Với truyền thống đoàn kết, gắn bó và sự nỗ lực, phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ, hệ thống ngân hàng tỉnh Lai Châu đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
NHNN Chi nhánh tỉnh Lai Châu đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (tháng 7/2020)
Nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức
Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Cùng với đó, các chi nhánh ngân hàng cũng được tái thành lập theo địa giới hành chính tỉnh Lai Châu (mới) và lần lượt đi vào hoạt động từ tháng 01/2004, gồm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Lai Châu và 3 chi nhánh tổ chức tín dụng (Agribank, BIDV và Ngân hàng Chính sách xã hội) với 3 chi nhánh cấp tỉnh, 6 chi nhánh cấp hai, 3 chi nhánh cấp ba và 4 phòng giao dịch. Số liệu hoạt động tại thời điểm nhận bàn giao về nguồn vốn huy động chỉ có 197.464 triệu đồng, dư nợ cho vay 222.059 triệu đồng.
Những năm đầu đi vào hoạt động, cùng với khó khăn chung của một tỉnh miền núi mới chia tách, hầu hết các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) từ tỉnh xuống huyện đều phải đi thuê nhà dân để làm trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị hầu như chưa có gì, con người làm việc vừa thiếu vừa yếu và đều chưa có nhà để ở,… khó khăn chồng chất khó khăn. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh; Ban Lãnh đạo và các đơn vị chức năng của NHNN Việt Nam, các chi nhánh TCTD tại tỉnh Lai Châu đã từng bước khắc phục khó khăn, sớm ổn định tổ chức, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở vật chất, đoàn kết một lòng, tập trung thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn, NHNN Chi nhánh tỉnh Lai Châu đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng của NHNN Việt Nam và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu trong từng giai đoạn. Hằng năm, NHNN Chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đến các TCTD trên địa bàn và các đơn vị liên quan, nhất là triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu lại hệ thống các chi nhánh TCTD trên địa bàn, chính sách tín dụng ưu đãi, tín dụng chính sách xã hội, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham gia, kiến nghị, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các chi nhánh TCTD trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; chú trọng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ; chủ trì, tổ chức, triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua. Các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã tập trung các giải pháp huy động tốt các nguồn tiền nhàn rỗi trong nhân dân; triển khai thực hiện tốt các chương trình, các gói tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và các đối tượng chính sách.
Sau 17 năm nỗ lực và phấn đấu, quy mô và hoạt động của hệ thống chi nhánh các TCTD trên địa bàn tỉnh Lai Châu được củng cố, phát triển và lớn mạnh. Đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn đạt 16.427 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 15.483 tỷ đồng; tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt đạt 85,5% tổng thanh toán toàn tỉnh; nợ xấu nội bảng luôn đảm bảo ở ngưỡng an toàn dưới 3%; mạng lưới TCTD tăng gần 3 lần với 02 quỹ tín dụng nhân dân, 6 chi nhánh ngân hàng cấp tỉnh, 8 chi nhánh ngân hàng cấp huyện và 22 phòng giao dịch trực thuộc.
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng được các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn quan tâm và đẩy mạnh, lũy kế đến thời điểm 31/12/2020, toàn hệ thống đã hỗ trợ xây dựng trên 20 trường học và các công trình công cộng như nhà bia tưởng niệm, cầu treo, hệ thống nước sạch…, hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, xe cứu thương và hàng nghìn suất quà tặng các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị trên 250 tỷ đồng.
Vươn lên khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Với truyền thống đoàn kết, gắn bó và sự nỗ lực, phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ, hệ thống ngân hàng tỉnh Lai Châu đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trực tiếp là các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các thành phần kinh tế, các vùng kinh tế… Đến cuối năm 2020, nhiều chỉ tiêu phát triển của tỉnh Lai Châu đã đạt mức trung bình so với các tỉnh khác trong khu vực miền núi phía Bắc. Đặc biệt, giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế phát triển nhanh và khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,55%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2015; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015; giảm nghèo nhanh, bình quân 4,75%/năm, năm 2020 còn 16,49%, có 2 huyện được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020;...
Ghi nhận những đóng góp trong hoạt động, nhiều tập thể, cá nhân trong hệ thống ngân hàng Lai Châu đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý. Trong đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Lai Châu đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; được Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Lai Châu, Thống đốc NHNN tặng Cờ thi đua xuất sắc; được Thống đốc NHNN và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen;... và luôn là đơn vị dẫn đầu trong các khối thi đua của tỉnh, của Ngành.
Phát huy truyền thống, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế - xã hội
Từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng kiến sự bùng phát khủng khiếp của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt hoạt động của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với ngành Ngân hàng trên cả nước, hệ thống ngân hàng Lai Châu đã sớm triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề phát sinh trên thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay vốn như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí… để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN. Tính đến cuối năm 2020, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thực hiện hỗ trợ được 927 lượt khách hàng, với số dư nợ 2.402 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng.
Kế hoạch hoạt động ngân hàng giai đoạn 2020 - 2025, hệ thống ngân hàng Lai Châu phấn đấu đạt tỷ lệ tăng trưởng vốn huy động tại địa phương bình quân 6%/năm trở lên, tăng trưởng tín dụng khối ngân hàng thương mại bình quân từ 9%/năm trở lên, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2% so với tổng dư nợ.
Nhìn về tương lai, trong bối cảnh đất nước đã hội nhập sâu rộng, tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức tới sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng, mỗi cán bộ, công chức và người lao động sẽ tiếp tục trau dồi bản lĩnh, phát huy trí tuệ, tinh thần chủ động, sáng tạo, tính liên kết hệ thống để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đi đôi với việc đảm bảo an ninh, an toàn,… để tiếp tục góp phần đắc lực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới và phát triển hệ thống ngân hàng tỉnh Lai Châu vững mạnh, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Nguyễn Văn Luận
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lai Châu
Tạp chí Ngân hàng số 7/2021