Từ ngày 01/10/1991, thực hiện chia tách địa giới hành chính tỉnh Hoàng Liên Sơn thành tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai, theo đó, Ngân hàng tỉnh Hoàng Liên Sơn cũng được chia tách thành Ngân hàng Lào Cai và Ngân hàng Yên Bái ghi dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Lào Cai và các ngân hàng trên địa bàn.
Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới, với nhiều dân tộc cùng sinh sống. Trong thời kỳ đầu tái lập còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của cả nước, song sau 30 năm tái thành lập tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã đoàn kết một lòng, không ngừng phấn đấu, nỗ lực, đột phá vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong thời gian gần đây, trước ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng tỉnh Lào Cai đã khắc phục khó khăn đạt được những thành tựu đáng kể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của hệ thống ngân hàng tỉnh Lào Cai.
Từ khi tái lập tỉnh Lào Cai, tháng 10/1991, bên cạnh NHNN Chi nhánh tỉnh Lào Cai, trên địa bàn mới chỉ có 02 chi nhánh ngân hàng thương mại là: Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Đến nay, hệ thống ngân hàng tỉnh Lào Cai có 18 chi nhánh ngân hàng thương mại, 02 quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển; với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên 1.500 người có chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp cao, đáp ứng tốt yêu cầu mục tiêu trong thời kỳ đẩy mạnh hiện đại hóa và hội nhập hoạt động ngân hàng. Mạng lưới hoạt động ngân hàng rộng khắp toàn tỉnh Lào Cai với 63 chi nhánh, phòng giao dịch, 3.209 tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; 110 ATM (trong đó có 02 ATM gửi, rút tiền tự động) và 974 thiết bị chấp nhận thẻ (POS); 1.706 điểm chấp nhận thanh toán quét mã QR; 01 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh huyện Bảo Thắng, đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, kỹ thuật, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp. Nguồn vốn đến ngày 31/12/2020, đạt 54.472 tỷ đồng, tăng gấp 1.472 lần so với năm 1991; dư nợ đạt 50.179 tỷ đồng, tăng gấp 2.509 lần so với năm 1991; chất lượng tín dụng đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại luôn nằm trong ngưỡng an toàn (luôn dưới 1%). Kết quả kinh doanh ngoại hối trên địa bàn có bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, nổi bật là hoạt động kinh doanh ngoại tệ và thanh toán xuất nhập khẩu luôn đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai và NHNN Việt Nam, sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các chi nhánh ngân hàng và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương.
Trong suốt 30 năm qua, nguồn vốn tín dụng đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực như: Xây dựng cơ bản các công trình trọng điểm, đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ và đặc biệt là cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng ngân hàng đã đầu tư cho nhiều dự án, công trình quy mô lớn, hiện đại, tạo điểm nhấn cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng đến thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh Lào Cai. Hệ thống ngân hàng tỉnh Lào Cai tập trung đầu tư tín dụng cho nền kinh tế phát triển nhanh, dư nợ đến hết năm 2020 đạt trên 50 nghìn tỷ đồng, đã góp phần tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng nhanh qua từng năm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020 là trên 5%. Vốn tín dụng ngân hàng đã thực sự được khai thông, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.
Song hành với công tác tín dụng, công tác thanh toán của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đối với người dân, doanh nghiệp, các tổ chức được đẩy mạnh, thực hiện nhanh chóng, an toàn, chính xác, kịp thời, hiệu quả, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt, với công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, mức phí thanh toán phù hợp, hỗ trợ miễn, giảm phí thanh toán cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm chia sẻ khó khăn, cùng các doanh nghiệp, người dân ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Lào Cai đã trải qua giai đoạn 30 năm tái lập (1991 - 2021) với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, song hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn luôn chủ động tận dụng thời cơ, thuận lợi, nỗ lực vượt qua thách thức, chủ động đẩy mạnh các hoạt động, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.
Hệ thống ngân hàng tỉnh Lào Cai luôn bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chỉ đạo điều hành của NHNN Việt Nam, triển khai có hiệu quả cơ chế chính sách tiền tệ, ngân hàng, chủ động vượt qua khó khăn, có các giải pháp cung ứng vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phục vụ tích cực và có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hệ thống ngân hàng tỉnh Lào Cai tự hào về những đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, đáp ứng hiệu quả các nhu cầu về vốn, phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của Nhân dân, góp phần đưa Lào Cai từ một tỉnh nghèo, thu nhập thấp thành địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, phát triển bền vững, trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc và là địa bàn quan trọng của cả nước về hợp tác quốc tế với các tỉnh phía Tây Nam - Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực, phát huy vị trí cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cùng với sự lớn mạnh 70 năm qua của ngành Ngân hàng và trải qua 30 năm tái lập, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã không ngừng lớn mạnh, phát triển hoạt động đa năng, an toàn, hiệu quả, bền vững, có mạng lưới và quy mô được mở rộng, chất lượng hoạt động được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt chính sách tiền tệ, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, hoạt động tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn chịu tác động khá mạnh, song dưới sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát và chủ động, NHNN Chi nhánh tỉnh Lào Cai, các ngân hàng trên địa bàn đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay vốn ngân hàng vượt khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh. Ngay khi dịch bùng phát, các ngân hàng đã khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để kịp thời phối hợp với khách hàng áp dụng các biện pháp cần thiết. Tính đến hết Quý I năm 2021, hệ thống ngân hàng tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ cho 4.647 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với số dư nợ được hỗ trợ là 11.989 tỷ đồng.
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI. Tình hình quốc tế, trong nước dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai trong giai đoạn tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Lào Cai tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, tập trung quán triệt sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát chủ trương, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể theo từng năm nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn hiệu quả. Tín dụng luôn đáp ứng tốt cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chủ động kiểm soát tốt nợ xấu.
Hai là, chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc NHNN đẩy mạnh triển khai hiệu quả chính sách tiền tệ, an toàn hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Ba là, tiếp tục thực hiện hoạt động quản lý kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại tệ góp phần đưa chính sách quản lý ngoại hối phát huy hiệu quả, khai thác tốt lợi thế hoạt động kinh tế cửa khẩu.
Bốn là, tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý của NHNN Chi nhánh tỉnh Lào Cai, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, chú trọng thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, nhất là triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược tài chính toàn diện. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường các giải pháp huy động vốn, mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, đặc biệt các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm OCOP, sản xuất hàng xuất khẩu...
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tập trung vốn cho các dự án, lĩnh vực ưu tiên.
Sáu là, các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục đối với các dịch vụ ngân hàng nhằm nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; tăng cường công khai, minh bạch các điều kiện, thủ tục thực hiện các dịch vụ ngân hàng, nhất là hoạt động tín dụng.
Bảy là, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của NHNN Chi nhánh tỉnh Lào Cai và kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các ngân hàng trên địa bàn, nhằm hạn chế tối đa các sai sót, vi phạm, đảm bảo hoạt động ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Tám là, chú trọng xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hệ thống ngân hàng Lào Cai, gắn việc xây dựng quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản trị, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức cán bộ ngân hàng, xây dựng văn hóa kinh doanh ngân hàng hiện đại.
Trương Thanh Xuân
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lào Cai
Tạp chí Ngân hàng số 7/2021