Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp cùng các ban ngành hữu quan trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019.
Về mạng lưới hoạt động, hiện nay, Đà Nẵng có 58 chi nhánh tổ chức tín dụng và 248 phòng giao dịch và chi nhánh cấp II với sự đa dạng về loại hình hoạt động và hình thức pháp lý. Mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cơ bản được duy trì ổn định. Lãi suất huy động điều chỉnh tăng nhẹ ở các kỳ hạn trên 6 tháng, 12 tháng. Lãi suất cho vay trên địa bàn vẫn giữ ổn định dưới áp lực tăng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng. Đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 129.317 tỷ đồng, tăng 2,86% so với cuối năm 2018. Trong đó 27/56 tổ chức tín dụng có nguồn vốn huy động tăng so với cuối năm 2018. Huy động khối ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 58.588 tỷ đồng, chiếm 45,31% tổng huy động vốn, tăng 3,61%; huy động khối ngân hàng thương mại cổ phần liên doanh, nước ngoài, tổ chức tín dụng khác đạt 70.729 tỷ đồng, chiếm 54,69% tổng huy động vốn, tăng 2,25% với cuối năm 2018. Tiền gửi từ dân cư đạt 89.961 tỷ đồng, chiếm 69,57%, tăng 4,81% so với năm 2018, trong đó phát hành giấy tờ có giá đạt 2.506 tỷ đồng, tăng 19,15%; tiền gửi từ tổ chức kinh tế đạt 39.356 tỷ đồng chiếm 30,43%, giảm 1,35%. Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường huy động tiền gửi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày càng cạnh tranh, nhiều tổ chức tín dụng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn nhằm nỗ lực thu hút lượng tiền nhàn rỗi từ dân cư và tích cực thu hút qua kênh phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá.
Hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có mức tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2019. Dư nợ cho vay đến cuối tháng 6/2019 đạt 168.148 tỷ đồng, tăng 12,09% so với năm 2018. Tổng dư nợ tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cho vay ngắn hạn tăng 25,72%, cho vay trung dài hạn tăng 32,58%, cho vay bằng VND tăng 31,12%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,57%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được tập trung vào sản xuất kinh doanh, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng được kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung vốn cho nhu cầu thực của người dân và tổ chức kinh tế.
Về tình hình thực hiện các chương trình tín dụng. Đến cuối tháng 6/2019, tổng dư nợ cho vay đạt 11.168 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 7% tổng dư nợ trên địa bàn, nợ quá hạn phát sinh 451 tỷ đồng, chiếm 0,27%/tổng dư nợ. Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản với cam kết giải ngân là 120,39 tỷ đồng, doanh số cho vay là 118,34 tỷ đồng, tổng dư nợ là 111,15 tỷ đồng. Về chất lượng tín dụng, tính đến cuối tháng 6/2019, nợ quá hạn của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn 4.865 tỷ đồng, chiếm 2,89% trên tổng dư nợ. Trong thời gian qua, Ngân hàng Đà Nẵng cũng đã tích cực phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc thực thi Nghị quyết 42 để xử lý nợ xấu. Kết quả xử lý nợ xấu bằng hình thức khách hàng trả nợ chiếm tỷ lệ gần 50% tổng khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán. Điều này cho thấy, Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cũng đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai tích cực chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Tính đến tháng 6/2019, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cho vay khoảng 7.945 tỷ đồng trong chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp cho hơn 1.157 lượt doanh nghiệp. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã tài trợ, cam kết đầu tư tín dụng cho 8 dự án trên địa bàn với tổng dư nợ đạt 2.455 tỷ đồng. Chi nhánh đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của gần 70 doanh nghiệp trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng và chính quyền địa phương đã lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng Đà Nẵng được tiến hành thường xuyên, kịp thời theo đúng kế hoạch, qua đó đã đánh giá chính xác thực trạng tài chính, tình hình kinh doanh, việc chấp hành các quy định về tiền tệ, hoạt động ngân hàng…, và đưa ra những kiến nghị nhằm chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Nói về hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn trong năm 2019, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Đà Nẵng khẳng định, ngân hàng trên địa bàn sẽ tiếp tục bám sát định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng chi nhánh được Hội sở giao để kiểm soát tăng trưởng tín dụng; tập trung dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong khi tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Song song với đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp cũng như các đối tượng khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.■
CTV
Nguồn: TCNH Số 18/2019