỗ mới gọi là nhà kinh doanh”[6].
Trong quá trình vận động theo các quy luật kinh tế thị trường, khu vực kinh tế tư nhân không tránh khỏi những hạn chế như cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất dư thừa quá mức, vi phạm pháp luật và kỷ luật thị trường, tạo ra nguy cơ khủng hoảng kinh tế - tài chính, phá hoại môi trường, bất công bằng xã hội,...
Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế Việt Nam cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Kinh tế tư nhân, vốn đã kém phát triển trước năm 1954 do bị chế độ thực dân và tư sản mại bản chèn ép, lại không được công nhận và dần dần bị thay thế bởi kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể từ sau năm 1954 ở miền Bắc và từ sau 1975 trên phạm vi cả nước. Là đối tượng của các cuộc cải cách ruộng đất, hợp tác hóa trong nông nghiệp nông thôn và cải tạo XHCN trong công thương nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân hầu như đã bị xóa bỏ hoàn toàn và vai trò của khu vực kinh tế này đối với nền kinh tế bị phủ nhận.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 với chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Nhờ có chủ trương sáng suốt của Đảng và Nhà nước mà khu vực kinh tế tư nhân nước ta liên tục phát triển, đóng góp phần quan trọng vào những thành tựu kinh tế - xã hội suốt những năm đổi mới. Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ năm 2000 đã tạo ra cuộc bùng nổ lần thứ hai trong phát triển kinh tế tư nhân. Hơn nữa, lần đầu tiên Đảng dành một Nghị quyết định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Nghị quyết TW 5 khoá IX đánh giá tổng quát vai trò khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam: “Sự nghiệp phát triển của kinh tế tư nhân đã góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng thêm số lượng công nhân, lao động và doanh nhân Việt Nam, thực hiện các chủ trương xã hội hóa y tế, văn hóa, giáo dục, ...”. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nhận thấy kinh tế tư nhân nước ta “phần lớn có quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất; còn nhiều khó khăn, vướng mắc về vốn, về mặt bằng sản xuất kinh doanh, về môi trường pháp lý và môi trường tâm lý xã hội; nhiều đơn vị kinh tế tư nhân chưa thực hiện tốt những quy định của pháp luật đối với người lao động; không ít đơn vị vi phạm pháp luật, trốn lậu thuế, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép,...”.
Nghị quyết Đại hội XII nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng: doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư” và “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”, đồng thời “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tháng 5/2017 đã thông qua Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt đặt mục tiêu (Nghị quyết 10) đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Đặc điểm nổi bật của kinh tế tư nhân nước ta là tuyệt đại đa số còn nhỏ và yếu, năng suất và năng lực cạnh tranh còn thấp và thời gian hoạt động còn ngắn trong bối cảnh môi trường sản xuất kinh doanh chưa ổn định, còn chứa đựng nhiều rủi ro bất khả kháng. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành ngày 12/6/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 được đánh giá là bước đột phá trong tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang chiếm tới trên 95% trong tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp (DN) của cả nước và đóng góp khoảng 10% GDP đồng thời tạo việc làm cho khoảng 7 triệu lao động. Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân nói chung, khu vực DNNVV nói riêng được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế song tuyệt đại đa số DNNVV đều đang đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, từ khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh như đất đai, mặt bằng kinh doanh, vốn tín dụng, lao động có trình độ cao,... đến rào cản về thủ tục hành chính, hạn chế về cơ hội kinh doanh, tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin, quản trị doanh nghiệp,... trong đó, có khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh.
Đến nay, đã và đang xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân lớn tầm cỡ quốc gia, thậm chí khu vực và quốc tế, song, số lượng còn rất ít và hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù như bất động sản, cà phê, thuỷ sản,... Sách Trắng doanh nghiệp 2019 cho biết, tới 31/12/2018 cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, riêng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 17,5 triệu tỉ đồng vốn, chiếm 53% tổng vốn, chiếm 33,3% trong 876,7 nghìn tỉ đồng tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017, tạo việc làm cho 8,8 triệu lao động, đạt tổng doanh thu thuần là 11,7 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017. Nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, năng lực cạnh tranh của nước ta sẽ được cải thiện và nâng cao đến đâu, bao giờ chúng ta bắt kịp nhịp độ phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là một trong những yếu tố quan trọng.
Để tiếp tục giữ vững và phát huy cao độ vai trò của kinh tế tư nhân ở nước ta cần có những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt, từ chủ trương quan điểm, kinh tế - tài chính, lao động - xã hội đến tâm lý - tuyên truyền,... Trong đó, theo chúng tôi cần lưu ý những điểm căn bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện nhất quán quan điểm chủ trương phát huy cao độ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, biến những quan điểm chủ trương đó thành những cơ chế chính sách cụ thể đồng bộ và nhất quán. Kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh “một mất một còn” mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển.
Thứ hai, điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân hoạt động theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp. Phải xóa bỏ các rào cản đối với kinh tế tư nhân.
Thứ ba, Luật Doanh nghiệp đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối thuận lợi để mọi người có thể gia nhập thị trường, song, còn thiếu những cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm điều chỉnh hoạt động trên thị trường. Cần xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hình thành, thực hiện, theo dõi, thanh lý, giải quyết tranh chấp các hợp đồng kinh tế và xử lý các vấn đề kinh tế - tài chính khi doanh nghiệp phá sản hay giải thể theo quy luật thị trường.
Thứ tư, đa dạng hóa các nguồn lực đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Các nguồn lực rất đa dạng và phong phú nên một trong những bí quyết tồn tại và phát triển của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân chính là lựa chọn và triển khai thực hiện chiến lược và các biện pháp cụ thể khai thác các nguồn lực một cách hợp lý, phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp.
Thứ năm, ngoài một số ưu đãi tạm thời, theo chúng tôi, cơ bản, dài hạn, không nên áp dụng các chính sách ưu đãi mà là tạo điều kiện, môi trường ổn định, thuận lợi lâu dài cho kinh tế tư nhân phát triển.
[1] https://www.forbes.com/global2000/
[2] http://world-statistics.org/
[3] Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi - NHTG - NXB Chính trị quốc gia 1998, tr.13.
[4] Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi - NHTG - NXB Chính trị quốc gia 1998, tr.16.
[5] Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi - NHTG - NXB Chính trị quốc gia 1998, tr.42.
[6] Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường - János Kornai (The Road to a Free Economy - Shifting from a Socialist System: The Example of Hungary) - Hà Nội: Hội tin học Việt Nam, 2001, tr.32.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Các nền kinh tế chuyển đổi: Lý luận và thực tiễn - Trung tâm KHXH&NVQG, Viện Thông tin khoa học xã hội - Hà Nội 1998.
Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường - János Kornai (The Road to a Free Economy - Shifting from a Socialist System: The Example of Hungary) - Hà Nội: Hội tin học Việt Nam, 2001.
Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi - NHTG - NXB Chính trị quốc gia 1998.
Sách Trắng doanh nghiệp 2019 - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
https://www.forbes.com/global2000/list/#tab:overall.
http://world-statistics.org/
TS. Vũ Đình Ánh
Nguồn: TCNH chuyên đề đặc biệt 2019